Trang

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

3260. Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 1)



Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 1)
2000-07-07.
RFA
Lời giới thiệu: 
Ở Việt-nam, có một câu nói của ông Hồ Chí Minh thường không ngớt được nhắc đi nhắc lại như một sự thật hiển-nhiên, đó là "Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một." Song câu nói ở đầu môi, chóp lưỡi này xem ra lại không phản ánh một sự thật ở trong cuộc sống của chúng ta. Một trường-hợp điển-hình là tình-hình tôn-giáo ở trên dải đất chữ S. Ở Miền Bắc, chẳng hạn, sau hơn nửa thế-kỷ ở trong một chế-độ xem tôn-giáo là "thuốc phiện của quần-chúng," cần phải xóa bỏ để đề cao một triết-lý vô thần di hại nặng nề đến nền luân-lý dân-tộc, giờ đây chỉ còn có hai tôn-giáo chính là Phật-giáo và Công-giáo. Trái lại, ở miền Nam, ở châu-thổ sông Cửu Long, ngoài Phật-giáo và Công-giáo còn có những tôn-giáo nguyên-thủy xuất phát từ trong lòng dân-tộc, do người Việt dựng nên trong một khung-cảnh hiện-đại để trả đáp những thách thức của một xã-hội tân tiến. Chúng tôi muốn nói đến hai đạo Cao-đài và Phật-giáo Hòa-hảo.


 Vì đây là những tôn-giáo lớn của Việt-nam với hàng triệu tín-đồ trên hàng chục tỉnh ở miền Nam nên Đảng CSVN rất lo ngại ảnh-hưởng của hai tôn-giáo này trong quần-chúng, nhất là vì trong quá-khứ cả hai đạo này đã có lúc chống Cộng mãnh-liệt. Nhân Đạo Cao-đài mới đây có Đại-hội Hải-ngoại kỳ 4 họp ở Rockville, Maryland, Hoa-kỳ, Đài Á-châu Tự do cũng muốn thừa dịp này nhắc lại vài nét chính về đạo Cao-đài và thân-phận của tôn-giáo này từ ngày Cộng-sản lên nắm chính-quyền ở miền Nam Việt Nam. Loạt bài do Tâm Việt thu thập tin tức và viết sẽ được trình bầy làm nhiều buổi, xin Quý Thính-giả đón nghe... Cũng như Phật-giáo Hòa-hảo, đạo Cao-đài được thành-lập ở trong phần đất mới của Việt Nam là miền Nam dưới thời Pháp-thuộc. Đạo Cao-đài được lập ra trước, vào mùa Giáng-sinh năm 1925, nghĩa là cách đây đã 75 năm. Nhân dịp này, Thượng-đế đã hiện về với một số người Việt Nam đang cầu cơ, và đó là nguồn gốc của đạo Cao-đài. Như vậy, từ căn-bản, đạo Cao-đài đã khác các tôn-giáo truyền-thống của Việt Nam như Phật-giáo hay Đạo-giáo vì các tín-đồ Cao-đài-giáo tin là có một đấng Chí-tôn tương-đương với Thượng-đế ở trong các tôn-giáo đến từ phương Tây hay ngay cả Ấn-độ. Cao-đài-giáo lại còn khác trong một nghĩa nữa ở chỗ đạo này tìm cách thống-hợp Đông-Tây kim cổ thành một hệ-thống tín ngưỡng, tương-tự như Giáo-hội Unitarian ở Tây-phương, nghĩa là còn đi trước cả khuynh-hướng toàn-cầu-hóa mà chúng ta mới chỉ được nghe nói trong những năm gần đây. Trong nghĩa này, đạo Cao-đài rất tiến-bộ và đi trước thời-đại rất nhiều. Đó là một điều làm cho không ít người trong chúng ta hãnh-diện vì rõ ràng là những người sáng-lập ra đạo Cao-đài đã có cái nhìn xa, nhìn rộng từ 3/4 thế-kỷ nay mà lại xuất phát từ Việt Nam. Thống-hợp Đông-Tây kim cổ như thế nào? Đạo Cao-đài không tìm cách kỳ-thị hay gạt những tín ngưỡng khác ra ngoài mà lại cho rằng Thượng-đế, mà họ ưa gọi là đấng Chí-tôn, đã vô cùng ưu ái con người ta trên trái đất, tức nhân-loại, vì hễ thấy con người đi vào thời mạt-pháp thì lại xuống cứu rỗi hay còn gọi là "phổ-độ" chúng-sinh. Chính vì lý-do đó mà nhân-loại đã chứng-kiến ba thời-kỳ phát triển tôn-giáo lớn trong lịch-sử. Một là khoảng vài nghìn năm trước Tây-lịch khi ở Ấn-độ có đức Nhiệm Đăng Cổ Phật ra đời, ở Trung-hoa có Thái-thượng Lão-quân và Phục Hy còn ở Tây-phương thì có Moi-se với Do-thái-giáo, tiền-thân của Thiên-chúa-giáo. Giai-đoạn 2 là sự xuất hiện của đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở Ấn-độ, Lão-tử và Khổng-tử ở Trung-hoa, đức chúa Giê-su và ngài Mohammed ở Trung-đông. Và lần thứ ba chính là sự xuất hiện của Cao-đài ở Việt-nam, tượng-trưng bằng một con mắt nhìn thống suốt hết vũ-trụ. Và cũng chính vì vậy mà Cao-đài-giáo còn có tên là Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ, nghĩa là Con đường lớn cứu rỗi chúng-sinh lần thứ 3. Tính-cách toàn-cầu của đạo Cao-đài không chỉ thấy ở trong một sự sắp xếp, giải-thích lại lịch-sử tâm-linh của con người như trên đây. Tính-cách đó còn có thể thấy được trong sự chấp nhận rộng rãi bởi các tín-đồ Cao-đài đưa vào đạo của họ những nhân-vật như triết-gia Descartes, nữ-anh-hùng Jeanne d'Arc, đại-thi-hào Victor Hugo và nhà vi-trùng-học Pasteur của Pháp, hoặc đại-thi-hào Shakespeare của Anh hay ngay cả nhà cách mạng Lênin của Nga. Bên cạnh đó cũng có những vị thánh hay thần của Việt Nam như Lê Văn Duyệt hay Phan Bội Châu, hay Lý Thái Bạch hoặc Tôn Dật Tiên của Trung-hoa. Và hiển-nhiên, cao hơn nữa cũng còn những bậc như Phật-bà Quan Âm, Mạnh-tử và Quan-thánh Đế-quân. Trên đây, chúng ta mới chỉ xét qua một vài nét về tín ngưỡng của đạo Cao-đài hay còn gọi là Đạo-đạo Tam-kỳ Phổ-độ. Đạo Cao-đài cũng tỏ ra khá tân tiến vì từ những năm của thập niên 20 mà đạo đã được tổ-chức như một chính-quyền với hai nhánh chính, một nhánh bảo vệ đạo-pháp gọi là Hiệp Thiên Đài dẫn đầu bởi một vị Hộ Pháp, và một nhánh tương-tự như hành pháp gọi là Cửu Trùng Đài. Đạo cũng được tổ-chức như một giáo-hội cầm đầu bởi một vị Giáo-tông, tương-đương với vị Giáo-hoàng trong Thiên-chúa-giáo. Dù như đạo Cao-đài được dựng nên bởi ông Ngô Minh Chiêu, ông rất khiêm tốn và không nhận chức Giáo-tông nên giờ đây đạo Cao-đài chỉ có một vị Quyền Giáo-tông, đó là nhà thơ Lý Thái Bạch, và cũng do vậy nên chức Hộ Pháp, nhiều năm ở trong tay ngài Phạm Công Tắc, đã trở nên vô cùng quan-trọng vì ngài trên thực-tế là vị chủ chiên của đạo Cao-đài. Chính dưới sự hướng-dẫn của đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc mà Tòa Thánh Tây-ninh được thành-lập theo một quan-niệm mà ngài đã nhìn thấy trong mơ. Còn nhiều điều chúng ta có thể nói được về đạo Cao-đài. Tuy-nhiên, ở đây, ta cũng nên nhắc là vì tính-cách mở rộng ra với thế-giới của đạo này nên ngay từ sớm đạo Cao-đài đã có những tín-đồ thuộc các dân-tộc khác ngoài người Việt, như người Miên và người Trung-hoa. Đạo Cao-đài cũng được thế-giới để ý tới từ rất sớm như đã được đưa vào các đại-từ-điển về tôn-giáo ở Đức, được nghiên cứu từ những năm 40-50 bởi những tác-giả Pháp như Gabriel Gobron, Anh-Mỹ như Victor L. Oliver và Jayne Werner trong thập-niên 70, và Nga như Giáo-sư Sergei Blagov thuộc Trường Đại-học Tổng-hợp Mát-xcơ-va trong thập niên 80 và cho tới ngày nay. Tưởng cũng cần nhắc là theo ông Oliver thì vào tháng 11 năm 1970, con số chính-xác về đạo-hữu Cao-đài thuộc Tòa Thánh Tây-ninh mà ông được thông-báo là gần 2 triệu rưởi người trên toàn miền Nam. Đó là chưa kể đến những tông-phái khác cũng thuộc về Cao-đài rải rắc ở nhiều tỉnh miền Đông Nam-bộ và có cả một số lan ra miền Trung và ở Hải-phòng ở miền Bắc. Như vậy, tính đến nay, nếu ta kể là có khoảng 3 triệu tín-đồ Cao-đài ở trong nước thì con số đó chắc cũng không xa sự thật là bao. Số-phận của 3 triệu người Việt-nam đó ra sao từ khi miền Nam bị miền Bắc chiếm trọn vào năm 1975 và rơi vào tay người Cộng-sản? Đó là điều chúng ta sẽ nghiên-cứu trong những bài tới của loạt bài dành cho "Đạo Cao-đài trong 25 năm qua."
© 2004 Radio Free Asia