Trang

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

3262. Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 3)


Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 3)
2000-07-09
RFA.
CAO-ĐÀI BỊ ĐÀN-ÁP: NHỮNG BƯỚC CỤ-THỂ (1)
 Lời giới thiệu: 
Trong hai buổi đã phát thanh về "Đạo Cao-đài trong 25 năm qua," chúng tôi đã giới-thiệu với các bạn nghe đài mấy nét chính về đạo Cao-đài hay còn gọi là Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ cũng như những hiềm khích giữa đạo này và đảng CSVN, kể cả những sự đàn-áp dã-man của người CS nhắm vào các tín-đồ Cao-đài. Sau đây, chúng tôi xin tiếp-tục mô-tả số-phận của đạo ấy dưới sự cầm quyền của người CSVN trong 25 năm qua. 
Trong bài hôm nay, chúng tôi sẽ đi vào những bước cụ-thể mà chính-quyền CS đã đem ra áp-dụng nhằm tiêu-điệt đạo Cao-đài như một lực-lượng xã-hội và chính-trị ở miền Nam. 


Bài vẫn do Tâm Việt viết, dựa trên những tài-liệu của Ủy-ban Helsinki Việt Nam cũng như những báo-cáo hàng năm của các tổ-chức nhân-quyền quốc-tế như Amnesty International và Human Rights Watch-Asia... Đạo Cao-đài trong nhiều nghĩa là một tổ-chức xã-hội đầy đủ chứ không phải chỉ thuần-túy là một tôn-giáo. Dù như chỉ được chính-thức công-nhận như một tôn-giáo bởi chính-quyền thực-dân Pháp vào năm 1939, các nhà lãnh-đạo Cao-đài đầu tiên đã tổ-chức ra mắt đạo không đầy một năm sau khi đấng Chí Tôn hiện xuống qua Cơ Bút với ông Ngô Minh Chiếu, thu hút được 50 nghìn người. Rồi việc xây dựng Tòa Thánh ít lâu sau đó để kéo cả trăm nghìn người về Tây-ninh lập nghiệp đã giúp mở mang một vùng bờ cõi của Việt Nam, tạo dựng cả một đô-thị nhỏ với đầy đủ các phương-tiện thờ phượng, giáo-dục, xã-hội, y-tế, kinh doanh, hành chánh chứng tỏ là cái nhìn của những nhà lãnh-đạo Cao-đài ngay từ những ngày đó đã thật lớn. Việc họ thành công trong dự-án đồ sộ này lại còn cho thấy là người Việt chúng ta có khả-năng dựng nước mà không cần nhờ vả đến người Pháp hay phải dùng đến những biện-pháp giết người như người Cộng-sản đã đem ra áp-dụng ở nước ta. Chính vì thế mà người Cộng-sản không muốn thấy một ý-thức-hệ cũng như một chế-độ xã-hội cạnh tranh với mẫu mã của họ khi họ chiếm xong miền Nam. Ta hãy nghe bản tường-trình của Ủy-ban Helsinki viết ra vào năm 1995 như sau: "Đi đôi với phương thức khủng bố bằng các quyết định, nghị định độc đoán, phi dân chủ [liên quan đến các tôn giáo như Nghị quyết số 297 ngày 11-11-1977 và Nghị định số 69/HĐBT ngày 23-3-1991], nhà cầm quyền CSVN còn sử dụng lực lượng công an bảo vệ chính trị, công cụ bạo lực chính của chế độ, tiến hành các cuộc đàn áp vô cùng sắt máu đối với 5 tôn giáo chính của nhân dân Việt Nam gồm: Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Tin Lành". Riêng phần viết về "hành động đàn áp đối với Cao Đài Giáo," bản văn nói trên liệt kê chi-tiết như sau: "Tưởng cũng cần phải nhắc lại là trong suốt giai đoạn từ 1945 đến 1954, Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo là hai tôn giáo có số chức sắc và tín đồ bị sát hại tập thể nhiều nhất bởi bàn tay của Đảng CSVN. Chỉ riêng với Cao Đài Giáo đã có khoảng trên 10.000 người bị thảm hại tại Củ Chi (tức khu 5 Việt Cộng), tại Bời Lời (Trảng Bàng/Tây Ninh) và tại Quảng Ngãi. Dân chúng còn phát hiện tại Trà Cao (Tây Ninh) những mồ chôn tập thể tín đồ Cao Đài với hàng ngàn tử thi..." "Sau khi miền Nam bị thôn tính, kế hoạch tiêu diệt đạo Cao Đài vẫn tiếp tục... và được tiến hành theo năm giai đoạn: Giai đoạn một Sau khi làm chủ tình hình, CS đã điều động một trung đoàn Bộ Binh đến để 'tiếp quản' Tòa Thánh Tây Ninh, hoàn toàn cô lập khu vực này trong 3 tháng, sắp xếp lại thành phần nhân sự, chiếm đóng các cơ sở sinh hoạt vật chất và chia nhau tẩu tán tài sản thuộc Tòa Thánh và Giáo Hội. Giai đoạn hai Họ bắt giam tất cả các hàng giáo phẩm và toàn bộ những chức sắc có đạo đức và uy tín của Giáo Hội Cao Đài mà họ cho là những 'phần tử phản động nguy hiểm,' trong số đó có Phối sư Trần Quang Vinh, cựu Tổng Thư Lệnh Quân Đội Cao Đài, cựu Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Phối sư Trần Quang Vinh bị kết án tử hình và bị hành quyết. Xác ông bị CS đem thủ tiêu, mãi cho đến nay, gia đình vẫn chưa tìm thấy. Phối sư Thượng Nhã Thanh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Tấn Mạnh cùng hàng trăm chức sắc Cao Đài khác cũng bị bắt giữ. Sau một thời gian bị đầy đọa trong các xà lim, khám tối, một số chức sắc già yếu, bệnh tật chờ chết, được phóng thích, nhưng tất cả đều bị chỉ định nơi cư trú hoặc quản thúc tại gia, với lệnh nghiêm cấm 'không được hành đạo' và không được tiếp xúc với các tín hữu Cao Đài. Giai đoạn ba Cộng Sản bổ nhiệm Trương Ngọc Anh, một tín đồ Cao Đài phản đạo, dùng bàn tay Trương Ngọc Anh để triệt tiêu Giáo Hội Cao Đài. Chính quyền CS, qua khuyến cáo của Đinh Văn Đệ, ngầm chỉ thị cho Trương Ngọc Anh ban lệnh giải tán Giáo Hội, áp đặt lệnh cấm các chức sắc sinh hoạt tôn giáo với tín đồ. Trong giai đoạn này, họ loại trừ cụ Bảo đạo Hồ Tấn Khoa... [bằng cách] lén lút dấu một số vũ khí nơi cụ bị cầm giữ, rồi trắng trợn vu cáo cụ tội tàng trữ vũ khí để âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân! Họ ép buộc một vài chức sắc nhẹ dạ, kết hợp với một số tay sai, đề nghị đưa cụ ra đấu tố công khai trước đông đảo tín đồ Cao Đài tại sân vận động Long Hoa để răn đe các tín đồ Cao Đài. Cụ... bị tước đoạt chức phẩm và tiếp tục bị quản thúc tại gia cho tới khi cụ qua đời. Con trai cụ là ông Hồ Thái Bạch, bị bắt vào tháng 9 năm 1984, bị truy tố trước tòa với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" trong các phiên xử vào ba ngày 12, 13, 14 tháng 12 năm 1984. Ông Hồ Thái Bạch và bốn chiến hữu khác nhận lãnh bản án tử hình gồm các ông: Trần Văn Bá (thứ nam cụ Trần Văn Văn), Lê Quốc Quân, Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh. Sau, hai ông Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh được giảm án thành chung thân... Riêng ông Hồ Thái Bạch đã bị hành quyết cùng với các ông Trần Văn Bá và Lê Quốc Quân vào ngày 8 tháng 1 năm 1985 tại Thành Phố HCM. Giai đoạn bốn Chính quyền tạo ra một Giáo Hội Cao Đài mới, lựa chọn và chỉ định một số chức sắc [thân chính quyền] vào Tân Hội Đồng Chưởng Quản, đặt dưới sự quản lý của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc quận Hòa Thanh, tỉnh Tây Ninh. [Bằng biện pháp này] họ đã thành công trong ý đồ hạ Giáo Hội Cao Đài [từ một tổ chức có tầm vóc quốc gia] xuống tương đương với một tổ chức cấp Quận, Huyện. Sau đó, họ thành lập một Ban quản lý, giám quản toàn bộ tài sản, các cơ sở sinh hoạt tôn giáo, xã hội, văn hóa trong đó có cả Viện Đại học Cao Đài. Mãi cho đến nay, các tài sản trên vẫn chưa được trả lại cho Giáo Hội."
© 2004 Radio Free Asia