Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3212. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 7)

TUYỂN TẬP 
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 7)



XÂY DỰNG CÁ NHÂN & XÃ HỘI.
“Thực thi Bảo Sanh – Nhơn Nghĩa – Đại Đồng.”
Bài 3.
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) hay Đạo Cao Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng cơ bút lập thành. Lễ Khai Đạo được tổ chức vào đêm 14 rạng 15 tháng mười năm Bính Dần (dương lịch thứ Sáu- 18 rạng 19/11/1926) tại Làng Long Thành, Tỉnh Tây Ninh, Nam phần Việt Nam.
Đạo Cao Đài thể pháp và bí pháp để thực thi Bảo Sanh – Nhơn Nghĩa – Đại Đồng, xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.


Thể pháp là phần hữu hình nhìn thấy được như: công trình kiến trúc  (bao gồm phương hướng, hình dáng, màu sắc), cách thức bố trí nguồn máy nhân sự hay hành chánh tôn giáo, kinh, sách, nghi lễ trong tôn giáo nhằm thể hiện triết lý của tôn giáo về vũ trụ, nhân sinh hay xã hội.
Bí pháp là gì?
Bí pháp là phần ý nghĩa hay thông điệp ẩn tàng trong Thể pháp. Bí pháp bao gồm phần tìm hiểu cách thức vận hành để đạt được mục đích. Từ đó vạch ra chương trình, đề ra kế hoạch để thực thi. Nên tùy theo tài nguyên, môi trường (khoa học kỹ thuật, phương tiện, nhân sự) của Đạo hay Đời mà thể hiện.
Thể pháp là đất đứng mà bí pháp là đôi mắt, là trí huệ... hướng đến chơn pháp của Thầy là: Tô điểm non sông đạo lẫn đời.
Hiểu được Thể pháp, xây dựng kế hoạch để thực thi có hiệu quả và đi đến thành công là đạt Bí pháp, đạt Bí pháp là đạt được cái Dụng hay cứu cánh của tôn giáo (Chơn pháp): xây dựng nn văn minh mới.
I/- ĐẠO CAO ĐÀI XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH MỚI.

ĐĐTKPĐ ra đời để làm chứng trước nhân loại rằng: Có một thế giới vô hình song song với thế giới hữu hình và con người có thể liên lạc, nối kết được với thế giới vô hình. Các Đấng cao trọng nơi thế giới vô hình sẳn lòng giúp con người xây dựng một nền văn minh mới.
Nền văn minh mới do Đấng Cao Đài làm chủ nên gọi là Văn minh Cao Đài Giáo. Các vị tiền bối khai đạo là cầu nối để truyền tải lời dạy của các Đấng đến các môn sinh và từ đó phổ biến đến nhân loại.
Đấng Cao Đài dùng cơ bút để dạy. Cơ bút là phương tiện để Đấng Cao Đài hay các Đấng Thiêng Liêng cao trọng dùng điển lực truyền giảng qua tâm linh của đồng tử; đồng tử tiếp nhận rồi viết ra nên còn gọi là văn minh tâm linh.
Nền văn minh tâm linh dạy cho con người biết được Đạo Làm Người trong xử thế hay xuất thế nên còn gọi là Văn Minh Nhơn Đạo. Xử thế là xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ và tự do. Xuất thế là nhìn vào, nhìn lại việc thực thi tam lập và biên soạn thành giáo án, sử chương giúp cho bạn đồng sanh, cho hậu tấn tiếp cận và nhìn rõ vấn đề. Xử thế và xuất thế là 02 mặt tương đối của khách trần nơi quán tục.
1/ Công thức xây dựng xã hội, (Đề thi thời Tam Kỳ Phổ Độ):
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Theo đó người Đạo Cao Đài phải biết cộng hưởng để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.
Công thức được bố trí tại Tòa Thánh và các Thánh Thất nên đó chính là đề thi trình chánh trước nhân loại. Nhân loại căn cứ vào đề thi để đối chiếu với sở hành của cá nhân và tôn giáo rồi lượng định. Nhân loại định giá trị như thế nào thì Đấng Cao Đài nhìn nhận như thế đó.
2/ Đạo Cao Đài & nhân quyền.
2.1/ Đạo của nhân quyền:
Xây dựng hòa bình, dân chủ, tự do từ tôn giáo đề ra chính là những nhu cầu chánh đáng của toàn nhân loại. Đó cũng chính là những giá trị phổ quát mà tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) nêu ra.
Tôn giáo (Đạo Cao Đài-1926) và xã hội (Liên Hiệp Quốc-1948) có sự hội tụ để xây dựng nhân quyền.
2.2/ Đạo là nguồn cung theo Luật Cung Cầu.
Cửu Trùng Đài là cơ quan hành pháp của tôn giáo. Cửu Trùng Đài có cửu viện (09 viện nghiên cứu) đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do trong môi trường tôn giáo. Các bài bản áp dụng hiệu nghiệm cho Tôn giáo thì đương nhiên tác động đến xã hội. Tôn giáo Cao Đài như một phòng thí nghiệm để cung cấp các phát minh cho nhân loại.
Hòa bình chung sống có hành chánh tôn giáo là cơ chế quan trọng để thực hiện. Do Dân - Phục Vụ Dân - Lập Quyền Dân.
Dân chủ có nhân quyền. Tín đồ trong tôn giáo có quyền đề đạt và trình bày sau đó các nghị viên biểu quyết thể hiện qua cơ chế 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh.
Tự do trong đạo đức. Từ phẩm Đạo Hữu cho đến Giáo Tông đều chung một khuôn luật, đều có quyền thực hành tam lập (lập công, lập đức, lập ngôn) theo pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ.
Đạo lập quyền cho nhân loại.
Đem công lý đánh đổ cường quyền.
ĐĐTKPĐ cung ứng hàng vạn phương pháp (Vạn Pháp Cung) để đáp ứng những nhu cầu xây dựng tâm thân và xã hội; nên Đạo là nguồn cung theo qui luật cung cầu.
3/ Mô hình tổng thể xây dựng xã hội mới.
Thể pháp tôn giáo: Đại Đồng Xã ngay trước Đền Thánh là mô hình xây dựng xã hội mới.
ĐỀN THÁNH và một phần của Đại Đồng Xã (Tây sang Đông).
ĐẠI ĐỒNG XÃ (từ Đền Thánh nhìn ra).
Đền Thánh nằm trên trục Đông Tây. Hai bên của Đông Tây là Nam Bắc. Nhưng Hội Thánh Cao Đài bố trí Đông Khán Đài ở phía Nam và Tây Khán Đài ở phía Bắc. Bố trí như thế không căn cứ vào địa dư mà theo triết lý tôn giáo khi xây dựng nền văn minh mới: sự kết tinh của Triết học Đông Phương và Khoa học kỹ thuật của Tây Phương.
3.1/ Triết Học Đông Phương (Đông Khán Đài).
ĐÔNG KHÁN ĐÀI (Triết học Đông Phương).
Trên trục Đông Tây Đông Khán Đài ở giữa Đông Lang và Tháp Cao Thượng Phẩm.
Đông Khán Đài tương liên với Đông Lang ở hướng Đông (ngay cạnh mặt hậu phía Nam Đền Thánh)
Đông Khán Đài cũng tương liên với Tháp Đức Cao Thượng Phẩm (Chi Đạo: Tôn giáo) ở hướng Tây (về phía Cổng Chánh Môn).
3.2/ Khoa Học Kỹ Thuật Tây Phương (Tây Khán Đài)
Tây Khán Đài (Khoa học kỹ thuật Tây Phương).
Trên trục Đông Tây, Tây Khán Đài ở giữa Tây Lang và Tháp Cao Thượng Sanh.





Tây Khán Đài tương liên với Tây Lang về hướng Đông (ngay cạnh mặt hậu phía Bắc Đền Thánh). Các kim trên đồng hồ của Tây Lang chỉ ngay các số.
Tây Khán Đài cũng tương liên với Tháp Đức Cao Thượng Sanh (Chi Thế: Đời) ở hương Tây (về phía Cổng Chánh Môn).
3.3/ (Cửu Trùng Thiên) thể hiện sự kết tinh của nền văn minh mới.

Ảnh chụp Cửu Trùng Thiên.
Cửu Trùng Thiên là một khối hình bát quái theo hình tháp. Bát quái tượng cho vạn linh sanh chúng, hình tháp tượng cho sự tấn hóa. Ba màu đỏ, xanh, vàng tượng cho 03 phái Ngọc, Thượng, Thái (Tam giáo). Màu trắng bên trên có 02 khối màu trắng như hai quả cân úp vào nhau tượng cho luật pháp, cho cán cân công lý do Hiệp Thiên Đài nắm giử.
Thể pháp tại Cửu Trùng Thiên thể hiện đặc trưng của Tam giáo và luật pháp trong ĐĐTKPĐ.
Tường quang nhứt khí chiếu minh đông.
Tam giáo qui nguyên giữ cộng đồng.
Phật Pháp khuyến nhơn qui mỹ tục,
Nho Tông phục thế hưởng thuần phong.
Diệu huyền chơn Đạo tu tông hướng,
Mê hoặc tà mưu khả tự phòng.
Thế thượng giục tri Thiên sứ đáo,
Tam kỳ Phổ Độ lập kỳ công.
Màu đỏ: Màu của Phái Ngọc (Nho). Chịu trách nhiệm 03 viện: Hòa viện, Lại viện và Lễ viện. Ba viện nghiên cứu nầy mang tính nội trị nên ở bên dưới để ổn định nhân sự & tổ chức. Tính ưu việt của Nho giáo là ổn định xã hội qua cách thức tổ chức từ trung ương đến địa phương để ổn định nhân thế. Xã hội trong tôn giáo vẫn cần phải giữ bản sắc trong lành mới xây dựng được bản sắc của đạo. Do vậy nhân sự phái Ngọc phải có sự quả cảm và tiết tháo của bậc quân tử, để giúp cho người đạo lẫn đời hiểu được giá trị của kỷ cương, từ tu thân cho đến phụng sự. (Nho Tông phục thế hưởng thuần phong)
Màu xanh: Màu của Phái Thượng (Tiên). Chịu trách nhiệm 03 viện: Học viện, Y viện, Nông viện. Ba viện nầy thể hiện cho đặc nhiệm của Tiên giáo trong ĐĐTKPĐ. Tôn giáo không có trí thức thì đi vào mê tín dị đoan. Huyền diệu của đạo không phải là bùa chú mà huyền diệu của đạo xuất phát từ những bộ não thanh tịnh để phát hiện những công thức, những phát minh dìu dẫn nhân thế sống trong hòa bình, dân chủ, tự do. Muốn có những phát minh hữu ích về vật chất lẫn tinh thần phải qua con đường học vấn, nuôi dưỡng xác thân bằng thực phẩm tinh khiết và giữ gìn sức khỏe. Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh là những nhân tố mà đạo hay đời cũng điều quý trọng. (Diệu huyền chơn Đạo tu tông hướng,)
Màu vàng: Màu của Phái Thái (Phật). Chịu trách nhiệm 03 viện: Hộ viện, Lương viện, Công viện. Ba viện nầy thể hiện cho đặc trưng của Phật giáo trong ĐĐTKPĐ. Trong tôn giáo có đề án kinh thương (do Phước Thiện phụ trách) mà kinh thương thì gắn liền với công ty, xí nghiệp, ngân hàng... để tạo nên kinh tế, tài chánh cho quốc đạo. Từ có việc mưu sinh ổn định thì người đạo mới an tâm để sống đạo và tạo ra những mỹ tục trong xã hội. Kinh thương là để tạo nguồn sống cho tín đồ và tôn giáo cho nên kinh thương phải lấy tình thương làm gốc. (Phật Pháp khuyến nhơn qui mỹ tục,).
Cả 09 viện đều phải làm đúng pháp luật tôn giáo khi vận hành. Đạo Cao Đài có pháp luật, có Tòa đạo để phân xử và có cơ quan thực thi pháp luật như một quốc gia. Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền. Cho dù là cá nhân hay cơ quan vi phạm thì cũng phải được giải quyết theo pháp luật tôn giáo để giử gìn bản sắc trong lành của đạo.
Trong Tây Du Ký (hồi thứ 98) khi Đức Phật nghe thầy trò Đường Tăng phản ánh chuyện các vị thừa hành đòi hối lộ thì Phật chỉ cười. Bởi vì Phật giáo có đặt ra giới luật, nhưng không có Tòa để phân xử và tất nhiên là cũng không có cơ quan thi hành bản án. Do vậy Phật cũng chỉ biết cười. Đức Chí Tôn đã bổ sung phần đó trong ĐĐTKPĐ.
Nhà bác học Enstiens nói rằng: "Khoa học thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo không có khoa học thì mù quáng". (Science without religion is lame. Religion without science is blind.)
Về đạo học: Cửu Trùng Đài là thể xác. Hiệp Thiên Đài là chơn thần. Thể xác phải chịu sự hướng dẫn của chơn thần (trí não) là thuận chiều phát triển.
4/ Tịnh Tâm Điện. Hiền tài, trí thức là cầu nối giữa đạo và đời.


Thể pháp tôn giáo: Tịnh Tâm Điện; Tam Thánh.
Cụ Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, ngài Victor Hugo và ngài Ngài Tôn Trung Sơn được Đức Chí Tôn chọn làm đại diện cho nhân loại ký Đệ Tam Hòa Ước.

Tại sao lại chọn ba vị đại diện cho nhân loại?
Đức Chí Tôn chọn ba vị đại diện cho nhân loại ký Đệ Tam hòa ước thể hiện triết lý dung hòa Đông Tây của Đạo Cao Đài khi xây dựng nền văn minh mới.
Ngài Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm sanh ở phương Đông, phụng sự cho nhân loại trên quan điểm, tư tưởng phương Đông. Ngài đại diện cho Đông phương triết học. Ngài viết chữ Nho, dịch ra quốc ngữ: Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình.
Ngài Victor Hugo sanh trưởng ở phương Tây, phụng sự cho nhân loại trên quan điểm và tư tưởng phương Tây. Ngài đại diện cho Tây phương khoa học. Ngài viết DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE. (Thượng Đế và nhân loại – Tình thương và Công lý.)
Ngài Tôn Trung Sơn sanh ở phương Đông, học với phương Tây và trở về Trung Hoa làm cuộc cách mạng Tam dân. Trong Tam Thánh Ngài là người sống trong hai nền văn hóa Đông-Tây nên là biểu tượng cho sự dung hòa cả hai nền văn minh phương Đông và văn minh phương Tây.
Trong bức tranh Tam Thánh có 04 vầng hào quang. Riêng ngài Tôn Dật Tiên có 02 vầng: trên đầu và nghiên mực. Điều đó thể hiện rằng nghiên mực của Ngài là sự kết tinh của trí tuệ, tư tưởng Đông-Tây. Muốn viết nên giáo án, sử chương để thể hiện Bác-Ái Công-Bằng phải nhờ vào nghiên mực, nghiên mực thể hiện cho cái dụng của đạo.
Ngài cầm nghiên mực thể hiện rằng thời Tam-Kỳ Phổ-Độ là buổi dung hòa cả hai nền văn minh. Dù cho phương Đông (cụ Trạng Trình, viết ngôn ngữ phương Đông, chữ Nho) hay phương Tây (cụ Victor Hugo, viết bằng ngôn ngữ phương Tây, Pháp Văn) muốn tạo ra giáo án, sử chương để xây dựng xã hội bác ái, công bằng cũng phải dung hòa cho phù hợp. Nếu không có sự dung hòa (nghiên mực) thì cả Đông phương hay Tây phương cũng không thế gì có giáo án hay sử chương.
Giáo án hay sử chương được Đức Chí Tôn định hướng tại Bao Lơn Đài. 04 phù điêu bên ông Thiện là đường hướng tu thân. 04 phù điêu bên ông Ác là đề án phụng sự xã hội. 08 phù điêu tại Bao Lơn Đài phục vụ cho công cuộc xây dựng xã hội mới (Đại Đồng Xã trước Đền Thánh).
Tại ngưỡng cửa ra vào còn bố trí Cây Cân Công Bằng với ngón tay chỉ xuống. Thể pháp cho biết là chân lý đã đem xuống thế gian và bố trí đầy đủ, môn đệ và nhân loại phải tự mình cân nhắc cho hài hòa giữa vật chất và tinh thần, cá nhân và xã ước, giữa đạo và đời.
5/ Đạo Đời hòa nhập.
Đức Chí Tôn giao cho Hộ Pháp gánh cả hai gánh đạo và đời. Đại lộ Phạm Hộ Pháp giữa Đền Thánh (tôn giáo) và Đại Đồng Xã (xã hội).
Giao thoa tôn giáo & xã hội là 8 phù điêu tại Bao Lơn Đài. 8 phù điêu nhô ra Đại Lộ Phạm Hộ Pháp; chức sắc tôn giáo khi ra hay vô cũng đều phải đi dưới đó. Đi vào là học hỏi và đi ra là phải thực hiện nó.
5.1/ Phương án tu thân: 04 phù điêu bên ông Thiện, xây dựng phẩm chất cá nhân theo 04 công thức.
Công thức 1: Cần mẫn học tập. Lý Mật là người rất siêng học, đi chăn trâu vẫn mang sách theo học (Ngưu giác quải thư).
Công thức 2: Thanh Liêm: Hứa Do Sào Phủ.
Công thức thứ 3. Tín nghĩa: Bá Nha và Tử Kỳ.
Công thức thứ 4. Chí nhẫn: Khương Tử Nha & Võ Kiết.
5.2/ Đề án phụng sự xã hội & đạo pháp: 04 bức tranh bên ông Ác.
Chương trình thứ nhất: Xây dựng hạ tầng, vua Võ trị thủy sông trên Hoàng Hà. Nước là tài nguyên quí giá, là nguồn của sự sống, liên quan mật thiết đến môi trường. Lập khu dân cư phải xem xét thủy văn, địa lý. Khu công nghiệp lập thành thì nguồn nước ở đâu? Xài rồi thải ra thế nào? Nước trong sinh hoạt, nước đã sử dụng… đều phải được tính toán chu đáo.
Chương trình thứ nhì: Chương trình lương thực, ông Thuấn canh điền. Vận dụng và phối hợp các nguồn lực mạnh mẽ để có cuộc sống ấm no, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Chương trình thứ ba: Chương trình khoa học và giáo dục.
Chương trình thứ tư: Chương trình kinh thương. Luật Cung Cầu (Phạm Lãi & Tây Thi). Phạm Lãi (Nam/dương) và Tây Thi (Nữ/âm) ngồi trên hai đầu của một chiếc thuyền đi trên mặt nước. Phạm Lãi là người viết ra sách lược kinh thương. Bức tranh tượng cho đầu ra và đầu vào trong kinh thương. Đầu ra và đầu vào phải quân bình theo luật cung cầu.
6/ Nguồn máy thực thi.
6.1/ Hành chánh đạo: Hội Thánh Cửu Trùng Đài chịu trách nhiệm hành pháp.
6.2/ Chánh trị đạo: chịu trách nhiệm đề ra đường lối thực hiện, đề cử nhân sự để dâng lên thiêng liêng là 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh. Những việc bàn tính:
1- Giáo hoá Nhơn Sanh.
2- Lo liệu phương hay cho Ðạo với Ðời khỏi điều phản khắc và nâng cao tinh thần trí thức của Nhơn Sanh.
3- Phổ Ðộ Nhơn Sanh vào cửa Ðạo dìu dắt Tín đồ cho khỏi trái bước và trọn vâng các luật lệ của Ðạo.
4- Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những luật lệ của Ðạo không phù hợp với trình độ trí thức tinh thần của Nhơn Sanh.
5- Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm, và đủ phương liệu đặng phổ thông nền chơn giáo.
6- Xem xét và công nhận phương diện chánh trị của Ðạo quan sát sổ thâu xuất tài sản và nghị sổ phỏng định năm tới.
Bộ máy Thanh Tra nền Chánh Trị Đạo thuộc về nhơn sanh.
Sau khi 03 Hội Lập Quyền bàn tính và thống nhất xong thì dâng lên cho Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và Hộ Pháp).
Riêng về nhân sự hay các việc tối quan trọng phải qua cơ bút tại Cung Đạo trong Đền Thánh.
7/ Chứng cứ từ lịch sử: Cuộc cách mạng Nhơn-Nghĩa tại Châu Thành Thánh Địa.
Năm 1926 vùng Châu Thành Thánh Địa là vùng đất xấu, người Pháp chê bỏ không khai thác. Hội Thánh Cao Đài mua lại và xây dựng thành nơi trù phú. Đạo thực hiện 05 chương trình: Gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh.
Gia cư: Mỗi gia đình về cư ngụ nơi Thánh Địa được Hội Thánh cấp vô thường một phần đất thường là 25m x 30m.
Mưu sinh: Hội Thánh yêu cầu mỗi gia đình đều phải trồng lúa, mì, mía hay các loại hoa màu. Trai, gái phải có nghề nghiệp (phù hợp với luật đạo) khi lập gia đình. Bàn Trị Sự các địa phương đôn đốc và kiểm tra.
Giáo huấn: Hội Thánh lập ra Đạo Đức Học Đường để cho con em trong độ tuổi đi học được đến trường. Giáo huấn được đưa vào Tân Luật và Đạo Luật. Nhà nào để cho con dốt sẽ bị Hội Thánh định tội.
Kiến thiết: Đường xá ở vùng Châu Thành Thánh Địa có tỷ lệ đường gia thông lớn nhất Việt Nam. Đường trong các khu dân cư thẳng tấp như bàn cờ. Đạo có quy hoạch 40 cây số vuông làm thủ đô tôn giáo.
Tôn giáo: Hệ thống Bàn Trị Sự nơi các địa phương (Phận Đạo) chăm lo đời sống tinh thần người đạo qua các buổi cúng liên gia hay khi có quan, hôn, tang tế.
Hội Thánh kiến tạo, thiết kế rồi phổ biến cho nhơn sanh thực thi trong tinh thần tự giác, tự nguyện. Hội Thánh chinh phục nhân tâm bằng nhơn nghĩa. Khi nhơn nghĩa đã gieo vào lòng người, người đã biết mùi vị của nhơn nghĩa thì chính họ thực hiện và giúp đở nhau cùng thực hiện. Bởi vì người dân biết rằng họ đang xây dựng cuộc sống cho chính họ và thế hệ tương lai. Phân tích các việc làm của Hội Thánh Cao Đài trên quan điểm cách mạng nhơn nghĩa sẽ hiểu và thấy rõ sự thật như vậy.
Tóm lại: Đạo Cao Đài dùng nhơn nghĩa để nâng cao cuộc sống của người dân về vật chất lẫn tinh thần. Đó là cuộc cách mạng rất ôn hòa.
Chữ Nghĩa (bên Nữ Phái) và chữ Nhân bên Nam Phái. Tại mặt tiền Đền Thánh.
8/ Kết luận:
ĐĐTKPĐ là một phát minh mới để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do. Phát minh được nên hình bằng sự hội nhập của con người và các Đấng thiêng liêng cao trọng nơi cõi vô hình.
Đạo Cao Đài được thiêng liêng truyền dạy bài bản, mô hình, nguồn máy nhân sự để xây dựng nền văn minh mới phù hợp với nhu cầu nhân loại trong thời toàn cầu hóa.
Nền văn minh mới có sự hòa nhập đạo và đời.
Đề thi thời Tam Kỳ Phổ Độ đã được trình chánh trước nhân loại.
Di Lặc Chơn Kinh: Nhược hữu chúng-sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ, tất đắc giải-thoát
Theo đó thì Đạo là của chung cho nhân loại. Trường thi công quả để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do là dành cho cả chúng sanh.
Chúng sanh là toàn cả nhân loại cho nên bất cứ ai (lương hay giáo) thực hành đúng với pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ là lập công, lập đức, lập ngôn (Tam lập) để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do được xã hội nhìn nhận thì Đấng Cao Đài nhìn nhận và ban thưởng theo nguyên tắc: Dâng công đổi vị.
SƠ ĐỒ THỂ PHÁP QUA HÌNH VẼ.

1/ Đền Thánh.
2/ Đại Lộ Phạm Hộ Pháp.
3/ Trụ phướng.
4/ Cội Bồ Đề.
5/ Cửu Trùng Thiên.
6/ Tây Khán Đài.
7/ Đông Khán Đài.
8/ Tượng Thái Tử đi tầm đạo.
9/ Tháp Đức Phạm Hộ Pháp.
10/ Tháp Đức Cao Thượng Sanh.
11/ Tháp Đức Cao Thượng Phẩm.
12/ Cổng chánh môn.

(Còn tiếp)
II/- PHƯƠNG ÁN TU THÂN & ĐỀ ÁN PHỤNG SỰ XÃ HỘI