Trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

2962. BI KỊCH CỦA CHÚNG TA...



Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau.
(Kiều, Nguyễn Du).
Ông Nguyễn Khắc Tiến Tùng giảng dạy về Khoa học Tôn giáo và Lịch sử tôn giáo tại Đại học Leipzig, CHLB Đức,Chúng ta đã không có dịp giới thiệu diện mạo thật của Đạo Cao Đài: xây dựng nền văn minh mới với Giáo Sư Tùng. 
Tiếc cho Giáo Sư Tùng & buồn cho chúng ta.




THẢO LUẬN VỚI GIÁO SƯ

NGUYỄN KHẮC TIẾN TÙNG. 
Bán Nguyệt San Thông Liên 
Số 17 ra ngày 03/5/2010.

Kính Giáo Sư.
Tôi vào google.vn gõ chữ Cao Đài. Một số trang web hiện lên trong đó có trang web Thiên Lý Bửu Tòa.  Trong đó có bài:
CAO ĐÀI: CHI PHÁI HAY TRUYỀN THỐNG của Giáo Sư viết.
@@@
Xin phép rút ra một số đoạn chủ yếu cho tiện thảo luận.
Ngay từ đầu GS viết: Tuy tôi không theo đạo Cao Đài…
Và sau đó GS nhắc lại: Như đã kể, chính tôi không là người bổn đạo…

Dù không theo Đạo Cao Đài nhưng GS cũng bảy tỏ tấm lòng:
nhưng nhiều khi cũng thấy “đau lòng xót dạ” khi thấy các “chi phái” không hòa với nhau, khi đọc trong sách báo thấy người ta gọi Cao Đài là “giáo phái” (có lẽ nguyên nhân nằm ở sự tham gia tích cực về chính trị và quân sự của Cao Đài Tây Ninh trong hoàn cảnh chung của đất nước thời đó khoảng 1954-55). Một tôn giáo như Cao Đài mà bị đặt ngang hàng với “giáo phái Bình Xuyên” thống trị thế giới tứ đổ tường trụy lạc thời tổng thống Ngô Đình Diệm thì chắc ai cũng đồng ý là “oan nghiệt” cho đạo, khó lòng chấp nhận….
GS bày tỏ tinh thần cầu thị:
Tác giả xin nói rất dè dặt, nếu có sai lầm xin quý vị trong Đạo hỷ xả cho và sửa chữa, bổ khuyết giùm…
GS ghi nhận hoạt động Đạo ở hải ngoại:
Người Cao Đài tại hải ngoại hiện nay vẫn còn mang tâm lý này và vẫn đang cố gắng hợp nhất. CAO ĐÀI GIÁO HẢI NGOẠI (hiện còn tồn tại, nhưng việc làm không còn nhiều tính chủ động), CƠ QUAN TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI HẢI NGOẠI (đã giải thể) là thí dụ về phương diện tổ chức, THIÊN LÝ BỬU TÒA (đã tả trọn vẹn một vài bộ kinh mới có hệ thống và thành công nhiều về phương diện ấn tống kinh sách) là thí dụ về phương diện hòa hợp tinh thần. Đó là những cố gắng đáng trọng. Nhưng chắc thống nhất theo mô hình tổ chức, hành chánh và tâm lý chắc còn khó khăn. Thống nhất về phương diện giáo lý, tôn giáo chắc dễ dàng hơn vì “Thánh ngôn hiệp tuyển”, “Đại thừa chơn giáo”, các thánh giáo và các bài cơ bút với nhiều thiên điển còn đó, chỉ cần dựa vào đó mà tu tập, sống đạo với hết CHÂN TÌNH…

Phần LỜI ĐỀ NGHỊ CUỐI.
GS đề nghị: …Sau khi vắn tắt nhắc tới để thử tìm hiểu lại các chữ CHI, PHÁI đứng từng chữ riêng rẽ, các chữ CHI-PHÁI viết liền nhau (và nhân đó chữ GIÁO PHÁI), xin được đề nghị: từ nay các tín hữu Cao Đài nên giải thích để không ai sẽ gọi Cao Đài là GIÁO PHÁI nữa. Trong nội bộ, tín đồ Cao Đài cũng không tự cho mình thuộc một CHI PHÁI nào, mà thay vào đó chỉ cùng là người Cao Đài và ta thử dùng chữ: TRUYỀN THỐNG
“Hiền muội là Cao Đài truyền thống Tây Ninh”, “Hiền huynh tu theo truyền thống Chiếu Minh”, “Hiền tỷ học với truyền thống Tiên Thiên”, “Tiểu đệ sinh hoạt ở truyền thống Thiên Lý Bửu Tòa”, v.v...
GS trình bày quan điểm giảng dạy:
Riêng tôi cho đến bây giờ trên các báo tôi chủ trương, hay khi giảng dạy tôi cũng đã dùng và sẽ dùng chữ TRUYỀN THỐNG để chỉ các khuynh hướng Cao Đài khác nhau. Là người Việt Nam ai cũng hãnh diện về truyền thống Việt Nam, là các tín đồ Cao Đài chắc ai cũng hãnh diện về những truyền thống của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ…
Và GS ước mong: … Xin được góp một ý nho nhỏ như trên, có lẽ cũng không mới mẻ gì lắm. Mong sao ở bất cứ đâu, các thân hữu Cao Đài của tôi luôn luôn sống được những ngày đoàn viên êm đẹp trong mọi trung tâm sinh hoạt (thánh thất, thánh tịnh, chùa thất...) và luôn luôn tìm về Minh triết, đạt được Minh triết để sống đúng với Truyền thống Cao Đài tốt đẹp của mình. (xem nguyên văn ở phụ lục).
@@@
Kính Giáo Sư.
Với một tâm tình và ý chí như thế chúng tôi xin kính lời cám ơn và trân trọng bài viết của GS. Cám ơn vì GS đã phổ biến cho nhiều vị trí thức biết đến Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ). Trân trọng vì GS ước mong những người Cao Đài sống minh triết và thân mật nhau hơn.
Vì sự thật của Đạo Sử chúng tôi xin phép trao đổi đôi điều với ước mong là GS lưu ý ít nhiều để trên bước đường giảng dạy về ĐĐTKPĐ được viên mãn hơn.
Nghiên cứu và giảng dạy ĐĐTKPĐ ở một trường đại học hẳn nhiên GS phải đọc và nghiên cứu nhiều tư liệu ở vào nhiều diện khác nhau. Theo thiễn ý thì tài liệu ở cấp nguyên thủy là có giá trị đáng tin cậy nhất. Nói đến tư liệu gốc là nói đến mấy vấn đề: Thời gian, nhân vật, sự kiện.
Tài liệu ở buổi sơ khai của ĐĐTKPĐ liên quan đến chi phái  có lẽ tính từ năm 1926 đến năm 1932 thì ít có người phản đối nhất.
TẠI SAO CHỌN 1926 ĐẾN NĂM 1932?
Năm 1926 là năm khai đạo.
Chọn đến năm 1932 là bởi vì lúc đó Ông Thái Ca Thanh tách ra về Cầu Vỹ- Mỷ Tho.
Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh gởi thơ ngày 01-12-1932 để phân lẽ hơn thiệt và chỉ rõ nẽo chánh tà.
Ngài Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh có thư ngày 03-12-1932 tán thành ý kiến của của Thượng Chánh Phối Sư.
Năm 1933  Ngài Thượng Tương Thanh tách ra. (xem phụ lục: Thơ Ngài Bảo Thế Lê Thế Vĩnh).
Ngài Thượng Tương Thanh tách ra lập chi phái Bến Tre nên ngày 15-01-1935 có gởi thư cho Đức Giáo Chủ. (xem phụ lục).
Đức Giáo Chủ có thư trả lời ngày: 27-01-1925. (xem phụ lục).
Đến đây xin phép trình bày với GS những văn bút có từ năm 1926-1932 có liên quan đến CHI; PHÁI VÀ CHI PHÁI.
1- PHÁP CHÁNH TRUYỀN.
-  Ngày 16-10- Bính Dần (1926) Ðức Chí Tôn lập P.C.T. Nam phái Cửu Trùng Ðài. (Ngày 17-10- Ðức Chí Tôn lập phần công cử). 
- Ngày 01-01- Ðinh Mão (1927) Ðức Lý Ðại Tiên Trưởng kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lập P.C.T. Nữ phái Cửu Trùng Ðài. 
- Ngày 12-01- Ðinh Mão (1927) Ðức Chí Tôn lập P.C.T. Hiệp Thiên Ðài. 
* PCT Cửu Trùng Đài Nam Phái. Chia Nam phái ra thành 03 phái. Phái Thái, Phái Thượng và Phái Ngọc.
Cửu Trùng Đài cầm quyền hành chánh đạo nên có 09 viện nghiên cứu. Do vậy các Đạo Nghị Định phân ra:
Phái Thái coi 03 viện: Hộ viện, Lương viện, Công viện.
Phái Thượng coi 03 viện: Học viện, Y viện, Nông viện.
Phái Ngọc coi 03 viện: Hòa viện, Lại viện, Lễ viện.
* PCT Nữ Phái chỉ gộp chung mà không phân phái.
Như vậy chữ Phái và chữ Chi theo nghĩa GS đã dẫn hoàn toàn tốt đẹp vì nó do Đức Chí Tôn đặc ra ngay trong PCT.
Nhưng đến chữ Chi Phái thì là một vấn đề khác. Nó hoàn toàn do con người đặc. Mà đã là người thì ai bảo đảm là nó không dùng những lời lẽ và mục đích tốt đẹp để che dấu cái thực sự bên trong.
Những ai có đọc tiểu thuyết TIẾU NGẠO GIANG HỒ của Kim Dung đều biết Nhạc Bất Quần ngoại hiệu Quân Tử Kiếm chưởng môn phái Hoa Sơn. Lời nói của y lúc nào cũng cao thượng nhưng sẳn sàng làm bất cứ việc xấu xa ác độc nào miễn là có lợi cho âm mưu của y.
Chi phái ĐĐTKPĐ phải có mạng lịnh Hội Thánh mới được nhìn nhận.  Cũng như cành nhánh phải từ thân cây ĐĐTKPĐ mọc ra mới liền lạc (nghĩa là có mạng lịnh Hội Thánh); còn như lấy cành nhánh một cây khác đem cột vào đó mà bảo là của ĐĐTKPĐ thì nghe ra không ổn (không có mạng lịnh Hội Thánh).
Nếu như trước 1975 nhiều người hãy còn mù mờ với chi phái thì sau 1975 bổng dưng nó sáng tỏ khi chính họ trình bày mục đích của họ bằng văn bản. Mà CQPTGL 171B Cống Quỳnh Sài Gòn là một điển hình.
Trước năm 1975 lúc nào họ cũng nói sẳn sàng về hiệp nhứt với Tòa Thánh Tây Ninh cho đẹp lòng Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu… nhưng sau 1975 họ được sự giúp đở của chính quyền nên thi nhau xin pháp nhân…
Kết quả: Ngày nay ai cũng thấy chi phái ĐĐTKPĐ khắp nơi, nhưng họ chỉ biết dùng danh hiệu ấy để quyên góp của nhơn sanh chớ họ đã làm được gì cho xã hội. Đã đở nâng yếu thế binh quyền mồ côi được gì trong một xã hội còn nhiều nghịch lý như Việt Nam. Họ đã làm sáng tỏ gì được chơn truyền của Đạo ngoài việc mặc áo mão với những phẩm cấp cao ngất. Họ giết đạo là như vậy.
GS lưu ý câu minh thệ khi nhập môn cầu đạo sẽ thấy tầm quan trọng của Luật Lệ tôn giáo đối với tín đồ nhưng các chi phái thường không đi vào phân tích luật lệ đạo mà nặng về giáo lý chung chung. Cái hành tàng truyền giáo của chi phái đã đi sai với lời minh thệ từ căn cội.

2- QUỐC ĐẠO.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. (Q.1-bản in 1973).
Bài ngày 13-8- Bính Dần (18-9-1926) Trang 46.
Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn-thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là "QUỐC-ĐẠO", hiểu à!
Thầy phải buộc các con hiệp chúng trí mà lo vào đó, nghe à!
Từ đây các con sẽ cực nhọc hơn, vì Thầy phân phát phận sự cho mỗi đứa, vì chẳng vậy các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe, phân phái là điều đại tội trước mắt Thầy vậy, nghe à!
Chữ Quốc Đạo Thầy dạy cho biết trước khi có PCT. Thầy sợ môn đệ không chịu đầu tư suy nghĩ nên dặn rõ: HIỂU À.
Thầy phải buộc các con hiệp chúng trí mà lo vào đó, thì lẽ nào Thầy lại cho lập chi phái? huống chi Thầy còn nhấn mạnh NGHE À.
Trong một đoạn ngắn mà Thầy dạy: Hiểu à, nghe à mấy lần thì biết nó quan trọng là nhường nào. Cho nên Đức Hộ Pháp mới cho biết: Vì 02 chữ QUỐC ĐẠO mà Phạm Công Tắc chết năm 35 tuổi.
ĐĐTKPĐ nghĩa là đã có Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ.
Ba thời kỳ nhưng chỉ có 02 nguyên lý.
Nguyên lý của Nhứt kỳ và Nhị Kỳ:
Nhứt bổn tán vạn thù. Từ cái gốc phát sinh ra rất nhiều phụ bản. Cho nên luật lệ của các tôn giáo cả hai thời kỳ không cấm việc có chi phái. Điều đó phù hợp với nguyên lý, tài nguyên và môi trường khi mở đạo. Thời ăn lông ở lổ cho đến nền văn minh nông nghiệp.
Nguyên Lý của Tam kỳ:
Vạn thù qui nhứt bổn.  Từ cái rất nhiều trở về cái gốc. Cho nên luật lệ của ĐĐTKPĐ cấm hẳn việc tự ý thành lập chi phái. Lý do: nguyên lý, tài nguyên và môi trường của ĐĐTKPĐ khác hẳn với 02 thời kỳ phổ độ trước. Nhân loại đã qua văn minh công nghiệp đang ở thời kỳ Điện và điện tử và bước vào nền văn minh tâm linh. Các nhà khoa học cũng xác định thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh. Một phát minh quan trọng để đưa nhân loại đến gần nhau là internet.
Thử nghĩ ĐĐTKPĐ sẽ trả lời với nhân loại thế nào khi họ chất vấn: ĐĐTKPĐ muốn đưa nhân loại đến cảnh: Một về nòi giống; Một về Đức tin; Một về tôn giáo thế nào được khi chính ĐĐTKPĐ bị chia ra làm mấy chục chi phái? Câu kinh: Thâu các Đạo hữu hình làm một làm sao giải thích cho xuôi…
Trong thời internet nếu cách thờ phượng của nơi nầy khác nơi kia, kinh của nơi nầy khác nơi kia, lễ tang của người theo ĐĐTKPĐ mổi nơi một khác thì Hội Thánh ĐĐTKPĐ sẽ trả lời với chúng sanh thế nào?
PCT qui định có 01 vị Giáo Tông, 03 Chưởng Pháp, 03 Đầu Sư… mà kiểm một hồi thấy dư quá xá thì ai là thiệt ai là giả? Tin ai đây?
Do vậy mà trước ngày LỄ KHAI ĐẠO Thầy dạy lập QUỐC ĐẠO.
Quốc Đạo là Đạo được tổ chức chặc chẽ và có luật lệ như một quốc gia. Có danh hiệu, có đạo kỳ, có cơ cấu hành chánh, có thủ đô tôn giáo, có nguồn máy nhân sự, có bản quyền không cho phép ai xâm phạm đến (mà danh hiệu ĐĐTKPĐ là một ví dụ điển hình- xem phụ lục VI BẰNG HIẾN PHÁP- Năm Đạo thứ 02.).
Những điều đó chính các vị tiền bối ký kết khi các vị chưa tách ra để lập chi phái thì hậu tấn các vị không thể phủ nhận pháp lý đó được.
Riêng việc các văn bút có gọi Đạo Cao Đài là giáo phái, là Đảng phái.. cũng là do Đạo chưa đủ soi sáng nên họ nhầm cũng là lẽ thường. Tới đây ĐĐTKPĐ khai triễn thể pháp xây dựng một xã hội mới thì nó sẽ tự tan. Chúa còn bị tà quyền cho là tội đồ mới đem đóng đinh rồi sau đó Đạo Chúa mới sáng. Rất nhiều trí thức chỉ trích Đạo Cao Đài rồi sau đó họ hiểu ra và tin theo Đạo còn sờ sờ ra đấy lo chi?
Cũng như Bản Án Cao Đài (1978) của chính phủ Việt Nam lên án Đức Hộ Pháp là phản bội tổ quốc trắng trợn… Rồi đến năm 2008 chính phủ cũng phải lo đi rước Liên Đài Ngài từ Nam Vang về Việt Nam rất linh đình và đưa vào bửu tháp đó thôi. Chân lý có bạn đồng hành là thời gian. Mà thời gian thắng mọi thế lực giả dối.
Tuy nhiên chúng tôi cũng trích dẫn vài đoạn của Đức Hộ Pháp có liên quan đến Chi Phái và Quân Đội Cao Đài ngay bài kế đây cho GS tiện đường tham khảo và bớt xót xa.
Tóm lại hữu xạ tự nhiên hương, Đạo cứ lo cho sáng thì mọi dư luận không tốt sẽ tan đi.

3- PHÂN BIỆT ĐĐTKPĐ VÀ ĐẠO CAO ĐÀI.
Thường thì lắm người hiểu ĐĐTKPĐ và Đạo Cao Đài là một.
Hiến Chương 1965 của Hội Thánh ĐĐTKPĐ cũng viết rõ. Điều thứ nhứt- Danh hiệu: là ĐĐTKPĐ gọi tắc là Đạo Cao Đài.
Nhưng đi sâu vào trong thì chính Đức Hộ Pháp nói rõ.
Ngày 13 tháng 10 năm Giáp Ngọ (DL. 1954).
(Tại bao lơn Đền Thánh, nhân dịp Lễ Vía Đức Quyền Giáo Tông).
 … Khi Đức Chí Tôn đến với chúng tôi, Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chớ không phải mở Đạo Cao Đài,
Gượng gạo mà hiểu thì xin phép trình bày như sau:
@@@
3.1- Đạo Cao Đài:
Trời là cha chung của nhân loại.
Thời mạt pháp Ngài đến bằng huyền diệu cơ bút để dạy đạo. Ngài dạy đạo cho nơi nào với danh nghĩa Cao Đài thì họ đều có quyền dùng danh hiệu Cao Đài. Ngài cũng nói rõ là bất cứ sắc dân nào nếu dùng cơ bút học hỏi thì cũng có thể được Thầy Trời dạy…Đấng Cao Đài giáo Đạo ở Nam Phương thì hẳn nhiên cũng có thể dạy những nơi khác.
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo tại Thánh Thất Kiêm Biên (Ngày 15-7-Đinh Sửu (dl 20-8-1937):
 ...chữ ĐẠO vẫn để nói mà hình vật của Đạo vốn khó tìm. Đạo do trí thức tinh thần mà xuất hiện, chưa có một vật chi hữu linh tại thế nầy mà không có Đạo. Cái vĩ đại của Đạo thật là khó rõ, mà Đạo lại dễ lợi dụng.
... Vậy thì dầu cho tả đạo bàng môn hay là chơn tông chánh giáo, cũng đặng phép tạm xưng là Đạo, những điều khinh trọng, duy để nơi cân công bình của toàn Thiên lương trí thức tinh thần định đoạt.
Các văn bút lưu lại cho thấy Ngài Ngô Văn Chiêu không liên hệ chi nhiều đến ĐĐTKPĐ (không đứng tên khai đạo- không có mặt trong lễ khai đạo- không Thánh Danh theo ĐĐTKPĐ...). Đức Chí Tôn dạy cho Ngài cách thức tu hành của một người ở cõi trần trong thời mạt pháp. Đó là cách tu thân chớ không có những phương án, công thức để xây dựng một thế giới đại đồng. Đấng Cao Đài không dạy Ngài lập pháp luật, lập tổ chức... chỉ dạy về giáo lý (Không có PCT, không có Tân Luật, Không có 03 Hội lập Quyền Vạn Linh).
Nên ngày nay hậu tấn của Ngài thừa kế có danh hiệu: CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO chớ không dùng danh hiệu ĐĐTKPĐ. (xem bài và ảnh trên báo Dân Trí trong số nầy).
3.2- ĐĐTKPĐ:
Đấng Cao Đài chỉ dạy ĐĐTKPĐ cho các vị: Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung… như đạo sữ đã ghi chép minh bạch.
Đấng Cao Đài không dạy ĐĐTKPĐ cho bất cứ một đàn cơ nào khác. Đàn cơ dạy Đạo thì nhiều nhưng đàn cơ dạy về ĐĐTKPĐ thì chỉ có một. Bằng cớ là không một đàn cơ nào có PCT.
Trong ĐĐTKPĐ Đấng Cao Đài trao truyền thể pháp và bí pháp xây dựng cá nhân, xã hội và tôn giáo. (Nên Đức Hộ Pháp gánh cả hai gánh Đạo và Đời).
Chính Ngài dạy ĐĐTKPĐ có qui định riêng và giử bản quyền 06 chữ ĐĐTKPĐ.
Tại sao phải giử bản quyền?
ĐĐTKPĐ là một phát minh mới để giúp nhân loại xây dựng một thế giới đại đồng trên nền tảng Bác ái- Công bằng. Phát minh mới đó có thể pháp và bí pháp xây dựng cho cá nhân, tôn giáo và xã hội. ĐĐTKPĐ là phát minh gốc từ đó sẽ nẫy sanh vô vàn phương án, sách lược, công thức để phụng sự.
ĐĐTKPĐ có PCT, có Tân Luật, có 03 Hội Lập Quyền Vạn linh với luật lệ rõ ràng từ đó xây dựng ra Đạo Luật...có cơ cấu tổ chức, có nguồn máy nhân sự, có thủ đô tôn giáo...
Đạo có đủ chổ cho 6 diện (Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, Tăng) tam thừa (thượng thừa, trung thừa, hạ thừa) và Nam Phụ Lão Ấu vào đó mà lập vị mình. Nên mới gọi là tận độ.
ĐĐTKPĐ ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn mà Hội Thánh ĐĐTKPĐ cũng đã thực thi 05 phương án: Gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh để lại bài học rành rành tại Châu Thành Thánh Địa.
Nếu không giử bản quyền phát minh để biếu không cho nhân loại thì sẽ có rất nhiều rất nhiều người lợi dụng danh hiệu ĐĐTKPĐ mà đi lừa đảo thiên hạ để thủ lợi. Đạo như thế chỉ làm rối ren thêm cho xã hội chớ ích lợi chi cho chúng sanh.
Do vậy ĐĐTKPĐ có tổ chức chặc chẽ như một quốc gia để xây dựng thiên đàng tại thế. Quốc đạo còn có nghĩa là từ Đạo mà lập ra nước. Nước ấy là nước Trời sẽ được lập tại thế gian nầy.
Luật Đạo thể hiện kỷ luật sắt thép với nội bộ (xữ kỷ) nhưng lại rất khoan hòa trong tiếp vật. Người tham gia vào hành chánh đạo dù ở cấp nào cũng phải minh thệ.
Tuy rằng ngày nay chi phái HĐCQ chiếm đoạt toàn bộ cơ ngơi và danh hiệu ĐĐTKPĐ. Nhưng không phải vì thế mà  bị xóa sổ.
Tại Việt Nam ngày nay Khối Nhơn Sanh ĐĐTKPĐ đã nộp ĐƠN KHỞI KIỆN vụ Chi Phái 1997 chiếm đoạt danh hiệu và cơ ngơi ĐĐTKPĐ cho Tòa Án Tỉnh Tây Ninh. Bằng cớ là chúng tôi còn tin theo ĐĐTKPĐ nên thảo luận với GS đây.

4- CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ.
Tôi nhớ không lầm thì CQ nầy lập khoản giữa thập niên 60 của thế kỷ 20. Nghĩa là họ lập sau năm 1926 khoản 40 năm.
Trước 1975 có tên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
Sau 1975 có tên như hiện nay CQPTGL.
Việc đổi tên nầy không có lấy một thông báo nhỏ (không có chén chè mời hàng xóm). Nói theo xã hội một công ty còn biết quí cái tên của mình. Nay một Cơ Quan của Đạo mà hành xữ như vậy thì họ có biết trọng danh hiệu hay không?
Xin nói nguyên nhân nào họ không xưng là chi phái?
Bởi nhu cầu hoạt động thành của những người theo cộng sản thời đó quá cấp bách nên họ không kiếm ra chức sắc, không kịp tạo ra đường lối để lập nên chi phái. Do vậy mà phải lập ra Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo để cho kịp hoạt động thành.  Điều nầy chính họ đã nói ở phiên họp với các chi phái khác để dâng công lên Đảng.
Trước năm 1975 Đinh Văn Đệ  (Điệp Viên U 4- Thiên Vương Tinh) thay mặt cho CQPTGLĐĐ  cũng có tên trong phái đoàn thống nhất các Chi Phái về Tòa Thánh Tây Ninh (Thư Ký).
Đến năm 1994 họ viết:…với Đền Thánh Trung Ương, kiến trúc cơ sở, và hệ thống tổ chức hành chánh từ Trung Ương đến các Tỉnh, Quận và Xã đạo, ban đầu Hội Thánh Tây Ninh là Hội Thánh Thống Nhất duy nhất của toàn đạo, cai quản Tòa Thánh chớ không phải một chi phái.
Nhưng từ khi nội bộ phân hóa, một phần do các phái đạo ly khai bành trướng thanh thế, một phần chịu ảnh hửng của thời cuộc, Tòa Thánh mặc nhiên trở thành một phái đạo so hàng với các phái khác.
Tuy nhiên, không phê phán cá nhân mà nhận định công lao chung của Hội Thánh…(Tìm Hiểu Tôn Giáo Cao Đài. 1994. tr40 dòng 17)
Người đạo gởi tham luận đến yêu cầu làm rõ do sự kiện gì? Từ năm nào mà Hội Thánh Tây Ninh mặc nhiên thành một phái đạo so hàng với các phái đạo khác thì họ im lặng không trả lời (xem Tham Luận Gởi Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Về Hội Thánh Chơn Truyền của Dương Cao Dân gởi CQ năm 2007).
Kế đó vấn đề nầy được các vị TTTN đặc ra ngay trên trang web caodaivn.com Đạt Tường cũng không đủ can đảm trả lời.
Nhưng bên trong thì QTV 4 của caodaivn.com  tiết lộ:
Hội đồng Nghiên cứu Giáo Lý của CQ.PTGL rất thận trọng với những bài thuyết đạo của đức HP vì kinh nghiệm cho thấy một số chỗ ngôn từ khá là thường nhân (tôn giáo bạn mà đọc thì phản ứng ngay)
Ái da da… ĐĐTKPĐ mà viết thế về Đức Hộ Pháp thì tốt hơn là trong ĐĐTKPĐ đừng có họ. Họ có dùng danh ĐĐTKPĐ thế nào đi nữa cũng là để giết đạo mà thôi.
Với cung cách bất nhất trong văn bút và thực tế như thế thì văn bút của họ có bao nhiêu tín lực?
Tiếc thay GS lại tín nhiệm và vận dụng từ những văn bút không có uy tín và của một tổ chức ra đời sau ngày khai đạo đến 40 năm.

5- XÁC ĐỊNH TRUYỀN THỐNG VÀ THÁI ĐỘ.
GS nói đến truyền thống thì Tôi cũng xin phép thưa:
Truyền thống Tòa Thánh Tây Ninh đối với chi phái:
-         Đạo Nghị Định thứ 8.
-         Đạo luật Mậu Dần (1938).
5.1- Đạo Nghị Định thứ 8 (1934) điều thứ nhất:
- Những Chi Phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.
5.2- Chương III. PHỔ TẾ.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BỐN: Phương Cách Đối Phó Cùng Các Chi Phái Phản Đạo. LUẬT:
Chiếu theo Thánh Giáo của Đức Chí Tôn và Đạo Nghị Định số 8 của Đức Lý Giáo Tông, thì toàn cả Chúng Sanh nhứt định không nhìn nhận các Chi Phái phản Đạo và phải định quyết là Bàn Môn Tả Đạo.
Nghị định và Đạo luật rõ ràng không ai dám sửa.
5.3- THÁI ĐỘ.
Đức Hộ Pháp dạy tại Đền Thánh đêm 1-7-Kỷ Sửu (1949):
…vì cớ, buổi ban sơ Đạo hèn hạ bị ép bức hiếp đáp, đời kiếm thế ra trước luật hình nên mới có tấn tuồng chi phái nổi lên đủ thứ hết, mấy người biết chi phái ấy là gì không? Là những kẻ chạy non, Bần Đạo muốn nói những kẻ đó, đã chạy, mình cầm lại sao đặng, chạy đi đâu thì chạy. Họ tạo ra chi phái, họ nói quả quyết ông Trời ở đây không phải ông Trời của họ. Họ nhứt định tạo ra một ông Trời riêng rồi sau đến mình phải chịu đóng cửa đặng cho thiên hạ quên thị nhục chưởi mắng, đóng cửa đặng đào tạo những em út có tâm hồn nhẫn nại, ngày nay nghiệp Đạo ra thế nầy ngó lại 24 năm mấy em làm xong chuyện đó, nghiệp Đạo giờ phút nầy đã cao trọng rồi đa, đã quá lằng mực thiên hạ khi rẻ, dường như đã đến đài vinh quang, đài vinh quang ấy tưởng lập ra vững chắc rồi không còn sợ ai nữa, chẳng những không sợ mà thôi mà có thể làm chủ của Đời và Đạo nữa. Mấy em, Bần Đạo đứng trước giảng đài nầy thừa lịnh Đức Chí Tôn, làm Anh cả mấy em để lời tâm huyết dặn rằng: Buổi mấy em bị áp bức mấy em sợ phải bảo vệ tức là phải tranh đấu, giờ phút nầy mấy em mạnh rồi có đủ oai quyền đủ năng lực nên bỏ phương pháp tranh đấu ấy đi, trải lớp từ bi ra đặng độ thế. Qua cho mấy em biết đại nghiệp của Đạo, ngày nay đáng làm anh, làm chủ được thiên hạ, không cần tranh đấu nữa, lấy từ bi mà đối với Đảng Phái một lỗi hai lầm, ngày nay ăn năn trở lại mấy em nhớ rằng Đền Thờ nầy là Đền Thờ chung của toàn con cái Đức Chí Tôn, không phải của riêng mấy em tuy hữu công đào tạo, nhưng không phải mấy em làm chủ, toàn con cái Đức Chí Tôn làm chủ, người ta về đừng có bạc đãi khi rẻ mích lòng Đức Chí Tôn, trái ngược lại nam cũng vậy, nữ cũng vậy, lấy tình ái vô cực của Đức Chí Tôn, lấy hình ảnh Đại Từ Bi an ủi họ, nhường nơi ăn chỗ ở cho họ, đặng họ cứu vãng chúng sanh về phần hồn ấy là lời tâm huyết. Qua cầu xin nơi mấy em đối với các Đảng Phái Quốc Sự. Đạo của mấy em như: cây cao mát mẻ, như nước suối trong veo tinh khiết, họ cũng muốn trú ngụ cho mát mẻ tâm hồn, họ đến nương bóng nơi mấy em đặng lập thanh danh của họ, mấy em nên từ bi, bác ái, nâng đỡ họ, cả em út can đảm hy sinh mạng sống để bảo vệ tài lợi của họ không kể công, họ đến nương Đạo với sự che chở của mấy em, mấy em cho họ nương đặng cho họ lập thân danh họ sẽ giúp lại mấy em tạo thời cải thế, đừng có bạc bẽo với họ, nương dựa một ngày một bữa hay bao lâu, uống nước phải biết nhơn biết nghĩa cho họ hiểu.
Nhân sự ở Tòa Thánh Tây Ninh sẽ  thực hiện đúng lời ĐHP dạy mới đáng là môn đệ Chí Tôn.
Thương yêu họ giúp đở họ quay về. Nếu có ai quay về thì Tây Ninh mừng vui trân trọng như người chăn chiên tìm được con chiên lạc mà Kinh Thánh đã nói vậy.
Chúng tôi đã nói dài bức thư vì phải điểm phớt qua các tình huống để GS hình dung ra cái gốc của vấn đề.
Kính chúc GS tạo được nhiều công đức trong công việc giảng dạy.
Kính.
BBT Thông Liên.

NGUYÊN VĂN BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ TÙNG.

https://thienlybuutoa.org/Giaoly/CaoDai-ChiPhai-TruyenThong.htm

CAO ĐÀI,
“CHI PHÁI” hay “TRUYỀN THỐNG”?
Nguyễn Khắc Tiến Tùng.
Tuy tôi không theo đạo Cao Đài mà đã có một vài sinh viên sau giờ giảng hỏi “Có phải thầy người đạo Cao Đài?”, có lẽ vì họ thấy tôi đã giảng một cách “dấn thân” quá. Cũng có nhiều người bạn hỏi “Chắc anh người Cao Đài?”, rồi ca tụng đạo Cao Đài với một trong những nét đẹp là hòa đồng tôn giáo, làm như tôi là một tín hữu thuần thành và người nói câu trên nhìn tôi tưởng tôi là người đại diện cho Đạo! Người trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) thì hỏi “Chắc bạn là người phái Tiên thiên?” như một sử gia Cao Đài và tác giả nhiều sách Cao Đài có giá trị hỏi tôi thuở mới quen nhau và liệt tôi vào “khuynh hướng dung hòa” ở Đức! Trực tiếp hay qua thư từ, điện thoại tôi còn được gặp nhiều vị tín hữu hay chức sắc Cao Đài khác tại hải ngoại (cũng như ngày xưa trong nước). Ai cũng vui vẻ, ai cũng sẵn sàng giúp tôi tìm hiểu về Đạo. Nhưng nếu nói về một người nào sinh hoạt đạo tích cực một chút khi tôi vô tình nhắc đến tên hay khi muốn tìm hiểu cố ý hỏi về vị đó thì sẽ nhận được một lời “báo động”: “Bà ấy Chiếu Minh”, “Ông ấy Tây Ninh” hay “Thánh giáo ở đó cũng không có gì cao siêu” cả! Hoặc nghe một lời phát biểu dè dặt: “Anh đang nghiên cứu Cao Đài, chắc với thời gian sẽ hiểu”, hay vui đùa khi tôi bị “khảo đảo” vì một vị ẩn danh thử tôi: “Ấy, anh gặp “tổ sư” (Cao Đài) rồi đó!”
Lúc đầu tôi ghi nhận vô tư điều này, nhưng nghe riết rồi dần dần tự nhiên cảm thấy mang máng buồn, dù mình chỉ là người đi tìm hiểu chứ đâu có phải người Cao Đài! Buồn vì hình như các vị tuy đồng đạo Cao Đài với nhau nhưng còn một chút gì đố kỵ, e dè, mặc dù Đức Chí Tôn Thượng Đế (của Đạo) từng dạy:
Đâu cũng gọi TAM KỲ PHỔ ĐỘ,
Đâu cũng THẦY, danh ngã CAO ĐÀI,
Dầu cho đây dở, đó hay,
Đỡ nưng mới phải, đừng bài bác nhau. (1)
Nhưng phải chăng đó cũng là tình trạng chung của nhiều đạo khác, không riêng gì Cao Đài?
Kìa là tôn giáo tranh phân,
Bởi người thiếu lẽ tình thân đại đồng. (2)
Cũng vì thiếu lòng bao dung nên Thiên chúa giáo, Hồi giáo mới chia năm xẻ bảy, Phật giáo cũng có nhiều trường phái...
Còn ở Cao Đài, chính các tín đồ cũng được Đức Cao Đài Thượng Đế hỏi khi trong nội bộ thiếu lòng hiểu biết khoan dung với nhau:
Con hỡi con! Đau lòng chăng tá?
Con hỡi con! Xót dạ hay không? (3)
Như đã kể, chính tôi không là người bổn đạo nhưng nhiều khi cũng thấy “đau lòng xót dạ” khi thấy các “chi phái” không hòa với nhau, khi đọc trong sách báo thấy người ta gọi Cao Đài là “giáo phái” (có lẽ nguyên nhân nằm ở sự tham gia tích cực về chính trị và quân sự của Cao Đài Tây Ninh trong hoàn cảnh chung của đất nước thời đó khoảng 1954-55). Một tôn giáo như Cao Đài mà bị đặt ngang hàng với “giáo phái Bình Xuyên” thống trị thế giới tứ đổ tường trụy lạc thời tổng thống Ngô Đình Diệm thì chắc ai cũng đồng ý là “oan nghiệt” cho đạo, khó lòng chấp nhận.
Người ngoài gọi đạo Cao Đài là “giáo phái”, trong đạo thì gọi nhau theo “phái” kèm theo những nhận định chủ quan của chi phái mình về “chi phái” khác. Chính Cao Đài Thượng Đế cũng phải nói:
Thầy thấy con còn rẽ chia nhau,
Như vầy Thầy rất lòng đau, (4)
Cho đến đây ta nhận thấy rằng chính Đức Cao Đài Thượng Đế vẫn chưa dùng hai chữ CHI và PHÁI trong nhiều bài thánh giáo nói với tín đồ:
Thầy nhắc lại thời kỳ khai Đạo,
Buổi đầu tiên Thầy tạo Chiếu Minh,
Rồi lần sang đến Tây Ninh, (5)
Trong những câu thơ trên người đọc chỉ thấy tên “Chiếu Minh” và “Tây Ninh” không thôi chứ không thấy có một tiếng nào khác được đặt lên trước mấy tên đó.
Nhưng rồi đến câu thứ 22 của bài cơ kể trên Cao Đài Thượng Đế mới nói tiếp:
Mười hai CHI Thầy tạo đủ rồi, (6)
Lần đầu tiên ta thấy chữ CHI được dùng ở đây. CHI nghĩa là cành, là nhánh. Thượng Đế tạo ra một cây rồi sau đó cây sinh xôi thêm nhiều nhánh, nhiều cành. Đó là một trình tự rất tự nhiên với một hình ảnh đẹp: một cây xanh tốt với nhiều cành lá xum xuê.
Trong bài thánh giáo “Kỷ niệm Huỳnh Đạo Thiên Khai năm thứ 10” (tức Thiên Lý Bửu Tòa) vào ngày 15 tháng 5 năm 1986 Đức Cao Đài Thượng Đế cũng dùng chữ CHI trong đoạn:
Nay là ngày kỷ niệm Khai Minh an lập mối Đệ Nhị Đạo Huỳnh, thể hiện chi Phật tông chánh giáo để cho cơ nghi Đại Đạo thành lạc đủ Ngũ Chi.” (7)
Như thế chữ CHI ở đây gợi lên một nghĩa đẹp, mang vẻ hài hòa.
Sau đó Cao Đài Thượng Đế dùng chữ PHÁI:
Mười hai phái do đâu mà có?
Gốc Cao Đài tách ngõ phân ra,
Cũng như Thầy tạo cái nhà,
Có mười hai cửa vào ra tự lòng. (8)
PHÁI ở đây có nghĩa phân chia nhưng trong một chương trình quy hoạch tổng thể. Cũng như kiến trúc sư vẽ kiểu cái nhà có 12 cửa, mỗi cửa ra vào theo nhu cầu hợp lý cho mọi người ở trong nhà. Tương tự như chữ PHÁI trong PHÁI Ngọc, PHÁI Thái, PHÁI Thượng nói lên sự phân chia nhiệm vụ cho cùng một mục đích cao đẹp.
Chữ PHÁI cho đến lúc này vẫn chưa có nghĩa xấu.
Tóm lại, cả hai chữ CHI và chữ PHÁI nếu dùng riêng biệt như Đức Cao Đài Thượng Đế đã dùng bên trên đều không bao hàm nghĩa xấu.
Trong bài thánh giáo “Cơ quan Phổ thông Giáo lý không phải là một chi phái” thì Thượng Đế đã hiểu thế nào về hai chữ CHI-PHÁI viết liền nhau như một danh từ kép?
Các con cần ghi nhớ điều này: CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ (CQPTGL) không phải là một chi phái, cũng không phải của một cá nhân nào hay một đoàn thể nào, mà phải là của toàn Đạo, một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhất Giáo lý, tức là tinh thần vậy, để các con sẽ gặp nhau, quy nguyên ở vị trí duy nhất, tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo.” (9)
Ở đây Đức Cao Đài Thượng Đế đã dùng hai chữ CHI PHÁI ghép vào nhau để thành “chi phái” hiểu theo nghĩa không đẹp, nghĩa là chia rẽ giữa những cá nhân theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay giữa những đoàn thể Cao Đài theo đuổi lợi ích riêng tư. Do đó Cao Đài Thượng Đế đã cho CQPTGL thành hình như một nhịp cầu nối hai bờ cách biệt để đưa khách lữ hành về “quy nguyên ở một vị trí duy nhất”, để giúp họ tiếp thu kiến thức và thực hành những hiểu biết theo ánh đuốc soi đường là chánh pháp. CQPTGL giúp các “nguyên nhân”, các tín đồ ĐĐTKPĐ:

Gặp gỡ nhau trên đường Giáo lý,
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài;
Không còn chia biệt Đông Tây,
Không còn phái nọ, chi này, Phật, Tiên. (10)
Hiển nhiên Cao Đài Thượng Đế đã dùng hai chữ chi-phái như một tiếng kép hàm ẩn sự chia rẽ.
Tạm kết: chữ “chi-phái” được dùng trong bài cơ trên – cũng như nói chung hiện nay thường được dùng – mang nghĩa không đẹp.
Trong sách vở, báo chí, nhất là báo chí Tây phương cho đến bây giờ người ta vẫn còn dùng chữ GIÁO PHÁI, CHI-PHÁI (secte/sect) để chỉ ĐĐTKPĐ. Chính nội bộ Cao Đài có lẽ cũng mang mặc cảm “chi phái” nên nhận thấy cần phải thống nhất và đã có những cố gắng thống nhất tuyệt vọng trong lịch sử Đạo.
Tác giả xin nói rất dè dặt, nếu có sai lầm xin quý vị trong Đạo hỷ xả cho và sửa chữa, bổ khuyết giùm: Người Cao Đài tại hải ngoại hiện nay vẫn còn mang tâm lý này và vẫn đang cố gắng hợp nhất. CAO ĐÀI GIÁO HẢI NGOẠI (hiện còn tồn tại, nhưng việc làm không còn nhiều tính chủ động), CƠ QUAN TRUYỀN GIÁO CAO ĐÀI HẢI NGOẠI (đã giải thể) là thí dụ về phương diện tổ chức, THIÊN LÝ BỬU TÒA (đã tả trọn vẹn một vài bộ kinh mới có hệ thống và thành công nhiều về phương diện ấn tống kinh sách) là thí dụ về phương diện hòa hợp tinh thần. Đó là những cố gắng đáng trọng. Nhưng chắc thống nhất theo mô hình tổ chức, hành chánh và tâm lý chắc còn khó khăn. Thống nhất về phương diện giáo lý, tôn giáo chắc dễ dàng hơn vì “Thánh ngôn hiệp tuyển”, “Đại thừa chơn giáo”, các thánh giáo và các bài cơ bút với nhiều thiên điển còn đó, chỉ cần dựa vào đó mà tu tập, sống đạo với hết CHÂN TÌNH. Đức Cao Đài Thượng Đế đã không nhắc nhở thật rõ ràng từ lâu hay sao?
Thầy không mượn lâu đài, chùa thất,
Mượn lòng con chơn thật mà thôi; (11)
Với tấm lòng này tôi tin tưởng rằng mỗi tín đồ Cao Đài – ở bất cứ vị trí nào – sẽ trở về nội tâm, bỏ những tỵ hiềm trần thế, nghĩ đến nghĩa vụ chung, tu tập tinh cần để đạt đạo trên cả hai con đường Nội giáo tâm truyền và Ngoại giáo công truyền, sớm rời quả địa cầu 68 này để nhập vào với Đại Linh Quang, quy hồi cựu vị.
LỜI ĐỀ NGHỊ CUỐI:
Sau khi vắn tắt nhắc tới để thử tìm hiểu lại các chữ CHI, PHÁI đứng từng chữ riêng rẽ, các chữ CHI-PHÁI viết liền nhau (và nhân đó chữ GIÁO PHÁI), xin được đề nghị: từ nay các tín hữu Cao Đài nên giải thích để không ai sẽ gọi Cao Đài là GIÁO PHÁI nữa. Trong nội bộ, tín đồ Cao Đài cũng không tự cho mình thuộc một CHI PHÁI nào, mà thay vào đó chỉ cùng là người Cao Đài và ta thử dùng chữ: TRUYỀN THỐNG
“Hiền muội là Cao Đài truyền thống Tây Ninh”, “Hiền huynh tu theo truyền thống Chiếu Minh”, “Hiền tỷ học với truyền thống Tiên Thiên”, “Tiểu đệ sinh hoạt ở truyền thống Thiên Lý Bửu Tòa”, v.v...
TRUYỀN THỐNG mang nhiều ý đẹp. Ít ai nghe nói đến truyền thống xấu.
Riêng tôi cho đến bây giờ trên các báo tôi chủ trương, hay khi giảng dạy tôi cũng đã dùng và sẽ dùng chữ TRUYỀN THỐNG để chỉ các khuynh hướng Cao Đài khác nhau. Là người Việt Nam ai cũng hãnh diện về truyền thống Việt Nam, là các tín đồ Cao Đài chắc ai cũng hãnh diện về những truyền thống của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Xin được góp một ý nho nhỏ như trên, có lẽ cũng không mới mẻ gì lắm. Mong sao ở bất cứ đâu, các thân hữu Cao Đài của tôi luôn luôn sống được những ngày đoàn viên êm đẹp trong mọi trung tâm sinh hoạt (thánh thất, thánh tịnh, chùa thất...) và luôn luôn tìm về Minh triết, đạt được Minh triết để sống đúng với Truyền thống Cao Đài tốt đẹp của mình.
NGUYỄN-KHẮC TIẾN-TÙNG
(Tác giả giảng dạy về Khoa học Tôn giáo và Lịch sử tôn giáo tại Đại học Leipzig, CHLB Đức, trong đó có các tôn giáo mới, xuất hiện ở miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ XX là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và Phật giáo Hòa Hảo. Bài trên là bản thảo của một phát biểu ngắn cho một buổi hội họp của ĐĐTKPĐ.)
Chú thích:
(1) Mười hai phái đạo Cao Đài, Tòa thánh Châu Minh, ngày 10 tháng 1 năm Đại Đạo thứ 32 Đinh Dậu 1957, trích trong Huấn từ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Lý Bửu Tòa xuất bản năm 2004 tại Hoa Kỳ, trang 3.
(2) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, Nam Thành thánh thất, Tuất thời, mùng 1 tháng Giêng Ất Tỵ, 2-2-1965, Huấn từ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, sách đã dẫn, trang 7-8.
(3) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, sách đã dẫn, trang 8.
(4) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.
(5) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.
(6) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 3.
(7) Kỷ niệm Huỳnh Đạo Thiên Khai năm thứ mười, Thiên Lý Bửu Tòa, USA, 15-5-1986, sách đã dẫn, trang 126.
(8) Mười hai phái đạo Cao Đài, sách đã dẫn, trang 4.
(9) CQPTGL không phải là một chi phái, Thiên lý đàn, Tuất thời, 14 tháng giêng Ất Tỵ, 15-2-1965, sách đã dẫn, trang 11.
(10) CQPTGL không phải là một chi phái, sách đã dẫn, trang 12.
(11) Tình Tạo hóa bao trùm vạn vật, sách đã dẫn, trang 8.