Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

2979. ẤN TÝ BIÊN NIÊN (2013) tt 4.

ẤN TÝ BIÊN NIÊN. 2013. tt 4.


2.2/- Câu hai: Giữa biển ai từng gặp lão Tô.
Theo Đức Hộ Pháp giảng thì Tô là Tô Đông Pha và cho biết vắn tắt ý nghĩa câu trên (theo nghĩa chữ biển là đại dương). Nhưng chính Đức Hộ Pháp dạy rằng mỗi khi thuyết Đạo Ngài đều để khoản trống cho con cái Chí Tôn tìm hiểu.
Do vậy chúng tôi xin trình bày thêm diện chữ biển là biển trần khổ. Từ đó liên hệ đến 03 cảnh ngộ đầy trớ trêu (bi hài) của Tô Đông Pha để hiểu nghĩa câu hai. Nghĩa là trong cuộc đời (biển trần khổ) ai đã từng sống qua, trãi qua (hay hiểu) cảnh ngộ mà họ Tô từng nếm trãi. Trong 03 cảnh ngộ chúng tôi chọn có 02 cảnh ngộ do chính ông là tác nhân, tự suy nghĩ của mình làm mình vấp (chủ quan) và 01 cảnh thời thế tạo ra (khách quan). Từ chủ quan và khách quan để lại bài học cho hậu thế.


2.2.1/-Giai thoại văn chương của Tô Đông Pha &Vương An Thạch.
a/- Tô Đông Pha (1037-1101) tự Tử Chiêm, hiệu là Hòa Trọng hay Đông Pha cư sĩ nên thường gọi Tô Đông Pha. Ông sinh ra tại Mi Sơn, Mi Châu, nay là  Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Thân phụ ông là Tô Tuân (tự là Minh Doãn, 1009-1066), và em trai là Tô Triệt (tự là Tử Do, 1039-1112). Ba cha con ông cùng được xếp vào bát đại gia Đường Tống. Ông theo đạo Phật, có lòng từ bi và rất mực yêu dân, không tham ô hối lộ. Ông có tính cương trực nên sự nghiệp chính trị đầy sóng gió.
Ông đậu tiến sĩ năm 1060 và bước vào hoạn lộ với chức Chủ Bạ huyện Phúc Xương tỉnh Hà Nam. Năm 1061, nhậm chức Thiêm phán phủ Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây. Năm 1065, vào làm việc ở Sử quán.
Năm 1066, cùng em là Tử Do xin nghỉ việc quan lo tang cha.
Năm 1069, ông trở lại kinh thành nhận chức Giám quan. Ông cùng em đả kích mạnh mẽ các chính sách cải cách của Tân đảng như "Phép Thị Dịch", "Phép Mộ Dịch" do Thừa Tướng Vương An Thạch thi hành. Ông bị vu oan là lạm dụng quyền lực cướp tiền dân.. nên bị đổi ra Hàng Châu.
Sự nghiệp văn chương.
Ngoài thi văn Ông còn là một nhà thư pháp, nhà họa sĩ nổi tiếng. Những tác phẩm của ông gồm có: Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú...Lô Sơn là một trong những bài thơ bất hủ:
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều,
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều.
(Khói từ Lô Sơn tỏa trên sóng nước Triết Giang có tiếng là đẹp.
Khi chưa tới đó thì lòng ấm ức hận rằng chưa biết.
Khi đến rồi trở về chẳng thấy chi là đặc biệt.
Khói Lô Sơn vẫn tỏa trên sóng nước Triết Giang như tự thuở nào).
. Về mỹ học chúng ta thấy rằng câu 01 và 04 như nhau nhưng mức độ cảm thụ đã được nâng lên nên nghĩa câu 04 đã khác với câu 01....
b/- Vương An Thạch (1021-1086), tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn Lão Nhân, người ở Phủ Châu – Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây). Ông được xếp vào nhóm bát đại gia Đường Tống.
Ông đtiến sĩ năm Khánh Lịch thứ 2 (1042) đời Tống Nhân Tông. Ôngnhà biến pháp (tân pháp),  kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
 Hoạn lộ lần một.
Năm 1042 làm trợ lí cho quan thủ phủ tỉnh Dương Châu. Năm 1047 thăng tri huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Năm 1051 làm Thông Phán Thương Châu. Hết nhiệm kông được điều về kinh đô.
Năm 1057 làm tri châu Thương Châu (Giang Tô). Năm 1058 làm quan hình ngục Giang Đông... Đến cuối năm 1058, ông đúc kết nhận định về chính sự trình lên Tống Nhân Tông. Ông nêu rõ các trì trệ hiện thời của Bắc Tống và nêu lên các biện pháp khắc phục. Ông muốn áp dụng tân pháp để cải cách chế độ kinh tế-xã hội, quân sự của nhà Tống. Cuộc cải cách thất bại do sự chống đối của các quan lại đương thời. Sau khi về chịu tang mẹ 3 năm ở quê nhà, ông ở lại đó và mở trường dạy học.
Hoạn lộ lần hai.
Năm 1068, Tống Thần Tông lên ngôi, triều đình khủng hoảng về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Vua triệu ông về kinh đô Biện Kinh, phong làm Hàn lâm viện học sĩ. Năm 1069 ông được thăng Tham tri chính sự. Năm 1070, được cử làm Tể tướng, đã đề ra chính sách cải cách kinh tế, dựng ra phép "... Bảo Giáp, Bảo Mã làm dân bớt bị quấy, thêm giàu; làm quốc khố dồi dào, làm binh lực nước mạnh" nhằm cứu vãn tình thế khó khăn trong nước, chống sự uy hiếp của hai nước LiêuHạ ở phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, đồng thời có ý mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam (trong đó có Đại Việt). (1: Xem Phụ Lục 2)
Tân pháp, hay còn gọi là biến pháp là những chủ trương cải cách gặp sự chống đối của các tầng lớp quan lại. Biến pháp Vương An Thạch tiến hành một thời gian bị các thành phần khác chống lại luật "thu thuế lúc lúa đang xanh" nên ông đã bị bãi chức lần thứ nhất.
Giai đoạn từ 1070 đến 1075, ông mạnh tay thực hiện các biện pháp cải cách. Ông cho sửa đổi lại hệ thống thi cử quốc gia, ít lệ thuộc vào Tứ Thư, Ngũ Kinh mà dựa trên những kiến thức có giá trị thực tiễn. Điều này làm tầng lớp quý tộc và quan lại theo trường phái Khổng Tử khó chịu.
Tháng 6 năm 1074, thấy không làm được gì, ông từ chức.
Đến tháng 3-1075, Vương An Thạch lại được vua Tống triệu về chấp chính. Lần này lại có làn sóng chống "luật miễn dịch" của ông.
Từ 1075 đến 1077, ông cho tiến hành luật Thị dịch. Phái chống đối ngày càng hành động quyết liệt hơn. Ông bị chỉ trích với 7 tội lớn. Nhưng hai năm thi hành luật Thị dịch, cuộc sống ở kinh thành ổn định hơn.
Vào năm 1076, Vương An Thạch lại được vua phong Tể tướng. Tháng 10 năm 1077, vua lại phế chức ông, đồng thời ông cũng xin từ chức do vua không nghe theo các cải cách khác của ông.
Năm 1085 Tống Thần Tông qua đời, Tống Triết Tông (10 tuổi) lên ngôi, nhà vua bổ nhiệm Tư Mã Quang làm Tể tướng. Một năm sau khi Tư Mã Quang chấp chính, các biện pháp cải cách bị loại bỏ gần hết.
Tháng 10, năm Hi Ninh thứ 9 (1077) Vương An Thạch quay về Giang Ninh. Ông trồng cây, làm vườn... đến khi mất (66 tuổi).

Sự nghiệp của ông trên chính trường có 02 ngôn luận khác nhau: Khen cũng lắm mà chê cũng nhiều.

Về văn chương: Ông là một trong bát đại gia về văn xuôi và thơ phú thời Đường Tống (thế kỷ 7 đến thế kỷ 13).

c/- SỬA HAI CÂU THƠ.
Họ Vương lớn hơn họ Tô 16 tuổi. Họ Tô đọc thơ họ Vương:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.
Ông luận rằng ánh trăng sao lại hót trên đỉnh núi, trăng soi chiếu đỉnh núi thôi chớ và con chó vàng to thế sao nằm giữa đóa hoa được, chó nằm dưới bóng hoa thôi chớ... và cho là không hợp lý. Ông sửa thành:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa âm,
(Trăng sáng soi đỉnh núi, chó vàng nằm dưới bóng hoa).
Ông Tô ưng ý, nhiều người cũng cho rằng ông Tô hữu lý và câu chuyện tới tai họ Vương. Tác giả cười nhưng không nói gì. Người có quan tâm càng phục ông Tô hơn.
Nhiều năm sau họ Tô đổi ra làm quan ở Hải Nam. Một hôm trăng sáng ông đi qua triền núi nghe tiếng chim hót rất hay. Thi nhân đi trong đêm trăng, tắm mình trong ánh tơ vàng... nghe chim hót... rõ ràng là cảnh hiếm có. Ông tìm hỏi mới biết con chim hót hay đó tên là chim Minh Nguyệt, (nó chỉ hót vào đêm trăng sáng). Họ Tô trực nhớ lại câu thơ mình đã sửa cảm thấy hụt hẩng như đất sụp dưới chân... ông nghĩ đến câu thứ nhì và tìm hiểu thêm thì biết vùng nầy còn có loại sâu tên Hoàng Khuyển chuyên ăn nhụy hoa (nên nằm ở giữa đóa hoa). Ông ngộ rằng:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu,
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.
(thực nghĩa là chim minh nguyệt hót trên đỉnh núi, con sâu hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa). Ông biết mình đã lầm khi sửa thơ họ Vương.
Họ Vương quan sát thực tế từ thiên nhiên để viết câu thơ trên nên hoàn toàn đúng. Họ Tô xét về lý là đúng nhưng trong trường hợp cụ thể nầy chính cái sự thật từ cuộc sống đã bác bỏ cái lý của ông.
Hậu thế nhận xét: họ Vương thì uyên bác, thâm trầm, họ Tô thì phóng khoán, bộc trực; cả hai đều tài hoa và thể hiện phẩm hạnh đáng khâm phục. Cả hai đều cư xữ rất đẹp xứng đáng với chữ GIAI (đẹp).
Bài học từ họ Tô ở đây là dù thông minh, biết suy luận nhưng chưa trãi qua thực tế nên lầm. Đến khi biết sai thì can đảm sửa sai. Đây là cú vấp tốt lành mà họ Tô là người có chuyên môn cao lại vấp ngã từ chính lãnh vực (thi văn) mà ông tự tin nhất.
[[[Viết đến đây rồi buồn cho cảnh đồng đạo cùng theo chơn truyền ĐĐTKPĐ, không theo chi phái 1997 do ông Nguyễn Thành Tám lãnh đạo. Cùng là người đạo mà cứ hễ thấy ai nghĩ hay nói khác ý mình thì phán xanh dờn: theo bàn môn tả đạo, theo chi phái, theo cộng sản.... Nặng nhẹ nhau còn quá hơn đời... mà chắc chi ý mình đã đúng? Đạo thì TIÊN GIÁO HẬU TRỊ. Đạo dùng giáo lý và pháp luật để xây dựng lẫn nhau, họ chẳng giáo lấy một câu chỉ lăm le, chực chờ để nặng nhẹ đồng môn.
Một cái hại lớn là văn bản của Hội Thánh dạy sờ sờ ra đó không đọc, không học mà cứ luận rằng xưa làm sao nay cứ coppy vậy, không cần xét đến cái lý đúng sai. Chúng tôi có đầy đủ bằng cớ nhưng chẳng phải nơi nên chẳng trưng ra làm gì. Nhắc vậy để cảnh giác là nên nhớ tới chữ GIAI khi THOẠI với người trái ý “vì biết đâu họ đúng còn mình sai”...  Nên hằng nhớ rằng: khiêm cung là hạnh yêu dấu của Thầy.
Thầy Trời còn than rằng: Thầy là bậc Chí Tôn mà còn chưa vừa hết lòng người... Vậy mà có lắm người ra mặt dạy khôn rằng phải làm vừa lòng hết, rồi kêu gọi đoàn kết là gộp chung kẻ trắng người đen...“sic”. Họ không biết rằng dẫu anh có trái ý với tôi nhưng chúng ta cùng học một Thầy, (nếu không cùng tín ngưỡng cũng là bạn đồng sanh) thôi thì việc anh anh cứ làm, việc tôi tôi tiếp tục, đường ai nấy đi nhưng chúng ta vẫn HÒA BÌNH CHUNG SỐNG. Thầy cho biết: Chẳng mất một con nghiệt cả bầy...số đông đâu phải đồng nghĩa với chân lý trong buổi tà chánh còn chưa đưa ra 03 Hội Lập Quyền vạn linh phán quyết]]].
2.2.2/- Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn.
Tô Đông Pha thường tạo dịp để đến chùa Kim Sơn đàm đạo với thiền sư Phật Ấn. Kẻ tăng người tục kết thành đôi bạn tâm giao khi thì thưởng thức chén trà xanh ngắm vầng dương vừa lố dạng, khi bày cuộc cờ, khi lặng lẽ nhìn mây chiều với những cánh chim bay về tổ ấm, tắm mình dưới ánh trăng thanh trong gió mát thi họa cùng nhau, chia xẽ những nghĩ suy về đời người và người đời hay nhận định về thế cuộc....
Một hôm ông hỏi thiền sư: Đại Sư thấy Tôi như thế nào?
Thiền sư: Ông có cốt cách uy nghi như một vị Phật.
Thiền sư hỏi lại: Cư sĩ thấy Tôi ra sao?
Đông Pha đáp liền: ông giống như đống phân.
Thiền sư cả cười rồi thản nhiên trò chuyện tiếp....
Khi sắp ra về họ Tô không kềm lòng được mới hỏi: Tôi nhận xét về ông như vậy ông có phiền không?
Thiền sư cười đáp có chi đâu mà phiền não...
Thấy họ Tô ngạc nhiên chưa hiểu thiền sư ôn tồn nói: Phật dạy Ta là Phật đã thành các Ngươi là Phật chưa thành. Phật nhìn chúng sanh thấy ai cũng có Phật tánh. Chúng sanh lấy tâm chúng sanh nhìn người nên tâm thế nào thì nhìn chúng sanh như thế đó... tâm ta chứa gì thì nó thể hiện ra như thế ấy... Họ Tô tâm phục và ra về. Đây là cú vấp trong lãnh vực mà ông không uyên thâm (chuyên môn không cao) nên cũng là điều dễ hiểu.
Đạo hạnh thiền sư Phật Ấn thể hiện qua lập ngôn thật đáng cho hậu thế kính phục. Chẳng bù với mấy ông sư hay những nhà tôn giáo được Đảng cộng sản đưa vào làm dân biểu trong quốc hội nước CHXHCNVN hiện nay mở miệng ra là bay mùi thối làm ô nhiễm cả xã hội...
Đức Cao Đài dạy: Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh (Niết Bàn). Nhưng Thầy biết con người còn mang phàm thể thì có thương ắt có ghét. Sự ghét lẫn nhau là mầm móng của chiến tranh và mở đường vào cảnh khổ (ngục môn ai oán) nên Thầy đóng cửa địa ngục cho môn đệ bằng lời dạy: Không thương được thì cấm ghét. Nghe à.
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo bài Kinh Giải Oan câu 23 & 24 dạy:
Đóng Địa ngục mở tầng Thiên,
Khai đàng cực lạc, dẫn miền Tây Phương.
Nghĩa là có đường thăng thì có nẽo đọa. Thầy chỉ con đường thăng và CẤM ĐI VÀO con đường đọa. Bởi pháp công bằng Thầy không xóa bỏ nẽo đọa nhưng Thầy CẤM môn sinh đi vào đó. Nẽo đọa vẫn còn nhưng môn đệ nghe Thầy thì không sa vào địa ngục.
2.2.3/- Tân Đảng và Cựu Đảng.
Là người tài hoa và có lòng nhân ái với dân chúng nhưng hoạn lộ của Ngài Tô Đông Pha đầy sóng gió. Khi Tân đảng do Vương An Thạch cầm quyền thì cho rằng Tô Đông Pha là người theo cựu đảng nên không trọng dụng. Họ Vương bổ ông đi làm quan ở các địa phương để thuyên giảm ảnh hưởng của ông trong triều đình.
Khi cựu đảng do Tư Mã Quang đứng đầu được cầm quyền trong triều đình thì lại cho rằng ông theo tân pháp (hay biến pháp) của Vương An Thạch nên cũng không trọng dụng.
Vậy thực chất ông là người của cựu đảng hay tân đảng?
Rằng cựu rằng tân tớ cũng ừ
Bài học ở đây là hể có thực tài và thực tâm lo cho dân chúng, phụng sự xã hội thì được xã hội đền đáp lại. Tài hoa mà bất phùng thời âu cũng là do sự tích tụ trong vô lượng kiếp, người đã biết đạo lý thì cũng chẳng dám oán trách cao xanh. Hiểu được rằng tạo hóa rất công bằng:
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới đặng phần thanh cao.
Có đâu tư vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều).
Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh: ...con khỉ con vượn nhảy nhót ở trong rừng thì người có tài bắn cung như Bàng Mông, Hậu Nghệ... cũng không làm chi được nó, con cọp xuống đồng bằng thì thất thế bị rượt đuổi chạy dài... ấy là do môi trường mà ra 
2.3/- Câu 3: Mượn thế đặng toan phương giác thế,
(còn tiếp)