Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

2958. TẠI SAO DÙNG NHO TÔNG CHUYỂN THẾ?



TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.
Vấn
Tam giáo là: Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo. Vậy tại sao không dùng Phật tông hay Tiên tông chuyển thế mà lại dùng Nho Tông Chuyển Thế?
Hồi đáp.
Theo chúng tôi hiểu chữ giáo trong Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo là lời dạy của chư Phật, chư Tiên và chư Thánh (giáo là lời day; không hiểu theo nghĩa tôn giáo) và đều xuất phát từ một gốc mà ra. Gốc ấy là Đạo hay Đức Chí Tôn hay những danh xưng khác như Đức Chúa Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật A Di Đà… dù với danh xưng tụng nào cũng có nghĩa là dùng để chỉ Đấng tự hữu và hằng hữu đã tạo lập ra càn khôn vũ trụ (tài nguyên và môi trường sống) và bố trí càn khôn vạn vật sinh sống trên đó.
1/ Tại sao dùng Nho Tông Chuyển Thế.

Đấng tạo hóa đã lập ra Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo và mỗi giáo đều có nét riêng. Trong đó Nho giáo thiên về cách tổ chức các tầng lớp Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh và Tăng tạo thành quốc gia xã hội. Nho giáo có tính tổ chức xã hội nhiều hơn nên Đức Chí Tôn dạy dùng đặc trưng của Nho Giáo như: THỜI, TRUNG DUNG, NHƠN NGHĨA phối hợp với tài nguyên và môi trường hiện sinh làm căn bản xây dựng nền văn minh mới cho nhân loại. Đó là lý do tại sao không dùng Phật tông chuyển thế hay Tiên tông chuyển thế mà dùng Nho Tông chuyển thế.
2/ Ý nghĩa của Nho Tông Chuyển Thế.
Trước hết phải loại bỏ ngay ý nghĩ rằng coppy Nho giáo vào Đạo Cao Đài. Bởi vì Nho giáo trải qua tai nạn như sách vở bị đốt thì làm sao biết cái nào của Nho giáo? Thứ nữa cái nạn cường quyền chỉnh sửa cho vừa ý họ (gần đây như Tàu cộng lập ra Viện Khổng Tử) thì làm sao người bình thường biết cái nào của cường quyền lợi dụng Nho giáo gán vào để làm lợi cho họ?
Nho Tông Chuyển thế có thể hiểu căn bản: Thầy lấy tinh hoa của Nho giáo, bổ sung phần thiếu còn thiếu, đưa nội dung mới vào và sắp xếp để bộ máy hoạt động linh hoạt.
2.1/- Tinh hoa của Nho giáo.
Có thể kể ra như chữ THỜI trong Kinh Dịch, TRUNG DUNG trong suy nghĩ và hành động, NHƠN NGHĨA là phương châm của mọi tầng lớp.
Nhơn nghĩa của Nho giáo thể hiện qua: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây là những đức tính mà ai cũng phải quí trọng. Tùy theo phong hóa phương Đông hay phương Tây có thể khác nhau về hình thức nhưng ý nghĩa của nó không khác nhau là mấy.
Theo giáo lý đạo thì Đức Khổng Phu Tử là người có công chấn hưng Nho giáo vào thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Đức Ngài chưa chủ trương dân chủ.
Sau đó Đức Mạnh Tử vận dụng tinh hoa của Nho giáo là thời, trung dung và nhơn nghĩa đã đưa ra tư tưởng dân chủ: Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh.
Cho nên Đạo Cao Đài xưng tụng Đức Khổng Tử là Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn nhưng Hạnh Đường của Đạo thờ Đức Mạnh Tử (vì dân chủ phù hợp với nền văn minh mới).
2.2/ Bổ sung phần còn thiếu.
Sử Ký của Tư Mã Thiên xếp Đức Khổng Tử vào bậc Tố Vương (Vua đẹp). Một ông Vua giữa những ông Vua vì Đức Khổng Tử có thần dân của Ngài (là người tín nhiệm), người tín nhiệm đó không ở trong một quốc gia mà nhiều quốc gia, không ở trong một khoản thời gian có hạn định như nhà Châu, nhà Tần, nhà Hán. Để trở thành bậc Tố Vương Đức Khổng Tử phải có Tam Thiên Đồ Đệ và Thất Thập Nhị Hiền mới giúp Ngài tạo được cơ nghiệp của bậc Tố Vương.
Đức Chí Tôn đến lập triều nghi tại thế bộ máy hành pháp có:
-/ Ba ngàn Giáo Hữu (Tam Thiên Đồ Đệ).
-/ Bảy mươi hai Giáo Sư (Thất Thập Nhị Hiền).
Rồi bổ sung thêm:
-/ Ba mươi sáu Phối Sư (Tam Thập Lục Thánh).
-/ Ba vị Đầu Sư (Tam Tiên).
-/ Một vị Giáo Tông (Nhứt Phật)
-/ Thêm vào đó là Cửu Trùng Đài Nữ phái.
Phần bổ sung là dùng cái có sẳn (nhơn lực) rồi thêm vào mà phần bổ sung do Đức Chí Tôn dạy bằng cơ bút nghĩa là (thiên ý) để xây dựng nền văn minh mới (thiên nhân hiệp nhứt).
2.3/ Đưa nội dung mới vào và sắp xếp bộ máy hành chánh.
Đó là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Bát Quái Đài nắm quyền lập pháp.
Hiệp Thiên Đài nắm quyền Tư pháp.
Cửu Trùng Đài nắm quyền hành pháp.
Đạo có tam quyền phân lập, có hệ thống pháp & luật, có thành phần nhân sự trong bộ máy hành chánh tôn giáo, có thủ đô tôn giáo (Tòa Thánh Tây Ninh) có địa phương (Trấn, Châu, Tộc, Hương), có tín đồ. Tất cả được tổ chức như một quốc gia (Dân tộc, lãnh thổ và chính quyền) và có chánh tự là Tiếng An Nam, có Đạo Kỳ. Đạo có đủ thành tố như một quốc gia để thực thi sứ mạng nên là Quốc đạo.
Trong phân cấp hệ thống hành chánh tôn giáo có hạ tầng và thượng tầng. Quyền hạn phân minh (phân quyền).
Hiến pháp của Hành Pháp riêng biệt với hiến pháp Tư Pháp
Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp là cách phân quyền theo Tây phương. Theo đó thì Đức Chí Tôn đã dụng cả tư tưởng Đông Tây để xây dựng nền văn minh mới.
Đức Chí Tôn còn lập ra 03 Hội lập quyền vạn linh để xây dựng đường lối Chánh Trị Đạo (Trời người đồng trị). Thiễn nghĩ đây là phần độc đáo mà chưa có một thể chế chính trị nào trên thế giới nầy có được.
Nho giáo có câu: Ý dân là ý Trời. Nhưng chưa có cơ chế để thực thi. Ngày nay Đức Chí Tôn đến lập triều nghi của Ngài để xây dựng nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới có cơ chế để dân thể hiện ý chí và quyền lực của mình, Ý dân là ý Trời thể hiện trong 03 Hội lập Quyền Vạn Linh.
(Xem thêm về thể pháp Đại Đồng Xã, link:
3/- Bài học từ Nho Tông Chuyển Thế.
Tìm hiểu câu Nho Tông Chuyển Thế chúng tôi nhận ra một vài bài học đầy cảm xúc xin phép chia sẻ.
3.1/ Bài học của chữ hòa.
Đức Chí Tôn đến lập nền văn minh mới cho nhân loại thì tất nhiên có vô vàn điều cần làm rõ. Trong đó có một chữ nói lên được ý muốn của Ngài là chữ HÒA. (…Dạy lẫn cho nhau đặng chữ HÒA.)
Trong trường hợp nầy Đức Chí Tôn đã trân trọng nổ lực của nhân loại từ Đông (Nho giáo) sang Tây (Tam quyền phân lập) rồi dạy thêm những phần mà Đông Tây Kim Cổ còn thiếu để lập nền văn minh mới cho nhân loại.
Chữ hòa đã được thể hiện qua thời gian (xưa và nay), không gian (Đông và Tây) để tạo ý thức, bài bản, giáo án cho môn sinh thực hiện (nhân gian).
3.2/ Bài học của chữ nghèo.
Bà Bát Nương Diêu Trì Cung có dạy người đạo rằng: … chưa nghèo phải học nghèo…
Quan sát người nghèo sống trong xã hội thì gìn giử bất cứ cái gì hữu ích họ có được, họ không bao giờ phí phạm bất cứ cái gì còn hữu ích. Người nghèo cũng trân trọng cái hữu ích đến với họ. Họ vận dụng cả hai để giúp cho đời sống bớt khó khăn và tốt đẹp hơn.
 Lấy cái nghèo đó để suy rộng ra thì Nho giáo là một di sản của tiền nhân. Trong đó có cái gì còn xài được thì tận dụng. Tam quyền phân lập thì là cái mới của phương Tây du nhập vào phương Đông. Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng đến dạy người đạo phối hợp lại để tạo ra cái hữu ich cho việc xây dựng một nền văn minh mới.
Đó là bài học đến từ câu hỏi về Nho Tông Chuyển Thế.
Thành thật cảm ơn bạn đã có câu hỏi để chúng tôi làm rõ ít nhiều giáo lý của đạo.
Trân trọng.