Trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

2960. BẠCH NGỌC KINH VÔ VI.



ĐI TÌM ĐỀN THÁNH VÔ VI.
“Thể pháp ẩn tàng bí pháp”.
BNS Thông Liên 02 (2009).
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài) thì mổi thể pháp đều ẩn tàng bí pháp.
Thể pháp là hữu hình nhìn thấy được. Còn bí pháp là vô hình không thấy được nhưng có thể cảm nhận, lý hội hay mặc khải được. Cho dù là thể pháp hay bí pháp thì cũng tùy vào sự nổ lực học hỏi và cái “duyên” riêng của mổi người. 
Cũng như không ai thấy được Đấng Tạo Hóa nhưng việc làm của Đấng Tạo Hóa thì con người cảm nhận được hay thấy được. Những ý tưởng trong bộ não là vô hình nhưng khi những ý tưởng đó được thể hiện ra thì người ta thấy được (hữu hình).
Đạo Cao Đài có Đền Thánh hữu hình vậy thì có Đền Thánh vô vi hay không?
Hy vọng phần trình bày sau đây sẽ làm rõ phần nào câu hỏi nêu trên.


@@@
1- Đạo Pháp qua kinh điển:
1.1- Đạo Đức Kinh.
Chương 1:
Vô danh thiên địa chi thỉ- Hữu danh vạn vật chi mẫu.
(Không tên là gốc của Trời Đất, Có tên là mẫu mực của vạn vật)
Chương 2:
Hữu Vô tương sanh (Có và không sanh ra lẫn nhau).
Chương 40.
Thiên hạ vạn vật sanh ư hữu.-  Hữu sanh ư Vô.
(Trong thiên hạ vạn vật sanh nơi hữu hình- Hữu hình được sanh ra nơi Vô hình).
Tóm lại: Khởi thủy thì vô hình tạo ra hữu hình. Nhưng khi đã có hữu hình rồi thì vô và hữu lại tương sanh.
1.2- Kinh Dịch:
Vô Cực sinh ra Thái Cực.
1.3- Giáo lý Đại Đạo.
...Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. (TNHT Q.2 trang 62- bản in 1963)
Ấy là Vô Cực sanh ra Thái Cực.
2- Đạo pháp qua kiến trúc.
Vận dụng các phần trên và thực tế kiến trúc của Tòa Thánh Tây Ninh chúng tôi nhận xét như sau:
2.1- Bát Quái Đài vô vi.
Theo sử liệu còn lưu lại thì năm 1930 Đức Hộ Pháp có cho đào một hầm Bát Quái tại cột phướn hiện nay, sau đó cho đổ sạn trắng xuống lấp lại. Đến năm 1931 thì Hội Thánh khởi công xây dựng Đền Thánh (xây dựng Bát Quái Đài) hiện tại. (Hữu sinh ư vô).
Kiến trúc hiện hữu:
Cột phướn phần thân có hình vuông, bốn mặt của hình vuông nằm ở chính phương (Đông, Tây, Nam, Bắc). (Thân cột phướn có bố trí chữ Vạn).
Dưới chân cột phướn có 04 linh vật nằm theo bàng phương (Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc).
Kết hợp cả hai lại đã có đủ Bát Quái.
- Đầu cột phướn có bố trí rồng vàng (Rồng ở Bát Quái Đài cũng có màu vàng).
 
(Ảnh chụp Cột Phướng có rồng vàng bên trên "Bát Quái Đài vô vi")


* Đối chiếu thời gian, cách bố trí Bát Quái, bố trí rồng vàng…theo thiễn ý đủ để kết luận Hội Thánh đã bố trí Bát Quái Đài vô vi tại cột phướn.
2.2- Hiệp Thiên Đài Vô Vi.
Tháp Thượng Phẩm: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2. trang 68 bản in 1963 dòng 15: …phải xây cái tháp của Thượng Phẩm phía trước cây ba nhánh, phải day mặt về đông, giống như ngó vào điện mà hầu Thầy vậy.
Đối chiếu với thực tế của Tượng Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh trong Đền Thánh hữu hình thì cả ba tháp hẳn nhiên trùng khớp với câu: … giống như ngó vào điện mà hầu Thầy vậy.
Tóm lại: Tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh tương ứng với Hiệp Thiên Đài vô vi.
Lộ Cao Thượng Phẩm cũng giống như hai cửa hông dành cho nhơn sanh Nam Nữ vào Đền Thánh.
(Tam tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh như ngó vô mà hầu thầy: Hiệp Thiên Đài vô vi)
2.3- Cửu Trùng Đài Vô Vi.
Đức Hộ Pháp nhiều lần thuyết rõ Cửu Trùng Đài là hình trạng của Cửu Trùng Thiên tại thế.
(…mổi nấc của Cửu-Trùng-Đài là mổi lần khảo-dượt của các Đấng Thiêng-Liêng, là mổi lần cứu-rỗi của Cữu-Vị Nữ-Phật, là mổi lần cầu xin, của các đẳng linh-hồn, toàn-thể con cái Đức Chí-Tôn đọc lại mấy bài kinh từ Đệ Nhứt-Cửu đến Đệ Cữu-Cửu, đến Tiểu-Tường và Đại-Tường thì biết… (Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống- Bài 1).
Quan sát Đại Đồng Xã có Cửu Trùng Thiên.
Theo nghi lễ tôn giáo các phẩm: Giáo Tông, Hộ Pháp, Phật Tử, Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Đầu Sư, Tiên Tử, Thập Nhị Thời Quân khi bỏ xác thì có nét chung như:
- Liệm bằng Liên Đài và có xây Tháp.
- Về thời gian thì: Liên Đài để tại biệt điện một đêm, di vào Báo Ân Từ một đêm, di vào Đền Thánh một đêm, di ra Cửu Trùng Thiên một đêm, sau đó nhập bữu tháp (toàn đạo thọ tang).
Khi di Liên Đài vào Đền Thánh thì:
- Giáo Tông, Phật Tử, Chưởng Pháp để trước 07 cái ngai (để chính giữa).
- Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh để nơi Hiệp Thiên Đài (chính giữa).
- Phẩm Đầu Sư, Tiên Tử để trước 07 cái ngai (để chính giữa).
 - Thập Nhị Thời Quân để nơi Hiệp Thiên Đài (cũng chính giữa).
Sau đó di Liên Đài ra Cửu Trùng Thiên (Đại Đồng Xã) một đêm rồi mới nhập bữu tháp.
Khi ra Đại Đồng Xã thì đều an vị nơi Cửu Trùng Thiên.
Như vậy trong Đền Thánh hữu hình thì vẫn có sự phân biệt vị trí để Liên Đài (theo đài) nhưng khi di ra Đền Thánh vô vi thì các phẩm trên đều an vị trên Cửu Trùng Thiên.
Nghi lễ tôn giáo là thể pháp, căn cứ vào thể pháp để truy tìm bí pháp ẩn tàng là điều rất biện chứng (Hữu vô tương sanh).
Con người còn mang xác phàm thì có phân biệt Nam- Nữ nhưng khi đã bỏ xác (trở về vô vi) thì chỉ còn phân biệt ở thanh hay trược. Thanh hay trược là do thiên về vật chất hay tinh thần nên ở Đại Đồng Xã có Đông Khán Đài (tinh thần) và Tây Khán Đài (vật chất).

(Phía sau cây bồ đề là Cửu Trùng Thiên và Đông Tây khán đài tượng cho Cửu Trùng Đài vô vi)
Nhìn chung cái hữu hình thì có định mức, hạn lệ nên Đền Thánh hữu hình chỉ chứa được một số người nhất định, còn Đền Thánh vô vi thì không có hạn mức, mới chứa được cả thiên hạ.
@@@
3- Kết luận:
Qua phần trình bày trên thiết tưởng đã đủ để chứng minh: Hội Thánh Cao Đài đã kiến tạo Đền Thánh vô vi (hay Bạch Ngọc Kinh vô vi) ngay trước Đền Thánh hữu hình vậy./.

Chú thích:

BBT đăng nguyên văn chỉ bổ sung phần hình ảnh.