Trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

3009. CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ CHƯA ÊM...

Bài từ BNS THÔNG LIÊN số 16 ra ngày 18/04/2010.

XIN THƯA HƯƠNG HỒN CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ.
“Về  quyển Hồi Ký của cụ”

Lên internet vào google.vn gõ VN thu quan (Việt Nam thư quán) tìm theo thể loại hồi ký trong đó có quyển HỒI KÝ CỦA CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ.
Sách do nhà xuất bản văn học in và phát hành năm 1993.
Sách có 05 phần. 33 chương và phụ lục. Trong đó có một vài chương bỏ trống không in. Vì bản chúng tôi đọc là bản trên internet nên không biết sách có bao nhiêu trang.


Trong phần 02 nơi chương 15 có một vài đoạn nói về Đạo Cao Đài chúng tôi xin trưng nguyên văn như sau:
HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ.
CHƯƠNG 15. (Thế chiến 2)
NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC – CÁC GIÁO PHÁI Ở NAM.
Phải thú thực rằng thời đó chúng tôi cũng như hầu hết mọi người, không biết gì về tình hình thế giới cả. Trong nước có lẽ chỉ các tổ chức cách mạng là có máy thâu thanh, còn thường dân nếu có - số này hiếm lắm, cả sở tôi không người nào có.
….Khi thế chiến phát, ở Nam, hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo cũng nổi lên làm chính trị.
Mới đầu Cao Đài do Lê Văn Trung, một viên Hội đồng quản hạt thành lập, chỉ hoạt động về tôn giáo, thờ chung Phật, Lão, Khổng, Ki tô, thêm cả Lí Bạch, Victor Hugo nữa, chỉ thiếu Mohamad. Họ dùng cách cầu cơ để truyền bá tín ngưỡng, khéo tổ chức, đặt ra các chức sắc, có lễ phục riêng, xây cất được nhiều thánh thất cùng một kiểu kiến trúc. Thánh thất chính ở Tây Ninh. Sau một viên đốc phủ sứ ở Bến Tre lập một giáo phái riêng, gọi là Cao Đài Bến Tre, nhưng không phát triển bằng Cao Đài Tây Ninh.
Năm 1934, Phạm Công Tắc lên thay Lê Văn Trung lúc đó đã chết và hướng về chính trị; tới năm 1939, Cao Đài thành một đảng chính trị mạnh có khoảng nửa triệu tín đồ và mỗi ngày mỗi thân Nhật hơn, ủng hộ Cường Để.
Hòa Hảo xuất hiện sau Cao Đài. Mới đầu Huỳnh Phú Sổ cũng chỉ là một ông “đạo” như người ta thường thấy ở miền Tây, nhưng thông minh hơn,
Giáo phái đó trước 1950 không có tổ chức gì cả (sau năm 1964 mới tổ chức mạnh), không có một “thánh thất” như Cao Đài,…
Thầy không có một đường lối, một chương trình chính trị, mà đệ tử cũng không có ai là chính khách, lập nổi một chương trình hoạt động. Không gọi là một tổ chức chính trị được. Nhưng cũng như mọi người có tinh thần quốc gia, thầy muốn đuổi Tây, mà tín đồ của thầy đông, coi thầy như thần thánh, thầy bảo gì cũng nghe, nên người Nhật để ý tới giáo phái Hòa Hảo có phần hơn giáo phái Cao Đài vì giáo phái Hòa Hảo có tính cách nông dân cuồng tín.
Dĩ nhiên chính quyền Pháp thấy hai giáo phái đó có thể gây rối, nên năm 1941, bắt Phạm Công Tắc đày đi quần đảo Comores thuộc Madagascar trên Ấn Độ Dương.
Còn Huỳnh Phú Sổ thì cũng năm đó, họ cho vào nhà thương điên ở Chợ Quán, gọi thầy là “bonze fou” (nhà sư điên), sau đưa xuống an trí ở Bạc Liêu…
Năm 1947, chính phủ Pháp theo chính sách của Bidault trong Phong trào Cộng hòa Nhân dân (M.R.P.) nhất định không thương thuyết với ông Hồ Chí Minh mà muốn dùng lá bài Bảo Đại, phái người qua tiếp xúc với Bảo Đại ở Hương Cảng. Các đảng phái ở Nam: Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân đảng v.v.. tức thì phái đại biểu tới tấp qua Hương Cảng thúc Bảo Đại về và bày mưu kế với Bảo Đại. Dĩ nhiên Bảo Đại cũng đòi hỏi như Hồ Chí Minh: sát nhập Nam Bộ và miền cao nguyên vào Việt Nam, có chính phủ riêng, quân đội riêng, tự trị về ngoại giao, bỏ hết các kiểm soát của Liên bang Đông Dương... Pháp biết nếu không chấp nhận thì giải pháp Bảo Đại không thành, nên sau hai lần tiếp xúc ở vịnh Hạ Long giữa Bảo Đại và Bollaert (12-47), rồi giữa Bollaert và Nguyễn Văn Xuân thủ tướng Nam Kì quốc, đại diện cho Bảo Đại, Pháp đành nhượng bộ (6-48) nhưng mãi đến 8-3-49, Bảo Đại mới kí một hiệp ước với tổng thống Pháp Vincent Auriol, rồi về nước….
(Những chổ… là phần không liên quan đến nhận xét của cụ về Đạo Cao Đài nên chúng tôi không đưa vào).
Thưa cụ.
Tôi là người học trò ở miền Nam có đọc sách của cụ trong tủ sách HỌC LÀM NGƯỜI. Nên xét về phương diện đó tôi cũng như một người học trò của cụ qua sách cụ viết vậy.
Cụ có lối viết cẩn trọng, chính xác, khiêm cung và có trách nhiệm nên khi tập tành viết lách tôi cũng học theo cụ được phần nào.
Trong quyển ĐỌC SÀI GÒN NĂM XƯA (1961) của cụ Vương Hồng Sển cụ rất tán đồng quan điểm của cụ Vương:
Đối với các bạn nhỏ hiếu học, tôi xin nói lớn:
1) - Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: “coi vậy mà xài được!”.
2) - Chỗ nào chưa “êm”, nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cỡ bậy, hay gì?
Chắc độc giả đã được mỉm cười rồi chứ?
@@@
Xin thưa trước như thế, bây giờ với tư cách một người có đạo Cao Đài xin phép trình bày cái chưa êm như sau:
-1 Cái chưa êm thứ nhất:
Đoạn: Năm 1934, Phạm Công Tắc lên thay Lê Văn Trung lúc đó đã chết và hướng về chính trị; tới năm 1939, Cao Đài thành một đảng chính trị mạnh có khoảng nửa triệu tín đồ và mỗi ngày mỗi thân Nhật hơn, ủng hộ Cường Để.
Nhận xét 1: Cụ đã viết chính xác là năm 1934 Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt (thế danh Lê Văn Trung) mất và Đức Hộ Pháp được công cử lên cầm luôn quyền Cửu Trùng Đài.
Nhận xét 2: Cụ viết: tới năm 1939, Cao Đài thành một đảng chính trị mạnh có khoảng nửa triệu tín đồ và mỗi ngày mỗi thân Nhật hơn, ủng hộ Cường Để là cụ đã hiểu chưa êm.
Bởi vì đường lối của Đạo là dùng đạo đức để phụng sự nhân loại qua chủ trương Bảo Sanh, Nhơn Nghĩa, Đại Đồng.
Cụ thể là lo cho tín đồ về vùng Thánh Địa lúc đó 05 việc: Gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo thì cũng không thể nói:  tới năm 1939, Cao Đài thành một đảng chính trị…
Đó là cách mà tôn giáo Cao Đài thực hành việc xây dựng một nền văn minh mới cho nhân loại chớ không phải làm công việc của một Đảng chính trị như cụ hiểu.
* Hiệu ứng cái chưa êm thứ 01.
Cụ viết: Dĩ nhiên chính quyền Pháp thấy hai giáo phái đó có thể gây rối, nên năm 1941, bắt Phạm Công Tắc đày đi quần đảo Comores thuộc Madagascar trên Ấn Độ Dương…
Cụ đã viết chính xác năm Pháp bắt Đức Giáo Chủ và đày đi Madagascar.
Cùng lúc bắt nhiều chức sắc nữa đày đi các nhà tù ở Việt Nam. Tòa Thánh bị chiếm và hầu như các Thánh Thất Điện Thờ của Đạo bị khủng bố trên toàn cõi Đông Dương.
Đến đây chúng tôi xin phép nói rõ năm 1941 Đạo Cao Đài chưa làm chính trị. Nhưng do sự tàn nhẫn của Thực dân Pháp đối với đạo nên các vị chức sắc còn lại mới hợp tác với Nhựt vào tháng 3-1942. Nội ứng Nghĩa Binh hình thành từ đó.
Đến năm 1945 thì Nội Ứng Nghĩa Binh là lực lượng nồng cốt hiệp tác với Nhật đảo chính Pháp.
Năm 1945 Nhật bị bom nguyên tử bại trận.
Nội Ứng Nghĩa Binh tham gia kháng chiến với Việt Minh. Rồi sau do áp lực của Pháp phải rút về, nên Việt Minh mới sát hại nhiều người theo đạo Cao Đài.
Năm 1946 Pháp đưa Giáo Chủ Đạo Cao Đài về.
Chính tay Giáo Chủ lập ra Quân Đội Cao Đài (ban quân kỳ- lập tiêu chí- làm lễ xuất quân) và giử trách nhiệm Thượng Tôn Quản Thế để bảo vệ người đạo trước mũi súng của Việt Minh và Thực Dân Pháp. Đức Giáo Chủ nói công khai điều đó chớ không có dấu diếm chi hết.
Lời Đức Hộ Pháp: Chúng ta ngày nay vì làm chánh trị nên phải có quân đội, ngày nào nếu chúng ta không làm chánh trị nữa thì quân đội phải giải tán.   {Phiên nhóm Bộ Quốc Sự Vụ ngày mồng 9 tháng 2 năm Đinh Hợi (1947)}.
Nguyên nhân lập ra Quân Đội Cao Đài:
Rủi thay! Khi trở về nước Bần Đạo đã bị ở trong một cảnh ngộ khó khăn là sự chia rẽ của hai Miền: Nam thì Quốc Gia, Bắc thì Cộng Sản. Trong cuộc tranh đấu họ đã gây thù, kết oán với nhau rất nhiều mà khối Quân Lực của Cao Đài lại là tay mở màn Cách Mạng đả đảo chánh quyền Pháp Quốc. Bần Đạo, khi ấy không có ý định gìn giữ tồn tại Quân Lực Cao Đài, nhưng vì trường hợp tranh đấu đã gây hấn quá kịch liệt giữa khối Quốc Gia và Cộng Sản, nên cả Tín Đồ của Đạo đã bị khủng bố, tàn sát quá thê thảm và quá nhiều, vì hai lằn tên mũi đạn của Pháp và Việt Minh, nên buộc lòng Bần Đạo phải chấp thuận cho Quân Lực ấy còn tồn tại, vì nó đã đứng trong hàng ngũ của khối Quốc Gia và trong phận sự thiêng liêng tranh đấu đặng thực hiện Độc Lập .
Sau cuộc hội đàm cùng Bảo Đại và định cho Đức Ngài lãnh phận sự làm trung gian hòa giải đặng đem Hòa Bình và Hạnh Phúc lại cho nước nhà trong cuộc Hội Nghị tại Hồng Kông năm 1949, thì khi Đức Ngài về nước chính mình Bần Đạo đã giao trọn quyền sử dụng Quân Đội Cao Đài cho Đức Ngài điều khiển trong hàng ngũ Quân Lực Quốc Gia.
(Bản Tuyên ngôn tại Phnom Penh, ngày 20 - 3 - Bính Thân (dl 30/ 4/ 1956).
Năm 1955 (thời thủ Tướng Ngô Đình Diệm) thì việc quốc gia hóa Quân Đội Cao Đài đã hoàn tất (Đạo không làm chính trị nữa- -chuyển cuộc đấu tranh sang giai đoạn khác).
Kính thưa cụ.
Muốn nói Đạo Cao Đài là một Tôn giáo có làm chính trị nên gọi Đảng phái chính trị phải nói bắt đầu từ 1942 nhưng nói nó mạnh thì chính xác phải từ 1947. Chính vì sức mạnh của Quân Đội Cao Đài nên năm 1954 Đức Hộ Pháp sang Paris với tư cách Cố Vấn Tối Cao cho Quốc Trưởng Bảo Đại thì phái đoàn dự Hội Nghị Génève của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng phái đoàn đã phải gặp chính thức Đức Hộ Pháp ngày 06-6- Giáp Ngọ (05-7-1954). Dĩ nhiên trước đó đã có nhiều cuộc gặp của cấp dưới.
Trong cuộc gặp đó Thủ Tướng Đồng lúc thì thừa nhận chính phủ Ngô Đình Diệm trên giấy tờ, lúc thì nói không có thực lực nên không nhìn nhận nhưng sẳn sàng tiếp đón và thảo luận với Đức Giáo Chủ. Nội dung được Ngài Hồ Bảo Đạo ghi lại trong Âu Du Ký như sau:
Thủ Tướng Đồng nói: 'ĐỨC HỘ-PHÁP thử nghĩ coi biểu tôi phải nhìn nhận Ngô-Đình-Diệm . . . thì làm sao đặng, vì họ không có đại-diện cho một thực-lực, cho một ai hết, chớ như Đạo Cao-Đài đây, có một thực-lực hơn mấy triệu tín-đồ và một quân-đội mấy chục ngàn người, thì chúng tôi sẵn-sàng tiếp đón và thảo-luận tất cả mọi vấn-đề'.
Tóm lại: Theo giấy trắng mực đen mà viết Đạo Cao Đài là một Đảng phái chính trị trong khoản thời gian từ 1942 đến 1955 thì chấp nhận. Cái chưa êm của cụ là thời gian sai lệch (viết năm 1939 là lệch 03 năm).
Cái sai lệch ấy dẫn đến việc giải thích cho động cơ Pháp bắt Đức Giáo Chủ (1941) đày sang Phi Châu và các vị chức sắc cũng chịu tù tội đồng thời tịch thâu Tòa Thánh, Thánh Thất, Điện Thờ….
Cái sai lệch thời gian quan trọng như thế nên cực chẳng đã xin phải trình lại.
2- Cái chưa êm thứ 02:
Cụ viết: Thánh thất chính ở Tây Ninh…
Thưa cụ Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì một người lịch lãm như cụ mà không lẽ cụ chưa đến Tòa Thánh ở Tây Ninh lần nào?
Chẳng lẽ cụ không đọc nhật báo miền nam Việt Nam vào thời đó cho đến năm cụ mất. Chỉ riêng một lễ tang của Đức Quyền Giáo Tông (1934) thì báo chí Nam Kỳ lúc đó đã có những bài viết rất trân trọng.
Còn việc Đức Hộ Pháp với Quân Đội Cao Đài là một sự kiện lớn mà báo chí thời đó viết về nó đâu có hiếm. Sau 30-4-1975 Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết VÁN BÀI LẬT NGỮA được chuyển thể sang phim cũng có mấy tập liên quan đến Tòa Thánh Tây Ninh chẳng lẽ cụ không một lần ghé mắt hay để tâm. Vậy các sự kiện chính xác về Đạo Cao Đài cụ lấy tư liệu ở đâu? Không phải Tôi muốn làm lớn chuyện mà chính là tôi đang muốn giải oan cho cụ mà thôi.
Theo Tôi biết các báo trước năm 1975 đều gọi là Tòa Thánh Tây Ninh.
Đế Thiên Đế Thích mà cụ còn đến và viết nên quyển ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH từ năm 1943.
Tôi không tin là cụ không phân biệt nổi Tòa Thánh Tây Ninh với các Thánh Thất thuộc Tòa Thánh Tây Ninh (nghĩa là văn của cụ đã bị sửa- như sửa LỄ KHAI ĐẠO mà gọi là LỄ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO vậy).
Trên trang web BBC có người chụp ảnh về Tòa Thánh Tây Ninh rồi ghi là Thánh Thất Tây Ninh. Ít lâu sau họ đã biết sai nên ghi lại là TÒA THÁNH TÂY NINH (2007).  Người ngoại quốc đến năm 2007 còn lầm đã đành cụ là một học giả ở cách Tòa Thánh 100 Km mà chả nhẽ lại không phân biệt được.
Thành thật mà nói tôi nghĩ là có ai đó đã sửa văn của cụ khi in.
Nhưng trước mắt dù có đau lòng thì cũng phải xem như cụ đã viết nên Tôi xin thưa lại:
Đạo Cao Đài chỉ có một Tòa Thánh ở Tây Ninh còn các nơi khác đều gọi là Thánh Thất. Tòa Thánh Tây Ninh chứ không phải Thánh Thất chính ở Tây Ninh….
3- Cái không êm thứ 03:
Trong đoạn trên Cụ viết Đạo Cao Đài với 03 tên: lúc là một tôn giáo, lúc thì là một giáo phái, khi thì là Đảng phái.
Chắc chắn là 03 danh từ ấy không giống nhau… Nhưng thôi chỉ xin nêu ra mà không nhận xét… để tỏ lòng kính trọng và thông cảm với cụ vậy.
Bởi vì đây không phải là bút chiến, không phải tranh hơn tranh thua trong cách dùng từ hay bẻ chữ mà vì sự trong sáng của tôn giáo Cao Đài. Nên chúng tôi trình rõ ra để chư hiền nhân quân tử, người quan tâm và hậu tấn Cao Đài học đạo không bị lúng túng giửa tín lực văn bút của cụ với đạo sử Tôn giáo Cao Đài.
Bởi tôi cảm nhận rằng văn phong trong đoạn trên nó không giống với văn phong của cụ trong ĐẮC NHÂN TÂM hay tủ sách HỌC LÀM NGƯỜI có lẽ ai đó đã sửa cho vừa với quan điểm của họ chăng.
Tôi ước mong con cháu cụ hay thân hữu cụ khi in lần sau sẽ mạnh dạn sữa chữa các phần nói về Đạo Cao Đài cho êm hơn.
Khép nép kính trình cụ.
Người đối chiếu.
Dương Cao Dân.