Trang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

3375. HÒA BÌNH CHUNG SỐNG BIÊN NIÊN (tt 85)

  

CHÁNH SÁCH HÒA BÌNH CHUNG SỐNG.

Do Dân- Phục Vụ Dân- Lập Quyền Dân.

***

ĐỨC HỘ PHÁP TRẢ LỜI

Cuộc phỏng vấn Báo Hoà Bình Trung Lập ở Cao Miên.

Câu hỏi thứ nhất: Ngài nhận xét thế nào về chánh sách Hoà Bình Trung Lập ở Vương Quốc? Theo Ngài đường lối trung lập của Thái Tử đem lại lợi ích gì cho dân tộc Khmer? Và đường lối ấy ảnh hưởng thế nào đối với nhân dân Việt Nam và Đạo Cao Đài?


Trả lời:  Đạo Cao Đài là một tôn giáo tượng trưng cho tinh thần quốc gia của một dân tộc có phong tục, có văn hiến với một văn minh Khổng Giáo tối cổ. Lấy từ bi, bác ái làm nền tảng; Đạo đã hằng hy sinh, gian khổ để mưu cầu hạnh phúc cho loài người.

Trong buổi năng lực nguyên tử như ngày nay thảm hoạ chiến tranh lại càng ghê gớm thì việc chung sống hoà bình giữa các dân tộc lại càng cần thiết lắm. Vì cớ mà Bần Đạo đã đề xướng thuyết “Hoà Bình Chung Sống” đặng mong gây hoà bình hạnh phúc cho thiên hạ.

Đạo Cao Đài có tín ngưởng là cả loài người đều là anh em do Đức Thượng Đế tạo đoan thì không một ai nơi thế gian này có quyền lực xúi giục loài người vào chổ chết đặng thỏa mãn dục vọng làm bá chủ toàn cầu bằng võ lực. Nhân loại phải chung sống hoà bình cùng nhau mới gìn giữ được hạnh phúc.

Chánh sách Hoà Bình Trung Lập của Vương Quốc Cao Miên cũng xuất phát từ giáo lý nhà Phật đã không hẹn mà nên cùng Đạo Cao Đài gặp nhau trên lập trường nhơn đạo: Hoà Bình và Chung Sống.

Chánh sách Hoà Bình Trung Lập ấy dưới sự lãnh đạo anh minh của Thái Tử Norodom Sihanouk, đã đem lại cảnh thái bình thịnh vượng cho dân chúng Khmer, tạo hạnh phúc cho dân tộc, gây uy thế lớn lao cho Cao Miên cho toàn cõi năm châu. Vì cớ toàn thể tín đồ Cao Đài chơn thành ủng hộ và hoan nghinh những thành công của Thái Tử và dân tộc Khmer.

Chánh sách ấy còn ảnh hưởng tốt và sâu xa cho nền thống nhất nước Việt Nam và củng cố nền hoà bình ở Đông Dương và Đông Nam Á, làm cho hể ai là người Việt Nam thiết tha với Tổ Quốc với hoà bình thì không sao không mang ơn vị lãnh tụ đã đề xướng ra nó.

@@@

Câu hỏi thứ hai: Ngài cho biết về tình hình hành Đạo của tín đồ Cao Đài ở hai miền nước Việt Nam từ ngày hòa bình lập lại; nghĩa là từ khi Hiệp Định Génève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954?

Trả lời: Từ ngày hoà bình lập lại ở Việt Nam đến nay, ở Miền Bắc có lối 800 ngàn tín đồ được hành đạo dễ dàng, vì chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hưởng ứng thuyết “HÒA BÌNH CHUNG SỐNG” do Bần Đạo đề xướng. Thuyết này không phải ngược lại đường lối Tôn Giáo của họ.

Ở miền Nam chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà, do ngoại bang điều khiển, lại nghịch hẳn cùng lý thuyết này. Nên gần hai triệu tín đồ và nền Đạo phải trãi qua nhiều cơn khảo đảo có thể nói chưa từng có từ khi hoằng khai Đại Đạo đến nay. Toà Thánh Cao Đài bị chiếm, Chức Sắc Đại Thiên Phong cầm quyền của Đạo bị ràng buộc, Thánh Đường Tu Viện không còn là chổ trang nghiêm uy liệt như xưa. Đời sống của Đạo Hữu thật là khó khăn vô tận. Thậm chí 5 vị Chức Sắc của Đạo phải bỏ mình nơi khám đường, 500 Đạo Hửu bị tù đày.

@@@

Câu hỏi thứ ba: Tín đồ Đạo Cao Đài ở hai miền nước Việt Nam đã làm gì suốt bốn năm qua để thống nhất đất nước ?

Trả lời: Những Tín đồ Cao Đài ở miền Nam dầu phải khổ hạnh thế nào cũng theo đuổi chánh sách hoà bình thống nhất đất nước và họ luôn luôn tâm niệm câu thánh ngôn của Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông là “Ngày nào còn một lẽ bất công trên mặt thế là Đạo Cao Đài chưa thành Đạo”.

@@@

Câu hỏi thứ tư: Trong tình hình biến chuyển hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, Ngài nghĩ phải làm gì để thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hoà bình?

Trả lời: Hiện nay trên thế giới mặt trận dân tộc tự quyết thâu quyền dân tộc độc lập đã sôi nổi và phát triển mạnh mẽ không còn quyền lực nào ngăn cản lại được.

Trong nước thì toàn dân đều hưởng ứng thuyết thống nhất bằng phương pháp hoà bình. Cho nên chánh sách hoà giải Nam Bắc đặng thống nhất nước nhà và chủng tộc của Bần Đạo để hiệp thương Tổng Tuyển Cử y theo hiệp định Génève ký kết ngày 20-7-1954 đã định chắc chắn sẽ làm thỏa mãn nguyện vọng thiêng liêng của quần chúng hai miền. Vì không bên nào cưỡng ép bên nào, mổi miền đều giữ quyền tự trị của mình. Một chánh phủ Trung Ương duy nhất do toàn dân đề cử sẽ qui định hiến pháp chung.

Thuyết hoà giải dân tộc tuy gặp nhiều trở ngại, song ngoài nó ra không còn phương pháp nào để thống nhất đất nước và dân tộc. Điều kiện cần thiết để thuyết hoà giải dân tộc mau có kết quả theo Bần Đạo là hai miền phải hoàn toàn tự chủ. Miền Nam hiện nay có nhiều khó khăn nên cần có một chánh thể quốc gia dân chủ.

Nghĩa là: Quyền lợi của các tầng lớp nhân dân phải được chú trọng và cải thiện. Các tôn giáo phải được tự do hành đạo. Cần một chánh sách hoà bình trung lập trong việc bang giao với nước ngoài. Nghĩa là: không lệ thuộc ngoại bang, không lệ thuộc các khối quân sự. Sống chung hoà bình với tất cả các nước thật tình tôn trọng lãnh thổ quốc gia của mình. Như vậy mới mong giải quyết đặng các vấn đề đối nội đối ngoại.

@@@

Câu hỏi thứ năm: Xin Ngài cho biết cảm tưởng đối với bức công hàm ngày 22-12-1958 của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà gởi chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà? Trong trường hợp chánh phủ Việt Nam Công Hoà vẫn cự tuyệt những đề nghị nêu ra trong bức công hàm này, Ngài nghĩ thế nào?

Trả lời: Như đã nói trên vì nhơn đạo, bác ái công bằng của Giáo Lý Đạo Cao Đài, chớ không phải vì một nguyên tắc hay chủ nghĩa chánh trị nào mà thiên Nam hay theo Bắc. Bần Đạo từ thử đến giờ chủ xướng hai miền thi đua nhân nghĩa để tránh nạn nội chiến tương tàn cốt nhục và mau thống nhất tổ quốc dân tộc. Vì cớ đề nghị của bức công hàm ngày 22-12-1958 của Chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là một sáng kiến hay về mặt quân sự, thương mại, văn hoá và tình cảm nhằm giải quyết sự chia cắt đất nước tạm thời hiện nay và lấp bằng sự chia rẽ dân tộc chỉ có lợi cho ngoại bang. (1).

Xưa nay Chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà không trả lời những đề nghị của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Lần này Bần Đạo ước ao chánh phủ miền Nam nên nhân cơ hội này bàn bạc với chánh phủ miền Bắc để xem họ có dám thực thi lời tuyên bố của họ không, và cũng để rõ ai trắng ai đen, ai lệ thuộc? ai độc lập?

Yên lặng mãi Bần Đạo e quốc dân sẽ cho mình không đoái hoài đến ý nguyện của dân tộc, rằng mình không tự chủ.

Nhân dịp xuân về, Bần Đạo xin gởi cả tâm tình yêu ái vô đối cho các em trong cửa Đạo và ban phép lành cho toàn thể con cái Đức Chí Tôn y như bí pháp Ngài truyền dạy. Cầu xin Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu thường ngự tại tâm trí của mổi người.

Bần Đạo xin nhắc nhở các em là phải đeo đuổi để đạt cho kỳ được chân lý chính đáng của Đạo là:

“Muốn nên mình, trước hãy nên cho người, muốn tạo hạnh phúc cho mình, trước phải tạo hạnh phúc cho người”.

Bần Đạo cũng xin gởi đến Việt Kiều lời chúc mừng tân niên đầy hạnh phúc và đạo đời tương đắc./. (*).

@@@

CHÚ THÍCH.

(*)/- Bài nầy không thấy ghi ngày tháng. Nhưng căn cứ vào:

./-  Nội dung có đề cập đến công hàm ngày 22-12-1958.

./- Kết hợp với LỜI CHÚC TÂN NIÊN thì Bài Phỏng Vấn nầy thực hiện vào Tân niên năm Kỷ Hợi (1959).

(1)/- Công hàm ngày 22-12-1958 có liên quan đến việc chính quyền cộng sản tố cáo chính phủ Ngô Đình Diệm thủ tiêu hơn 1.000 (một ngàn) tù nhân ở trại giam Phú Lợi (Bình Dương). Ông Giáo Hữu Ngọc Ngọ Thanh bị giam 17 tháng ở đó... ông biết vụ thủ tiêu nầy và Đức Hộ Pháp có đề cập đến trong Thánh Thư số 28 ngày 19-04-1959.

@@@