Trang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

3359. HÒA BÌNH CHUNG SỐNG BIÊN NIÊN (tt 69)

 

Sau khi Trung Tá Thoại đi làm phận sự ấy thì chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam giử đến nay chưa trả lại tự do nên Qua cho rằng việc làm của nó rất nguy hiểm

 

HỘ PHÁP ĐƯỜNG.

VĂN PHÒNG

Số:    /HP.HN.

       CHÁNH SÁCH HÒA BÌNH CHUNG SỐNG.

    Do Dân- Phục Vụ Dân- Lập Quyền Dân.

***

 

Gởi cho mấy em trong HBGH  Trung Ương.

Qua có đặng tờ phúc số 31/GHTƯ ngày 13. 3. Mậu Tuất cho Qua biết mọi tình hình biến thiên của chánh quyền Ngô Đình Diệm và hành tàng của chức sắc thiên phong Hiệp Thiên Đài đã cầm quyền nơi Tòa Thánh thế nào. Mấy em lại cho Qua biết rằng, đã đem bằng chứng và thơ từ của Qua đặng đọc cho cô Tám nghe hiểu mọi sự quyết định của Qua trước khi Qua trở về Tòa Thánh.

Qua trích lục mấy khoản dưới đây của mấy em hỏi:

1/- Về số tiền 2.110$00 của Thiện Mỹ định gởi cho Qua nhưng đã xài chung cho HBGH thì chúng ta nên kể số tiền ấy đã xài rồi. Như vậy mấy em không cần nghĩ gì tới số tiền đó nữa.

Mấy em nên cho Minh Ánh Trưởng Ban Bảo Trợ miền Trung HBGH biết rằng Qua để lời cám ơn về số quần áo và khăn mà hai vợ chồng đã hiến giúp cho mấy em trong HBGH.

2/- Về khoản bán đất nơi vùng cực lạc của Thái Đầu Sư Nguyễn Ngọc Thơ đã để lại.

Mấy em nhớ rõ rằng khi Thánh Địa mới phôi thai, thì sở đất rừng ấy ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh và Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh nói rằng mua đất cốt để mở rộng Thánh Địa. Để cho toàn con cái của Đạo đến lập nghiệp; đặng bổn đạo mở mang khai khẩn để lập nghiệp cho mổi gia đình. Chính Qua cũng tin bằng lời nên để cho mấy em đến khai cơ lập nghiệp. Trước kia nơi ấy là rừng hoang mà họ đã khai khẩn thì họ cũng như Qua đều cho rằng đất ấy thuộc về Hội Thánh, tức là của tư của họ khi khai phá Thánh Địa.

Vậy mà hôm nay buộc họ phải mua lại thì sự bất mãn của họ là dĩ nhiên. Tuy họ không nói ra, nhưng họ cho là công khai phá của họ như khai phá đất hoang họ có quyền vi chủ. Vậy mà gia đình của ông Đầu Sư Thơ và Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh lại bán lại đặng lấy tiền sau 30 năm khai khẩn và lập nghiệp của họ thì thế nào họ chịu nghe lời Hội Thánh để cho cho con cái của hai người ấy bán đặng lấy tiền. Nên họ lần lựa hẹn qua ngày chờ đến khi Qua trở về Tòa Thánh sẽ giải quyết.

Hội Thánh lại chia phần tiền ấy ra hưởng huê hồng y như phúc sự của mấy em đã nói là một điều bất công và bất chánh.

Theo Qua tưởng họ làm điều ấy có lẽ là do những người có quyền thế chiếm nhiều đất, còn mấy đứa cô thế thì phần ít. Như Hội Thánh muốn cho công bình thì số đất ấy phải phân chia đều đủ cho mổi gia đình được bao nhiêu thước vuông. Qui định không ai hơn, ai kém trong phần đất Hội Thánh đã mua và đã chia cho trong toàn đạo.

Như vậy thì mình làm được một công hai việc:

. Là trong cơ hội ấy mình chia đều đủ cho mấy em với một cách công bình không ai hơn ai kém.

. Rồi chính mình Hội Thánh đứng ra mua sát đất ấy lại như số tiền đã mua lúc trước khi còn rừng. Rồi buộc mấy em phải hùn với nhau đặng đóng số tiền ấy lại hầu trả cho con cái của hai người.

Nếu thoảng có điều kêu nài của Ngọc Hồ và Hai Hương rằng số tiền mua buổi nọ giá trị khác còn đồng tiền hôm nay lại có giá trị khác...; thì Hội Thánh nhơn danh toàn đạo đứng ra thương lượng với hai người ấy coi mổi thước vuông bây giờ định giá bao nhiêu. (1).

Rồi cũng đứng ra thay mặt cho toàn đạo mua lại với giá phải chăng, rồi cả toàn đạo chiếu theo giá định ấy trả tiền lại. Vậy là công bình.

Nhưng phải nhớ rằng: cả thảy mổi gia đình đã lập nghiệp nơi đó đặng bao nhiêu thước vuông không ai đặng lấn hơn hay là sút hơn. Nếu như có gia đình nào đã chiếm nhiều hơn mà nay người khác đặng chia làm chủ thì người chủ đất mới ấy phải trả lại sở tổn công khai phá cho người chủ củ.

Qua nghe lại thì từ này Qua đi khỏi Tòa Thánh mấy em đã bị áp bức nên quá nghèo nàn. Mà nay buộc họ phải mua đất ấy lại thì họ làm thế nào cho ra tiền để mua cho đặng.

Cái hay của Hội Thánh là đứng ra đảm nhiệm trách vụ chung ấy cho họ. Tự Hội Thánh quyết định cho mấy em nghèo được ân huệ của Hội Thánh giúp đở lần hồi trả số tiền đất ấy lại. Đứa có của giúp đứa nghèo nàn, bao bọc lẫn nhau cho đến ngày Qua trở về Tòa Thánh. Qua rất buồn là Qua bỏ Tòa Thánh đi để cho mấy em không ai bảo bọc phải chịu truân chuyên khổ não. Khi Qua nhớ điều ấy Qua rất nên cảm động và buồn tủi cho mấy em.

Cuộc đời thay đổi nay vầy mai khác là lẽ tự nhiên, mấy em nên khuyên nhũ cùng nhau cố tâm nhẫn nại đặng đợi ngày mai qua sự thay đổi... có thể gọi rằng khổ tận cam lai đặng bảo tồn nghiệp đạo.

Qua chỉ biết một điều rằng cho đến hôm nay Qua chưa tìm ra người đủ thành thật yêu ái để bảo toàn hạnh phúc kiếp sống còn của mấy em. Mà trái lại dường như họ đã đưa tay ra đặng tăng khổ thêm cho mấy em. Thời gian sẽ chứng minh cho họ những điều ấy. Ngô Đình Diệm nó chưa chắc đặng tồn tại quyền hành của nó mãi mãi, qua sự thay đổi để cho tòa lương tâm của toàn quốc định tội về mưu phá Đạo và chia rẽ con cái Đức Chí Tôn. Điều nầy mấy em sẽ thấy trong tương lai tới đây.

.Về vụ đi xâu làm đường Katum (Tây Ninh).

Theo lời phúc sự của mấy em mổi người phải đi làm một bạn xâu. Nếu không làm đặng thì mổi người phải đóng 50 đồng cho đến khi làm xong con đường ấy mới thôi. Qua thấy điều nầy thì chính sách thi hành của chánh phủ Ngô Đình Diệm hiếp dân không thua chi thời Pháp thuộc. Đường chung của quốc gia sao lại bắt toàn dân phải đi làm xâu? Ngân quỷ của chánh phủ ở đâu lại còn phải vắt máu mỡ của dân nghèo sau 15 năm loạn lạc, giặc giả chiến tranh? Dân đã quá thống khổ họ đã không nuôi lại còn bốc lột thêm cho tới xương tủy. Chánh sách hiếp dân ấy có đặng bền vững hay chăng?

. Về vụ buộc toàn đạo nơi vùng Long Thành (Đệ Ngũ phận đạo) phải góp số tiền để cất nhà trường công cộng.

Theo Tờ Phúc Sự của mấy em thì toàn đạo mổi người phải làm 03 ngày xâu. Nếu khá thì đóng 50$.

Đầu xâu nầy tuy vẫn có sự ích lợi về mặt giáo hóa con cái của Đạo y như sự hy sinh của mấy em từ trước với Hội Thánh và toàn đạo. Mấy em từ thử đã hy sinh thì không có chi rằng lạ. Song hành vi vì Đạo mà làm nó khác hẳn với việc vì áp bức mà làm.

Nhưng trong nghèo khổ của toàn thể mấy em mà chính quyền không nghĩ đến lại đặt ra làm xâu thuế là điều đáng buồn. Qua ở bên nầy nghe tin vậy rất đau lòng. Nếu Qua còn có mặt nơi  Tòa Thánh thì chắc nhiều lẽ áp bức ấy không thể xảy ra. Hại thay Hội Thánh và Chức Sắc cầm quyền không có một lời phản đối để cho toàn đạo như khúc gỗ bị lăn tròn thật là thê thảm.

. Về lời thỉnh giáo của em Lê Văn Ca thì em Nguyễn Thị Đồng và hai đứa theo nó đã đặng lịnh của các Đấng Thiêng Liêng dạy nó làm điều ấy. Trong khi Qua lưu trú tại Kiêm Biên Em Đồng có lên gặp Qua cho biết rằng mạng lịnh của các Đấng Thiêng Liêng biểu nó làm. Sau khi Trung Tá Thoại đi làm phận sự ấy thì chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam giử đến nay chưa trả lại tự do nên Qua cho rằng việc làm của nó rất nguy hiểm. Nhưng trong khi nó đã thọ mạng lịnh mà làm như Thoại buổi nọ thì chính mình Qua không để đức tin. (2).

 Qua lại nghĩ: Phải chăng nó là một đứa đã tiền định đứng vào công nghiệp cứu dân, cứu nước? Nếu Qua từ chối thì thất công nghiệp của nó; nên Qua ưng thuận cho nó làm. Hôm nay nếu nó phải chịu tù tội ngục hình thì có lẽ quyền Thiêng Liêng biết trước hơn Qua nữa. Để cho nó chịu tức nhiên quyền Thiêng Liêng muốn vậy đặng cho danh thể của nó thêm cao giá trị. Mấy em chuyển lời dẫn giải nầy cho em Lê Văn Ca đặng hiểu biết.

.Về vụ em Đinh Thành Kỳ.

Kỳ đã nằm mộng tiếp đặng mấy bài thi văn mà mấy em đã gởi lên cho Qua. Qua đọc đi đọc lại mấy bài thi thì Qua thấy về phần văn chương chịu ảnh hưởng của phái Tiên Thiên là nhiều hơn hết. Văn thi nói nhiều điều huyền bí cao kỳ... Nhưng Đinh Thành Kỳ đã quên mất nhiều câu nên văn thi ấy nghĩa lý tối tăm làm cho ta không thể hiểu rõ sự huyền bí trong thi phú... Có thể gọi là tiên tri mà hôm nay chúng ta không thể hiểu rõ đặng. (3)

Sự khó hiểu của mấy bài thi còn do thiếu mấy câu, bởi vì Đinh Thành Kỳ đã quên hẳn trong giấc mộng. Nó làm cho Qua khó hiểu thấu phần nghĩa lý tối tăm ấy đặng. Song ta phải nhìn nhận rằng điềm chiêm bao của nó không phải là mộng ảo, nhưng do kiến thức hành văn không rõ rệt mà thôi. Mấy em nói lại cho Kỳ được hiểu.

. Sau đây là những tờ Ủy nhiệm của Nữ Phái HBGH miền Trung mà mấy em đã cầu Qua phê chuẩn. Qua ký tên gởi theo đây đặng mấy em giao lại cho họ.

Đến đây Qua chấm dứt các vấn đề của mấy em đã thỉnh giáo.

Qua đã lưu vong nơi xứ người nên hằng ngày Qua vẫn trông mong Phúc Sự của mấy em về tình hình trong nước đối cùng đời cũng như đối cùng Đạo. Nhứt là các hành động của mấy em về CSHBCS và HBGH. Nhưng Qua chưa có đặng tin tức chi về HBCS của mấy em. Vậy mấy em cho họ biết rằng Qua đang trông tin của họ.

Theo tin tức Qua thâu đặng thì dường như HBCS đã có ảnh hưởng rất nhiều trong quần chúng, dầu cho họ không có đủ can đảm mà thi hành trọn vẹn theo bản CLHBCS.

Họ phải mở con đường khác mới thi hành cho kỳ đặng CSHBCS, nhưng họ chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ nhờ công nghiệp của mấy em chịu mọi khổ hạnh đặng giác mê cho họ.

Kỳ rồi Qua có định mở thêm Ban Cố Vấn cho chính sách ấy do nơi mấy em Sĩ Tải đảm nhiệm. Song Qua không thấy chúng trả lời. Mấy em hỏi lại coi sự quyết định đó ra thế nào?

Trước khi dứt lời Qua cầu xin Đức Chí Tôn Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng phù hộ mấy em làm tròn phận sự cứu nước, cứu dân của mấy em.  Qua ban phép lành cho toàn thể mấy em cả Nam lẫn Nữ và mấy em chuyển lời khen tặng của Qua đến Ủy Ban miền Trung và miền Bắc.

Khuyên họ cố gắng lập thành ủy ban miền Bắc đặng khi Qua trở về có sẳn cơ quan ấy để đưa danh sách HBCS của mình ra đến ngoài ấy.

Một lần nữa Qua ban ơn lành cho mấy em cả thảy.

Kiêm Biên ngày 08-4-Mậu Tuất.

(26-5-1958)

Hộ Pháp.

(Ấn Ký).

 

CHÚ THÍCH.

(1)/- Lễ Hôn Phối đầu tiên của ĐĐTKPĐ.

Chính Đức Chí Tôn hành pháp tại Tân Định vào ngày 05-6- Bính-Dần (15-7-1926) cho ông Nguyễn Ngọc Thơ và bà Lâm Ngọc Thanh. Cả hai vị đều là người giàu có cả về tiền bạc lẫn tâm đạo và đã có gia đình riêng (có con riêng) trước đó. Hai vị đã gá nghĩa với nhau trước khi biết ĐĐTKPĐ. Đến khi ngộ đạo thì Đức Chí Tôn cho hai vị thọ phép hôn phối. Đồng tử phò loan trong Lễ hôn phối đó là Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Hộ Pháp tại nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ. Đó là lễ Hôn Phối đầu tiên của ĐĐTKPĐ.

Hai vị đã đem công sức và tiền của phụng sự cho Đạo, trợ giúp tiền bạc cho những người đi hành đạo hay ấn tống kinh sách và mua số đất để tạo Cực Lạc Cảnh....cả hai vị là một trong những rường cột của ĐĐTKPĐ.

Đành rằng tiền bạc không phải là tất cả nhưng việc Đạo diễn ra trong xã hội nên có rất nhiều việc trong đời thường phải cần đến tiền bạc mới giải quyết được. Việc giàu sang và có tâm đạo như hai vị không phải là tình cờ mà đó là những nhân tố mà Chí Tôn chuẩn bị cho việc khai đạo rất khó khăn trong buổi đầu.

Cách xài tiền của 02 vị và những vị khác nữa trong ĐĐTKPĐ hoàn toàn khác với nhiều vị ngày nay đập bỏ di tích của Đạo để xây cái mới rất vô ý thức và vô nghĩa lý.

Thí dụ như đập bỏ HỘ PHÁP TỊNH ĐƯỜNG ở Trí Giác Cung là nơi Đức Hộ Pháp từng lui tới... để thay vào đó một căn nhà rất phản cảm... Vô ý thức vì không biết bảo tồn di tích tôn giáo; vô nghĩa vì đồng tiền xài không đúng chổ. Đồng tiền của họ đem ra để xóa đi dấu tích công quả của nhơn sanh khi lập HỘ PHÁP TỊNH ĐƯỜNG. Tại thời điểm đó người đạo rất nghèo mà xây dựng nên HỘ PHÁP TỊNH ĐƯỜNG như vậy là thể hiện tấm lòng của họ. Tấm lòng đó ngày nay bị những tay trọc phú háo danh xóa bỏ. Chúng ta có chấp nhận việc xóa bỏ di tích tôn giáo và dấu vết công quả của tiền nhân chăng?

Chúng tôi tin rằng khi cơ đạo phục hồi 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh sẽ có quyết định kêu những người phá bỏ di tích tôn giáo nầy ra dỡ căn nhà của họ về để toàn đạo xây dựng lại HỘ PHÁP TỊNH ĐƯỜNG đúng với buổi ban sơ. Căn nhà được phục hồi nầy có một bia ghi rõ là nhà phục hồi và lý do vì sao phục hồi để tạo ý thức chung cho người đạo. Chúng ta không thể chấp nhận những kiểu phá hoại di tích tôn giáo bằng chiêu bài công quả như thế.

Nó cũng giống như khi Pháp chiếm Đền Thánh họ cạy gạch về lót chợ cá Tây Ninh. Khi Đức Hộ Pháp từ Madagascar về Pháp ngõ lời trả lại số gạch khác. Đức Hộ Pháp không chấp nhận; rồi Ngài sắp đặc công quả ra chợ cá Tây Ninh cạy số gạch mà thực dân Pháp đã lấy trong nền Đền Thánh đem về rửa ráy sạch sẽ rồi lót lại trong Đền Thánh như củ. Gạch của thực dân Pháp đền hẳn là phải đẹp hơn nhưng đó không phải là gạch của người đạo hiến để làm Đền Thánh. Cái giá trị ở cách thức viên gạch đến với Hội Thánh như thế nào chớ giá cả viên gạch chưa phải là giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ sau là Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh.

Bà Lâm Ngọc Thanh sau là Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh. Nhìn vào mặt tiền Đền Thánh bên tay trái có Tượng của Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh bên phái Nữ.

a/- Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh (1873-1950).

Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, thế danh là Nguyễn Ngọc Thơ, tên thật là Nguyễn Văn Tơ, sanh năm 1873 tại quận Bãi Xàu tỉnh Sóc Trăng, sau lên Sài Gòn lập nghiệp ở Tân Định.

Con đường kinh doanh của Ngài thành công rực rỡ. Khi vào Đạo rồi Ngài đem tài vật phụng sự Đạo rất tích cực.

Khi Đức Hộ Pháp đi Paris 1954 có một người Pháp được Ngài Thái Thơ Thanh chứng đàn trong Lễ Nhập Môn đến thăm phái đoàn...  trong Âu Du Ký Ngài Bảo Đạo ghi lại như sau:

Ngày 8 tháng 5 Giáp-Ngọ (8-Juin-1954):

.... 03g00 chiều Ông Tòa Weil đến, hẹn ngày thứ năm 10 Juin sẽ rước ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi đi Nantes.

04g30 chiều Ông Weil chưa về thì có Đạo-Hữu Renard Roger, nhà ở đường Elisé Reclua số 26 Nanterre, đến thăm ĐỨC HỘ-PHÁP. Tôi tiếp Ông vào phòng bên cạnh. Ông nói rõ lai-lịch mới biết rằng Ông khi trước có ở Saigon và Biên-Hòa, nhập-môn hồi năm 1928 tại Biên-Hòa do Ông Vidat và một người bạn Việt-Nam ở Dakao tiến-dẫn và Ông Đầu-Sư Thái-Thơ-Thanh làm phép chứng đàn cho Ông nhập-môn. Ông nói rằng về Pháp gần 20 năm nay không có liên-lạc với ai trong Đạo, nay nghe tin ĐỨC HỘ-PHÁP sang Paris, Ông lật-đật tìm đến để chào mừng.

Tiếp chuyện với tôi một lúc, Ông Weil ra về, ĐỨC HỘ-PHÁP trở vô gặp Ông Renard Ông rất mừng rỡ và khi nghe tin Ông Thái ĐẦU-SƯ tử-nạn, Ông mủi lòng khóc tức-tửi. ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi thấy người Đạo-Hữu đã vì hoàn-cảnh phải xa Đạo gần 20 năm mà vẫn còn tâm-đạo nên cũng bùi-ngùi. ĐỨC NGÀI và Tôi để cho Ông khóc một lúc cho hả bớt tất lòng rồi mới khuyên lơn Ông và cho biết rằng từ nay ĐỨC NGÀI sẽ mở một Văn-Phòng Đạo tại Paris để Ông tiện bề tới lui với anh em đồng đạo. Tôi có cho địa-chỉ của mấy bạn Đạo để Ông tiếp-xúc. Ông năm nay lối 50 tuổi, có lẽ lai Phi-Châu, nhưng cũng giống Tây nhiều lắm, Ông hỏi thăm chuyện này đến chuyện khác và rất mừng khi nghe nói Tòa-Thánh bây giờ được đồ-sộ, ở chơi đến gần 5 giờ Ông mới từ-giả ra về.

b/- Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937).

Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh, thế danh là Lâm Ngọc Thanh, sanh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Trung Tín, quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long.

Bà Lâm Ngọc Thanh là vợ của ông Huyện Huỳnh Ngọc Xây, nên bà thường gọi là bà Huyện Xây, là một nghiệp chủ rất giàu có tại Vũng Liêm. Ông bà Huyện Xây có một người con gái tên là Huỳnh Thị Hồ.

Ông Huyện Xây chết, bà gá nghĩa với ông Huyện Hàm Nguyễn Ngọc Thơ, một nghiệp chủ ở Tân Định Sài Gòn.

c/- Ngọc Hồ là Huỳnh Thị Hồ.

Là con riêng của Ông Huyện Xây và bà Lâm Ngọc Thanh. Ông và bà có một người con gái tên là Huỳnh Thị Hồ.

Trong kỳ Phong Thánh Nữ-phái lần thứ I ngày 14 tháng giêng năm Đinh Mão (dl: 15-2-1927), Đức Chí Tôn phong Bà Huỳnh thị Hồ, vào phẩm Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương-Hồ. 

Trong danh sách Giáo Sư đứng thứ tự số 06.

d/. Hai Hương là Nguyễn Thị Hương.

Con gái của Ngài Nguyễn Ngọc Thơ là Nguyễn thị Hương, có chồng là Trương Văn Tuấn, chủ nhà in Đức Lưu Phương (có in nhiều Kinh Sách cho Hội Thánh) ở Tân Định.

Bà Nguyễn thị Hương cũng theo cha nhập môn vào Đạo Cao Đài, đắc phong phẩm Giáo Hữu ngày 14-Giêng-Đinh Mão (dl 15-2-1927) đàn cơ Phong Thánh Nữ phái kỳ I. 

Trong danh sách Giáo Hữu Bà đứng thứ tự số 10.

***:/- Hai vị nầy là hậu duệ của Ngài Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Lâm Ngọc Thanh. Và cả hai vị đang là chức sắc.

Như vậy việc đòi bán lại số đất vùng Cực Lạc Cảnh nầy xãy ra sau khi Ngài Thái Thơ Thanh và Bà Nữ Đầu Sư tạ thế.

Đây là việc làm do nơi 02 người con của các vị, không liên quan đến tiền nhân.

Câu viết của Đức Hộ Pháp:

Hội Thánh lại chia phần tiền ấy ra hưởng huê hồng y như phúc sự của mấy em đã nói là một điều bất công và bất chánh.

Thiết tưởng là điều mà sau nầy Hội Thánh nên tránh xa.

Đọc vi bằng Hội Nhơn Sanh năm Giáp Dần (1974) chúng ta thấy Nhơn Sanh đã thẳng thắn chất vấn Hội Thánh nhiều vấn đề. Chúng tôi xin đơn cử ra để thấy:

Vấn đề 1: Tại trang 129. (tự sửa bản đồ Long Hoa Thị)

Hội Nhơn sanh chất vấn vì sao Hội Thánh công bố bản đồ Long Hoa Thị trái với bản đồ của Đức Hộ Pháp để lại?

Hội Thánh nhìn nhận có sửa bản đồ của Đức Hộ Pháp.

Nhưng chưa giải quyết dứt khoát vấn đề nầy về pháp lý.

Một việc quan trọng như thế tại sao Hội Thánh sửa và không đưa ra 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh bàn thảo? Theo Nội Luật Hội Thánh thì Hội Thánh có đủ quyền tự sửa cải bản đồ của Giáo Chủ hay không?

Vì vậy những Hội Nhơn Sanh tới đây bản đồ Long Hoa Thị sẽ được mang ra để làm rõ là: Long Hoa Thị phải chỉnh trang theo bản đồ của Đức Hộ Pháp hay bản đồ của Hội Thánh đã chỉnh sửa?

Hiện nay chánh quyền Việt Nam không công nhận quyền tư hữu về đất mà chỉ công nhận quyền sử dụng đất. Nhưng điều nầy trái với tập tục và trào lưu thế giới nên khó mà tồn tại. Còn ĐĐTKPĐ thì miên viễn trường tồn; nếu Long Hoa Thị không do Đạo làm chủ thì chương trình phụng sự nhân loại của ĐĐTKPĐ bị trở ngại... 

Vấn đề 02: Tại trang 232. (Cấp đất sai pháp luật đạo).

Hội Nhơn Sanh chất vấn thẳng thắn Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Hiểu Thanh cấp 02 phần đất (ở Trường Lưu) cho CÙNG MỘT người thân... Ngài Thái Hiểu Thanh phải xin khất lại hẹn trả lời sau... Việc khất lại trả lời sau là đúng hay sai với nội luật Hội Nhơn Sanh?

Xin xem qui định Nội Luật Hội Nhơn Sanh tại điều thứ hai:

Thái và Ngọc Chánh Phối Sư và các Quản lý Toà Nội Chánh đều đến dự Hội hoặc trả lời những điều nào nghị viên không rõ mà xin bày tỏ hoặc minh triết những vấn đề nghị viên hạch hỏi. Nếu một vấn đề nào bị công kích thì Chánh Phối Sư hay là Quản lý thuộc về vấn đề ấy phải trả lời hay là bày tỏ cho khỏi sanh điều khó khăn cho việc bàn cải.

@@@

Như vậy các chất vấn tại Hội Nhơn Sanh phải TRẢ LỜI LIỀN. Ngài Thái Hiểu Thanh hẹn trả lời sau là sai với Nội Luật Hội Nhơn Sanh.

Nhưng không rõ vì sao các thành phần tại Đại Hội không nêu ra?

Trong tương lai những điều như vậy không nên để xãy ra. Nếu nhỡ như có những sơ sót thì Thanh Tra Chánh Trị Đạo sẽ có ý kiến chấn chỉnh giúp cho tính pháp lý những kỳ hội sau được rõ ràng.

@@@

Tại sao điều 02 qui định chỉ có Thái Và Ngọc Chánh Phối Sư đến dự hội? Bởi vì Ngài Thượng Chánh Phối Sư là Nghị Trưởng Hội Nhơn Sanh nên phải có mặt tại đại hội. Như vậy là đã đủ 03 vị Chánh Phối Sư.

@@@

Những phân tích trên có phải công kích hay nghịch mạng Hội Thánh hay không? 

Xin thưa căn cứ theo luật đạo để phân tích không bao giờ bị qui vào 02 diện trên; mà trái lại nó rất cần thiết để người đạo tuân y luật đạo.

Các vị chức sắc căn cứ vào PCT để chất vấn rằng Phước Thiện không có trong PCT là việc nghiêm túc. Đức Hộ Pháp đã giải thích rõ rằng PCT ở trong thiên thơ mà ra thì Phước Thiện cũng trong thiên thơ mà ra... và còn nhiều cơ quan của Đạo sau nầy cũng sẽ ra đời từ thiên thơ.... nhờ vậy mà nguồn gốc của Phước Thiện được sáng tỏ...

Trong diễn văn ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933). Đức Hộ Pháp dạy: ....Thật ra thì nhơn sanh ngày nay còn theo người chớ chưa theo Thầy, nghe Chức sắc chớ không nghe Đạo. Nếu chúng sanh theo người thì là theo phàm tâm, mà phàm tâm vốn một người một thể, dầu cho tánh đức của mấy vị Giáo chủ cũng chẳng phù hợp nhau nên sanh hại chia phe lập phái.....

....Cũng vì chư Đạo hữu trong Hội Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép. (Xin chư Đạo hữu lưỡng phái đọc luật cho thường, rồi kiếm hiểu).

.... Hễ phá pháp luật là phá giá trị của Hội Thánh, mà Hội Thánh mất giá trị thì Đạo phải điêu tàn tiêu diệt. Bần đạo tưởng muốn hại Đạo, không có thế nào hay hơn  phá tiêu  pháp luật.

Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ chơn truyền có nên để cho Chức sắc lộng quyền phá tiêu pháp luật hay không?  Bần đạo để cho chúng sanh định lý mà trả lời giùm, chớ ngòi bút của kẻ biết tu chẳng nỡ để câu ác luận. Chức sắc Thiên phong cốt để thi hành luật pháp, chớ chẳng phải nương chánh giáo đặng làm quyền. Hễ vị nào lập thế lực riêng thì vị ấy tự nhiên lộng pháp.

@@@

Tóm lại căn cứ vào pháp luật đạo để xây dựng chánh giáo về mọi mặt là điều cần thiết. Còn thực tế có một số người đạo không học, thích hành xử theo kiểu bắt chước nên rất dễ bị sai mà không hay. Tệ hơn nữa là họ không lắng nghe, không chấp nhận thảo luận (vì không chịu học nên không có vốn để thảo luận) nhưng lại tự cao nên sẳn sàng quay ra công kích và chụp mũ những người căn cứ vào văn bản của đạo làm khuôn thước.

Luật đạo cho phép căn cứ vào văn bản hay luật pháp đạo để kích trách, trích điểm, phê bình công khai. Còn công kích, nghịch mạng là những phát biểu tùy tiện, không căn cứ vào pháp luật đạo hay văn bản của Hội Thánh. Nói rõ như thế để tránh những ngôn luận không hay.

Cái khác nhau về căn cơ là: một đàng thì là căn cứ vào văn bản để làm rõ và đi đến thống nhất để thực thi; còn một đàng thì nói theo cảm tính không căn cứ vào văn bản rồi biện minh rằng do trung với Hội Thánh nên ai phát biểu khác với họ thì họ chụp mũ là công kích Hội Thánh.

Ai cũng muốn mình theo đúng chánh giáo chơn truyền nhưng trên thực tế rất nhiều người không biết chánh giáo dạy như thế nào?

Họ có lòng với chánh giáo nhưng không để công ra tìm hiểu xem chánh giáo dạy như thế nào. Khá hơn nữa là nhiều người có tìm hiểu nhưng lại không phân biệt giá trị cái nguồn từ Hội Thánh (mới đáng tin) còn cái nguồn do cá nhân biên soạn (chưa được Hội Thánh kiểm duyệt) chớ nên vội tin. Ngày nay lên tìm thông tin trên net cái nguồn không do Hội Thánh nhiều hơn cái nguồn do Hội Thánh ban hành như vậy bảo sao không bị lầm lạc.

Đó là ghi nhận từ thực tế chớ không phải tưởng tượng hay phóng đại để quảng bá cá nhân. Muốn giúp nhau hiểu được chánh giáo trong tình trạng Hội Thánh không cầm quyền hành chánh chỉ có cách trông cậy vào ý thức tự giác mà thôi.

Nói rõ lần nữa là trên đây chúng tôi đối chiếu từ vi bằng Hội Nhơn Sanh năm 1974 với Nội Luật Hội Nhơn Sanh và lời dạy Đức Hộ Pháp để xây dựng đại nghiệp đạo trong tương lai chớ không hề biêu riếu cá nhân một vị chức sắc nào hay là Hội Thánh. Chúng tôi theo đạo chớ không theo chức sắc là làm đúng với lời Đức Hộ Pháp dạy.

 

(2) + (3)/- Xem phụ lục về việc trương cờ Nhan Uyên năm 1956 ở cầu Bến Hải (sau khi xong phần biên niên năm 1959).