Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

3015. TRI KỲ HÙNG, THỦ KỲ THƯ.

TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.


Bạn Văn Thế Trung (Tây Ninh).
VẤN:
Tri kỳ hùng, Thủ kỳ thư là gì?
HỒI ĐÁP.
Trước hết xin thứ lỗi là đã chậm trả lời. Bởi lẽ BBT chẳng có ai chuyên về Đạo Đức Kinh. Do vậy phải học hỏi và tự vấn với nhau cho tạm ổn rồi mới dám hồi đáp.
Về xuất xứ đây là hai câu từ Đạo Đức Kinh mà ra. Đó là 02 đầu của chương 28.
Cụ Nguyễn Duy Cần dịch là: Biết như con trống, Giữ như con mái. Chúng tôi xin OK với cụ.
Tiếp đây là phần nhận xét của chúng tôi để tạ lòng bạn đã gởi câu hỏi.


Trong nhận định về âm dương của người xưa thì trong dương có âm và trong âm có dương. Vạn vật không có cái chi là độc âm hay cô dương. Biết như con trống là sở tồn là một tập hợp lớn (xử kỷ). Giử như con mái hay sống như con mái vì trong sở học vẫn còn điểm chưa minh dù rằng nhỏ nhưng vẫn không thể nào là không có. Do vậy phải tự đưa mình vào phần chưa hiểu đó để cầu thị khi (tiếp vật).
Đây là câu luận về cái thể và dụng của đạo hay nói thông thường là xử kỷ và tiếp vật. Xử kỷ là việc của mình tiếp vật là có liên quan đến bên ngoài.
Thể là trống và mái. Dụng là cách xử kỷ (cho mình khi học hỏi, khi suy nghĩ “Tri” ) hay tiếp vật (sống trong nhân quần xã hội “Thủ”).
Biết như con trống thiên về xử kỷ, ngụ ý là phải học hỏi cho am tường công việc mình muốn làm rồi mới tiến hành. Khi tiến hành rồi còn phải rà soát, nhìn ngắm để học hiểu thêm cho đến tận thiện, tận mỹ.
Giữ như con mái thiên về tiếp vật, nghĩa là phải coi nên chổ để nên lời. Bởi lẽ cái sở học thì nhiều mà ứng biến sử dụng cho một tình huống, một hoàn cảnh là một phần của sở học.
Xã hội xưa nay đều phong phú và đa dạng đến vô tận. Người giỏi về nghề nông không thể am tường hết việc kinh thương. Kẻ sĩ có đa tri kiến cũng không thể biết những điều sâu xa của tăng lữ. Con người phải đứng trong một vị trí thì sự hiểu biết đương nhiên phải bị giới hạn. Ý thức được sự giới hạn đương nhiên đó thì không có chi là tự hào hay tự cao, tự đại. Cho nên cái túi khôn của nhân loại (là Lão Tử) mới viết như thế.
Biết như con trống ví như phần dương, Giữ như con mái là giử lấy cái phần âm nhỏ trong phần dương đó.
Trong Đạo Đức Kinh còn nhiều câu đồng dạng như thế. Thí dụ như ngay trong chương 28: Tri kỳ bạch, Thủ kỳ hắc. Tri kỳ vinh, Thủ kỳ nhục và nhiều chương khác.
Chúng tôi gượng gạo nhận xét như thế để tạ lòng bạn đọc, nên xin giử phần thủ kỳ thư xin bạn thứ lỗi nếu kiến giải có chi sai sót.

Trân trọng.