Trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

3005. TÌM HIỂU CUNG ĐẠO.

Năm 2007 Tôi &Trần Thị Minh Thu có soạn bài nầy đăng trên trang web caodaivn.com 
Nay rút gọn và bổ sung hình ảnh.


TÌM HIỂU CUNG ĐẠO.
Dương Xuân Lương.
Đức Chí Tôn dạy rằng: Chi chi cũng tại Tây Ninh. Bởi vì Thầy đã bố trí thể pháp của Đạo Cao Đài đầy đủ tại Toà Thánh Tây Ninh. Do vậy mỗi một kiến trúc đều là thể pháp.
Cái vĩ đại của Đền Thánh không ở chỗ nguy nga lộng lẫy, không ở chỗ bề thế đồ sộ. Bởi lẽ nếu xét về nguy nga lộng lẫy hay sự đồ sộ ta phải nhìn nhận sự thật là Đền Thánh còn thua lâu đài của nhiều người giàu có… chứ chưa nói đến các công sở hay dinh thự của các quốc gia …
Cái vĩ đại của Đền Thánh chính là từ cát đá vô tri Thiêng liêng đã chỉ dẫn cho môn sinh tạo ra thể pháp, làm cho vật chất hồn toát ra những ý nghĩa rất thiêng liêng, tạo nên những công thức, mô hình vô song để cung ứng cho nhân loại.

Ý nghĩa vô tận trong mỗi kiến trúc hay cách bố trí… toát lên một thông điệp trong yên lặng (tiếng nói vô thinh), nên cũng là vô giá trị với những ai không chấp nhận lý hội vấn đề. Thông điệp ấy là bí pháp…
1/ Vô cực sinh Thái cực.
Nếu đi từ hai bên cửa hông vào Đền Thánh thì bên Nam hay Nữ cũng vào Hiệp Thiên Đài đến Cửu Trùng Đài đến Cung Đạo rồi mới đến Bát Quái Đài (phần nội điện).
Trong kiến trúc của Toà Thánh thì Cung Đạo rất bé so với Cửu Trùng Đài và rất đơn giản so với Bát Quái Đài. Nhưng theo giáo lý Tôn Giáo Cao Đài thì:
Từ Hư Vô Chi Khí sanh ra Ngôi Thái Cực (Thầy, Chí Tôn …). Thái Cực sanh Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng. Tứ Tượng biến Bát Quái.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giới nên mới gọi là Pháp, (là tài nguyên và môi trường sống).
Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng… (là sinh vật hay chúng sanh sống trong tài nguyên và môi trường đã lập, mà con người là một trong những sinh vật sống trên vũ trụ).
Như vậy thì từ Đạo mới sinh ra tất cả … trong đó có Bát Quái.
Biện chứng về ý nghĩa thì rõ ràng là Bát Quái nằm trong Cung Đạo… (Vì có Đạo rồi mới có Ngôi Thái Cực …. mới đến Bát Quái …) nhưng trong kiến trúc hiện thể thì Cung Đạo rất khiêm nhượng so với Bát Quái Đài.

Vách nóc vòm về phía Bát Quái Đài (hướng Đông) có một vầng tròn trắng… theo thiễn ý ấy là thể hiện cho vô cực …để gắn liền với Cung Đạo. Dịch lý thời Nhị Kỳ cũng viết rằng Vô Cực sinh ra Thái Cực.
2/ Tại sao gọi đó là Cung Đạo?
Đứng tại Cung Đạo ngó thẳng lên nóc ta thấy có một khung hình bầu dục có thiên nhãn là trung tâm và nhiều vật phẩm khác như Đại Ngọc Cơ, Kinh Dịch, ba bài thi viết bằng chữ Nho....
2.1/ Thiên nhãn giao nhau.
Đây là Thiên nhãn trong Đền Thánh nhìn thẳng góc xuống địa cầu theo trục tung tạo ra góc 90 độ với trục hoành.
Thiên Nhãn ở Quả Càn Khôn song song với mặt địa cầu, là trục hoành, tạo góc 180 độ.
Thiên nhãn theo trục tung và trục hoành giao nhau tại đây tạo ra một hệ thống để định vị cho cả nền đạo. Cả hai Thiên Nhãn giao nhau tạo nên một hệ thống toạ độ gốc tại đây cho nên gọi là cung Đạo.
Hệ thống nào cũng có toạ độ gốc để xác định toạ độ của các phần tử trong hệ thống. Toạ độ gốc ấy không bao giờ đổi trong suốt tiến trình của nó...
2.1/ Cơ bút chỉ xuất phát từ Cung Đạo.
Khi thể pháp của ĐĐTKPĐ đã nên hình thì toạ độ gốc của ĐĐTKPĐ chính là Cung Đạo; cho nên cơ bút xuất phát từ đây mới đầy đủ pháp lý của đạo.
Toà Thánh Tây Ninh là gốc của ĐĐTKPĐ thì Cung Đạo chính là gốc của cái gốc ấy... Đó chính là Đạo pháp hiện hữu vậy!
Cái ý nghĩa thâm sâu của Cung Đạo nằm ở trong cách chắc lọc những phương cách con người muốn nối kết với thiêng liêng qua các thời kỳ rồi sắp xếp, bố trí để toát ra một thông điệp đầy đủ ước vọng của nhân loại qua đạo pháp. Vật chất gần như vô hồn nếu con người không đưa hồn mình vào vật chất thì làm sao cảm nhận được? Nhìn các vật phẩm qua lăng kính Thể Pháp mới cảm nhận được triết lý đặc sắc của nền văn minh tâm linh.
Bước sang một cuộc canh-tân để chuyển sang nền văn minh tâm linh (thượng ngươn thánh đức) thì Đức Chí-Tôn không giao chánh-giáo cho tay phàm nên lập ra Cung Đạo tại Toà-Thánh Tây-Ninh. Đó là nơi xuất phát cơ bút tạo ra giáo pháp cho Đạo Cao Đài, qua đó con người thấy được sự huyền-diệu của chính nhân loại: khả năng giao tiếp với vô hình…
Đấng Chí Tôn nắm chắc hồn đạo qua cơ bút nên Đại-Đạo mới giữ được chơn-truyền trong thất ức niên
Trong Hội Long-Hoa tại thế thì Cơ phong-thánh cũng nhờ nơi Cung Đạo (Bát-Quái-Đài) mà nối liền những hiền-nhân với cõi vô-hình, nhờ đó mà Tôn-giáo Cao-Đài đủ năng lực xây dựng nền văn minh mới, đem công lý đánh đổ cường quyền xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.
Đây là nguồn không bao giờ cạn, nguồn vô tận của Tôn Giáo Cao Đài. (1).
3/ Ba bài thánh ngôn trên Cung Đạo.
Khuôn hình trên vòm Cung Đạo có bố trí 03 bài thánh ngôn ký hiệu B1, B2 và B3 trong ảnh. Gọi thứ tự một hay ba là gọi theo bài nầy chứ không phải gọi theo thứ tự thời gian. Cả ba bài đều viết bằng chữ Nôm (không phải chữ Nho).
.

3.1/ Bài thánh ngôn một.
Bài thánh ngôn tứ tuyệt nhưng chỉ viết đến chữ thứ 18.
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên.
Đạo mầu rưới khắp….
Bài nầy giống như viết trên bảng đá có một cây chống tấm bảng lên không có cây viết nhưng Đại Ngọc Cơ lại quay đầu có viết về hướng nầy.
Cách viết: Thánh Ngôn viết từ phải sang trái và từ trên xuống dưới.
Xuất xứ: Đó là bài đầu tiên của Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Noel 1925.
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

3.2/ Bài thánh ngôn hai:
Bài Thánh Ngôn chỉ có cây viết trên bài Thánh Ngôn mà không có bàn tay cầm viết, cách viết giống như bài trước:
Viết thử thiên thơ với nét trần,
Hầu sau bền vững nghiệp Hồng Quân.
Chuyển luân thế sự….
Xuất xứ: TNHT Q.2 T. 121- Bản in 1963.
Viết thử Thiên- Thơ với nét trần,
Hầu sau bền vững nghiệp Hồng- Quân.
Chuyển luân thế sự đưa Kinh- Thánh,
Trừ- diệt tà gian múa bút thần.
Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng,
Nầy xem nước Lỗ biến hình lân.
Công- danh nước Việt tay đành nắm,
Mưa mốc dân sanh gắng gội nhuần.
Bài nầy Đức Lý Đại Tiên cho năm 1937 tại Báo Ân Từ.... Lý do: Trong 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh 1937 khi Đức Hộ Pháp tuyên bố giao quyền phong thưởng chức sắc lại cho quyền Vạn Linh theo mật chỉ của Chí Tôn, thì tối lại Lý Đại Tiên khen và cho bài thi trên.
3.3/ Bài Thánh Ngôn 3:
Bài Thánh Ngôn có bàn tay đang viết.
Bài nầy viết từ trên xuống dưới và từ trái sang phải. (Khác với hai bài trên).
Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ,
Khai đạo muôn năm trước định giờ.
May bước phải gìn….
Xuất xứ: TNHT. Q1. T. 115- Bản in 1973.
Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ,
Khai đạo muôn năm trước định giờ.
May bước phải gìn cho mạnh trí,
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
Cả ba bài Thánh ngôn đều dùng chữ Nôm và dừng lại ở chữ thứ 18.
3.4/ Tại sao cả ba bài đều dừng lại ở chữ thứ 18?
Xét về lý số theo dịch học nền văn minh tâm linh thuộc lưỡng nghi. Thiên thơ có 02 quyển. Một tháng người đạo đến Thánh Thất hay Điện Thờ 02 lần.
Trong dịch lý Tiên Thiên có 08 quẻ. Quẻ Càn số 1 và quẻ Khôn số 8. Các quẻ còn lại đều do hai quẻ Càn Khôn biến hóa. Cho nên trong đạo học khi xưa nói 18 là con số ghép lại của hai quẻ Càn & Khôn, nghĩa là bao trùm mọi vấn đề (thời Nhứt Kỳ phổ độ).
Khi sang Nhị Kỳ phổ độ xã hội tiến bộ Châu Văn Vương đem 8 quẻ đơn chồng lên nhau tạo thành 64 quẻ kép. Nhưng mở đầu vẫn là 02 quẻ Càn và Khôn.
Đạo Cao Đài là đạo của dịch lý cho nên dụng số 1 và số 8, thiết tưởng đó cũng là một trong các lý do để hiểu các bài thánh ngôn đều dừng lại tại chữ thứ 18./.

@@@
CHÚ THÍCH 1:
Về ngưng cơ bút.
Nhiều người đạo đã hiểu lầm rằng nhà cầm quyền Việt Nam cấm cơ bút đó là nhận định rất sai.
Xin phép khẳng định chính Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đã chủ động xin với Thiêng Liêng ngưng cơ bút cầu phong cầu thăng tại Cung Đạo vào ngày 23 tháng 12 năm Mậu Ngọ, (31/01/1978). Đó là một nước cờ rất sáng suốt. Nếu không ngưng cơ bút tà quyền cài người vào làm đồng tử và ra những đàn cơ trái với chơn truyền thì không ai dám cãi vì cơ bút tại Cung Đạo là đúng với pháp định về cơ bút.
Lý do xin ngưng cơ bút
Năm 1977 nhà cầm quyền Việt Nam ra Nghị Quyết 297 Trong đó có một điều khoản quy định rằng: Chức Sắc Chức Việc kể cả những người do Tín Đồ bầu cử lên muốn được thăng chức muốn thuyên chuyển phải có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Điều nay đối với Đạo Cao Đài rất nguy hiểm. Bởi lẽ sự thăng phẩm của Chức Sắc trước đây là do 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh công cử, rồi đến quyền Chí Tôn tại thế chấp thuận và trình dâng lên cho Thiêng Liêng quyết định bằng cơ bút tại cung đạo Tòa Thánh Tây Ninh. Ngày nay phải được chính quyền cho phép trước thì Đạo Cao Đài đã biến thành một tổ chức chịu sự kiểm soát của phàm tục mất hết giá trị thiêng liêng. Hội Thánh Cao Đài không chịu để mối đạo cao quý của Thượng Đế thành lập chịu sự kiểm soát của phàm tục, do vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam mới tức giận ra Bản Án Cao Đài vào ngày 20 tháng 7 năm 1978. Sau đó mới có Quyết Nghị ngày 13 tháng 12 năm 1978 giải tán hành chánh tôn giáo.
Sự khác biệt của Đạo Lịnh và Thông Tri như sau.
Thông Tri là do cấp dưới soạn và trình lên cấp trên ký ban hành. Thông tri 01: viết lập ra Hội Đồng Chưởng Quản Hội Thánh như vậy tạo sự lập lờ rằng Hội Đồng đứng trên Hội Thánh.
Đạo Lịnh là do cấp trên cấp trên soạn thảo và truyền cho cấp dưới ban hành và thi hành. Đạo Lịnh 01 viết rõ Hội Đồng Chưởng Quản Của Hội Thánh.