Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

3254. KÍNH GỞI GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TRUNG.

Bài từ Bán Nguyệt San Thông Liên số 64
ra ngày 25/4/2012.

Khi chúng tôi đi học các Thầy có dạy câu: Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng Thầy, nữa chữ cũng Thầy) Tôi học GS qua văn bút, kính GS như Thầy nên hoàn toàn không có ý tranh luận điều chi với GS hết. Những điều trình bày sau đây chỉ là mong muốn GS xem xét lại để chương 5 quyển Lục Châu Học chính xác hơn, có tín lực hơn, tăng thêm phần giá trị mà thôi.



Sài gòn 01-3-2012.

Kính gởi Giáo Sư Nguyễn Văn Trung (Canada).

Trước tiên xin có lời kính mừng giáo sư (GS) được sống trên đất nước tự do để có điều kiện sống và viết tốt hơn.


Tôi xin thành thật cám ơn GS đã có công viết nhiều sách để mở mang cho hậu tấn mà tôi là một trong những người được học hỏi nhiều từ văn bút của GS. Thật tình thì trước 1975 tôi chưa học với GS một giờ nào để gọi GS là Thầy. Nhưng trong thâm tâm lúc nào Tôi cũng coi GS là một người Thầy khả kính (qua văn bút)  như cụ Nguyễn Duy Cần  hay cụ Nguyễn Hiến Lê là những người Thầy của Tôi qua văn bút vậy.
Với tư cách một người có Đạo Cao Đài Tôi thành thật cám ơn GS đã để dành cho Đạo Cao Đài trọn một chương (5) trong quyển Lục Châu Học. Đó cũng là dịp để giới thiệu nền đạo đến với mọi người. Riêng trong phần Một vài ghi nhận GS đã làm sáng tỏ nhiều điều mà nhiều người (trong đó có chính quyền cộng sản) hiểu chưa đúng về nguồn gốc Đạo Cao Đài….
GS đã nói rõ trong tay có những tài liệu gì và đã căn cứ vào đó để tạo ra chương 5 và thỉnh thoảng đưa vào vài nhận xét. GS cũng cầu thị khi đề nghị những ai có tư liệu liên quan đến thời kỳ 1930 giúp cho GS (lời nói đầu-t.8 “Bản in Tôi có được in trên giấy A4- có 431 trang chương 5: 214 đến 272”).
Kính GS.
Xin phép nói rõ là trong thư nầy Tôi chỉ đóng góp trên phần văn bút của chính GS (là tác giả) chứ không nhận xét hay đóng góp gì về văn bút của Đào Trinh Nhất, Băng Thanh hay các tác giả khác mà GS trích dẫn…Văn bút của các vị đó nếu có điều kiện Tôi xin phép trình bày vào một dịp khác.
Khi chúng tôi đi học các Thầy có dạy câu: Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng Thầy, nữa chữ cũng Thầy) Tôi học GS qua văn bút, kính GS như Thầy nên hoàn toàn không có ý tranh luận điều chi với GS hết. Những điều trình bày sau đây chỉ là mong muốn GS xem xét lại để chương 5 quyển Lục Châu Học chính xác hơn, có tín lực hơn, tăng thêm phần giá trị mà thôi.
***
PHẦN GS VUI LÒNG TRA CỨU LẠI.
1- GS viết: Chính vì thế cuốn "Cái Án Cao Đài" mới đáng cho hậu sinh chúng ta quan tâm tới - như một tư liệu văn và sử trước 1930 đã đành - mà còn vì đạo Cao Đài tiếp tục tồn tại cho tới gần đây với những mốc dấu: Hộ pháp Phạm Công Tắc bị Pháp đày đi đảo Madagascar đến khi Đệ II Thế Chiến bùng nổ mới được tha về, Nhật có ủng hộ đạo thời kỳ 30-45, Pháp lôi kéo về phía mình thời kỳ chống Pháp biến thành khu tự trị với quân đội riêng, sau 1954 hai ông Diệm Nhu đã liên minh với quân đội giáo phái Cao Đài để đánh bại đám "anh hùng thảo khấu Bình Xuyên" ở Saigon. Tàn dư của liên minh này còn tồn tại dưới hình thức một Nha tuyên Úy Cao Đài, dù rất khiêm tốn so với Công giáo, Phật giáo, trong quân đội chế độ cũ sau 1963.
Thiển nghĩ trong đoạn trên có 02 điều sai:
Sai thứ nhất: về thời gian Hộ Pháp bị bắt và về.
Ngày 28-6-1941 (04-6- Tân Tỵ ) lúc 8 giờ sáng Chủ Quận và mật thám vào Nội Ô Toà Thánh bắt Đức Hộ Pháp.
Ngày 27-7-1941 (04- 6 nhuận-  Tân Tỵ) Đức Hộ Pháp và Ngài Khai Pháp cùng với một số Chức Sắc  bị đày sang đảo Madagascar ở Phi Châu. (Ngày và tháng âm lịch bị bắt và đi đày trùng nhau chỉ khác ở tháng 6 thường và nhuận).
- ĐHP: Về sài gòn: 22-8-46. ( 26-7- Bính Tuất).
- Về Toà Thánh:  30-8-46. (04-8-Bính Tuất).
Đệ nhị thế chiến theo sử sách bắt đầu từ 1939 kết thúc 1945.
Như vậy câu: Hộ pháp Phạm Công Tắc bị Pháp đày đi đảo Madagascar đến khi Đệ II Thế Chiến bùng nổ mới được tha về,…là không đúng.
Sai thứ hai: Tàn dư của liên minh này còn tồn tại dưới hình thức một Nha tuyên Úy Cao Đài, dù rất khiêm tốn so với Công giáo, Phật giáo, trong quân đội chế độ cũ sau 1963
Thưa GS.
Từ năm 1926 Đức Chí Tôn có dạy: Đạo và chính trị chẳng có buổi liên hiệp cùng nhau. Câu nầy phần lớn người có Đạo đều nằm lòng; còn hiểu nghĩa của nó như thế nào là một vấn đề khác.
Đức Hộ Pháp xác định rất nhiều lần: Đạo Cao Đài không chống cộng vì họ cũng là con cái Chí Tôn, còn cộng sản không nhìn nhận đạo là quyền của họ. Loài người dù có khác nhau về màu da, sắc tóc nhưng đều là con cái Chí Tôn nên Đạo không có chống ai hết.
Hội Thánh Cao Đài có công bố với tín đồ chủ trương ba không: Không chống chánh quyền, không theo chánh quyền và không tranh chánh quyền.
Sau 1963 rất nhiều Đảng phái, lực lượng…đến Tòa Thánh và muốn mời tôn giáo Cao Đài tham gia, liên kết nhưng Hội Thánh trả lời rất rõ: không…
BNS Thông tin số 110 đưa tin về phái đoàn chống tham nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh đến Tòa Thánh (ngày 02-11-1974) là một ví dụ.
Nhưng cái sai chính yếu trong câu trên ở đâu?
Đó là Đạo Cao Đài không hề có bất cứ một hình thức Nha Tuyên Úy nào trong quân đội VNCH cả.
Bởi vì nếu lập Nha Tuyên Úy dưới bất cứ hình thức nào cũng là đứng về bên VNCH đánh lại với VNDCCH. Nghĩa là sai với lập trường ba không.
Đệ nhị cộng hòa cho phép quân nhân theo đạo Cao Đài được nghĩ ngày 15 và mùng một để dự vào sinh hoạt tôn giáo nên GS hiểu lầm chăng?
 Cũng trong đoạn trên có 02 điều GS cần làm rõ.
Câu cần làm rõ thứ nhất:
Nhật có ủng hộ đạo thời kỳ 30-45…
Không rõ GS dùng chữ ủng hộ với ý nghĩa là người công dân Nhật, quan chức Nhật ủng hộ Đạo Cao Đài với tính cách cá nhân hay là quốc gia Nhật?
Nếu hiểu chữ ỦNG HỘ theo nghĩa nước Nhật có liên kết Đạo Cao Đài để lập ra Nội Ứng Nghĩa Binh (NƯNB) đảo chánh Pháp vào ngày 09-3-1945 thì GS vui lòng đọc quyển Hồi Ký của Ông Trần Quang Vinh, bởi ông là người đóng vai chính khi lập nghĩa binh. GS sẽ đồng ý là Nhật chỉ chú ý đến Đạo Cao Đài từ 1940 (là năm xãy ra Nhật Pháp chiến tranh).
Đến 1941 Pháp bắt Đức Hộ Pháp đày đi Madagascar, chiếm toàn bộ cơ ngơi tôn giáo và muốn xóa sổ Đạo Cao Đài thì quân đội Nhật mới đề nghị vũ trang cho người đạo Cao Đài lập ra nghĩa binh…. 
Câu cần làm rõ thứ nhì:
…sau 1954 hai ông Diệm Nhu đã liên minh với quân đội giáo phái Cao Đài để đánh bại đám "anh hùng thảo khấu Bình Xuyên" ở Saigon.
Thưa GS, theo sử liệu còn lưu lại thì Quân Đội Cao Đài không hề liên minh với với Ông Diệm, Nhu để đánh Bình Xuyên. Xin phép tóm lược như sau:
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Việt Nam thì Nhật bị 02 quả bom nguyên tử nên đầu hàng đồng minh. Việt Minh thừa thế cướp chánh quyền (làm chủ đất nước). Do vậy mà NỨNB hợp tác với Việt Minh. Pháp (theo chân quân đồng minh giải giới Nhật) trở lại Đông Dương nên Việt Minh rút vào chiến khu. NỨNB (chi đội 7 và 8) cũng theo vào. Tháng 10-1945 ông Trần Quang Vinh bị Việt Minh bắt ở Bình Điền. Đến cuối tháng 01-1946 Ông tự trốn thoát.
Đến tháng 5-1946 ông Vinh lại bị Pháp bắt.
Pháp yêu cầu Ông Vinh đưa lực lượng nghĩa binh về hợp tác với Pháp.
Ông Vinh đưa ra 04 điều kiện:
1- Xin cho Đức Phạm Hộ Pháp và chư vị Thiên phong bị đày ở Madagascar (Mã Đảo) được về Việt Nam.
2- Trả lại tự do tín ngưỡng cho toàn Đạo. Toà Thánh và các Thánh Thất được mở cửa.
3- Nhìn nhận tư cách pháp nhân của Đạo Cao Đài.
4- Ngưng khủng bố, bắt bớ. Thả các chức sắc và Đạo hữu ra.
Đổi lại thì: NƯNB phải ngưng chiến và hiệp tác với quân đội Pháp. 
Thoả ước ngày 9-6-1946 ra đời, đại để :
Đối với Pháp: NƯNB ngưng chiến và giải tán các chi đội kháng chiến (hai chi đội 7 và 8). Khí giới giao lại cho Chánh quyền Pháp và Pháp sẽ võ trang lại cho NƯNB số vũ khí cần thiết để bảo vệ Toà Thánh.
Đối với Đạo: Pháp ngưng các cuộc khủng bố, không bắt giam tín hữu, đảm bảo quyền tự do hành giáo và truyền giáo. Cho mở cửa Toà Thánh và các Thánh Thất lại, được tự do tế tự trong phạm vi tôn giáo. Trao trả Đức Phạm Hộ Pháp và chư vị Thiên phong về cố quốc….
Một thoả ước quan trọng hơn sẽ được cấp trên của hai bên ký kết. “Đến 08-01-1947 Đức Hộ Pháp mới ký Hiệp Ước”. 
Sau khi ĐHP về thì NUNB mới tiến lên thành Quân Đội Cao Đài (có quân kỳ, có tiêu chí…Năm 1947 làm lễ xuất quân lần thứ nhất).
Ngày 28-4-1949: Pháp đưa Bảo Đại về làm Quốc Trưởng.
Ngày 7-6-1951 Tướng Trịnh Minh Thế vào rừng lập chiến khu để chống Pháp với danh nghĩa "MẶT TRẬN LIÊN MINH QUỐC GIA KHÁNG CHIẾN" gọi tắt là CAO ĐÀI LIÊN MINH.
(((Theo Bản án Cao Đài do Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh ban hành năm 1978. T.6. thì: Năm 1950 chúng cho ra đời tổ chức chánh trị phản động: “Việt Nam Phục Quốc Hội” và năm 1951 Phạm Công Tắc cho tên Trịnh Minh Thế và một số Tướng Tá Cao Đài kéo một bộ phận QĐCĐ ra rừng lập “Mặt Trận Quốc Gia Liên Minh” ‘gọi là Cao Đài Liên Minh’ với khẩu hiệu giả dối là chống Pháp nhưng thực chất là lấn chiếm vùng giải phóng….)))…
Đến tháng 6-1954 ông Ngô Đình Diệm mới được Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng.
Đức Hộ Pháp (lúc đó đang là cố vấn cho Quốc Trưởng Bảo Đại) đã nhiều lần muốn giao quân đội Cao Đài lại cho chính phủ.
Quốc trưởng Bảo Đại ra lịnh cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm quốc gia hoá Quân Đội Cao Đài vào ngày 02-5-1955. “11-3- Ất Mùi”.
Người chiến sĩ Cao Đài được quyền chọn một trong hai con đường:
- Có quyền giải ngũ vì đã xong phận sự với đạo.
- Người nào còn ở lại trong quân đội đều thuộc biên chế quốc gia, chánh phủ định lại cấp bậc cho họ; (lãnh lương quốc gia thì hành động với danh nghĩa quân đội quốc gia) chứ không còn danh nghĩa quân đội Cao Đài.
Tháng 5-1955: Tướng Trịnh Minh Thế đem lực lượng về hợp tác với Chính phủ Ngô Đình Diệm, Tướng Thế “làm con nuôi Ngô Đình Diệm”.
Ông Diệm dùng Tướng Thế để đánh Bình Xuyên (là đã hành động theo danh nghĩa quân đội quốc gia). Cuối chiến dịch Tướng Thế chết.
Thủ Tướng Diệm xin đưa linh cửu Tướng Thế vào Nội Ô Tòa Thánh làm lễ nhưng Đức Hộ Pháp không chấp nhận. Đoàn xe đưa xác Tướng Thế về chôn ở Núi Bà Đen (Tây Ninh) không được vào Nội Ô là một sự thật.
Tháng 8-1955 ông Diệm mở chiến dịch thanh trừng Đức Hộ Pháp. Ông Diệm giao cho các Tướng, Tá có gốc Cao Đài (đã được quốc gia hóa) như Tướng Nguyễn Thành Phương và Tá quan Lê Văn Tất thực hiện (bao vây Hộ Pháp Đường) mấy tháng liền…
- Ngày 23-10-1955 ông Diệm được bầu làm Tổng Thống.
- Ngày 26-10-1955, chính thể Việt Nam Cộng Hoà được thành lập. 
Đến 16-02-1956 (06-01- Bính-Thân) thì Đức Ngài lánh sang Campuchia.
Ngày 26-3-1956 Ngài công bố bản cương lĩnh Hòa Bình Chung Sống.
Như vậy: từ 02-5-1955 quân đội Cao Đài đã được quốc gia hóa thì việc chính phủ Ngô Đình Diệm dùng họ như thế nào cũng không còn danh nghĩa của quân đội Cao Đài. Ông Diệm lệnh cho Tướng Thế đánh Bình Xuyên chứ Đức Hộ Pháp không ra lệnh đánh Bình Xuyên. Thiễn nghĩ tính chính danh đã rõ.
Thêm nữa là thời gian nầy Đức Hộ Pháp còn lập ra lực lượng Cao Thiên Hòa Bình (Cao Đài, Thiên Chúa, Hòa Hảo, Bình Xuyên) thì đó cũng là một cơ sở thực tế nữa để GS xem lại câu: sau 1954 hai ông Diệm Nhu đã liên minh với quân đội giáo phái Cao Đài để đánh bại đám "anh hùng thảo khấu Bình Xuyên" ở Saigon.
Xin nói rõ với GS và chư vị có liên quan đến Bình Xuyên hay những nhà nghiên cứu khác là trên đây chúng tôi chỉ nói đến chính danh của quân đội Cao Đài chứ không nhận xét về chữ: giáo phái Cao Đài hay đám "anh hùng thảo khấu Bình Xuyên" ở Saigon của GS đã dùng…  
Từ đoạn văn của GS viết Tôi đã trình bày phần một với 04 việc:
-    02 điểm cần điều chỉnh (vì đã rõ).
-    02 điểm cần xem lại (do thực tế và sử liệu phức tạp, tùy ý GS xữ lý).
***
PHẦN HAI: Tiếp đây tôi xin trích lại những điều GS viết.
1- Đối chiếu 02 đoạn viết của GS.
- Vốn là ký giả, ưa dùng từ "nổ," "giật gân," Đào Trinh Nhất dùng từ "cái án Cao Đài" vậy thôi, chứ thực ra nội dung cuốn sách cho thấy rõ đây chỉ là bản luận tội kết tội của Biện lý, Công tố viện. Cuối chương chót tác giả cũng chỉ đề nghị bản án với nhân dân.
- Giọng văn ký giả đầy sôi nổi, khẳng định tùy tiện như trên kéo dài khắp cuốn sách. Nhưng nếu chỉ có vậy thì cuốn sách không có giá trị gì hơn là giá trị bút chiến thời sự ở một thời đại đã qua. Sự thực như mục lục đã cho thấy, Đào Trinh Nhất là một người có trình độ văn hóa cao, kiến thức khá rộng rãi, bản luận tội của ông rất đanh thép, có cơ sở, có lý luận tư liệu lại phong phú và tương đối chính xác. Chính vì thế cuốn "Cái Án Cao Đài" mới đáng cho hậu sinh chúng ta quan tâm tới ….
Kính GS.
Ông Đào Trinh Nhất nói gì chúng tôi không đề cập ở đây mà chúng tôi quan tâm đến tính nhất quán trong cách đánh giá của GS.
GS nhận xét: nội dung cuốn sách cho thấy rõ đây chỉ là bản luận tội kết tội của Biện lý, Công tố viện. Cuối chương chót tác giả cũng chỉ đề nghị bản án với nhân dân (t.228). (nguyên văn ông Nhất viết là:  kết cái án Cao Đài ra làm sao, thì ở quan tòa tức là quốc dân xã hội- t.245”. Năm 1929 từ nhân dân chưa thông dụng đến khi GS viết Lục Châu Học thì từ nhân dân mới thông dụng)
Hay:…khẳng định tùy tiện như trên kéo dài khắp cuốn sách (t.229).
Rồi GS cũng viết: bản luận tội của ông rất đanh thép, có cơ sở, có lý luận tư liệu lại phong phú và tương đối chính xác. Chính vì thế cuốn "Cái Án Cao Đài" mới đáng cho hậu sinh chúng ta quan tâm tới (t.229)…
 GS viết vậy có giống cảnh người vừa bán mâu, vừa bán thuẩn không?
Gần đây Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu: phải khẳng định phần lớn cán bộ, đảng viên ta rất tốt. Rồi ông Trọng cũng nói: thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân. Báo chí lề trái đang cười ngạo trò chơi chữ nghĩa, đánh đố người dân của ông Trọng về chữ: phần lớn tốt … một bộ phận không nhỏ xấu đấy.
Ông Trọng là nhà chính trị, dùng chữ nghĩa đánh đố người dân đã đành, còn nhà biên khảo như GS có nên viết kiểu đánh đố người đọc không? 
2- trang 239:  Sau khi đã chứng minh đạo Cao Đài không phải là một tôn giáo, mà chỉ là một tổ chức mê tín, Đào Trinh Nhất trình bày các cơ sở của sự mê tín này - phải công nhận các nhận xét của ông khá chính xác.
- Cuối cuốn sách "Cái Án Cao Đài," Đào Trinh Nhất viết như sau:
"Thôi, tôi đóng cái vai hình như chưởng lý buộc tội, từ trên tới đây là lâu lắm rồi; vậy bây giờ kết cái án Cao Đài ra làm sao, thì ở quan tòa tức là quốc dân xã hội (t.245).
Thưa GS năm 1930 ông Nhất viết như thế chúng tôi không lấy làm lạ. Ông Nhất có quyền hoài nghi…Đến năm 1994 (là năm GS viết Lục Châu Học) thực tế là nhân dân (chữ nhân dân là của GS) đã tin và chọn Đạo Cao Đài nên Đạo mới tồn tại và lớn mạnh. Thực tế đã chứng minh rõ ràng rằng: ông Nhất hiểu sai, viết sai. Vậy mà đến 1994 GS lại công nhận ông Nhất viết khá là chính xác thì GS có tôn trọng thực tế hay không?
Lời nói đầu (t.07) GS viết: không thể dùng lý luận để phê phán, đánh đổ một lý luận nhất là khi lý luận đó đã trở thành thiên kiến. Chỉ có tiếp cận với thực tế, và thực tế ở đây là tài liệu văn sử, báo chí phản ảnh lối suy nghĩ…
Thưa GS theo thiễn nghĩ chữ thực tế ở đây còn có nghĩa là nền Đạo Cao Đài còn tồn tại hay không tồn tại, hô hấp với xã hội, với nhân loại như thế nào, đã xây dựng được gì, có cống hiến cái chi mới cho nhân loại nữa.
Theo chổ chúng tôi biết (nếu chính xác) thì GS đã từng giảng dạy ở Viện Đại Học Cao Đài có nghĩa là đã từng đến Tòa Thánh Tây Ninh thì GS thừa biết đạo đã phát triễn thế nào. Lẽ nào GS không đối chiếu thực tế đạo với điều ông Nhất đã viết?. Ông Nhất mà có phần khá chính xác thì ngày nay Đạo Cao Đài đã bị xóa sổ rồi chứ đâu có lớn mạnh như ngày nay.
Trong quá khứ những người đứng về phía Thị Mầu để kết tội Chú Tiểu Kính Tâm họ cũng đã có đủ lý luận rất chặc chẽ và sắc bén. Tiểu Kính Tâm muốn đi cho trọn đường tu chớ không trình ra thân phận thật (để minh oan) rồi đường tu dang dở. Người có tranh biện chi đâu mà cuối cùng ai cũng biết là người bị oan. Nhờ vậy nhân loại mới có Đức Phật Quan Âm. Người đạo Cao Đài không tranh biện với ông Nhất mà cái thực tế của đạo đã nói lên tất cả.
Những người bắt và kết tội Đức Chúa thì lý luận của họ cũng sắc bén, chặc chẽ và đanh thép lắm nên tại thời điểm xãy ra có người tin theo, có người mờ hồ. Nhưng với sự lớn mạnh và cống hiến của Thiên Chúa Giáo cho nhân loại thì ngày nay nếu có người khen những người đã kết tội Chúa là khá chính xác ắt hẳn đa phần nhân loại cho đó là kẻ ngây ngô. 
Tính đến năm 1930 thì Đạo khai được 04 năm, cơ ngơi tôn giáo chưa có; đến 1994 đạo lớn mạnh từ trong nước đến hãi ngoại như thế mà GS công nhận ông Nhất nhận xét khá chính xác thì xin phép nói vui một tí: GS mãi biên mà quên khảo chăng?
Kính chúc GS nhiều sức khỏe và rất mong hồi âm của GS.
DVĐ.
Tác giả.
@@@
BBT không ghi đầy đủ tên tác giả vào là theo yêu cầu của tác giả (khi cần thì BBT sẽ thông báo và ghi đầy đủ). Vì đây là thư định gởi riêng cho GS Nguyễn Văn Trung để trao đổi là chính.
Tác giả đã gởi qua 02 Email của GS (đề sau phần tiểu sử) là:  asas@yahoo.com và vantrungnguyen@hotmail nhưng được báo là địa chỉ không hợp lệ.
Sau tác giả có gởi qua Email của 02 trang web có đăng quyển Lục Châu Học: dunglac@gmail.com, sontrung@yahoo.com,  và trang web có quan hệ với GS là banbientap@danluan.org  nhờ chuyển cho GS mà cũng không thấy hồi âm.
Nghĩ vì việc đạo là phải rõ ràng nên tác giả gởi cho Thông Liên nhờ đăng may ra đến với GS chăng…
***
BBT trích một đoạn ở chương 7: BÁO CHÍ VĂN XUÔI VÀ LÝ LUẬN trang 330 và 331 từ Lục Châu Học cho rộng đường dư luận:
….1) Đào Trinh Nhất kết án Cao Đài là tà đạo, mê tín dị đoan, phỉnh gạt giả dối. Nhưng trong thực tế, không phải chỉ người dân quê, ít học mê tín dị đoan, hay bọn cơ hội, đầu cơ chính trị theo đạo đó mà thôi. Và ngoài ra, đạo đó vẫn tồn tại... Như thế vấn đề không phải là đạo Cao Đài chủ trương gì, đúng hay sai, mà là tại sao đạo Cao Đài xuất hiện trong hoàn cảnh thời điểm nhất định và có đáp lại những đòi hỏi xã hội đạo đức nào không? Nhìn vấn đề trong viễn tượng đó, xác định thái độ đối với một tôn giáo không hoàn toàn tùy thuộc việc tranh luận xem tôn giáo đó đúng hay sai mà chủ yếu là thay đổi những điều kiện hay thỏa mãn những nhu cầu đã quy định sự xuất hiện, phát triển của tôn giáo đó. Đó là lối nhìn của xã hội học, không nhằm bản thân một lý thuyết, nhưng vào những nguyên nhân, điều kiện quy định những con người tạo ra lý thuyết và khả năng hiệu nghiệm của lý thuyết đó.
Cùng thời với Đào Trinh Nhất, những người Pháp như La Laurette, Vilmont và người Việt như Băng Thanh đã nhìn vấn đề trong viễn tượng trên như chúng tôi đã trình bày tác phẩm của họ. Do đó cái nhìn của Băng Thanh từ chối tranh luận trên bình diện thuần lý với Đào Trinh Nhất không phải vì ông thua kém về trình độ nhận thức, lý luận mà chỉ vì ông lựa chọn đứng trên một bình diện khác để nhìn vấn đề: nhận định dưới khía cạnh tình hình sa sút đạo lý, đe dọa sự tồn tại của dân tộc và Cao Đài xuất hiện như một đáp ứng đòi hỏi chấn hưng đạo lý do người Việt Nam đề ra.
2) Ông Đào Trinh Nhất cũng như mấy nhà lý luận phương Tây coi Cao Đài là một đạo tạp hóa. Nói chung, nhiều nhà tư tưởng phương Tây trước đó vẫn coi tôn giáo là một thứ hỗn hợp (syncrétisme) tôn giáo tương tự một tiệm tạp hóa. Không phải ngẫu nhiên, vô tình mà chúng tôi giới thiệu những quảng cáo đồng thời với nội dung cuốn sách của Đào Trinh Nhất. Thái độ của dân chúng, đặc biệt vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, khi vào một tiệm tạp hóa cũng tương tự vào một thánh thất: những đồ dùng tuy khác nhau về công dụng, đều cùng chung một mục đích: phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cũng vậy, những Giê-su, Khổng Tử, Lão Tử, Quan Công, Victor Hugo, tuy khác nhau về xuất xứ, cách diễn tả chủ trương tôn giáo, lý thuyết xã hội, đều cùng chung một ý hướng thực tiễn làm cho con người trong các mối quan hệ giữa người với người, ăn ở với nhau hòa thuận hơn. Đó là một điểm mà không đạo nào bỏ qua, dù các đạo có những điểm khác nhau như: vô thần, hữu thần. Quần chúng nhìn vào các tôn giáo, thường chỉ chú ý tới đòi hỏi cơ bản có tính chất đạo đức về mặt thực tiễn (đối xử giữa người với người) còn các mặt khác họ không đủ khả năng hiểu hay không chú ý tới. Tuy nhiên không phải vì thế mà đánh giá quần chúng là nông cạn, ấu trĩ vì ngay trên bình diện nhận thức, nếu phân biệt tôn giáo về mặt bản chất, yếu tính (essence, quoad sẽ theo ngôn ngữ của triết học kinh viễn) với một cách biểu lộ, diễn tả (existence, quoad nos) thì tôn giáo nào cũng thường nhìn nhận không thể diễn tả được yếu tính của niềm tin mà chỉ có thể diễn tả yếu tính niềm tin đó theo những cách thế của con người tùy thuộc vào trình độ, thời đại, nền văn hóa khác nhau. Chính vì có những khác biệt trên bình diện cách biểu lộ sống đạo nên có nhiều tôn giáo khác: Thiên chúa giáo là một đạo độc thần, độc tài theo ông Đào Trinh Nhất, thực ra vẫn chấp nhận lối nhìn phân biệt trên; có điều đáng tiếc trong lịch sử đã xảy ra nhiều hiểu sai lệch lạc mà thôi…
Qua trích đoạn trên (đặc biệt ở phần gạch dưới) BBT nhận thấy GS Trung có những nhận xét về Đạo Cao Đài nói riêng và tôn giáo nói chung rất đáng để chúng ta suy gẫm…
BBT xin cảm ơn GS đã cung cấp những tư liệu hiếm (liên quan đến đạo Cao Đài) và giới thiệu Đạo Cao Đài rất ấn tượng đến  người đọc./.
Nay kính.