Trang

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

3261.Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 2)



Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 2)
2000-07-08
RFA
ĐẠO CAO-ĐÀI BỊ ĐÀN-ÁP: UB HELSINKI
 Lời giới thiệu: 
Hôm qua, Đài Á-châu Tự do đã mang đến cho các bạn nghe đài bài đầu trong loạt bài về "Đạo Cao-đài trong 25 năm qua." Hôm nay, chúng tôi xin tiếp-tục loạt bài này bằng cách mượn lời của Ủy-ban Helsinki Việt Nam, một tổ-chức chuyên lo về nhân-quyền có trụ-sở ở Hoa-kỳ, để nói về số-phận của đạo Cao-đài sau khi chính-quyền Cộng-sản đã chiếm trọn được miền Nam vào năm 1975. 


Sự đàn-áp tôn-giáo do Hà-nội chủ-trương đối với tất cả các tôn-giáo ở miền Bắc trước kia và ở miền Nam sau năm 1975 là một bi-kịch lớn cho đất nước. Sự sa đọa về đạo-lý của người Việt mà các tờ báo Công-an trên khắp nước ghi chép một cách khá đầy đủ và cặn kẽ từ ngày này sang ngày khác trong hàng chục năm qua bắt nguồn từ đâu nếu không phải là từ chủ-nghĩa vô thần của Đảng CSVN, làm cho dân-tộc chúng ta mất đi những giường mối luân-lý cổ-truyền mà không thay được bằng cái gì có giá trị tương-đương? Sự đàn-áp tôn-giáo do Hà-nội thực-hiện đã được ghi nhận đầy đủ qua những bản tường-trình hàng năm của các tổ-chức nhân-quyền quốc-tế như Hội Ân-xá Quốc-tế Amnesty International, Hội Cảnh-báo Nhân-quyền Á-đông Human Rights Watch-Asia, Liên-đoàn Quốc-tế Nhân-quyền Ligue internationale des Droits de l'Homme, Sáng-hội Aurora Foundation của bà Ginetta Sagan và nhất là Bản Tường-trình Hàng năm của Bộ Ngoại-giao Hoa-kỳ về Tình-hình Tôn-giáo trên Thế-giới. Trong cộng-đồng Việt Nam ở hải-ngoại cũng có không ít tổ-chức chuyên lo về vấn-đề này, trong đó nổi tiếng nhất là Phòng Thông tin Phật-giáo Việt Nam trụ-sở đặt ở Paris, Mạng lưới nhân-quyền trụ-sở ở Mỹ, Hội Tranh đấu cho Nhân-quyền ở Đức và Bỉ, v.v. Riêng Ủy-ban Helsinki Việt Nam năm 1995 có xuất bản một tài-liệu mang tên "Chính-sách đàn áp tôn giáo của CSVN, 1975-1995" xuất bản cả trong tiếng Anh và tiếng Việt. Vì đây là một tài-liệu đúc kết khá đầy đủ tình-hình đàn áp đối với đạo Cao-đài nên chúng tôi xin mượn tài-liệu này để nói về chính-sách của Hà-nội đối với tôn-giáo này... Được thành-lập từ năm 1925, đạo Cao-đài cũng có mặt ở Việt-nam tương-đương với sự hiện diện của chủ-thuyết Cộng-sản ở nước ta với những nhóm như Thanh-niên, Tân-Việt và An-nam Cộng-sản-đảng. Nhưng nếu các phái CS kia phát triển chậm chạp thì đạo Cao-đài đã phát triển rất nhanh vì nó phù hợp với những nhu-cầu tâm-linh và chính-trị của người Việt thời bấy giờ. Theo một số tác-giả viết vào những năm cuối thập niên 20 thì chỉ trong 6 tháng, đạo Cao-đài đã thu hút được 3 vạn người, đến tháng 10-1926 đã có tới 5 vạn tín-đồ, đến năm 1928 đã có những con số được đưa ra từ 200 000 người theo đạo đến 1 triệu tín-đồ. Tính thấp thì đầu thập niên 1930, đạo cũng đã có tới nửa triệu tín-đồ. Trong khi đó, để so sánh thì đến cuối năm 1945, Đảng CSVN mới chỉ có 5000 đảng-viên. Để đánh Pháp, trong Thế-chiến II, một số thành-phần Cao-đài đã theo người Nhật để tiếp tay lật đổ chế-độ thực-dân Pháp ở nước ta, nhất là trong cuộc đảo chánh của quân-đội Nhật thực-hiện vào ngày mồng 9 tháng 3 năm 45. Vì vậy nên khi lên nắm chính-quyền ở Sài-gòn sáu tháng sau, vào tháng 9 cùng năm, Việt-minh đã tìm cách diệt Cao-đài và Hoà-hảo. Do đó nên đã có lúc hai lực-lượng giáo-phái này phải lưỡng đầu thọ địch, vừa đương đầu với Việt-minh, lại phải vừa đánh Pháp. Để xem Việt-minh đã dã-man đến độ nào đối với các thành-phần Cao-đài, chúng ta hãy nghe tiếng nói của một người trong cuộc, lúc bấy giờ còn ở phía người Cộng-sản. Viết trong tập "Quan điểm và cuộc sống," ông Nguyễn Hộ, một người đã theo Cộng-sản ở xưởng Ba Son từ năm 1937, đã thuật lại như sau: "... Mặt trận liên quân B, tức mặt trận tảo thanh Cao Đài ở miền Đông Nam Bộ được thành lập với các lực lượng võ trang bao gồm các chi đội 12, 13, 15, 11, 6 và bộ đội Hoàng Thơ, lấy Tòa Thánh Tây Ninh, trung tâm đầu não của Cao Đài làm mục tiêu tấn công. Đồng thời cũng diễn ra các cuộc tảo thanh tín đồ Cao Đài ở khắp các xã, ấp thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định... Bằng cách tập họp đồng bào đi phá đường để bảo vệ vùng giải phóng thuộc quận Củ Chi, gọi là khu 5, Ban Chỉ huy ra lệnh ai có 'đạo' đứng sang một bên. Do vậy hàng trăm người có đạo toàn là tín đồ Cao Đài gồm nam nữ, phụ lão, thanh niên, trung niên được điều động đến mé rừng rậm. Sau đó, nhiều loạt súng liên thanh nổ liên tiếp với tiếng kêu la gào thét thật kinh khủng! Thế là số phận bi thảm của số đồng bào theo đạo Cao Đài nói trên đã kết liễu! Thi hài của họ bị vùi dập xuống các hầm đã đào sẵn ở rừng làng và ở sở cao su Me Sắc, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, quận Củ Chi." Chưa hết, đoạn dưới, ông Nguyễn Hộ còn viết: "Người ta còn phát hiện ở rừng Bời Lời thuộc quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có từ 5 tới 7 hầm toàn sọ người..." Như vậy thì tiền-thân của Khờ-me Đỏ hay vụ thảm-sát đồng-bào vào Tết Mậu-thân ở Huế có thể thấy ngay từ những ngày đầu Việt-minh lên nắm chính-quyền và chưa cả có dịp đánh Pháp. Không lạ là trong cuộc chiến ở Việt-nam sau đó cho đến ngày Cộng-sản toàn-chiếm miền Nam, quân-đội Cao-đài của những người như tướng Trịnh Minh Thế hay tướng Trần Quang Vinh sau này đều đã tỏ ra chống Cộng, và các tín-đồ Cộng-sản, một con số lên đến hàng triệu người, cũng không dành nhiều sự tin tưởng lắm ở sự nhân nhượng hay bao dung của người Cộng-sản khi họ lên nắm chính-quyền. Vẫn theo tài-liệu của Ủy-ban Helsinki Việt Nam: "Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi thôn tính được miền Nam, Cộng Sản đã cho triển khai ngay kế hoạch thâm hiểm mà họ đã chuẩn bị sẵn từ trước nhằm tiêu diệt các Giáo Hội. Qua nghiên cứu, ta có thể thấy họ thường tiến hành một cách có hệ thống và có chỉ đạo thật chặt chẽ các bước căn bản theo từng giai đoạn như sau: 1. Giai đoạn từ 1975 đến 1989 Trước hết, chính quyền địa phương ra lệnh hạn chế mọi sự di chuyển, hạn chế tiếp xúc, bắt giữ hoặc cô lập các vị lãnh đạo tôn giáo, các vị lãnh đạo tinh thần có uy tín và có nhiều ảnh hưởng đối với Giáo Hội và tín đồ. Ra lệnh đóng cửa, tịch thu các cơ sở sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội như trường học, bệnh viện, cô nhi viện, tịch thu toàn bộ tài sản của các Giáo Hội. Thành lập Giáo Hội quốc doanh, các Ủy Ban tôn giáo yêu nước, ban phát cho các tổ chức này một ít đặc quyền đặc lợi để dễ bề giựt giây thao túng. Đào tạo, sử dụng các nhân viên đặc vụ, các tín đồ phản đạo hoặc giáo gian rồi cài vào các tổ chức tôn giáo, ngụy tạo ra các vụ chống đối giả để chính quyền có lý do bắt giữ, truy tố, sát hại những vị có uy tín, hoặc sử dụng bọn giáo gian này để gây lũng đoạn nội bộ các tôn giáo. Ngay từ giai đoạn đầu này, CS đã hoàn toàn thành công trong kế hoạch phá vỡ Giáo Hội Cao Đài và Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo mà từ thời kỳ 1954-1975, họ đã tìm mọi cách tiêu diệt nhưng chưa thực hiện được." Ngày mai, trong bài tiếp, chúng tôi sẽ xin phân-tích trong chi-tiết chính-sách trên như được áp-dụng vào đạo Cao-đài và một vài hành-động tự-vệ mà người tín-đồ Cao-đài đã buộc lòng phải tham-gia để tìm cách tự cứu lấy mình và lấy đạo. Xin Quý Thính giả nhớ đón nghe.
© 2004 Radio Free Asia