Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3209. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 4)

TUYỂN TẬP  
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 4)



HÌNH THỂ & TỔ CHỨC
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
(Bài 2)
Đức Chí Tôn lập ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (1926) để chỉ dẫn nhơn loại xây dựng một xã hội hòa bình, dân chủ, tự do. Đạo là phương thuốc hòa bình, dạy tương nhượng nhau để sống nên bảo tồn quốc hồn, quốc túy của mỗi dân tộc. Đạo cũng là phương châm thoát tục vì Đức Chí Tôn lấy cái công phụng sự nhân loại xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do để phong thưởng (theo nguyên tắc dâng công đổi vị).


Muốn đạt đến cứu cánh cao cả như thế thì bộ máy hành pháp của tôn giáo bao gồm: hệ thống hành chánh tôn giáo, nhân sự hành chánh tôn giáo, mục đích của hành chánh tôn giáo phải rõ ràng, minh bạch trước nhơn sanh.
Bộ máy tôn giáo đi trong 02 khuôn luật: Tam quyền phân lập và Nhứt thân tam thể.
Tổ chức của tôn giáo chặt chẽ như cách tổ chức của một quốc gia (có tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp...) đồng thời linh hoạt như một cơ thể sống (theo luật tam thể, có thể xác, chơn thần và chơn linh). Hai khuôn luật cộng hưởng nhau tạo nên xe như ý đưa cá nhân và xã hội đến nơi sở định.
Xét về đạo pháp hay tổ chức hành chánh tôn giáo ĐĐTKPĐ có 03 đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài trên đây hiện hữu trong kiến trúc cũng như trong hành chánh tôn giáo như một cơ thể thống nhất và hoàn chỉnh.
Bát Quái Đài (Thần, chơn linh: cầm quyền Lập pháp). Theo luật tam thể thì BQĐ là linh hồn hay chơn linh của đạo, Đức Chí Tôn vi chủ. Cả giáo pháp của ĐĐTKPĐ đều do BQĐ mà có. Đức Chí Tôn là Giáo Chủ tối cao của nền đạo. Ngài dùng cơ bút tại Cung Đạo để nắm chủ quyền của đạo. Pháp Chánh Truyền là hiến pháp của nền đạo do Thiêng liêng ban cho. Theo tam quyền phân lập thì BQĐ nắm quyền Lập pháp.
Hiệp Thiên Đài (Khí, Chơn thần cầm quyền Tư pháp): Theo luật tam thể thì HTĐ là chơn thần của đạo. Chơn thần là cầu nối giữa chơn linh và thể xác; một đầu nối với chơn linh (Bát Quái Đài) bằng cơ bút; một đầu nối với thể xác (Cửu Trùng Đài) nên gọi là bán hữu hình. Hiệp Thiên Đài do Đức Chí Tôn chủ quản Ngài giao cho Hộ Pháp Chưởng Quản phần hữu hình Hiệp Thiên Đài để kiểm soát về pháp luật đạo. Theo tam quyền phân lập thì HTĐ nắm quyền Tư pháp.
(Chú ý rằng trong kiến trúc thì Hiệp Thiên Đài không đứng giữa mà đứng ngoài để đón nhân loại vào cửa đạo. Cũng như trong Luật tam thể thì chơn thần vẫn ở ngoài thể xác để độ dẫn thể xác, chơn thần bao bọc thể xác như khuôn đúc vậy. Khi một hài nhi vừa lọt lòng mẹ thì chơn thần “là không khí bao quanh thân thể” hiện diện để độ dẫn cho thể xác)
Cửu Trùng Đài (Tinh, Thể xác cầm quyền Hành pháp): Theo Luật Tam Thể thì CTĐ là phần xác của đạo. Cửu Trùng Đài cũng có hai phần: Phần vô vi do Đức Lý Đại Tiên nắm quyền (do sự sắp xếp của Chí Tôn và Đức Lý). Phần hữu hình do phẩm Giáo Tông Chưởng Quản Cửu Trùng Đài. Giáo Tông cầu rỗi nhưng quyền siêu rỗi là của Bát Quái Đài. Trong Tam quyền phân lập thì CTĐ cầm quyền Hành pháp.
Đạo Nghị Định thứ sáu ngày mùng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930) viết: Chiếu theo Pháp Chánh Truyền của cả Hội Thánh Bát Quái Ðài, Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài... Căn cứ vào đó chúng ta hiểu rằng mỗi đài đều có Hội Thánh riêng.
Cửu Trùng Đài muốn vào Bát Quái Đài phải qua Cung Đạo; trong kiến trúc khi hết 09 bậc của CTĐ có một gian nhỏ gọi là Cung Đạo rồi mới tới BQĐ. (1: Xem bài tìm hiểu cung Đạo. Link: http://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/3005-tim-hieu-cung-ao.html#more)
Thể pháp qua kiến trúc tại Tòa Thánh phần Lôi Âm Cổ Đài (Lầu Trống) và Bạch Ngọc Chung Đài (Lầu Chuông) theo hiểu biết của chúng tôi thuộc về nguyên lý đạo pháp. Tiếng trống tượng cho tiếng nổ Big Bang để tạo thành Ngôi Thái Cực và từ đó biến thành Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Bát Quái tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ (tài nguyên và môi trường sống) rồi đến Càn khôn Vạn Vật là sinh vật sống trong vũ trụ (gọi chung là Càn khôn Thế Giới). Tiếng chuông tượng cho tiếng ngân sau tiếng nổ Big Bang.
Thầy (Ngôi Thái Cực) dạy rằng nếu không có Hư Vô Chi Khí thì không có Thầy. Dịch lý cũng viết rằng Vô Cực sinh ra Thái Cực.
Như vậy từ trong Hư Vô Chi Khí (Vô Cực) phát ra tiếng nổ Big Bang để tạo ra Ngôi Thái Cực (Vô Cực sinh Thái Cực hay Hư Vô Chi Khí sinh ra Ngôi Thái Cực). (Trong bài thuyết đạo ngày 01/02/Đinh Hợi (1947) tại Báo Ân Từ Đức Hộ Pháp cũng nói rõ Phật Mẫu có trước Đức Chí Tôn). Như vậy Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung Đài có trước cả Ngôi Thái Cực nên thuộc về Nguyên Lý Đạo Pháp.
Đạo có Thể pháp và Bí pháp để thể hiện Chơn pháp (dụng).
Cái thể của đạo bày ra trước mắt như công trình kiến trúc, cách tổ chức tôn giáo về hành chánh thể hiện qua văn tự, sơ đồ tổ chức hay các phẩm bậc nhân sự trong tôn giáo... nên có thể căn cứ vào thể pháp để tìm hiểu được và có kế hoạch, giáo án thực thi (Bí pháp).
Cái dụng của đạo từ thấp đến cao như một cái thang vô vàn nấc. Cái dụng ở cấp thấp có thể phân tích, chứng minh còn cao lên phải nhờ đến trực giác để lý hội, mặc khải. Có khi cái dụng phải nhờ cái thể để hiện ra cho người đạo có căn cứ mà tìm hiểu. Thể Pháp Đạo Cao Đài là do Thầy hay các Đấng thiêng liêng dạy bố trí ra nên ẩn tàng những lý lẽ sâu xa, một màu sơn, một phương vị, một con số... trong thể pháp đều có ý nghĩa ẩn tàng.
Thí dụ như Nghinh Phong Đài bố trí tại Đền Thánh trong phần của Cửu Trùng Đài. Thể pháp bố trí Thập Thiên Can trên đường tròn. Bố trí Thập Nhị Địa Chi trên hình vuông. Thể Pháp biểu thị cho cái dụng của trời và đất (làm nhà cửa, ruộng nương, đường xá... tính toán theo góc vuông), nếu hiểu lầm rằng thể pháp biểu thị cho cái thể trời và đất thì sẽ kết luận rằng đạo trái với khoa học. Nghinh Phong Đài là một công án để hiểu câu trời tròn đất vuông của người xưa đã bị hiểu sai. Sai vì đã chuyển vị trí từ câu biểu thị cho cái dụng của trời đất lại chuyển vị trí thành ra câu diễn tả cái thể của trời và đất.
Xin minh họa để hiểu là có 02 chữ số 0 và 1. Người biết viết cách các chữ số có thể viết 01 (một) và 10 (mười). Số một hay mười là do vị trí đứng của hai số 0 và 1 mà có. Hai cách viết tạo ra giá trị khác nhau cũng tương tự như thể pháp biểu thị cho thể hay dụng mà hiểu vậy.
I/- BÁT QUÁI ĐÀI (Thần, Chơn linh cầm quyền Lập pháp).
Kiến trúc Đền Thánh thể hiện: Hiệp Thiên Đài mở cửa cho nhơn sanh để vào Cửu Trùng Đài mà lập vị, trên đường lập vị phải qua cung đạo mới đến Bát Quái Đài. Chúng tôi xin chia ra làm 02 phần: Thể pháp qua kiến trúc và BQĐ trong tổ chức tôn giáo.
1/- Thể pháp qua kiến trúc.
Có thể tìm hiểu qua 03 phần: lộ thiên, nội điện, tầng hầm. Cả ba phần đều kiến trúc theo hình bát quái.
1.1/ Phần lộ thiên:
Đứng bên ngoài Đền Thánh ta nhìn thấy BQĐ sơn màu vàng, tính từ nền lên có phần nóc và phần hình trụ bát quái. Chúng tôi tính phần hình trụ bát quái từ nóc trở lên là phần lộ thiên.
Cao chót vót trên hết là cột thu lôi và cây đèn màu xanh. Kế đó là Tam Thế Phật (còn gọi Chí Tôn tam thế: sáng tạo, huỷ diệt, bảo tồn).
- Brahma Phật: đứng trên thiên nga, mặc khôi giáp đầy đủ ngó về hướng Tây. Tay bắt ấn tay cầm châu. Tượng cho sáng tạo.
- Civa: đứng trên thất đầu xà, da xanh vận khố vàng, thổi ống tiêu, cán ống tiêu quay về Đông, mắt ngó về hướng Bắc. Tượng cho huỷ diệt.
- Christna: đứng trên giao long, vận khố xanh. Tay trái chống nạnh, tay trái chống gươm mắt ngó về hướng Nam. Tượng cho bảo tồn.
Tam Thế Phật đứng theo ba hướng Bắc, Tây, Nam. Còn hướng Đông để trống.
Tại sao để trống hướng Đông? Bởi hướng Đông là hướng của mặt trời mọc, hướng của đạo, của chân lý: Ánh Thái Dương giọi trước phương Đông ... (Khai Kinh, câu 2).
./ Tầng thứ nhất: Là nóc điện với 8 khuôn hình tam giác ráp lại. 8 cạnh đáy của 8 tam giác tạo ra một hình bát giác.
Liền đó là 8 cung bố trí 8 quẻ của bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Cung Càn khởi ở Tây Nam đi ngược chiều kim đồng hồ và cung Đoài ở hướng chánh Tây. (Bát Quái bố trí ở Bát Quái Đài là Bát Quái Đồ Thiên, không phải là Bát Quái Tiên Thiên hay Bát Quái Hậu Thiên)

Mỗi thời kỳ phổ độ đều có một Bát Quái tương ứng. Theo đó, Tiên Thiên vào thời Nhứt Kỳ, Hậu Thiên vào thời Nhị Kỳ và Đồ Thiên vào thời Tam Kỳ.
./ Tầng thứ hai:
Bố trí 08 chữ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài theo đúng với phương vị của các cung ở tầng thứ nhất. Phương chánh Đông có một một cửa ngay dưới cung Chấn.  
./- Tầng thứ ba.
Bố trí bửu pháp của Bát Tiên trấn thủ BQĐ. Đây là vấn đề rất phức tạp. Chúng tôi tra cứu văn bút xưa trong các cổ văn và nay là văn bút các vị liên quan đến Đạo Cao Đài đều có những kiến giải khác nhau. Một khó khăn nữa là các bửu pháp ở BQĐ có hình dạng không giống như văn bút xưa mô tả bửu pháp của Bát Tiên. Do vậy cần phối hợp văn bút xưa với bửu pháp Bát tiên tại bức diềm trong Đền Thánh bên nữ phái.  (Xem bài tại link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/3006-bat-tien-tran-phap-tai-bat-quai-ai.html)
 1.2/- Phần nội điện.
Nội điện là nơi thờ phượng Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thần Thánh Tiên Phật. “Phần nầy có rất nhiều văn bút nói rõ chúng tôi chỉ xin lướt qua”.
Quả Càn Khôn có thiên nhãn là trung tâm trong nội điện, trên đó bố trí 3072 ngôi sao với ý nghĩa: Ngày 12-8-Bính Dần (1926). Thầy dạy.
Ngọc-Hoàng Thượng-Đế Viết Cao-Đài
Giáo Đạo Nam Phương
....Bính - Thầy giao cho con lo một trái Càn-Khôn; con hiểu nghĩa gì không? ... Cười... Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kinh tâm ba thước ba tấc, nghe con, lớn quá mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo-Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời; cung Bắc-Đẩu và Tinh-Tú vẽ lên Càn-Khôn ấy. Thầy kể Tam-Thập-Lục-Thiên, Tứ-Đại-Bộ- Châu ở không-không trên không khí, tức là không phải Tinh-Tú, còn lại Thất-thập-nhị-Địa và Tam-Thiên thế giái thì đều là Tinh-Tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách thiên-văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc-Đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc-Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc-Đẩu vẽ con mắt Thầy, con hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng; ấy là lời cầu nguyện rất qúy báu cho cả nhơn-loại Càn-Khôn Thế-Giái đó; nhưng mà làm chẳng kịp, thì tùy con tiện làm thế nào cho kịp đại-hội - Nghe à!
Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để dài theo dưới, hiểu không con?  (TNHT Q1 trang 45 bản in 1973)
Theo lời phê của Đức Hộ Pháp thì các môn đệ hữu công với Đạo có quyền vạn linh nhìn nhận cũng được thờ phượng tại đây. Sau mỗi tịch đạo thì lấy hài cốt tín đồ đem hoả thiêu tại Cửu Trùng Thiên rồi một phần tro cũng được đưa vào Bát Quái Đài thờ phượng; phần còn lại đem rãi ở sông Vàm Cỏ Đông đoạn Giang Tân, Bến Kéo… .






8 cột rồng ở Bát Quái Đài có đặc điểm là rồng vàng
.
Từ Bát Quái Đài có 08 con rồng trắng chạy ra ngay các cột, tượng cho Bát phẩm chơn hồn từ BQĐ mới xuất ra nên trong trắng tinh anh. Khi đã nhập thế rồi bì bị ô trược ở dòng Bích hải chịu trược trần nên đen thui, dị hợm. (Trong kiến trúc khi khởi thủy 8 đầu rồng ở Nghinh Phong Đài sơn màu đen nhưng hiện nay đã đổi thành màu khác; vậy cái lý nào để chuyển màu cần được làm rõ. Theo Đức Hộ Pháp giảng trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống thì con người khi sống trong Bích hải đen thui. Tám rồng ở Nghinh Phong Đài chỉ có cái đầu nổi lên nên có khả năng là 8 rồng ấy “bát phẩm chơn hồn xuất từ BQĐ” ở Bích Hải)
Đức Hộ Pháp:
- Ngày 14/02/Mậu Thìn “05/3/1928”. Bát Quái Đài là Bạch Ngọc Kinh tại thế.
- CĐTLHS. Đêm 26 tháng 3 năm Kỹ Sữu Bài 34:
Kỳ tới Bần Đạo sẽ dắt con cái của Đức Chí Tôn qua Bạch Ngọc Kinh là hình ảnh của Bát Quái Đài chúng ta để tại mặt thế này.
Cho nên chúng tôi hiểu Bát Quái Đài trong Đền Thánh là Bát Quái Đài hữu hình. Trong hữu hình vẫn có thể pháp và bí pháp….
(Bát Quái Đài vô vi là cột phướng trước Đền Thánh)
Nền phần nội diện được bố trí theo bát quái. Nền có 12 bậc. Cấp 12 trên nền có bố trí chữ TAM GIÁO QUI NGUYÊN NGŨ CHI PHỤC NHỨT (dùng chữ Quốc ngữ). Nơi cung Càn có chữ Tam, từ đó đọc ngược với chiều kim đồng hồ đến cung Đoài là chữ Nhứt.
8 quẻ bố trí ở phần lộ thiên cũng bố trí ở cấp 12 theo thứ tự…
1.3/- Tầng hầm.
Cuối cung Chấn đầu cung Tốn có một nấp hầm để xuống tầng hầm của Bát Quái Đài. “Cách khuôn hình Thiên Nhãn một lối đi”. Trong bát hồn xuất ra từ Bát Quái Đài thì Cung Chấn là cửa của Nhơn Hồn và cuối cung Chấn đầu cung Tốn là giáp mối của Thú Cầm Hồn … đúng với luật tấn hoá. Tầng hầm cũng bố trí bát quái theo hình thể như bên trên nhưng không có chữ hay quẻ.
2/- Bát Quái Đài trong tổ chức hành chánh tôn giáo.
PCT chú giải viết rõ rằng Thầy cao không với tới, khuất không rờ đặng nên lập ra Thánh Thể tại thế và dùng cơ bút để điều đình mối đạo.
Cơ bút tạo đạo được thì cơ bút cũng có thể diệt đạo được. Cho nên Hội Thánh Cao Đài cấm tuyệt đối việc lấy cơ bút những nơi ngoài Cung Đạo làm lịnh. Đức Hộ Pháp có bút phê dạy rằng các Đấng dạy cho môn đệ Chí Tôn thì giáng cơ công khai nơi Cung Đạo Đền Thánh trước Thánh Thể Đức Chí Tôn....  
Căn cứ vào lời minh thệ thì Đạo Cao Đài của Ngọc Đế chỉ có một, được thành lập năm 1926; nếu có một nơi nào khác xưng danh Cao Đài thì người có chánh tín sẽ biết ngay đó không phải do Ngọc Đế lập. Khi thể pháp tôn giáo đã nên hình thì Cung Đạo là nơi xuất phát những đàn cơ dạy cho cả nhơn sanh. Những đàn cơ nào ngoài Cung Đạo thì người đạo có đủ quyền không nhìn nhận.
2.1/ Nhân sự Cửu Trùng Đài.
Toàn bộ nhân sự CTĐ (là bộ máy hành pháp) từ phẩm Lễ Sanh trở lên đều phải qua 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh tuyển chọn, sau đó đến Quyền Chí Tôn tại thế chấp nhận rồi dâng lên quyền thiêng liêng quyết định qua cơ bút tại Cung Đạo. Đức Hộ Pháp dạy trong vi bằng 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh năm 1937 thì chỉ có: Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông và Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn có quyền phong thưởng. Phần Đức Hộ Pháp chỉ có quyền tạm phong tới phẩm Lễ Sanh (thường là phái Ngọc, sau đó thiêng liêng sẽ định phái chính thức).
2.2/ Nhân sự HTĐ và Phước Thiện.
Khi Đức Hộ Pháp về thiêng liêng vị thì Đức Lý Giáo Tông trả quyền ấy lại cho Hộ Pháp.
2.3/ Thỉnh giáo những việc quan trọng.
Ngoài việc phong thưởng theo Pháp Chánh Truyền thì cũng có những việc quan trọng khác Hội Thánh cũng có thể xin lập đàn cơ để thỉnh giáo. Tóm lại: Những vấn đề quan trọng của đạo đều phải do nơi sự chỉ dẫn của BQĐ.

(còn tiếp)
II/- HIỆP THIÊN ĐÀI (Khí, Chơn thần cầm quyền Tư Pháp).