Trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

2961: TẠI SAO THÁI TỬ BỎ TÒA THÁNH?



TRẢ LỜI BẠN ĐỌC.
Vấn.

Về Tượng Tượng Thái-Tử Tất-Đat-Đa ở trước cửa Đền-Thánh.
Một số văn bút giải thích rằng Tòa Thánh không có pháp gì nên Thái Tử phải đi tầm pháp. Cho nên một số cơ bút bên Cơ quan phổ thông giáo lý 171/b Cống Quỳnh (SaiGon) như Đạt Tường giải thích rằng: Hoa trái không ở gốc mà ở cành lá. Nghĩa là pháp do các chi phái nắm giử chứ Tòa Thánh Tây Ninh không có pháp.
Tô Văn Minh (Gia Định).
Hồi đáp.
Xin cảm ơn bạn đã tín nhiệm và gởi câu hỏi. Chúng tôi xin hồi đáp như sau:
Về cách tìm hiểu Đạo Cao Đài chúng tôi đã có trình bày rằng phải hiểu trên thể pháp trước.
Thể pháp là gì?
Thể pháp là phần hữu hình nhìn thấy được như: công trình kiến trúc  (bao gồm phương hướng, hình dáng, màu sắc), cách thức bố trí nguồn máy nhân sự hay hành chánh tôn giáo, kinh, sách, nghi lễ trong tôn giáo nhằm thể hiện triết lý của tôn giáo về vũ trụ, nhân sinh hay xã hội.
Theo đó muốn hiểu đúng về ý nghĩa Tượng Thái Tử Tất Đạt Đa phải gắn vào thể pháp liên quan.

1/- Về nguồn gốc:

(Tượng Thái Tử Tất Đạt Đa cưỡi ngựa từ Đông sang Tây trong Bạch Ngọc Kinh vô vi, trước Đền Thánh)
Tượng Thái Tử Tất Đạt Đa đi tầm đạo được tạo tác tại Chùa Gò Kén để phục vụ cho Lễ Khai Đạo. Tượng do chính Đức Chí Tôn trấn thần.
Sau Lễ Khai Đạo Hội Thánh phân công cho Đức Cao Thượng Phẩm di dời về vị trí hiện nay.
2/- Tượng Thái Tử đi tầm đạo nằm trong Đền Thánh Vô Vi. (1).
Tượng Thái Tử Tất Đạt Đa cưỡi ngựa đi từ phương Đông về phương Tây. Lúc đó Ngài mới đi tầm đạo, tầm chân lý chứ chưa đạt đạo. Với người quyết tâm đi tìm chân lý thì tiến về phía trước để tìm kiếm. Vậy ngay trước tượng Thái Tử đi tầm chơn lý có gì?
Xin thưa có tháp Đức Hộ Pháp.
Mà Đức Hộ Pháp được Đức Chí Tôn ban cho Ngai của Chí Tôn tại thế (là Giáo Chủ Đạo Cao Đài tại thế). Ngài được Đức Chí Tôn ban cho câu: Thầy lấy đức tánh của con mà lập đạo.
Ngài nắm cả thể pháp và bí pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Tượng bố trí trong Bạch Ngọc Kinh vô vi nên hóa giải vấn nạn rằng vì sao Ngài đi tầm đạo thời Nhị Kỳ Phổ Độ còn Hộ Pháp là thời Tam Kỳ Phổ Độ mà lại phải đến với Hộ Pháp?
Xin thưa rằng Tam Kỳ Phổ Độ thừa kế tinh hoa của hai thời kỳ phổ độ trước đây chứ không tự đứng riêng một mình (biệt lập hay cô lập). Thái Tử đi tầm đạo là tinh hoa của Nhị Kỳ Phổ Độ. Đạo Cao Đài tôn vinh giá trị của Ngài và dụng đó để đưa ra bài học cho hậu tấn trong bước đường xây dựng nền văn minh mới. (2: xem mục 3: Bài học từ Nho Tông Chuyển Thế)
Trên thực tế chính Phạm Hộ Pháp viết KINH GIẢI OAN, ngay sau bài kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu ở phần Kinh Thiên Đạo.
Kinh Thế Đạo mở đầu là Kinh Thuyết Pháp và Đức Hộ Pháp là người viết ra bài kinh nầy có Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại và các bài kinh khác. Như vậy danh xưng Hộ Pháp đã đi đôi với việc làm để thể hiện Ngài nắm pháp.
Pháp là phương pháp là cách làm, là khuôn phép, là kỷ cương để đạt được mục đích. Đạo là con đường đi đến chân lý nên pháp là cách thức người đạo đi trên con đường về chân lý.
Tại sao là tinh hoa?
Bản thân Thái tử sống trong nhung lụa, giàu sang, quyền thế nhưng lại nhìn thấy cái khổ của tha nhân (sinh, lão, bịnh, tử) và đồng cảm đến nước gắn cái khổ đó vào bản thân mình và tìm ra con đường giải khổ (đại hùng, đại lực). Đến khi tìm ra Tứ Diệu Đề để giải quyết tứ khổ thì Ngài lại thuyết phương pháp tìm ra cho chúng sinh, ai thích thì theo, không thích thì thôi thậm chí chê bai cũng chẳng sao. Hay là theo nữa chừng thấy không phù hợp không theo nữa dừng lại hoặc đi theo cách khác cũng tùy ý, chính vì để cho chúng sinh được tự do nên mới gọi là đại từ bi.
Còn như khi tìm ra rồi mà dùng bạo lực bắt buộc người khác phải theo, không cho chúng sinh quyền lựa chọn là đại ác. Đó là con đường của ác quỷ mà ngày nay chúng ta thấy các chế độ độc tài đang áp dụng. Phật và quỉ khác nhau ở bước thứ ba. Một đàng là đại từ bi, một đàng là đại ác.
Do vậy mà Chí Tôn chọn Ngài làm tinh hoa tiêu biểu cho cả nhân loại trên đường tìm về chân lý
3/- Từ Tứ diệu đề sang Tam diệu đề.
Phật là bậc đã giác ngộ lẽ sanh, lão, bệnh, tử và đưa ra giải pháp thoát khổ {tứ diệu đề: sanh, lão, bệnh tử là khổ (khổ đề); nguyên nhân nào phát sinh ra khổ (tập đề), làm cách nào để diệt khổ (diệt đề), con đường dẫn đến diệt khổ (đạo đề)}. Ngài đã lập ra văn minh Phật giáo mà nhân loại đang hưởng dụng.
Đạo Cao Đài thừa kế tinh hoa tam giáo nhưng không bao giờ có việc coppy về xài. Bởi nền văn minh do các bậc giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ lập ra phần được thì đã được rồi, phần chưa xong thì đã là chưa xong. Muốn giải quyết phần chưa xong ấy cần một giải pháp mới.
Giải pháp mới đó tên là gì? Ai dạy? Dạy ở đâu? Tùng theo thì được gì?
Giải pháp mới: Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ.
Ai dạy: Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật dạy.
Dạy ở đâu: Dạy trong Di Lặc Chơn Kinh.
Tùng theo thì được gì: Tùng thị Pháp Điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát luân hồi.
Vậy Pháp Điều Tam Kỳ Phổ Độ là gì?
Theo chổ chúng tôi học hỏi thì đó là tam lập (lập đức, lập công, lập ngôn) mà Đức Hộ Pháp đã giảng dạy rất nhiều lần.
4/- Tây Ninh có pháp hay không?
Nội dung bạn hỏi xuất phát từ cơ bút của chi phái nên chúng tôi xin phân rõ như sau:
Theo qui định của Hội Thánh và lời phê của Đức Hộ Pháp thì cơ bút phải xuất phát từ Cung Đạo của Tòa Thánh Tây Ninh và do Hội Thánh ban hành. Cơ bút nào không đủ tiêu chuẩn như thế người đạo không can dự vào.
Do vậy để tạ lòng bạn đọc chúng tôi trả lời bạn về nội dung như ý kiến đó là của bạn; chúng tôi không trả lời theo diện đó là cơ bút bạn viện dẫn.
Theo lời dạy đó Đức Hộ Pháp đã nhiều lần khẳng định rằng: Đức Chí Tôn đã dạy rằng cho dầu là thể pháp hay bí pháp cũng tại Tây Ninh mà thôi.
Đạo Cao Đài có thể pháp và bí pháp.
Chúng tôi đề nghị bạn quan sát xem Thể Pháp Tòa Thánh Tây Ninh như thế nào để đối chiếu với những nơi khác. Bạn ghi nhận xem ai là người chú giải Pháp Chánh Truyền, trong chú giải đó có phần Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự là phần mà Pháp Chánh Truyền nguyên văn không hề có. Ai là người vâng lệnh Đức Chí Tôn để soạn và ban hành Luật Lệ cho các Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội để ngày nay Đạo Cao Đài trình diện ra với thế giới rằng: Đó là cơ chế lập quyền dân. Ai là người viết một số bài kinh trong Kinh Thiên Đạo và Thế đạo mà ngày nay các chi phái đều cần dùng.
Theo chúng tôi không bao giờ có chuyện Đức Chí Tôn giao cho Đức Hộ Pháp tạo ra thể pháp rồi lại giao cho một nơi nào khác nắm bí pháp. Thể pháp ở đâu thì bí pháp cũng theo đó là lẽ đương nhiên.
Tóm lại Tòa Thánh Tây Ninh có đủ cả Thể pháp và Bí pháp để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do, xây dựng nền văn minh mới cho nhân loại theo luật cung cầu.
Trân trọng.