Trang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

3350. HÒA BÌNH CHUNG SỐNG BIÊN NIÊN (tt 60)

 Hễ độ các chơn hồn xong thì mổi đêm phải tụng Di Lạc Chơn Kinh rồi mượn chơn linh em Chọn mời các chơn hồn về nghe kinh đặng hưởng quyền tự giác, tự siêu độ. Mấy em nói lại với Kỵ rằng vấn đề của nó làm càn mà lại trúng mới kỳ dị. Chắc là các Đấng Thiêng Liêng có giáng tâm cho nó nên mới làm trúng như thế đó. Biểu nó tiếp tục làm y như tự thử đến giờ.


 

HỘ PHÁP ĐƯỜNG.

VĂN PHÒNG

Số 07/HP.HN.

     CHÁNH SÁCH HÒA BÌNH CHUNG SỐNG.

    Do Dân- Phục Vụ Dân- Lập Quyền Dân.

***

 

Gởi cho mấy em trung ương HBGH.

Qua có đặng phúc sự 12/GHTƯ và tờ ủy nhiệm của Phạm Thị Văn số 9/GHTƯ có kèm theo bức thư của Võ Văn Kỵ và bài thánh giáo của Phối Thánh Phạm Văn Màng. Nhưng khi đến Kiêm Biên nghe ra thì Phạm Thị Văn  đã bị bắt giam giữ trong vài tiếng đồng hồ vì giấy tờ không hợp pháp nên đặng trở lại Tòa Thánh rồi giao giấy tờ ấy cho một người bà con tức là con của bà GS Hương Cúc đưa lại cho Qua. Đứa nhỏ đưa giấy tờ nầy lên phải cuốn dấu, nên trong 19 tờ Ủy Nhiệm Thư của mấy em gởi cho Qua để phê kiến có một tờ hư rách. Qua cho đánh máy lại Qua đã ký sẳn và gởi luôn theo đây trả lại cho mấy em đặng phát lại cho các em đảm nhiệm phận sự.

Trong bản phúc sự mấy em cho Qua biết rằng số tiền 57.000$ của Ái Thiện giữ mấy em đã lấy lại rồi.

Còn vụ liên lạc viên Lê Thành Đấu đã nói với Qua thế nào nay lại trở nói khác lại, nên mấy em nghi mà thay cho Phạm Thị Văn đi liên lạc với Qua. Xin mấy em không nên coi là trọng hệ, nhứt là vụ giấy tờ của Qua đã gởi bị khán trước là điều thường sự, bởi liên lạc viên phải mở ra tìm phương dấu đúc nên bị bào nhào hư rách hết. Cả những giấy tờ của mấy em bên HBCS gởi đến Qua cũng bị tình trạng ấy.

Về vụ ông Bảo Đạo bên HBCS cũng có cho Qua hay và Qua đã trả lời cho họ hiểu sự thật rồi. Nếu hôm nay Qua phải điều đình trực tiếp với mấy em thì cũng vì lý lẽ khác, còn sự loan tin thất thiệt ấy là mưu mẹo của chính quyền Ngô Đình Diệm toan hạ uy tín của Người mấy em nên để ý điều đó.

Những người di cư Bắc Việt mà hưởng ứng theo mấy em là điều dĩ nhiên phải vậy. Nếu họ nhát nhúa không dám hoạt động vì sự khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm thì tương lai thế nào cũng  buộc họ phải đi đường lối ấy. Bởi vì là đường lối duy nhất của họ, mở ra cũng vì họ thì họ không thể còn đường lối nào khác nữa đặng thỏa mãn đem họ trở về phía Bắc là nơi chôn nhao cắt rốn của họ. Chính mình Qua ngày giờ nào không thể đem họ trở về quê của họ thì Qua tự nguyện lưu đày nơi hãi ngoại đặng chung chịu khổ cùng họ.

Qua đã tuyên ngôn rõ rệt điều ấy là: ngày giờ nào những người di cư vào Nam mà không trở về Bắc với quyền tự do sở hữu của mình và người ở Nam tập kết ra Bắc không trở về xứ sở của họ thì Qua nhứt định tự đồ lưu hãi ngoại chớ không trở về nước.

Qua lấy làm cám ơn mấy em cho Qua biết Giáo Hội số 7 ở Bình Định (Quận Hoài Ân) không bị bắt chi hết, chỉ có 08 người bị bắt mà thôi mà mấy em đã cho Qua biết danh sách của họ. Sự phúc sự hiểu lầm của mấy em không chi là trọng hệ. Mấy em an tâm điều ấy.

Qua ký 18 tờ ủy nhiệm thư và bản thông qui danh sách đặng giao hồi cho mấy em phân phát cho họ. Không có người trở lại liên lạc cùng mấy em vì Thị Văn đã trở về dưới nên Qua sai cô của nó là GS Hương Cúc về Soairiêng để chuyển giao tờ giấy lại cho mấy em. Như mấy em có tính gởi số tiền 40.000$ lên cho Qua thì mấy em nên lập tức đem lên giao cho GS Hương Cúc, giao cho nó đem về trao lại cho Qua. Số tiền còn lại là 18.435$ mấy em định để cấp tế mấy em cứ thi hành nếu đủ thì thôi, bằng không thì lấy bớt số tiền ấy lại.

Mấy em nói rõ với Võ Văn Kỵ biểu nó tiếp tục độ mấy chơn hồn đã lỡ bước không ngộ đạo trong kỳ ân xá của Đức Chí Tôn, nay về nơi cõi thiêng liêng nên cậy nhờ tay của nó độ rỗi các chơn hồn ấy. Vậy mỗi chơn hồn nó độ dẫn rồi thì phải kêu em Chọn về hỏi lại cho rõ đặng hiểu họ nhập môn đủ lễ chưa? Nếu có thiếu sót thì cậy em Chọn chỉ bảo dùm sửa đương lại. Mọi sự chi đến người cốt tình cờ nói bậy nói bạ thì hồn ma bóng quế quấy nhiễu là thường sự. Từ trước đến giờ vẫn vậy, ta phải sáng suốt và nghe kỷ lưỡng từ lời ăn tiếng nói đặng tìm sự thật và bỏ ra ngoài sự lãng mạn của nó.

Hễ độ các chơn hồn xong thì mổi đêm phải tụng Di Lạc Chơn Kinh rồi mượn chơn linh em Chọn mời các chơn hồn về nghe kinh đặng hưởng quyền tự giác, tự siêu độ. Mấy em nói lại với Kỵ rằng vấn đề của nó làm càn mà lại trúng mới kỳ dị. Chắc là các Đấng Thiêng Liêng có giáng tâm cho nó nên mới làm trúng như thế đó. Biểu nó tiếp tục làm y như tự thử đến giờ.

Còn vụ lập Anh Linh Miếu (1) thì biểu Kỵ đợi Qua về sẽ làm.

Trước khi dứt lời  Qua cầu xin Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban đủ huyền diệu pháp cho mấy em để thi hành phận sự và Qua ban phép lành cho mấy em./.

Kiêm Biên ngày 12-12-Đinh Dậu.

(31-1-1958).

Hộ Pháp.

(Ấn Ký).

&&&

 

(1)/- CHÚ THÍCH.

Là người biên niên chúng tôi phải đọc và đánh vi tính nhiều văn bản... nhờ vậy nhận thấy có một số văn bản của Đức Hộ Pháp liên quan đến ông Võ Văn Kỵ xin ghi lại để giúp quí vị tiện theo dõi qua chú thích.

Chú thích có 03 phần: Đối chiếu thời gian 04 văn bản. Anh Linh Miếu xưa và nay. Liên Quan đến Ngài Võ Văn Đợi.

PHẦN MỘT.

“Đối chiếu thời gian 04 văn bản”.

Anh Linh Miếu để thờ các chơn linh nhập môn sau khi đã bỏ xác phàm. Đó là những chơn hồn đã lỡ bước không ngộ đạo trong kỳ ân xá,  nay nhập môn để hưởng hồng ân của Đại Từ Phụ.

***: Văn bản số 06 ngày 29-11-Đinh Dậu (18-01-1958) không có chi tiết nào về Anh Linh Miếu.

./-  Theo văn bản số 07 ngày 12-12- Đinh Dậu (31-01-1958) ĐHP dạy: Còn vụ lập Anh Linh Miếu thì biểu Kỵ đợi Qua về sẽ làm.

./- Văn bản số 09 ngày 18-12-Đinh Dậu (06-02-1958) ĐHP viết:

...Mấy em cũng cho qua biết rằng mấy em đã chuyển lời chỉ giáo của Qua cho Kỵ (Ban Đạo Núi) nhưng nó đã vâng lệnh Phối Thánh Màng nên đã cất Anh Linh Miếu để thờ chơn linh các vị nhập môn. Nó đã khánh thành hôm rằm tháng chạp có chèo thuyền do phép Cao Tiếp Đạo cho.

*: Đối chiếu thời gian ta thấy ngày 15-12-Đinh Dậu khánh thành Anh Linh Miếu. Ngày 18-12- Đinh Dậu Đức Hộ Pháp được tin và trả lời (trong 03 ngày) như vậy năm 1958 mà thông tin liên lạc rất tốt và nhanh.

Nội dung 02 văn bản cho thấy Ông Kỵ dùng cơ bút học hỏi với Phối Thánh Màng rồi làm Anh Linh Miếu. Điều ghi nhận ở đây là Ngài Phối Thánh trong cơ bút trên đây lại dạy làm Anh Linh Miếu trái với dự tính (chờ ĐHP về hẳn làm). Đây là một điều rất hiếm thấy vì khi đắc phẩm Ngài Phối Thánh vẫn gọi Đức Hộ Pháp là Sư Phụ.

Nhưng việc lập Anh Linh Miếu được Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng cho phép. Mà Ngài Cao Tiếp Đạo được Đức Chí Tôn ban cho dây sắc lịnh. Quyền năng dây sắc lịnh cho phép (theo PCT chú giải) thì chỉ có Hội Thánh mới có quyền phán quyết đúng hay sai. Vậy nên chúng ta cũng nên chờ sau nầy Hội Thánh định lẽ nào về Anh Linh Miếu...

  ./- Văn bản số 26 ngày 28-12-Mậu Tuất Đức Hộ Pháp rầy ông Kỵ về việc dùng cơ bút học hỏi riêng rất nặng...

./- Văn bản số 29 ngày 13-3-Kỷ Hợi cho thấy ông Kỵ bị Đấng Thiêng về cơ rầy (ĐHP không viết rõ Đấng Thiêng nào rầy). Chính ĐHP cũng rầy ông Kỵ rất nặng và cấm tuyệt ông Kỵ dùng cơ bút học hỏi riêng.

Qua đây xin nhắc các Thánh Lịnh Đức Hộ Pháp dạy về cơ bút:

. Chỉ nhìn nhận cơ bút tại Cung Đạo.

. Cơ bút phải do Thập Nhị Thời Quân cầm.

. Cơ bút được tự do học hỏi nhưng không được truyền bá. Nó có thể giúp người đạo lập công mà cũng có thể gây ra sai phạm.... 

PHẦN HAI.

“Anh Linh Miếu xưa và nay”

Đức Hộ Pháp dạy về Anh Linh Miếu: ĐỢI QUA VỀ SẼ LẬP. Nhưng các vị ở Vạn Pháp Cung đã lập Anh Linh Miếu mà không đợi...

a/- Anh Linh Miếu xưa.

Anh Linh Miếu khi xưa được lập trên đất của sở chánh Vạn Pháp Cung, ở cạnh con suối dưới chân Núi Bà. Lễ Khánh Thành tổ chức ngày 15-12- Đinh Dậu (1959), có chèo thuyền... được Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng cho phép. Sau 30-4-1975 Công Ty Du Lịch Tây Ninh lấy số đất có Anh Linh Miếu làm Bến Xe Khách ở chân Núi Bà ngày nay. Nên Anh Linh Miếu bị dẹp một thời gian.

b/- Anh Linh Miếu ngày nay.

Đến thập niên 90 của thế kỷ 20 một số vị chức sắc Hiệp Thiên Đài hiệp với một số vị ở Vạn Pháp Cung tái lập Anh Linh Miếu trên phần đất còn lại của sở chánh Vạn Pháp Cung ở vị trí hiện nay.

Ngày nay đường đi đến Anh Linh Miếu như sau:

Đi theo đường lên Núi Bà khi gần đến chân núi bên tay trái có Nghĩa Trang Liệt Sĩ Huyện Hòa Thành (lấy đất sở chánh Vạn Pháp Cung lập ra). Vừa hết Nghĩa Trang Liệt Sĩ có con đường rồi mới tới Bến Xe Khách Núi Bà. Đi theo con đường giữa Nghĩa Trang và Bến Xe Khách là đến phần đất còn lại của sở chánh Vạn Pháp Cung.

Đất còn lại của sở chánh Vạn Pháp Cung có nơi thờ Đức Chí Tôn và bên tay phải (tính từ đường vào) có nơi thờ Đức Phật Mẫu.

Đi theo con đường giáp ranh phía sau bến xe khách Núi Bà thì đến Anh Linh Miếu.

Mặt tiền quay ra hàng rào bến xe khách.

Mặt hậu của Anh Linh Miếu có đường đi đến Hang Gạo trên núi Bà (đi bình thường khoản 15 phút). (i).

Từ Hang Gạo đi về bên phải khoản 15 phút thì đến Hàm Rồng. Tiếp tục đi khoản 15 phút nữa là đến vị trí khi xưa Đức Hộ Pháp chọn để xây dựng Vạn Pháp Cung. Từ đó đi tiếp khoản 20 phút nữa là đến Chùa Bà.

Đức Hộ Pháp đi tìm vị trí xây Vạn Pháp Cung khi đến Hang Gạo có mắc võng nghĩ trưa nơi đó.

PHẦN BA.

“Liên quan đến Ngài Võ Văn Đợi”

Ngài Võ Văn Đợi là nhân sự công quả bên Phước Thiện...Ngài là người tận tụy với Đạo... (Rất đáng kính trọng). Còn con đường công quả của Ngài vẫn có nhiều nghị luận... chúng tôi thật tình không dám lạm bàn chỉ trình ra vài văn bản liên quan.

Lời phê của Đức Hộ Pháp về ông Võ Văn Đợi...

./- Tờ Xin Tội và Lời Phê khi bệnh:

Chùa Cao Đài, ngày 22 tháng 4 năm Đinh Hợi.

TỜ XIN TỘI

Cúi bạch Sư Phụ,

Con là Võ Văn Đợi, 50 tuổi, cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội giùm con. Kể từ ngày con hiến thân làm đạo đến nay tính 17 năm có lẻ. Đến nay con đau nặng, không thể mạnh được, mà lại gần rốt kiếp sống rồi.

Nên nay con cúi đầu trăm lạy Sư Phụ xá tội cãi thầy, cãi bạn của con.

Xin Sư Phụ xá tội cho con.

Cúi bạch.

Võ Văn Đợi 

(ký tên)

LỜI PHÊ ĐỨC HỘ PHÁP:

Làm Thầy như ai thì khác còn Qua đây vẫn khác.

Với Qua, Thầy chỉ biết thương trò, tha thứ là phận Thầy.

Em chẳng vì Đời mà phạm, nếu có phạm là vì Đạo mà chẳng rõ mầu nhiệm của Thầy. Em về trước rồi mấy Qua cũng lục thục về sau.

Chúng ta sẽ hội hiệp vĩnh viễn nơi cõi hư linh là quê hương thiệt. Thầy trò sẽ thiệt. Cảnh nầy chẳng phải của chúng ta vì nó là cảnh dành để cho kiếp trái oan khiên. Em an lòng.

Thầy chỉ thầm khen em chớ chưa biết em đã có tội gì hết.                                                                                                                              

                             Ngày 22-4- Đinh Hợi (10-5-1947)                                                                                                                                   

                                         HỘ PHÁP  (Ấn Ký).                                  ./- Đức Hộ Pháp phục chức Giáo Thiện cho Ngài Võ Văn Đợi.

Thánh lịnh số 58/TL đề ngày 23-4-Đinh Hợi (dl 11-5-1947): 

"Cho phục phẩm Giáo Thiện (Phước Thiện) kể từ ngày 22-4-Đinh Hợi, vị Đạo hữu Võ Văn Đợi 50 tuổi, khi còn tại thế ở làng Gia Lộc (Tây Ninh). Lễ cất táng người được dùng theo hàng Giáo Thiện và linh vị được đem vào Báo Ân Từ."

./- Lời phê sau khi mất.

Tờ đề ngày 3-11- Canh Dần.

Của Nguyễn Văn Thế và 16 vị nữa đồng đứng dâng công quả của mấy vị ấy để chuộc tội cho Ông Võ Văn Đợi là Sư huynh của họ ở Đạo Núi.

LỜI PHÊ ĐỨC HỘ PHÁP:

Đợi bị phế vị là do nó dám chối Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng.

Ngày nay theo thiên điều thì nó phải tái kiếp mà hành đạo lại.

Nếu nó đặng ở Thanh Tịnh Đại Hải mà tu hành nơi cõi hư linh cũng là may phước cho nó.

Còn quyền thiêng liêng thưởng phạt là do nơi quyền Ngọc Hư Cung có phải của Bần Đạo đâu mà xin Bần Đạo.

Còn dâng công quả cho Đợi chỉ có vợ con Đợi mới đặng; còn mấy em ai thèm đâu mà dâng.                                                                                                                                    

                                              HỘ PHÁP (Ấn Ký)                                                                                                                                 

  ./- Lời phê về việc xin thiêu xác.

Tờ đề ngày 25-01-Ất Mùi (17-2-1955).

Của Đạo Nhơn Út cầu xin thỉnh giáo về việc thiêu xác của Võ Văn Đợi vào ngày nào làm tháp kiểu nào?

            LỜI PHÊ ĐỨC HỘ PHÁP:

HỘ PHÁP ĐƯỜNG .

 Số 588/VP.HP                              

         Đợi khi thiêu xác của:

   - Ngài Khai Pháp.

  - Chánh Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh sẽ làm một lượt                                                                                                                         

                            Ngày 22-2- Ất Mùi                                                                                                                                   

                                   HỘ PHÁP                                                                                                                                     

                                      (Ấn Ký)

NGƯỜI SOẠN BIÊN NIÊN XIN LƯU Ý:

. Tờ Thỉnh Giáo có đề cập đến việc xây tháp thờ kiểu nào?

. Phần trả lời Đức Hộ Pháp không đề cập đến việc xây tháp kiểu nào và ở đâu. Như vậy nếu hiểu rằng Đức Hộ Pháp cho phép xây tháp thờ thì thiễn nghĩ là không đúng với lời phê.

Bởi vì nếu cho phép xây tháp thì Ngài sẽ nói rõ kiểu và vị trí.

Đối chiếu lời dạy của Đức Chí Tôn khi dạy xây tháp Ngài Ca Bảo Đạo và Cao Thượng Phẩm chúng ta thấy Thầy dạy việc xây tháp thì phải căn cứ vào phẩm tước rất chi ly...

Còn về pháp lý tôn giáo (Quan Hôn Tang Tế) thì chỉ có những phẩm được liệm bằng Liên Đài và hành tang lễ tại Cửu Trùng Thiên mới được xây tháp. Cụ thể bên Cửu Trùng Đài từ phẩm Đầu Sư trở lên và Hiệp Thiên Đài từ phẩm Thập Nhị Thời Quân trở lên.

Trong tương lai không biết thiêng liêng có chỉ dạy điều chi mới hay không còn như với hiện trạng pháp lý của ĐĐTKPĐ (cho đến ngày Hội Thánh giải thể hành chánh tôn giáo 1979) thì không dạy về việc xây tháp cho các vị tu chơn....

@@@

 

%%%: SƠ SÓT HAY THIÊN Ý?

Theo lời phê của ĐHP thì xác của 03 vị nầy sẽ thiêu một lượt.

Nhưng khi Hội Thánh tổ chức lễ thiêu xác Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh (sau ngày 30-4-1975) thì không có thiêu xác Ngài Khai Pháp và xác Ngài Võ Văn Đợi. Chẳng biết vì sao các vị ở Vạn Pháp Cung không đem lời phê của Đức Hộ Pháp ra xin thi hành. Đó là một sự thật.

Do vậy ngày 18-4-Tân Dậu (21-5-1981) Ngài Phó Ban Cai Quản tu chơn Võ Văn Danh có làm TỜ THỈNH GIÁO VỚI SƯ THÚC HỒ BẢO ĐẠO QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI về việc ngày kỷ niệm của Ngài Võ Văn Đợi hành lễ theo hàng phẩm nào:

Phẩm Thần, Phẩm Thánh hay Phẩm Trọn Lành (Tiên Vị)?

@@@

Ngài Bảo Đạo có bút phê nguyên văn như sau:

Mấy Em ở Vạn Pháp Cung.

1/- Về việc thiêu xác Ngài Khai Pháp không rõ phần huyền linh vô vi định lẽ nào mà khi Hội Thánh định thiêu xác Ngài Thái Đầu Sư lại quên hẳn việc thiêu xác Ngài Khai Pháp một lược.

Có lẽ khiến vậy để chờ ngày thánh hài Đức Hộ Pháp được thiêu sẽ thiêu luôn thánh xác của Ngài Khai Pháp và vị Ân Sư của mấy em.

2/- Về phần Lễ Kỷ Niệm tới đây của vị Ân Sư của mấy em (22-4) thì Qua không có ý kiến gì khác hơn là thuở nay làm sao thì nay cũng làm vậy. Vì buổi nầy là buổi khó khăn, nếu sửa đổi chẳng may có xãy ra sự việc không hay thì không sao tránh khỏi điều chỉ trích.

Nói về mặt pháp lý thì bên tu chơn không có thọ phẩm tước của Hội Thánh tức là của Chí Tôn. Vì Hội Thánh là hình thể của Chí Tôn tại thế. Về phần công lao của mấy em về mặt Thế mà trái lại công lao đó để Thế công nhận tức là Thế Tôn.

Một khi cả nhơn sanh tức là mặt Thế công nhận như Đức Phật Thích Ca thì phần thiêng liêng Đức Chí Tôn cũng công nhận.

Tòa Thánh ngày 18-02-Tân Dậu. (22-5-1981).

Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa.

(Ấn Ký).

@@@

Trong TỜ XIN THỈNH GIÁO năm 1981 có 02 khoản cần lưu ý:

. Các vị viết Ngài Võ Văn Đợi là Đệ Nhứt Cố Chưởng Quản Ban Tu Chơn. Không biết danh xưng nầy từ đâu mà có?

. Theo TỜ THỈNH GIÁO (1981) thì Ngài Võ Linh Đoán được thiêu xác và xây tháp thờ....

. Nhưng đối chiếu với lời phê chúng ta thấy trong lời phê không có khoản nào Đức Hộ Pháp dạy xây tháp thờ.

&&&

CHÚ THÍCH TRONG CHÚ THÍCH.

 (i)/- Sao gọi đó là Hang Gạo? Khi Chúa Nguyễn Ánh còn đánh nhau với nhà Tây Sơn thì có lên vùng đất Tây Ninh đóng binh. Từ sông Vàm Cỏ Đông nhà Chúa đi theo Rạch Tây Ninh đến vùng Lâm Vồ. Lâm Vồ là một ngã ba cách Tỉnh Lỵ Tây Ninh ngày nay khoản 04 Km (về hướng Bắc).

[ Trước ngày 30-4-1975 muốn đi Lâm Vồ thì tại đầu Cầu Quan (Cầu Tây Ninh) có con đường đi lên ngã ba Lâm Vồ. Sau 30-4-1975 chánh phủ mới mở con đường lớn 30-4- đi ngã ba Lâm Vồ]

Từ Lâm Vồ nhà Chúa đến Núi Bà tìm thấy một hang động kín đáo nên nhà Chúa mới trú ngụ và đem gạo chứa trong Hang. Danh từ Hang Gạo có từ đó. Theo sử sách ghi lại thì thời gian nầy Chúa Nguyễn Ánh được bà Lý Thị Thiên Hương báo mộng là sẽ khôi phục cơ nghiệp của tổ tiên. Nên sau khi thắng được vua Quang Toản (con vua Quang Trung) lên ngôi Hoàng Đế năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long. Đặt tên nước là Nam Việt. Trong thời gian trị vì vua Gia Long đã có sắc phong bà Lý Thị Thiên Hương là Linh Sơn Thánh Mẫu.

i.1./- Vua Gia Long cử đại thần Lê Quang Định làm chánh sứ sang dâng biểu xưng thần với vua Nhân Tông nhà Thanh. Vua Nhân Tông nhà Thanh nghị rằng tên Nam Việt trùng tên nước Việt thời Triệu Đà (bao gồm cả Quảng Đông Quảng Tây “ hay Đông Việt và Tây Việt” nên đổi tên lại là Việt Nam- Nhà Thanh sợ người Việt dùng tên Nam Việt rồi đòi lại Lưỡng Quảng).

Quốc hiệu Việt Nam là do nhà Thanh bên Tàu đặt cho chớ không phải xuất phát từ ý muốn của một triều đại nào ở nước ta hết. (Còn chữ Việt Nam có xuất hiện sớm hơn cũng không phải là quốc hiệu. Một số người đang chứng minh rằng quốc hiệu Việt Nam từng có trước kia... nhưng theo chúng tôi là vô vọng vì nó chẳng hề có).

Quốc hiệu Việt Nam do nhà Thanh ban cho nên nhân khi nhà thanh suy yếu vua Minh Mạng mới đổi tên nước ta thành ĐẠI NAM. Khi người Pháp xâm chiếm nước ta thì quốc hiệu đang là ĐẠI NAM.

Khi Đức Chí Tôn đến giáo đạo Nam Phương và hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Thầy có dạy vào tháng 7 năm 1927:

... Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập đạo tại ĐẠI NAM VIỆT QUỐC....

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q1. Trang 111 dòng 14. Bản in 1973).

Ông Hồ Chí Minh năm 1945 lấy lại quốc hiệu Việt Nam là quốc hiệu mà vua Minh Mạng đã từ bỏ. Một quốc gia tự cho rằng mình có văn hiến 4000 năm có nên dùng quốc hiệu do một nước lớn ở kế cạnh mình ban cho không? Theo chúng tôi là không.

Tại sao không?

Bởi bao nhiêu thế hệ tổ tiên ta đã tốn biết bao xương máu, biết bao nhiêu gian khó để giử vững cơ đồ Việt Tộc. Dù nước Việt rất nhỏ so với Tàu (về dân số và diện tích) nhưng tinh thần độc lập rất cao (mới không bị thôn tính sau 1000 năm nô lệ giặc Tàu và 80 năm đô hộ giặc Tây) thì không lý gì chúng ta nhận quốc hiệu do ngoại bang áp đặc.

Vậy dùng tên gì?

Đức Chí Tôn đã có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập đạo tại ĐẠI NAM VIỆT QUỐC. Vậy thì quốc hiệu ĐẠI NAM VIỆT QUỐC đã có bộ sổ ở thiên đình cứ lấy đó mà xài là hay hơn hết.

i.2/- Chúa Nguyễn Ánh khi đến Tây Ninh còn để lại mấy di tích:

./-  Bến Tầm Long.

Tương truyền rằng khi Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy đến từ miền Tây theo sông Vàm Cỏ Đông để lên Tây Ninh.

Khi lên đến một bến sông nhà Chúa bị lạc quần thần đi tìm nên đặc tên là  Tầm Long (Tìm Chúa).

Bến Tầm Long cách thị xã Tây Ninh khoản 10 km (về hướng Tây). Đi từ Thị Xã theo đường Liên Tỉnh Lộ 13 về phía biên giới Campuchia đi khoản 07 km thì đến ngã tư Huyện Châu Thành. Đi thẳng thêm 03 km nữa là đến Bến Tầm Long trên sông Vàm Cỏ Đông.

Tại Bến Tầm Long nhìn qua bên kia sông Vàm Cỏ Đông chếch về tay trái một chút hơn 01km có một gò đất cao tên Gò Tháp. Tương truyền vị anh hùng dân tộc Trương Công Định nổi lên chống giặc Pháp có liên kết với lực lượng Campuchia do ông Pucampo làm đầu đóng ở đó.

(Liên Tỉnh Lộ 13 còn gọi Con Đường Sứ vì khi xưa sứ thần Cao Miên, Thái Lan đến triều đình Huế đi bằng con đường nầy “không biết ngày nay có đổi tên đường hay không còn xưa là vậy...”)

Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Mimot (Campuchia) chạy qua Xã Biên Giới, Hòa Hiệp, Hòa Hội... thuộc huyện Châu Thành Tây Ninh rồi qua rồi qua các huyện Bến Cầu Hòa Thành Gò DầuTrảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh). Sau đó đi vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây (ở Tân Trụ cũng thuộc Long An) tạo nên sông Vàm Cỏ rồi chảy ra biển Đông bằng cửa Xoài Rạp. Từ Sài Gòn đi trên quốc lộ 01 về miền Tây thì đi qua sông Vàm Cỏ Đông bằng cầu Bến Lức. Đi qua sông Vàm Cỏ Tây bằng cầu Tân An.

Sông Vàm Cỏ Đông có một số chi lưu trong đó có sông Nhật Tảo. (Người anh hùng Nguyễn Trung Trực đánh và đốt tàu Espérance “Hy Vọng” của giặc Pháp tại Vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An ngày 10-12-1861.

Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã ca ngợi chiến công oanh liệt của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ bất hủ: 

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa;

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần)

Thời nhà Nguyễn, Vàm Cỏ Đông tên là sông Quang Hóa

./- Trái Mừng Quân.

Nhà Chúa Nguyễn Ánh đi lạc và đói... gặp được loại cây không cao lắm, có trái lớn hơn ngón tay cái một chút, vỏ có màu nâu rất bắt mắt, bên trong màu hồng mọng nước, trái cây hơi chát nhưng vò mềm thì có vị ngọt... trong cơn thắt ngặt nhà Chúa dùng qua bữa...thấy rất ngon... quần thần đặc tên Mừng Quân. Trái cây thì hẳn nhiên có trước khi nhà Chúa đến; chẳng rõ trước kia gọi là gì nhưng từ khi nhà Chúa dùng thì có tên mới rất đẹp. Mừng Quân là CHÚA MỪNG hay MỪNG CHÚA?

Theo chúng tôi hiểu từ thực tế thì trái cây vốn đã có từ xưa ai dùng cũng vậy, nó vốn vô tư chẳng phải thấy Chúa dùng mà mừng; thấy người bình dân, nghèo khó dùng mà buồn... Dù rằng thảo mộc vẫn có hồn nhưng cảm nhận về sự vui buồn của thảo mộc hồn còn chưa biểu lộ rõ nét về sợ hãi hay mừng vui nên Thầy mới cho phép người ăn chay dùng. Chớ nếu cái hồn của nó lớn và rõ như thú cầm hồn, biết biểu lộ tình cảm (như sợ hãi nên kêu gào khi bị giết) thì Thầy đã cấm người ăn chay dùng.

Tóm lại theo chúng tôi hiểu MỪNG QUÂN: Nhà Chúa đói bụng gặp trái cây ngon ăn vào đở đói thì mừng.

Miên man lý sự đã nhiều... hao giấy, tốn thời gian sợ có người phiền; vậy kính xin dứt chú thích nầy.

@@@

TNHT Q2.

Thông biết thế thời mới gọi thông,
Thông minh học đạo vẹn trau lòng.
Lòng trần dầu muốn phong-ba dứt,
Độ chúng tu nhơn chí nả-nong.