Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

3012. CÔNG THỨC DÂN CHỦ CAO ĐÀI GIÁO.

Năm 2006 Tôi soạn quyển CÔNG THỨC DÂN CHỦ CAO ĐÀI GIÁO có đăng trên trang web chonphapcaodai.net, Nay xin đăng lại theo đề nghị bạn đọc. Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc xin cẩn thận. Dương Xuân Lương (N.O.P)


VỊ TRÍ TOÀ THÁNH HIỆN NAY
ĐƯỢC CHỌN NHƯ THẾ NÀO?
BÀI 1.

Các sử liệu về việc mượn Chùa Phật Từ Lâm Tự để tổ chức Lễ Khai Đạo Cao Đài (15-10 Bính Dần- 1926) và mấy tháng sau đó Hội Thánh đi tìm rồi chọn địa điểm hiện nay để xây dựng Toà Thánh có thể tìm thấy từ các nguồn chính:
- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
- Đạo Sử.

I- MƯỢN TỪ LÂM TỰ.
Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu biên soạn được Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh nhìn nhận và ấn hành:
Năm 1925 Đức Chí Tôn đến dạy Đạo cho các vị tiền khai Đại Đạo thì chưa có Thánh Thất nên các Đấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà Đức Cao Thượng Phẩm (Đường Bourdais số nhà 134 Sài Gòn- Sau đổi thành Đường Calmette) để thờ Đức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi dạy Đạo và dìu dắt nhơn sanh.


Đến năm 1926 mới mở Đạo lần tới Tân Kiệm, Tân Định, Lộc Giang, Thủ Đức. (ĐS.Q. 1. T. 93).
Cũng trong năm 1926 Đức Chí Tôn dạy mượn ngôi Chùa Phật tên Từ Lâm Tự (còn gọi Chùa Gò Kén) tại Tỉnh Tây Ninh để làm Lễ Khai Đạo.
Từ Lâm Tự vốn của Hoà Thượng Như Nhãn ở chùa Giác Hải (Chợ Gạo) quyên tiền trong bổn Đạo lập ra.
Từ Lâm Tự toạ lạc cạnh bên quốc lộ 22. Đi từ Sài Gòn về Tây Ninh khoản 92Km Chùa nằm bên tay trái. Muốn vào Chùa phải đi trên con đường độc đạo dài độ 500 m xuyên qua cánh đồng ruộng để vào. Hai bên đường vào chùa có trồng hai hàng cây rừng.
Chùa nằm trên một gò đất cao; chung quanh là đồng ruộng biệt lập với xóm làng. Nên cảnh trí rất nên thanh tỉnh và u nhã. Từ chùa Gò kén nếu đi thêm non 02 km (hai) nữa thì đến Ngã ba Mít Một (còn gọi là đường dây thép). (1) Từ Ngã Ba Mít Một đi trên quốc lộ 22 thêm 4 Km nữa thì đến Tỉnh Lỵ Tây Ninh.
Vị chi Chùa Gò Kén còn cách tỉnh lỵ độ 6 Km.
Tháng 7 năm Bính Dần (Aout 1926). Ngài Hoà Thượng Như Nhãn tình nguyện dâng Chùa ấy cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để làm Thánh Thất.
Khi ấy Chùa cất mới vừa xong nhưng chưa sơn phết, chưa tráng xi măng và chung quanh Chùa vẫn còn bụi cây sầm uất.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ phải ra tiền lo việc ấy cho hoàn tất, lại còn dựng cốt Phật Thích Ca trồng kiển đắp đường cho xe vô tận Chùa và cất Tịnh Thất.
Ngày 10-10- Bính Dần tạm ngưng việc phổ độ để lo sắp đặt lễ Khánh Thành Thánh Thất ở Từ Lâm Tự. (ĐS.Q.2. T. 6).
Ngày 14-10- Bính Dần (18-11-1926) Bà Nữ Đầu Sư và đoàn xe Chức Sắc cao cấp về Chùa lúc 5 giờ chiều. (ĐS.Q.I.T.103).
Đêm 14 rạng mặt rằm tháng 10 năm Bính Dần là đêm làm Lễ Khánh Thành Thánh Thất Từ Lâm Tự (ĐS.Q.2. T. 7).
Đêm 14 rạng mặt rằm tháng 10 năm Bính Dần cũng là đêm Khai Đạo. Thầy khai tịch Đạo Nữ Phái ngay trong đêm nầy (2)
Đến 19-11- Bính Dần thì Hoà Thượng Như Nhãn (đắc phong Thái Chưởng Pháp) đã có ý đòi Thánh Thất lại. (ĐS.Q. 2. T.122).
Ngày 01-12- Bính Dần. Lại có việc đòi Thánh Thất Từ Lâm Tự. Thầy vì thương phái ấy (Đạo Thuyền) mà muốn giử Thánh Thất lại. Nhưng phần đông môn đệ Chí Tôn đều muốn trả lại nên Thầy chấp thuận.
- Thầy cho biết Đức Lý Đại Tiên sẽ dạy lập Thánh Thất theo kiểu vở Thiên Đình. ĐS.Q. 2. T. 141.
II- CHỌN VỊ TRÍ XÂY DỰNG ĐỀN THÁNH.
Xin liệt kê sự kiện theo thứ tự thời gian từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Đạo Sử. Có đàn cơ không ghi thời gian nên xin xếp theo thứ tự số trang để tiện tra cứu.
ĐS.Q. 2. T. 222.
Ngày 19-01- Đinh Mão (1927). Tại Gò Kén. Lý Đại Tiên: …Chư Đạo Hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Toà Thánh chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Vì là Thánh Địa vả lại phong thổ tốt cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu.
... phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là trọn cả bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh Địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất về cho Lão hay cầu khẩn Chí Tôn nghe.
TNHT.Q. 1. T. 98 và ĐS.Q. 2. T. 223.: Ngày 20-01- Đinh Mão (1927).
Tại Gò Kén. Đức Chí Tôn.
Các con nghe nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh Địa…Còn Toà Thánh Thầy muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý là hạnh của Thầy; Các con nên xem gương mà bắt chước. Từ Thầy đến lập Đạo cho đến giờ Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Toà Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Các con đã hiểu Thánh ý Thầy phải cần kiệm mỗi sự chi về phương tiện mà thôi.
(Đoạn Đạo Sử sau đây còn dạy tiếp). …Cẩm Giang thì các con phải chịu về phần ăn uống. Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi.
Chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng: Vì lợi ích lương sanh vì đạo đức mà kỳ chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì là đẹp lắm. Các con liệu thử. … Suối Vàng thì đặng; phương chở chuyên không thuận tiện song phong thổ tốt đẹp, con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét nghe à….
ĐS.Q. 2. T. 224. Ngày 21-01- Đinh Mão (1927). Tại Gò Kén.
Đức Lý Đại Tiên: …Nhị vị hiền hữu muốn cho Đạo phải mang tiếng rằng trốn lánh hay sao mà tính dời Toà Thánh xa dữ vậy hử? Tỷ như Lão muốn lập Toà Thánh gần bên thành binh chư hiền hữu tưởng sao?
Trung bạch có hai làng cúng đất.
Mua thì đặng khó gì? Một nơi chí thánh trước mắt mà chư hiền hữu chẳng biết xem, ấy cũng còn hai phần phàm.
…Lão cậy hiền hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là đường dây thép, nhắm địa thế dài theo cho tới ngã Ao Hồ coi hiền hữu thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng: mỗi sự chi chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết. Chư hiền hữu đừng sợ ai hết hễ sợ thì chối quyền Thiêng Liêng của Chí Tôn thì là còn gì Đạo…
ĐS.Q. 2. T. 225. Ngày 23-01- Đinh Mão (24-02-1927). Tại Gò Kén.
Đức Lý Đại Tiên: Lão khen… Phải đó đa, tưởng chư hiền hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa: Sâu hơn 300 thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu:
- Một đầu ra giếng mạch Ao Hồ.
- Hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.
Người Lang Sa chỉ đòi 20.000, nói rồi trả đúng có 15.000. Lão dặn thì thành trả có 17; 18 ngàn thì đặng vậy.
Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh Địa ngày sau hoá vàng. Chư hiền hữu biết lo lập ngày sau rất quí báu.
TNHT. Q.2.T.29 và ĐS.T. 225. Ngày 27-01- Đinh Mão (28-02-1927). Tại Gò Kén.
Đức Lý Đại Tiên: …Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo Hữu lại phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Như vậy ngay trung tim rừng cách miếng đất trống chừng ba thước rưỡi đóng một cây nọc đo Hiệp Thiên Đài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 50 thước (3) đóng một cây nọc ấy là khuôn viên Toà Thánh. Lão lại dặn từ cây nọc bên phía miếng đất phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Lang Sa nghe à. Tư vuông 27 thước mỗi góc của Bát Quái Đài; nghĩa là nhà hình tròn có 8 nóc cao từ đất lên thềm 9 thước Lang Sa. Làm 8 nóc rộng bao nhiêu tuỳ ý. Trên điện Bát Quái Đài bề cao 9 mét hình nóc tròn mô, lên chỉ có 8 nóc, cho phân minh. Trên đầu đài phải để cây đèn xanh (4). Kế nữa chánh điện bề dài 81 mét, bề ngang 27 mét. Lão phải vẽ mới đặng. (ĐS.: Kế nữa Hiệp Thiên Đài tư vuông hai từng, mổi từng 9 mét). Hai bên Hiệp Thiên Đài bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Đài bên tả có Bạch Ngọc Chung Đài Lão phải vẽ mới đặng.
…Nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ; lấy một miếng giấy lớn vào Điện phò loan cho Lão vẽ.
…phải có mặt. Còn kỳ dư không cho ai vào Điện hết nghe à.
Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ nghe à!
ĐS.Q. 2. T. 226. Chùa Gò Kén Năm Đinh Mão. Thầy…
Thái Bạch muốn lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp chẳng tưởng sự khó nhọc các con . Thầy chẳng đành thoản như tốn kém nhiều các con coi theo hoạ đồ tính làm theo thước mộc nghe à!
…Con vẽ trúng nhưng con Long Mã làm sao thêm cho 3 ngọn đèn bằng nhau
Các con lo làm có Thái Bạch xem sóc. Các con nhớ rằng danh đạo do nơi Toà Thánh, làm thế nào danh các con cùng vạn quốc thì làm.
ĐS.Q. 2. T. 227. Ngày 07- 02- Đinh Mão (1927). Tại Gò Kén. Đức Chí Tôn.
Con làm ơn lo Thánh Địa, lập Thánh Thất con thấy sự khó trước mắt đó, thấy chưa con…
Tượng Thầy chẳng giống chi hết. Thầy vốn vô hình vô ảnh. Thầy tốt đẹp chưa ngòi bút phàm nào vẽ đặng…
…Con vẽ Thánh Thất phải, song nơi để con Long Mã con nên làm một cái đài nhỏ có cửa sổ cho hơi không khí thông thương vô đại điện tốt hơn.
…Xin đúc nền Toà Thánh bề cao 9 mét theo kiểu vở Đại Tiên cho.
Tốn kém nhiều lắm con ơi! …con nên đo từ mé rừng dưới vào cho tới 50 mét. Bỏ miếng đất trảng vào cho tới 50 mét rồi kế 81 mét; rồi kế 27 mét. Làm như vậy Thánh Thất nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một vườn thiên nhiên rất đẹp. Thầy tưởng khi con cũng đã thấy sái, con cứ lấy đường con cất đo vô rừng 27 mét mà phát trống thì chùa nằm tại chỗ. Còn khi cất con mhắm thế nào cho nọc Bát Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngay mặt Trời phía Tây thì trúng…
ĐS.Q. 2. T. 228. Chùa Gò Kén. Đinh Mão. Đức Lý.
Hoạ đồ của Lão Chí Tôn chê và trách rằng: hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mổi cấp ba tấc tây mà thôi. Dưới đất 5 tấc, chín cấp 3 tấc là 2,70m cộng là 3,20m. Còn 10 mét thì chí đầu trong nền Bát Quái Đài. Trên đầu song chí nóc 13m mới khỏi mưa nước đọng mà phải mục. Nóc của Đại Điện và Hiệp Thiên Đài cũng y như mực vậy. Phải làm plafond hai đài chuông, trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài 6m.
1. Đèn xanh ngay giữa Đại Điện làm hình Long Mã Phụ Đồ.
2. Điện Bát Quái Đài để cây đèn vàng ngay nóc. (5).
3. Hiệp Thiên Đài để cây đèn đỏ.
Tóm lại: (ĐS.Q. 2. T. 141).
Hội Thánh mua một sở rừng 140 mẫu giá 25.000đ. toạ lạc ở Làng Long Thành. Khai phá được chừng 10 mẫu rồi mới cất Toà Thánh tạm mà an bài nơi đó kể từ tháng 02 Đinh Mão.
(ĐS.Q. 2. T. 7).
Đối chiếu các trang: 97 và 115. Q.1. với T. 221 Q.2. có thể hiểu:
- Ngày 13- 02- Đinh Mão dời tượng Đức Phật Tổ về Toà Thánh.
- Ngày 20-02-Đinh Mão hoàn thành việc dời về Toà Thánh (trả Chùa).
III- KẾT LUẬN.
Từ năm 1925 Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu tiên gia là cơ bút để đàm đạo văn thơ thi phú với các nhân sĩ có tâm hồn đạo đức; từ đó hướng dẫn các vị bước lần vào con đường học đạo.
Nhờ đó các vị giúp Đức Chí Tôn xây dựng và phổ biến một phát minh mới cho nhân loại. Đó là Tôn giáo Cao Đài. (5)
Số nhân sự nhập môn buổi đầu phần lớn là rường cột ở Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài sau nầy.
Cho đến ngày chính thức làm Lễ Khai Đạo Tôn Giáo Cao Đài chưa có cơ ngơi riêng nên mượn Từ Lâm Tự để làm Lễ Khai Đạo.
Sau hơn ba tháng mượn Từ Lâm Tự là đã đến hẹn trả Chùa; cũng như do nhu cầu phát triển nên Thiêng Liêng hướng dẫn Các Vị Chức Sắc chọn địa điểm để xây dựng cơ ngơi Tôn Giáo Cao Đài như ngày nay chúng ta đã biết. (7)

@@@

Mạc đãi lão lai phương học Đạo,
Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.
TNHT.
“Chớ có đợi già mới học Đạo.
Xem những mồ hoang ấy là của người còn trai trẻ.

(1) Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì năm khai đạo con đường tại Ngã Ba Giang Tân (còn gọi Lộ Trung Tim) hiện giờ dẫn thẳng vào Long Hoa Thị chưa có. Con đường nầy mãi khi Đức Hộ Pháp thành lập Long Hoa Thị mới được khai mở.
Các con đường khác song song với Lộ Trung Tim như: Ca Bảo Đạo hay Lộ Bình Dương Đạo cũng chỉ được khai mở khi có Đạo Cao Đài… (Chúng tôi chưa có tư liệu để đối chiếu với lời nói của các vị cao niên nầy…)
(2): Ngay đêm Khai Đạo có sự biến về cơ bút mà Thánh Ngôn hay nhiều sử liệu khác cũng có nói rõ.
(3): ĐS. ghi là 30m. nhưng TNHT. ghi 50m. Chúng tôi chọn theo số liệu TNHT.
(4) + (5): Phân biệt đầu đài đèn xanh khác với nóc điện đèn vàng. Ấy là 2 vị trí khác nhau. Hai ý nghĩa khác nhau khi dùng 2 màu.
(6): Lời Thuyết Đạo ĐHP. Q.6. T 52. Ngày 20-11-Giáp Ngọ.
Phủ Dụ Nhân dịp Lễ Khánh Thành Tân Dân Thị.
Đức Chí Tôn đến với họ một cách riêng biệt thế nào Qua không hiểu. Qua chỉ biết phận sự của Qua là Đại Từ Phụ giao phó một lời yếu thiết như thế nầy:
Tắc Đời quá khổ chẳng phải khổ về xác thịt mà thôi mà lại khổ đến tinh thần nữa; nạn của nhơn loại tương tàn tương sát sắp đến.
Thầy giao cho con một cây cờ cứu khổ, chẳng phải cứu khổ tinh thần mà thôi lại lẫn cả thể xác nữa. Trọng hệ hơn hết là điều ấy Thầy giao phó cho con. Nhưng mà con phải hiểu có khổ về tinh thần mới biến sanh ra khổ của thể xác. Thầy nói rõ Thầy giao cho con một gánh Đạo và Đời “Thật sự ra Bần Đạo xin thú thật; gánh của Đạo chẳng hề làm cho Bần Đạo khủng khiếp. Duy có gánh của Đời Ngài giao nó nặng nề hơn hết” ….
(Lưu ý rằng LTĐ. từ năm 1952 về sau là những quyển do Ban Tốc ký ấn hành chứ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh chưa chính thức ấn hành- Từ Quyển 1-4 là do Hội Thánh ấn hành và giữ bản quyền).
(7): Nhiều vị nghiên cứu cho rằng Tôn Giáo Cao Đài không có Chùa chỉ có Toà Thánh, Điện Thờ Phật Mẫu và Thánh Thất…. Các vị nói rằng có một văn bản của Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh hướng dẫn như thế… tiếc vì các vị không cung cấp văn bản.
Nhưng theo Pháp Chánh Truyền phần quyền hành Giáo Hữu có câu:
Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa nơi mấy tỉnh nhỏ… Như vậy dùng chữ Chùa (để chỉ Thánh Thất) như một số người quen dùng vẫn đúng với Pháp Chánh Truyền.
Mặc khác cho dù Hoà Thượng Như Nhãn có hiến đứt ngôi chùa Gò Kén cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Hội Thánh cũng phải chọn một địa điểm khác để xây dựng cơ ngơi thủ đô Tôn Giáo Cao Đài là việc đương nhiên không thể khác.
Bởi vì Từ Lâm Tự không có đủ điều kiện để phát triển tạo nên cơ ngơi thủ đô Tôn giáo mang tính toàn cầu...
Thử hình dung nếu Nội Ô Thánh Địa được tạo nên ở Gò Kén thì hằng năm khi đến Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hay các kỳ lễ lớn khác… số người đến dự lễ gặp khó khăn thế nào trên đường độc đạo vào Chùa. Khi ấy chắc chắn xãy ra cảnh người đến dự lễ chen lấn rồi té ngã và vô tình dẫm đạp lên nhau cho đến chết. Đó là cảnh rất thương tâm rất bi đát… mà một Tôn Giáo hoàn hảo không thể cho phép xãy ra… dù chỉ một lần.
Chùa Gò Kén có vị trí giống như một thai bào; thai nhi nhờ có thai bào mà nên hình và phát triển hoàn chỉnh để chào đời, để hiện sinh là một nhân tố; nhưng không thể ở mãi trong thai bào mà trưởng thành.
Thai nhi phải ra khỏi thai bào mới đủ điều kiện trưởng thành và thực thi nhiệm vụ.
Những nhận xét trên không phải làm công việc thừa là khen Phò mã tốt áo mà là minh chứng chân lý:
Thiên chi đạo lợi nhi bất hại.
Đạo trời chỉ làm lợi mà không làm hại.
* Kiến Trúc Toà Thánh và Kinh Thánh.
Kinh Thánh: Phần Khải Thị (Khải huyền).
Mục Giê-Ru-Sa-Lem tương lai đoạn mô tả Giê-Ru-Sa-Lem mới:
Thành rực sáng tựa đá quí tuyệt vời như ngọc thạch trong suốt tựa pha-lê. Thành có tường rộng và cao với 12 cửa do 12 thiên thần canh giữ và trên các cửa có ghi tên 12 chi tộc con cái It-ra-en. Phía Đông có 3 cửa, phía Bắc 3 cửa, phía Nam 3 cửa và phía Tây 3 cửa…
Đối chiếu ta thấy 12 cửa của Toà Thánh hiện nay cũng phân bố đều cho 4 hướng…
(Khải thị: Sau khi Đức Chúa bị đóng đinh…hiện về qua huyền ảnh bảo môn đệ ghi lại những dự báo…)