Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3216. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 11)

TUYỂN TẬP 
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 11)
(HẾT QUYỂN MỘT)


CHỨNG CỨ LỊCH SỬ:
XÂY DỰNG CHÂU THÀNH THÁNH ĐỊA.
“Nho Tông Chuyển Thế hay Đạo pháp hiện hữu”
Bài 4.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài hoằng khai tại tỉnh Tây Ninh do thiên thơ đã định; Thượng Đế dạy rằng:
Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ,
Khai đạo muôn năm trước định giờ.
May bước phải gìn cho mạnh trí,
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
Theo câu Khai đạo muôn năm trước định giờ thì vị trí địa lý, địa hình, sông ngòi, thổ nhưỡng, khí hậu, cư dân, văn hóa, ngôn ngữ... của vùng đất được chọn làm thủ đô tôn giáo cũng đều nằm trong sự an bày của Đức Chí Tôn. 


I/- Tổng quan về phong thổ Tây Ninh.
Chúng tôi trích dẫn những lời dạy của Thầy và Đức Lý Giáo Tông liên quan đến việc chọn Tây Ninh và vị trí xây Tòa Thánh hiện nay. Những lời dạy nầy được ghi lại trong Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu.
Ngày 19 Février 1927 (19-01-Ðinh Mão). Đức Lý Giáo Tông:
Chư Ðạo Hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Vì là Thánh Ðịa, vả lại phong thổ tốt cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Ðạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu.
Ngày 20 Février 1927 (20-01-Ðinh Mão). Thầy dạy:
....Còn Tòa Thánh Thầy muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý là hạnh của Thầy; các con nên xem gương mà bắt chước, từ Thầy đến lập Ðạo cho đến giờ Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ, các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp lòng Thầy. Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi.
Các con đã hiểu Thánh ý Thầy phải cần kiệm mỗi sự chi về phương tiện mà thôi.
....Cẩm Giang thì các con phải chịu về phần ăn uống, Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi, chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng: Vì lợi ích lương sanh, vì đạo đức mà ký Chánh Phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì là đẹp lắm. Các con liệu thử.
Thơ, Suối Vàng thì đặng, phương chở chuyên không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp, con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét nghe à.
Ngày 21 Février 1927 (21-01-Ðinh Mão). Đức Lý Giáo Tông:
Cười ... Nhị vị Hiền Hữu muốn cho Ðạo phải mang tiếng rằng: Trốn lánh hay sao mà tính dời Tòa Thánh xa dữ vậy hử? Tỷ như Lão muốn lập Tòa Thánh gần bên Thành binh chư Hiền Hữu tưởng sao?
Trung bạch có hai làng cúng đất.
Mua thì đặng khó gì? Một nơi chí Thánh trước mà chư Hiền Hữu chẳng biết xem, ấy cũng còn hai phần phàm.
Thái Thơ Thanh, Lão cậy Hiền Hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là đường Giây Thép, nhắm địa thế dài theo cho tới ngã Ao Hồ coi Hiền Hữu thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng: Mỗi sự chi chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết, chư Hiền Hữu đừng sợ ai hết; hễ sợ thì chối quyền Thiêng Liêng của Chí Tôn thì là còn gì Ðạo, nghe à.
Ngày 24 Février 1927 (23-01-Ðinh Mão). Đức Lý Giáo Tông:
... Lão khen Thái Thơ Thanh phải đó đa, tưởng chư Hiền Hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Ðịa: Sâu hơn 300 thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn; ngay miếng đất đó đặng ba đầu, một đầu ra Giếng Mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.
Người Lang Sa chỉ đòi hai mươi ngàn, nói rồi trả đúng có mười lăm ngàn. Lão dặn thì thành trả có 17, 18 ngàn thì đặng vậy.
Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Ðất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh Ðịa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền Hữu biết lo lập ngày sau rất quý báu.
1/- Vị trí địa lý.
Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Đông Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh.
Nam giáp tỉnh Long An.
Tây và Bắc giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia là Svay RiengPrey Veng và Tbong Khmum. Đường biên giới dài 240 km với 3 cửa khẩu quốc tế Mộc BàiXa Mát và Tân Nam, các cửa khẩu quốc gia: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch.
Tọa độ của tỉnh từ 10057’08’’ đến 11046’36’’ vĩ độ Bắc và từ 105048’43" đến 106022’48’’ kinh độ Đông
2/- Địa hình
Tỉnh Tây Ninh thuộc Đông Nam Bộ, có địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long, đất tương đối bằng phẳng. Địa hình vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng.  Tây Ninh có núi Bà Đen cao 986 m, cao nhất Nam Bộ Việt Nam, Núi Phụng: 435m, Núi Heo: 289m, Đồi 82m, vùng đất và đồi thấp đỉnh rộng và bằng. Nhìn chung địa hình của Tây Ninh bằng phẳng hơn so với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Ngoài vị trí xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh thì địa thế của Trí Huệ Cung là một vị trí để hiểu rằng tạo hóa đã tạo ra vùng đất đặc biệt dành cho thủ đô tôn giáo.

(Sơ đồ Trí Huệ Cung)
Quan sát Trí Huệ Cung chúng ta thấy cả 3 (ba) mặt đều có một cầu và một chợ, một mặt trống là sân bay Trí Huệ Cung. Hướng Đông: có Sân bay Trí Huệ Cung. Hướng Tây: có Giải Oan Kiều và Long Hải Thị. Hướng Nam: có Đoạn Trần Kiều và Thiên Vương Thị. Hướng Bắc (Tòa Thánh): có Giải Khổ Kiều và Tân Dân Thị.
3/ Khí hậu:
Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hoà thuộc dạng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khôMùa khô thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11Nhiệt độ tương đối ổn định.
Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, có địa hình cao núp sau Dãy Trường Sơn chính vì vậy ít chịu ảnh hưởng của bão.
4/- Thổ nhưỡng sông ngòi.
Tây Ninh có tiềm năng dồi dào về đất, trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây ăn quả các loại. Đất xám chiếm tỷ lệ 84%, còn lại là đất vàng (mở gà), đất đen...
Tây Ninh có nhiều suối. Nhiều con suối đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng (khởi công 1981 hoàn thành 1985) giúp cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Nguồn nước ngầm ở Tây Ninh phân bố rộng khắp trên địa bàn, bảo đảm chất lượng cho sản xuất và đời sống của người dân.
5/- Sơ lược lịch sử vùng đất Tây Ninh.
Tây Ninh thời triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1802 vua Gia Long lên ngôi. Theo wiki, nhà vua đổi tên phủ Gia Định thành trấn Gia Định. Năm 1808, đổi trấn Gia Định là thành Gia Định. Thành Gia Định có 5 trấn là Phiên AnBiên HòaVĩnh ThanhĐịnh Tường và Hà Tiên.
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trong cuộc thay đổi nầy vùng đất Tây Ninh thuộc Phiên An.
 Năm 1838, vua Minh Mạng đổi Phiên An thành tỉnh Gia Định gồm có 3 phủ, 7 huyện. Phủ Tân Bình có 3 huyện, Phủ Tân An có 2 huyện, Phủ Tây Ninh có 2 huyện là: huyện Tân Ninh và huyện Quang Hóa.
Theo Đại Nam thực lục, vào khoảng tháng 3 âm lịch (năm 1845), quyền Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực cho chiêu mộ dân trong phủ Tây Ninh lập ra 26 thôn làng: Tiên Thuận, Phúc Hưng, Phúc Bình, Vĩnh Tuy, Phúc Mỹ, Long Thịnh, Long Khánh, Long Giang, Long Thái, An Thịnh, Khang Ninh, Vĩnh An, An Hòa, Gia Bình, Long Bình, Hòa Bình, Long Định, Phú Thịnh, Thái Định, Hòa Thuận, An Thường, Thuận Lý, Thiên Thiện, Hướng Hóa, Định Thái, Định Bình, đều thuộc phủ Tây Ninh. Vua Thiệu Trị phê chuẩn quyết định này.
Tây Ninh thời pháp thuộc.
Năm 1861, sau khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh, việc cai quản ở 2 huyện được thay thế bằng 2 đoàn quân sự đặt tại Trảng Bàng và Tây Ninh. Năm 1868, hai đoàn quân sự được thay thế bằng hai Ty Hành chánh. Sau nhiều lần thay đổi, năm 1897 Tây Ninh gồm có 2 quận là Thái BìnhTrảng Bàng, trong đó có 10 tổng, 50 làng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer cho áp dụng nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899 đổi các khu tham biện (inspections) là tỉnh (province). Theo đó Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh. Tây Ninh là tỉnh thứ 12.
II/- Đạo Cao Đài viết trang sử mới.
Tây Ninh là vùng đất nghèo thổ nhưỡng, nên thực dân Pháp chê bỏ không khai thác cao su như vùng Trà Võ, Dầu Tiếng... cách đó không xa. Vùng đất nghèo đã nuôi dưỡng tôn giáo mới khai sinh nên cũng nghèo. Người Đạo Cao Đài được thiêng liêng chỉ dạy phải học cách sống nghèo để phụng sự. Đất nghèo, Đạo nghèo và những người nghèo đã nắn nót từng dòng chữ để vùng đất hoang vu được chọn làm thủ đô tôn giáo trình chánh trước nhân loại.
1/- Hiện trạng vùng Châu Thành Thánh Địa năm 1927.
Bà Nữ Đầu sư Hương Hiếu là một trong số những người có mặt từ đầu trong việc đi mua đất cho đến công cuộc khai khẩn và xây dựng Châu Thành Thánh Địa. Bà là một chứng nhân quan trọng nên đã viết lại trong Đạo Sử Quyển 2.
Sau khi mượn Từ Lâm Tự (Gò kén) tổ chức Lễ Khai Đạo ngày 15/10/Bính Dần (1926) Hội Thánh Cao Đài mua đất của viên kiêm lâm người Pháp tên Aspar để xây dựng Tòa Thánh. Ngày 13/2/ Ðinh Mão (1927) dời chùa, thỉnh chư Phật dọn về đất mới mua, nay gọi là Thánh Ðịa.
1.1/- Tầm nhìn & ước vọng.
Đạo Sử viết: Ðức Chí Tôn lập Ðạo kỳ ba là vĩnh viễn trường tồn, nên tôi phải ghi rõ lại, chẳng những công quả của tôi, mà cũng ghi lại sự nghiệp to tát của Chức Sắc và công quả của người Thổ lẫn người Việt buổi đầu tiên thật là gay go khổ hạnh, để cho đoàn hậu tấn noi chí hướng đàn anh mà nối bước, hầu thọ khổ mới mong giải khổ của kiếp con người tại thế gian nầy.
1.2/- Đoàn đi mua đất.
Kể từ Rằm tháng 10 Bính Dần (1926) tới Rằm tháng Giêng Ðinh Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) là ba tháng, nhưng tới tháng hai năm Ðinh Mão, đã quá hạn kỳ một tháng mà Hội Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn ông Huề Thượng Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài.
Vì sự đòi chùa ấy nên Ðức Lý Giáo Tông giáng dạy quí ông Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng đi kiếm đất mua đặng dời chùa.
Ðức Lý dạy: "Mai này chư Hiền Hữu lên đường trên gọi là đường dây thép (là đường từ Mít Một chạy tới cửa Hòa Viện bây giờ) nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ, coi Hiền Hữu có thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng: Mỗi sự chi chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết".
Đạo Sử viết: Qua ngày sau, quí ông đi tìm đất, Ông Thái Thơ Thanh cho mượn một chiếc xe, Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh cho mượn một chiếc.
Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng ngồi trên hai chiếc xe hơi thì có Ðức Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng Phẩm, Anh cả Thượng Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, Anh Thái Thơ Thanh, Anh Thượng Tương Thanh, Anh Ngọc Trang Thanh.
1.3/- Đến nơi mua đất.
Khi xe chạy tới Cửa Số Hai hồi trước còn rừng rậm cạnh góc ngã ba có cây vừng, Ðức Cao Thượng Phẩm ngó thấy nơi cây vừng có tấm bảng treo đề tên Cao Văn Ðiện. Ông nầy là bạn học của Ðức Thượng Phẩm hồi thuở nhỏ.
Trong lúc bối rối kiếm đất không được, bất ngờ thấy tên bạn mình đứng tên trên miếng đất nầy, nên Ðức Cao Thượng Phẩm nói với Hội Thánh rằng: Ðể tôi đi tìm ông Cao Văn Ðiện nhờ bạn tôi điềm chỉ giùm chủ đất nầy. Và cũng nhờ ông Cao Văn Ðiện điềm chỉ mới biết ông chủ đất nầy là ông Kiểm lâm người Pháp tên Aspar.
Chỗ đất mới mua đây là đất của ông Kiểm Lâm người Pháp. Hội Thánh mua lại, trước kia là một khu rừng rậm, cây cối um tùm, chưa có nhà ai cho lắm, chỉ có một hai cái nhà ở rải rác ngoài bìa rừng, mà ngày nay thành vùng Thánh Ðịa Tòa Thánh nguy nga, dinh thự lộng lẫy, nhà cửa kinh dinh thịnh vượng. Cái công trình kiến thiết buổi ban sơ không phải là dễ. (hết trích)

1.4/- Những người khai phá rừng: Miên – Việt hiệp đồng.
Đạo Sử viết: Khi phá đám rừng nầy thì Ðàn Thổ (là dân Campuchia) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện người Pháp nghi ngờ mời Ðức Cao Thượng Phẩm ra Tòa Bố. Ông hỏi Thượng Phẩm chớ làm cái gì mà đông đảo như vậy. Ðức Thượng Phẩm trả lời rằng: Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su. Ông Tham Biện hỏi trồng mấy mẫu? Ðức Thượng Phẩm trả lời: Tôi trồng hết sở đất tôi mua phá tới đâu tôi trồng tới đó, nên ngày nay trong Nội Ô có cây cao su là do nơi đó.
Nói về vấn đề phá rừng (thành Thánh Ðịa), buổi ban sơ dọn về đất mới, Ðức Hộ Pháp và Ðức Cao Thượng Phẩm tính phá rừng mà không có nhà ở, nên phải tạm sửa cái nhà bò của chủ bán đất còn để lại, rửa cho sạch sẽ, phân làm ba ngăn, nghĩa là ngăn ra cho có thứ tự, chỗ thì để cho công quả ở nghỉ (công quả người Miên), chỗ làm kho chứa đồ dụng cụ để phá rừng như là: máy đánh gốc, nào cuốc, nào xuổng, xà cốc, lòi tói... Còn một chỗ thì làm kho trữ gạo và thực phẩm, một bên thì hai ông ở tạm, rồi hai ông mượn công quả đi đốn cây nạn (YYY) đặng làm cái chõng để nằm, đi đốn cây săn con làm vạc, trên thì lót bố tời đặng nằm cho êm lưng đỡ vậy thôi. Ngày nào hai ông cũng dẫn dắt công quả (Thổ) đi chặt chỗ nầy đốn chỗ kia để phá cho trống đặng cất Tòa Thánh tạm, lần lần phá đến đâu thì cất đến đó đặng an vị chư Phật và có chỗ nơi cho nhơn sanh sùng bái.
(Nguồn internet)

Nhớ lại cách hơn 30 năm về trước, vùng Thánh Ðịa là một chốn rừng thiêng nước độc, là nơi sào huyệt của lũ ác thú. Theo con đường quốc lộ, hành khách ít ai qua lại, bóng ác chưa khuất non đoài thì loài hổ báo đã thị oai gầm thét. Chẳng bao lâu mà ngày nay, một Tòa Thánh Tổ Ðình sừng sựng chọc trời, nguy nga đồ sộ nơi miền Ðông Nam Á. Có phải chăng, nếu chẳng có giọt hồng ân của Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng chan rưới hộ trì, và hai ông Ðức Hộ Pháp, Ðức Thượng Phẩm vì sứ mạng Thiêng Liêng tận tâm phục vụ thì chưa biết ngày nào mà được một cảnh Cực Lạc như ngày hôm nay.
1.5/- Lo phần ăn uống: Với cả tấm lòng.
Đạo Sử viết: Phần của tôi trong lúc tạo tác, thì phải lo lắng nấu ăn cho công quả phá rừng có cả ba trăm người Thổ. Mọi việc khởi đầu nan, hễ thiếu tới đâu thì tôi lo tới đó. Vì chưa lập Cửu Viện để sắp đặt việc ăn uống cho công quả hằng ngày, buổi đó chưa có Trai Ðường, nên hễ phá rừng đến đâu thì tới bữa cơm dọn ăn phải gánh đồ theo đấy, lựa chỗ nào có bóng cây thì trải đệm dọn cơm. Ăn xong thì dọn chén bát đem về trù phòng là nơi nhà bò mà rửa ráy, buổi mơi, buổi chiều luôn luôn như vậy.
... Xin nói tiếp về cái nhà bò, sau khi hư dỡ ra, kế nhơn sanh về lập chợ kêu là chợ Từ Bi, lần hồi thay đổi, hiện giờ là quán xá, tiệm chạp phô, tiệm thuốc bắc, khít bên hông nhà Ðức Quyền Giáo Tông, nay là phủ thờ của nhà họ Lê.
(Nguồn internet)
Khi cất Tòa Thánh tạm xong rồi, Chức Sắc tựu về đông đảo, kế tiếp cất Hậu Ðiện, Ðông Lang, Tây Lang, Phòng Trù và nhà Tiếp Khách Nam Nữ, lại cất Học Ðường và nhà Dưỡng Lão. Thời buổi ấy người Thổ họ đồn với nhau rằng: Tại Tòa Thánh có thờ ông Phật của họ (tức là Phật Tổ) nên họ kéo đến nhập môn mỗi ngày lu bù. Khi họ đến ban ngày thì dọn ăn ban ngày, đến ban đêm thì dọn ăn ban đêm, tôi và công quả phải thức lo thiết đãi (ấy là bổn phận của Chưởng Quản Trù phòng).
Sau tôi biết ý họ xuống không chừng đổi, vì họ ở vùng Sway Riêng hoặc ở Khét Sà Tiệp, nơi nầy chỗ kia miệt trên Nam Vang kéo xuống, nên bữa nào chiều tối, tôi cũng dự phòng hai chảo cơm và đồ ăn, nghĩ vì họ ở xa xuôi đi tìm Ðạo, đường xa ngàn dặm đi suốt cả ngày họ chịu đói khát, cho nên dầu tôi cực khổ thế nào cũng phải thức để lo tiếp đãi họ, cho họ được vui lòng.
Nhưng sự thật, nhờ các Ðấng vận chuyển cho công việc chóng thành, nên nhờ công quả Thổ buổi đầu họ xuống phá rừng. Thổ nam thì đốn cây đánh gốc; Thổ nữ thì chặt nhánh kéo chà gom lại đốt cho trống mà cất Tòa Thánh tạm. Ðức Thượng Phẩm dắt công quả đốn cây, hễ hạ cây nào ngã xuống thì người cầm thước đo liền, cây thì làm cột, cây thì làm xiêng, trính, kèo... cho thợ mộc đem về, tốp cưa, tốp đẻo đặng lo tạo tác mấy gian nhà nói trên.


(Nguồn internet)
Còn tôi thì lo chỉ dẫn cho công quả trù phòng và lo đi chợ mua thực phẩm. Tôi nhớ lại mỗi buổi sáng tôi đi chợ Tây Ninh với chiếc xe ngựa đặng mua đồ ăn. Ðường sá vắng bóng người, hai vệ đường cây che rậm rạp, heo rừng và nai lững thững đi kiếm ăn, thấy xe ngựa chạy ngang chúng tuông vào đám rừng chồi sột sạt làm tôi cũng giựt mình. Một hôm tôi đi đến Trảng Tròn thấy thây một con ngựa bị cọp ăn mất nửa con, còn lại nửa con nằm kế mé lộ đá làm cho tôi cũng phải rùng mình. May phước quá! Nếu cọp đón bắt con ngựa xe của tôi thì còn đâu mà đi chợ hằng ngày để mua đồ ăn cho công quả. Bữa sau tôi nghe người ta nói lại, chiều bữa ấy có người lập kế trèo lên cây rình cọp, chờ khi nó ra ăn nửa con ngựa còn lại họ rình bắn được cọp rồi. Nhưng đâu phải trong rừng chỉ có một con cọp mà thôi sao. Biết đâu cả bầy hổ báo làm sao mà không sợ, nhưng vì quá lo cho Ðạo mà bớt sợ sự hiểm nghèo, nên mỗi buổi sáng đều đi xe ngựa ra chợ Tây Ninh.
Còn Ðức Thượng Phẩm, lớp thì hòa tâm với Chức Sắc lo tạo tác Tòa Thánh, lớp thì bị nhà cầm quyền Pháp để ý nghi ngờ, vì nhơn sanh càng ngày càng tựu hội về tấp nập (đông đảo quá), nên ông Chánh Tham Biện (người Pháp) nay đòi Ðức Cao Thượng Phẩm ra hỏi, mai đòi tra vấn điều nầy lẽ nọ đủ điều, nhưng Ðức Cao Thượng Phẩm trả lời xuôi hết, thành thử họ phải để êm.

2/- Xây dựng Châu Thành Thánh Địa: Đạo pháp trường lưu.
Hội Thánh Cao Đài và cư dân Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh đã hiệp đồng nhau thực thi 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh.
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) là một phát minh để xây dựng một nền văn minh mới trong tình thương và công bằng. Hội Thánh Cao Đài dùng đạo đức thực hiện cuộc cách mạng NHƠN NGHĨA qua 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh xây dựng nên vùng Châu Thành Thánh Địa.
Cư dân vùng Thánh Địa được nếm trải cảnh sống trong tình thương và công bằng. Họ tích cực tham gia vào các chương trình của Hội Thánh để xây dựng cái hay cái đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội chớ không chờ ai ban phát tình thương và công bằng. Họ tin vào tương lai nên thực hiện tích cực chương trình hữu sản hóa người đạo về vật chất lẫn tinh thần của Đạo Cao Đài.
Từ vùng đất nghèo nàn thực dân Pháp chê bỏ không khai thác đã trở thành vùng đất trù phú có nếp sống văn hóa Cao Đài chính là thành quả phi thường.
2.1/ Năm phương án (Ngũ hành).
 Năm phương án xây dựng vùng Châu Thành Thánh Địa: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo.
2.1.1/- Gia cư.
Mỗi gia đình về Châu Thành Thánh Địa cư ngụ được Hội Thánh Cao Đài cấp cho một lô đất cất nhà. Lúc đầu thường là 25m x 30m = 750 m2, (một số nơi xa Tòa Thánh diện tích được tăng lên). Hội Thánh không cho phép đầu cơ đất dưới mọi hình thức; nên ra qui định rõ rằng nếu quá một tháng mà không cất nhà ở thì Hội Thánh thu hồi lại. Nghiêm cấm việc một người xin nhiều phần đất. Nghiêm cấm việc xin cho người thân rồi để đó không cất nhà. Bất kể Đạo Hữu, Chức Việc, Chức Sắc trong tôn giáo vi phạm đều bị nghiêm trị.
2.1.2/- Mưu sinh.
Hội Thánh đưa ra chương trình sản xuất lương thực và cây công nghiệp. Mỗi gia đình đều phải canh tác trên một diện tích theo qui định tùy vào việc làm ruộng hay rẫy. Nhà nào góa bụa, khó khăn thì làm phân nữa và Bàn Trị Sự địa phương phải giúp đở, đôn đốc, kiểm tra.
Phước Thiện tổ chức công ăn việc làm cho người đạo.
Khi chương trình trồng khoai mì thành công, người đạo ngâm củ mì để làm bột mì thì chính Đức Hộ Pháp đã lập ra Hợp Tác Xã bột mì Dân Sanh (1950) để phát triển nội lực trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Các vị chiến sĩ Cao Đài có dịp tiếp xúc với cơ giới nên áp dụng cơ giới vào chế biến đẩy mạnh sản lượng và chất lượng. Kết quả là thời Việt Nam Cộng Hòa tỉnh Tây Ninh vượt trội về kỹ thuật chế biến, các tỉnh bạn như Long Khánh, Khánh Hòa… đến liên kết với các nghiệp chủ để chuyển kỹ thuật chế biến về địa phương.


 (Ảnh Long Hoa Thị “ô chữ nhật lớn”, Nguồn internet)
Hội Thánh Cao Đài đã thiết lập toàn bộ các chợ lớn nhỏ vùng Châu Thành Thánh Địa. Đặc biệt nhất là Long Hoa Thị (1952), chợ có nhiệm vụ chuyển thế nên chỉ bán đồ chay. Ngoài việc kinh doanh thông thường Long Hoa Thị còn là nơi trưng bày các phát minh về khoa học tự nhiên hay các công trình hữu ích khác để xây dựng hòa binh, dân chủ, tự do. Người lương hay giáo thấy chương trình nào cần ích cho địa phương mình đều có quyền liên hệ với Hội Thánh để được giúp đở đem về ứng dụng. Đạo cung cấp và hướng dẫn theo nhu cầu để nâng cao cuộc sống theo luật cung cầu. Thay đổi cuộc sống tốt đẹp chinh là chuyển thế.
Theo qui hoạch Long Hoa Thị phát triển đến tận Bến Kéo (nghĩa là từ vị trí ban đầu phát triển thêm 07 km về hướng Tây Nam) mới đủ tầm vóc ganh vác trọng trách chuyển thế.
Nam phải có nghề nghiệp, Nữ phải học về sinh dục trước khi lập gia đình.
2.1.3/- Giáo huấn.
ĐĐTKPĐ thực thi Bảo Sanh - Nhơn Nghĩa - Đại Đồng thể hiện qua: Trường Học, Dưỡng Lão Ấu và Tịnh Thất. Thượng Đế dạy năm 1926: hằng ngày góp nhóp để lập Trường học.
(Nguồn internet)

Tân Luật ban hành ngày 01-6-1927 phần Đạo Pháp Chương VI qui định về Giáo Huấn. Điều 23: Trong Đạo sẽ lập trường để dạy chữ và dạy Đạo.
Phần Thế Luật Điều 13: Buộc cha mẹ con nít từ 6 tuổi, chí 12 tuổi phải cho con vào trường học chữ hay là học đạo.
Năm 1927 Hội Thánh dời từ Chùa Gò Kén về Nội Ô Tòa Thánh hiện nay. Năm sau Hội Thánh đã mở ngay trường ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG. Ngày 14/07/Kỹ Tỵ (dl. 18/8/1929) đã có lễ phát thưởng và Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt đã đến dự.
Vi Bằng Hội Vạn Linh năm Đinh Sửu “1937” định rõ là các địa phương phải lo việc giáo dục Tiểu Học và Trung Học để Hội Thánh rãnh tay lo Đại Học Đường.
Năm 1938 Đạo Luật Mậu Dần đã đưa trường học đi kèm với Thánh Thất.
(Ảnh Viện Đại Học Cao Đài, Nguồn internet)
Ngày 28/04/1975 Viện Đại Học Cao Đài đã cấp bằng Cử Nhân cho các sinh viên khóa 1.
2.1.4/- Kiến thiết.
Lãnh đạo là tiên liệu.

(Ảnh nguồn internet. Lộ chánh môn trước Tòa Thánh chưa mở)
HTE Chú thích:
1-8: Lộ Bình Dương Đạo (Đại Lộ Phạm Hộ Pháp).
2-7: Lộ Cao Thượng Phẩm.
3: Lộ Cơ Thánh Vệ.
6: Đường Ca Bảo Đạo.
4: Liên Tỉnh Lộ 13 (Con đường sứ).
5: Đường Ngô Tùng Châu. (Lộ Bàu Cà Na).
 Kiến trúc và kiến thiết Tòa Thánh Tây Ninh là cội nguồn của ĐĐTKPĐ dĩ nhiên là thể pháp hàng đầu. Song song đó thì kiến thiết những công trình vệ tinh kèm theo để tăng hiệu năng thể pháp khi khai dụng bí pháp trong tôn giáo cũng rất quan trọng.
Hội Thánh tiên liệu sự phát triển vùng Thánh Địa nên đã đệ trình qui hoạch 40 cây số vuông đến Thủ Tướng Bửu Lộc và đã được sự chấp thuận. Đại diện của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã có họp với Hội Thánh Cao Đài về khoản nầy. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa đã cấp bản đồ một số nơi.
Hội Thánh đóng vai trò bộ não để thiết kế. Cửu Viện và người cư ngụ nơi Thánh Địa phải ra công xây dựng đường xá... cho dù gia đình chức sắc cũng phải tham gia như mọi người. Tỷ lệ dành cho đường giao thông rất lớn, không nơi nào tại Việt Nam sanh kịp. Mỗi ô có 4 nhà, nhà nào cũng có đường đi (03 mặt: trước nhà, bên hông và sau nhà). Con đường sau nhà là đường cứu hỏa và để rác. Sau 1975 thì đường cứu hỏa và để rác bị xóa.
Hồ Động Đình là địa danh liên quan đến lịch sử xa xưa của Việt Tộc được bố trí ngay trước Tòa Thánh (bên trong ngó ra bên trái). Hội Thánh lên qui hoạch Sân bay Trí Huệ Cung, qui hoạch khu Công Nghệ (Cầu Kỹ Nghệ), qui hoạch lộ Liên Á ngay trước Tòa Thánh để mọi người có thể đến Tòa Thánh dễ dàng, qui hoạch khu dân cư cho người có quốc tịch từ quốc gia khác đến cư ngụ… Những công trình chưa xây dựng được thì công bố trước cho hậu tấn tiếp tục như Đền Thờ Phật Mẫu, Vạn Pháp Cung…
Kiến thiết của Hội Thánh Cao Đài không đơn thuần về vật chất mà kiến thiết cả về tinh thần. Thể pháp tôn giáo tiềm tàng tinh hoa của Triết học Đông phương và Khoa học Tây Phương để hậu tấn khai dụng mà xây dựng nền văn minh mới.
2.1.5/- Tôn giáo.


Đức Chí Tôn cho phép người đạo Thượng Tượng để thờ Ngài tại tư gia, gọi là Thiên Bàn. Thiên bàn tại tư gia có nhiều ý nghĩa về đạo lý. Chúng tôi trình bày vắn tắt về mặt xã hội, cụ thể là tác dụng khi thường nhật và khi có biến sự:
a./- Khi thường nhật:
Thể hiện sự bình quyền & tương thân tương trợ: 12 Lễ phẩm là cố định, giàu nghèo, Chức Sắc hay Đạo Hữu đều thờ như nhau.
Tạo tình tương thân tương ái: Hội Thánh sắp xếp 12 nhà tạo thành một liên gia. Mỗi liên gia tổ chức cúng liên gia. Mỗi nhà cử một người, cứ chiều thì đến cúng nơi tư gia một người, cứ 12 ngày là đủ một vòng và bắt đầu vòng mới. Đó là cách thức tạo tình thân ái, sẳn sàng tương trợ nhau trong mọi tình huống.
Tại tư gia người đạo có đủ quyền cúng tứ thời, như vậy mỗi tư gia đã là một thiền đường.
b/- Khi biến sự:
Xã hội thì có khi biến, có khi thường.
Khi đạo bị cường quyền khống chế hay chiếm Tòa Thánh, Thánh Thất ... người đủ đức tin sẽ có đủ điều kiện để không bị lệ thuộc vào tà quyền. Đạo tạo điều kiện để bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Chứng minh cụ thể là từ năm 1997 nhà cầm quyền Việt Nam lập ra chi phái 1997 và cho chi phái nầy chiếm Tòa Thánh Tây Ninh và nhiều cơ sở của Đạo nơi địa phương. Người Đạo Cao Đài lập năm 1926 không theo chi phái có thiên bàn tại tư gia nên vẫn có phương tiện thực hành tín ngưỡng thường ngày lẫn quan, hôn, tang lễ mà không phải bị lệ thuộc vào chi phái 1997.
Cuối năm 2019 cả thế giới bị ảnh hưởng bởi Coronavirus phát sinh từ thành phố Vũ Hán Trung Hoa (Covid-19). Đa số các quốc gia phải đóng cửa biên giới, công dân phải hạn chế đi lại để hạn chế lây lan. Nhờ có Thiên Bàn tại tư gia nên người Tín đồ Cao Đài vẫn có điều kiện hành lễ tại nhà.      
2.2/- Nâng cao: Dân Đức, Dân Trí và Dân Sinh (Tam bửu).
Dân là thành phần đông nhất trong xã hội.
Muốn đào tạo, rèn luyện những đức tính tốt trong cộng đồng thì phải nâng cao dân trí. Muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của dân chúng. Có trí mà thiếu đạo đức thì rất nguy hiểm cho xã hội. Cho nên dân đức là nền tảng.
2.2.1/- Dân Đức.
(Nguồn internet)

Thế nào là đức? Thế nào là dân đức?
Theo Đạo Đức Kinh thì đức có thượng đức và hạ đức. Về lý thuyết thì thật là khó mà bàn cho cùng tận.  
Xin trình bày chữ dân đức theo nghĩa đơn giản: dân đức là những đức tính tốt của cá nhân được công nhận trong cộng đồng tôn giáo, xã hội. Những tính tốt đó do giáo dục đào tạo hay do tự thân quan sát chung quanh mà có.
Thế nào là đức tính tốt?
Nhân loại bước vào thời kỳ năm châu chung chợ bốn biển chung nhà nên chúng ta tiếp xúc với nhiều nên văn hóa khác nhau. Đức tính tốt của nền văn hóa nầy chưa hẳn đã là đức tính tốt của nền văn hóa kia.
Đức tính tốt của nhà Phật tựu trung ở Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Qui. Nhân sự tôn giáo thực hiện được ngũ giới cấm và tứ đại điều qui thì đã là một nhân tố tốt trong xã hội. Đức tính tốt của Nho Giáo là tam cang ngũ thường.
Đạo Cao Đài tiếp thu tinh hoa ấy và nhấn mạnh đến Công Bằng và Bác Ái.
Công bằng là điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Mình không muốn tù đày, gông cùm hay bị giết vô cớ thì đừng làm điều ấy cho người khác.
Bác ái là lòng thương yêu rộng lớn. Thương ông bà, cha mẹ, vợ con, thân tộc họ hàng rồi thương rộng ra cho đến cả nhơn loại... và còn phải thương rộng ra cho tới cả loài sanh vật khác nữa.
ĐĐTKPĐ nâng cấp từ cái không muốn thì đừng làm cho người lên thành: mình muốn nên đạo thì phải làm cho người khác nên đạo trước.
Dân đức xuất xứ từ Đại Từ Bi cho nên nó thể hiện lòng bao dung và cùng tồn tại.
Đường hướng tu thân trong ĐĐTKPĐ có 04 công thức: cần mẫn, thanh liêm, tín nghĩa và chí nhẫn (thể hiện qua 04 phù điêu ở Bao Lơn Đài bên ông Thiện).
Xây dựng xã hội có 04 đề án tiêu biểu: Xây dựng hạ tầng, chương trình lương thực, chương trình khoa học kỹ thuật & giáo huấn, sách lược kinh thương (04 phù điêu ở Bao Lơn Đài bên ông Ác)
2.2.2/- Dân Trí.
Nâng cao dân trí hẳn nhiên gắn liền với giáo huấn. Nhưng nâng cao dân trí rộng lớn hơn, đa dạng hơn giáo huấn. Nói rõ ra thì giáo huấn chỉ là một phần trong công cuộc nâng cao dân trí. Những nguyên tắc cơ bản về quyền của hạ tầng và thượng tầng, quyền của lập pháp, hành pháp và tư pháp được đem ra ứng dụng nghiêm túc trong sinh hoạt tôn giáo để dân thẩm thấu và ứng dụng ra xã hội.
Từ đó người đạo biết mình có quyền gì để thực hiện mà không cho chánh quyền phạm đến và biết chánh quyền có những quyền gì để người đạo không phạm đến. Nâng cao dân trí là sự minh bạch từ thượng tầng và sự mạnh mẽ từ hạ tầng. Luật pháp phải được áp dụng công minh không vị nễ. Nghĩa là mọi người trong tổ chức phải chấp hành một bộ luật.
Theo Vi Bằng 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh năm 1937 thì mỗi Thánh Thất ngoài kinh sách của đạo còn phải có: Luật đời, Luật Lao Động, Luật Hình, Luật Hộ và phải có mua Nhật báo cho đồng đạo đọc mà hiểu biết về luật về tình hình xã hội để đừng phạm luật và đời muốn phạm mình cũng không được.
Đạo bác bỏ việc thâu tiền bất chánh với mọi lý do.
Người có quyền thường hay lạm quyền. Mượn tiếng thi hành công vụ để áp bức dân. Đức Hộ Pháp coi đó như côn đồ nên có bút phê: Một phương pháp là dặn toàn đạo hể còn bị bắt xâu thì đánh lại lính bắt xâu rồi cho Bần Đạo hay liền.
2.2.3/ Dân Sinh.
Dân sinh là cuộc sống của người dân về vật chất lẫn tinh thần.
a/- Về vật chất: Năm 1927 thì Tòa Thánh và chung quanh là rừng. Hội Thánh nghèo, người công quả cũng nghèo. Đến những năm loạn lạc sau đó người chạy loạn về Thánh Địa càng nghèo.
Nhưng chẳng bao lâu sau thì nhờ 05 phương án gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo cuộc sống người dân qua khỏi cảnh nghèo đói, phát triển về vật chất và tinh thần.
Trước ngày 30-04-1975 Tây Ninh dẫn đầu miền Nam Việt Nam về sản xuất bột mì. Kết quả đó chính là nhờ sự nhìn xa trông rộng của Đức Hộ Pháp (lập ra Hợp Tác Xã Dân Sanh).
b/- Về tinh thần: Đạo chủ trương làm cho tín đồ mạnh (dân mạnh). Cho nên đạo có cơ chế lập quyền cho tín đồ qua 03 Hội lập quyền Vạn Linh. Tín đồ được sống trong bầu khí dân chủ.
Đức Hộ Pháp triệt tiêu sự móc túi của người có quyền với dân chúng dưới mọi hình thức. Đạo luôn luôn đứng về phía dân chúng, phía những người lao động. Binh vực người dân bị áp bức; khiển trách kẻ cầm quyền bất lực rồi ép dân để chạy tội.
Thu phục nhơn tâm bằng nhơn nghĩa. Nhìn nhận sự yếu kém để vươn lên. Tôn trọng nguyện vọng chánh đáng của dân, nhận trách nhiệm không thối thoát, chỉnh đốn để thuận chiều dân vọng.
Tóm lại: Hội Thánh thực hiện 05 chương trình: gia cư, mưu sinh, kiến thiết, giáo huấn và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh. Đạo hữu sản hóa người đạo về vật chất lẫn tinh thần. Người đạo đã ĐƯỢC nếm trải nên biết giá trị của nó và sẳn sàng hy sinh để bảo tồn nó cho hậu tấn. 
2.3/- Kết luận.
Qua 50 năm (1927/1975) thực thi NHƠN NGHĨA Hội Thánh Cao Đài và người đạo đã đạt được thành quả hiển nhiên:
-/- Tòa Thánh Tây Ninh là thủ đô của ĐĐTKPĐ đóng vai trò trung tâm. Vào Tòa Thánh hay bất cứ nơi thờ tự của Đạo Cao Đài không có cảnh đốt nhang tùy tiện, bán chim cá phóng sanh hay đốt giấy tiền vàng mã… Trong tang tế sự cứ theo luật Tam nhật bất cấm mà tiến hành nên dứt hẳn việc coi ngày giờ tẩn liệm, an táng và những hủ tục khác.
-/- Đường giao thông thẳng tắp tạo thành những ô vuông hay chữ nhật như bàn cờ. Tỷ lệ đường giao thông bố trí khoa học và dẫn đầu trong cả nước Việt Nam.
-/- Vùng Châu Thành Thánh Địa có tỷ lệ người ăn chay dẫn dầu trong cả nước Việt Nam. Có rất nhiều quán chay để giúp việc ăn chay được thuận tiện.
-/- Có tinh thần hào hiệp cao, sẳn sàng giúp đở nhau khi hữu sự. Thể hiện rõ ràng qua các tang lễ của người đạo. Tất cả nhu cầu liên quan đến tang lễ do người đạo góp công quả (miễn phí), thức ăn dùng toan đồ chay. Không có dịch vụ kinh doanh mai táng nơi Châu Thánh Thánh Địa.
Có được thành quả như vậy là do công thức đúng và bộ máy hành chánh có năng lực. Người đạo nhận thức rằng: Cái đẹp của quê hương anh phải do chính anh xây dựng mà có.
3/- Thủ đô tôn giáo: 40 cây số vuông.
Người theo Đạo Cao Đài có niềm tin rất rõ ràng về thủ đô của tôn giáo là 40 cây số vuông sẽ được quốc tế hóa.
3.1/- Truyền miệng & tài liệu.
3.1.1/- Sau khi Đức Hộ Pháp bị thực dân Pháp bắt (1941) và lưu đày ở Madagascar về Tòa Thánh (1946) thì việc xây dựng Tòa Thánh được khởi công lại. Có rất nhiều tiền bối từ Thánh Địa và các địa phương tham gia công quả. Đức Hộ Pháp rất ưu ái và lưu tâm đến việc nâng cao hiểu biết của các vị nên thường chia sẻ, chỉ dạy về đạo sự và thời thế. Các vị đều cho biết Đức Hộ Pháp đã có kế hoạch quốc tế hóa vùng đất 40 cây số vuông và đã được chính phủ chấp thuận.
Xin liệt kê ra một số chứng cứ từ Đạo sử.
3.1.2/- Theo các tài liệu hiền huynh Sĩ Tải Nguyễn Minh Ngời sao chép:
-/- Sắc lịnh của Thủ Tướng Bửu Lộc ký ngày 6/6/1954 đã được Quốc Trưởng Bảo Đại chuẩn y.




Bản đồ Châu Thành Thượng.
(Nguồn internet)

40 cây số vuông có nghĩa là một hình vuông mà mỗi cạnh là 40 km. Thể pháp của ĐĐTKPĐ không phải chỉ có trong Nội Ô Tòa Thánh mà bao trùm cả vùng Châu Thành Thánh Địa.  Châu Thành Thánh Địa là danh từ chỉ chung Châu Thành Thượng và Châu Thành Hạ. Châu Thành Hạ là địa phận bao Nội Ô Tòa Thánh và các phận đạo chung quanh (trước kia là 18 phận đạo, sau phát triển lên thành 20 phận đạo).
(Nguồn internet)

3.1.3/- Vi bằng phiên ngày13/10/1955 (28/8/Ất Mùi). Địa điểm: Tại Giáo Tông Đường Tòa Thánh Tây Ninh lúc 10 giờ 30 phút. Đây là thời kỳ của thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Tướng Nguyễn Thành Phương và Lê Văn Tất, thừa hành mạng lịnh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm khủng bố đạo, đặc biệt là đe dọa Đức Hộ Pháp (05/10/1955. AL: 20/8/Ất Mùi).
Do vậy Hội Thánh có mở nhiều phiên họp để bảo vệ đạo. Ngay trong phiên họp ngày 13/10/1955 vấn đề quốc tế hóa Thánh Địa đã được Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (chủ tọa phiên họp) và Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước nêu ra với các đại diện của Thủ Tướng Diệm:
a/- Ngài Tiếp Đạo đảm nhận Chủ tọa, đứng lên cảm tạ toàn hội và đề cập vào chương trình nghị sự.
Chủ tọa: “Trước hết xin toàn hội bàn giải 10 khoản kiến nghị của Quân đội. Còn việc biến chuyển do nội dung Quân đội chủ trương mấy hôm nay, Đức Hộ Pháp có nói với tôi rằng: Đức Ngài rất bằng lòng, nhờ vậy mới có thể lược lọc được nội dung của Thánh Thể và Châu Thành Thánh Địa, tức là Quân đội đã giúp cho Đức Ngài Quốc tế hóa Thánh Địa dễ dàng hơn....
Về việc giải giới Cơ Thánh Vệ, Cận Vệ Quân và Bảo An lưu động, Bảo An nội thành là điều làm rất hợp lý trong việc Quốc tế hóa đặng lấy quyền bất khả xâm phạm nơi vùng Thánh Địa.
b/- Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước.
“Để việc điều tra và xử đoán các tố tụng nhơn sự hay hình sự khỏi phải phạm vào quyền hành của Chính Phủ về tư pháp, đối ngoại thì nhờ Tổng Tư Lệnh Bộ can thiệp với Thủ Tướng Chánh Phủ chánh thức hóa Thánh Địa là vùng bất khả xâm phạm, có quyền tự trị đối với Quốc tế. (Internationalité de la Région neutre avec le droit d`asile).
c/- Thiếu Tướng Lê Văn Tất là phó của Tướng Nguyễn Thành Phương.
“Việc Quốc tế hóa Thánh Địa là lẽ dĩ nhiên của một Châu Thị không võ trang phòng thủ, Quân đội xin đồng ý với Ngài Bảo Thế”.
d/- Tướng Nguyễn Thành Phương, trong phiên họp lần thứ ba vào ngày 27/10/1955 (2/9/Ất Mùi).  Trung Tướng Phương:
Khoản thứ nhì: Xin thưa rằng chúng tôi sẽ không còn canh giữ các cửa ra vô nội và ngoại ô Thánh Địa nữa. Nhưng về các đồn ở những nơi quan trọng, chúng tôi xin tạm đóng giữ cho đến ngày Chánh Phủ chính thức nhìn nhận châu vi Thánh Địa là vùng bất khả xâm phạm, để họ không còn thế xâm nhập vào Thánh Địa nữa, chừng đó chúng tôi rút binh ra khỏi 13 Phận Đạo liền.
3.2/- Tại sao phải quốc tế hóa?
Đức Chí Tôn khai ĐĐTKPĐ trong thời năm châu chung chợ bốn biển chung nhà (toàn cầu hóa) là tạo ra tài nguyên và môi trường để nhân loại hiểu biết nhau hơn nâng cao lòng bao dung để cùng tồn tại. Đó là nền tảng cho một xã hội hiện đại.
3.2.1/- Tự thân nơi triết lý tôn giáo: lập địa cầu 67.
Thượng Đế dạy (TNHT Q 1):
NGỌC ẩn thạch kỳ ngọc tự cao,
HOÀNG thiên bất phụ chí anh hào.
GIÁNG ban hạnh phúc nhơn đồng lạc,
THẾ tạo lương phương thế cộng giao.
GIÁO hóa nhơn sanh cầu triết lý,
ĐẠO truyền thiên hạ ái đồng bào,
NAM nhơn tỉnh cảm sanh cao khí,
PHƯƠNG tiện tu tâm kế diệt lao.
Nhân loại khác nhau về màu da sắc tóc, ngôn ngữ và chính kiến nhưng tất cả đều là con chung của Thượng Đế. Mỗi dân tộc đều có linh diệu riêng nên có những đặc điểm riêng về văn hóa, tín ngưỡng. Khi họ muốn giới thiệu đặc điểm của dân tộc thì Hội Thánh phải dành cho họ một khu vực để trưng bày. Các tôn giáo bạn cần giới thiệu những đặc điểm riêng cũng cần được tôn trọng. Các tổ chức phụng sự cho hòa bình, dân chủ, tự do phù hợp với chủ nghĩa Cao Đài cũng có nơi để giới thiệu, trưng bày. Những công viên, cung văn hóa là môi trường để nhân loại thông hiểu nhau trong tinh thần hòa bình để chung sống với nhau, cùng tiến lên địa cầu 67.
Sấm Trạng Trình có nhiều dị bản. Nhưng bản nào cũng có câu:
Chữ rằng Lục thập thất gian,
Ai mà nghĩ đặng mới gan anh tài.
Lục thập thất gian là không gian, thời gian và nhân gian của địa cầu 67.
Về thể pháp qua kiến trúc & Bộ máy hành chánh:

Cửa Hòa Viện (của vào Đền Thánh gần nhất) Hội Thánh Cao Đài bố trí bên dướng Đông 06 bông sen, bên hướng Tây 07 bông sen. Thêm vào đó là cửa số 2 ghi là năm 1925 (trong khi năm 1927 mới mua đất Thánh Địa và dời về Chùa mới. Quả Càn Khôn trong Đền Thánh không phải là mô hình của Thái Dương Hệ. Trên Quả Càn Khôn bố trí 3072 ngôi sao (3.000 Giáo Hữu và 72 Giáo Sư). Bên trong có một ngọn đèn ấy là lời cầu nguyện quí báu cho nhân loại. Quả Càn Khôn lẽ ra làm bằng thủy tinh (trong suốt) nhưng do thời thế chưa làm được.
Thánh danh 03 vị Đầu sư: Địa cầu chúng ta đang sống có 01 mặt trời, 01 mặt trăng và nhiều tinh tú. Ba vị Đầu Sư được phong: Thượng Trung Nhựt (Mặt Trời), Ngọc Lịch Nguyệt (Mặt trăng) và Thái Minh Tinh (Tinh tú), sau Đức Lý Giáo Tông phong vị Thái Nương Tinh; bởi vì có nhiều vì sao. Đó là những chỉ dấu cho thấy Đức Chí Tôn đến lập một địa cầu mới (địa cầu 67) cho con cái của Ngài sinh sống.
3.2.2/- Tạo điều kiện thuận lợi về xã hội.
Đạo và chính trị không có buổi liên hiệp cùng nhau.
Hội Thánh Cao Đài có lập trường ba không: Không chống chánh quyền, không theo chính quyền và không tham gia chính quyền.
Điều 13 hiến chương năm 1965 qui định:
     ĐIỀU THỨ 13.- Những người Nam hay Nữ, không phân biệt quốc tịch, màu da, tuổi tác, giai cấp, nghề nghiệp, đảng phái, đã thọ Lễ Nhập Môn đều được nhìn nhận là Tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. (hết trích)
Người Tín đồ Cao Đài không phân biệt đảng phái, cho nên họ có thể không được lòng chính phủ sở tại. Nếu 40 cây số vuông không được quốc tế hóa, có thể chính phủ sở tại sẽ gây khó dễ cho người Đạo Cao Đài khi thực hiện quyền tự do tôn giáo.
Một thí dụ cụ thể:
3.2.3/- Quyền tự do tôn giáo của tín đồ: Một người phẩm Đạo Hữu trường chay, được đồng đạo nơi đia phương công cử về dự Đại Hội Nhơn Sanh theo luật đạo. Đạo Hữu có quyền theo đảng phái nào họ thích. Nếu đảng phái đó nghịch với chính quyền sở tại và chính quyền không cho người Đạo Hữu đó nhập cảnh để gây áp lực buộc phải nhượng bộ hay thỏa hiệp... 
Do vậy mà thủ đô tôn giáo phải được quốc tế hóa để người đạo được quyền thực hiện niềm tin tôn giáo theo điều 18 Hiến chương Liên Hiệp Quốc (1948) hay điều 18 Công ước Quốc tế về quyền Dân sự & Chính trị (16/12/1966).
Chú thích:
Điều 18 TNQTNQ:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương  tâm và tự do tôn giáo. Quyền này phải bao gồm quyền tự do có hoặc thay đổi tôn giáo hay thế giới quan theo ý mình,
Và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan thông qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng và cử hành các nghi lễ cho riêng cá nhân mình hay cùng với tập thể, ở chốn công cộng hay chỗ riêng tư.
Điều 18 Công ước QT
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương  tâm và tự do tôn giáo. Quyền này phải bao gồm quyền tự do có hoặc thay đổi tôn giáo hay thế giới quan theo ý mình,
Và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan thông qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng và cử hành các nghi lễ cho riêng cá nhân mình hay cùng với tập thể, ở chốn công cộng hay chỗ riêng tư.
(2) Không ai có thể bị bắt buộc phải giới hạn quyền tự do có hoặc đi theo một tôn giáo hoặc một thế giới quan tự chọn.
(3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan chỉ có thể bị giới hạn theo luật vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
(4) Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm cho cha mẹ, hoặc người có quyền bảo dưỡng quyền được tự do giáo dục con cái mình về mặt tôn giáo và đạo lý theo cách thích hợp với niềm tin của mình.
3.2.4/- Thí dụ trên cũng có thể dùng cho trường hợp Chức sắc hay Hiền Tiền Ban Thế Đạo trên đường hành đạo cần đến Tòa Thánh Tây. Nói rộng ra cho đến chương trình kinh thương của Phước Thiện cũng phải được tự do để thực thi chủ nghĩa Cao Đài.
Kế hoạch của tôn giáo phù hợp với quyền tự do tôn giáo & niềm tin của hiến chương Liên Hiệp Quốc (điều 18) và Công ước Quốc tế về quyền Dân sự & Chính trị (điều 18) thì tất nhiên sẽ được thực hiện.
4/- Hệ quả quốc tế hóa 40 cây số vuông đối với dân tộc & xã hội Việt Nam là thành quả của Nho Tông khai hóa.
Nước Ý có Tòa Thánh Vatican đã thu hút hằng triệu tín đồ hành hương. Người đạo đến trong tinh thần hòa bình và hữu nghị cũng như góp phần làm cho kinh tế quốc gia sung túc. Du lịch là ngành công nghiệp không có khói. Điều đó chỉ có lợi cho dân tộc và xã hội. Nó gia tăng vị thế của quốc gia trên thế giới.
Như vậy việc quốc tế hóa 40 cây số vuông làm thủ đô của ĐĐKPĐ hoàn toàn phù hợp với lợi ích của dân tộc và xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.
Khi nhân loại bước vào thiên niên kỹ thứ ba sau công nguyên. Rất nhiều nhà khoa học, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, hoạt động tôn giáo và xã hội đã ghi nhận rằng nhân loại đang bước vào thời kỳ tâm linh.
Nền văn minh của Đức Chí Tôn đến dùng cơ bút để dạy cho nhân loại đạo làm người. Mà cơ bút chính là sự nối kết tâm linh của đồng tử với các Đấng vô hình.
Nền văn minh ấy dụng bộ máy Nho Tông để thực thi tam quyền phân lập và Luật nhứt thân tam thể. Bát Quái Đài: Lập pháp & Thần; Hiệp Thiên Đài: Tư Pháp & Khí hay Chơn thần; Cửu Trùng Đài: Hành pháp & Tinh hay Thể xác. Đề thi đã công bố trước nhân loại:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Đạo có tổ chức như một quốc gia giữa nhiều quốc gia (Quốc đạo) để thực thi NHƠN NGHĨA. Đạo có Thánh ngôn, Kinh Thiên Đạo & Thế Đạo... là kinh thư chiến lược. Pháp chánh truyền, Tân Luật, Đạo Luật là binh thư chiến pháp. Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền. Có kinh thư chiến lược, có binh thư chiến pháp, có kho binh khí đầy dủ và tinh vi, có bộ máy nhân sự với các định chế công khai:
Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài,
Diệt hình tà pháp cường khai Đại Đồng.
Xe Như Ý của đạo sẽ đưa người có lòng tin vào chánh giáo, tin vào tính thiện lương của nhân loại, các hiền sĩ...  khai mở tâm linh của chính mình và bước vào trường học của Trời để thực thi tam lập, xây lưng đâu cật tạo lập một thế giới mới, tạo lập địa cầu 67 qua đó tạo vị cho chính mình tại địa cầu 68 là biển trần khổ nầy./.
(HẾT QUYỂN MỘT)