Trang

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

3263. Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 4)


Đạo Cao-đài trong 25 năm qua (bài 4)
2000-07-10
RFA
CAO-ĐÀI BỊ ĐÀN-ÁP: NHỮNG BƯỚC CỤ-THỂ (2) 
Lời giới thiệu: 
Trong mấy buổi đã phát thanh về "Đạo Cao-đài trong 25 năm qua," chúng tôi đã giới-thiệu với các bạn nghe đài mấy nét chính về đạo Cao-đài hay còn gọi là Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ cũng như những hiềm khích giữa đạo này và đảng CSVN, kể cả những sự đàn-áp dã-man của người CS nhắm vào các tín-đồ Cao-đài trong nhiều năm qua. Bài hôm qua đã mô-tả 4 bước cụ-thể mà chính-quyền CS đã cho áp-dụng từ năm 1975 để, trước hết, tịch-thu tài-sản rồi chặt chân, chặt tay các cơ-chế lãnh-đạo của đạo Cao-đài, sau đó phủ-nhận tính-cách tôn-giáo của đạo này, để cuối cùng dùng một số người phản đạo đẩy đạo này xuống thành tư-cách của một hội tư ở cấp Quận, Huyện nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc do Đảng CS giựt dây. 


Theo tài-liệu và sự phân-tích của Ủy-ban Helsinki Việt Nam, một tổ-chức chuyên lo về các vi-phạm nhân-quyền ở Việt Nam, thì mưu-đồ xóa bỏ đạo Cao-đài của chính-quyền Hà-nội còn có một giai-đoạn 5 nữa là sát hại những nhân-vật Cao-đài. Theo chúng tôi nghĩ thì đây không thể gọi được là một giai-đoạn riêng biệt mà chỉ nên gọi là những biện-pháp sắt máu mà người CS đã đem ra áp-dụng vào nhân-sự của đạo Cao-đài nhằm thủ-tiêu những nhân-vật có tinh-thần hay có uy-tín trong đạo và uy-hiếp tinh-thần của những tín-đồ Cao-đài khác để cho các tín-đồ này không còn dám đương-cự với chính-sách của Hà-nội. Bài viết, vẫn do Tâm Việt thu thập tin tức... Theo tài-liệu "Chính sách đàn áp tôn giáo của CSVN, 1975-1995" của Ủy-ban Helsinki Việt Nam thì "cùng lúc [với sự] tiến hành triệt phá Giáo Hội Cao Đài, chính quyền CS tìm mọi cách truy tố một số các chức sắc khác với những tội danh cố hữu thường dùng là 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân' để áp đặt những bản án vô cùng nặng nề như: a) Trong phiên xử tháng 11 năm 1976, các ông Phạm Ngọc Trang, Nguyễn Thanh Điềm và Đặng Ngọc Liêm, ba chức sắc của Giáo Hội Cao Đài, bị kết án tử hình. Bốn người cùng vụ lãnh bản án chung thân khổ sai là các ông Nguyễn Minh Quân, Cao Tường Xuân, Lý Thanh Trọng và bà Châu Thị Mỹ Kim. Mười hai người còn lại bị kết án từ 7 tới 20 năm khổ sai... b) Tại phiên xử ngày 7 và 8-12-1979, tòa án nhân dân thành phố HCM đã áp đặt một cách độc đoán những bản án phi pháp đối với một số nhân sĩ và tín đồ Cao Đài trong đó: Các ông Nguyễn Văn Mạnh và Lê Văn Nhỏ cùng hai nhân sĩ nữa bị kết án tử hình. Các ông Trần Minh Quang, Đinh Tiến Mậu, Nguyễn Thái Dung và Đoàn Văn Bạch lãnh án chung thân khổ sai. Một số khác lãnh các bản án từ 10 đến 20 năm khổ sai, cũng với tội danh 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.' c) Ngày 10 và 11 tháng 12 năm 1979, một phiên tòa khác được tổ chức ngay tại tỉnh Tây Ninh để xử các tín đồ Cao Đài với tội danh tham gia 'Mặt Trận Dân Tộc Phục Quốc' chống lại chính quyền nhân dân: Ba người bị kết án tử hình là các ông Nguyễn Thanh Liêm, Huỳnh Thanh Khiết, Hồ Hữu Hia. Năm người lãnh án chung thân khổ sai là các ông Nguyễn Anh Dũng tự Phan Đăng Chức, Trương Phước Đức, Nguyễn Ngọc Để, Võ Văn Thắng, Hồ Hữu Khanh (tức Hồ Diệu Khanh)... Số tín đồ còn lại bị kết án từ 3 tới 20 năm khổ sai. d) Tại một phiên xử khác ở Quảng Nam/Đà Nẵng năm 1980, hai huynh trưởng Hướng Đạo Cao Đài bị kết án tử hình cũng với tội danh 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.' Đó là hai ông: Trần Ngọc Thanh, Đoàn phó Đoàn Thanh Niên Hướng Đạo Cao Đài, và ông Nguyễn Văn Bảy, Ủy viên Hội Hướng Đạo Cao Đài. e) Năm 1988, ông Mã Thành Công, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài, bị kết án 9 năm tù vì tội chống chính quyền. f) Trong phiên xử vào tháng 8 năm 1989 tại Tòa án Nhân Dân TP HCM, ông Nguyễn Mạnh Bảo, một nhân sĩ Cao Đài, bị kết án tử hình, sau bản án xuống còn chung thân khổ sai... g) Ông Trần Hồng Quân, một nhân sĩ Cao Đài, bị bắt lại lần thứ hai, lãnh bản án 8 năm tù. Ông thổ huyết chết ngày 12-10-1989 tại trại giam Bố Lá, tỉnh Sông Bé, vì kiệt sức và vì bệnh xá trại giam cố tình không chữa trị cho tù nhân chính trị. h) Ông Trần Thanh Danh, một chức sắc Cao Đài khác, hiện nay [tức vào năm 1995] cũng đang bị giam giữ tại trại lao động khổ sai Cà Tum, tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Ngoài ra, như đã đề cập ở giai đoạn bốn, kể từ ngày làm chủ được tình hình ở miền Nam VN, CS đã chiếm đoạt toàn bộ khoảng 35 cơ sở của Giáo Hội Cao Đài như Tòa Thánh Tây Ninh, Trung tâm Xã hội, Trung tâm Văn hóa (trong đó có Viện Đại học Cao Đài), Trung tâm Chăm Sóc Trẻ Em, các trường Trung và Tiểu học... Trầm trọng nhất là chính quyền CS dùng Mặt Trận Tổ Quốc để ngăn cản các sinh hoạt tôn giáo của Giáo Hội Cao Đài, can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của Giáo Hội, gây mầm mống chia rẽ trong hàng ngũ giáo phẩm, trong các chức sắc và giữa các giáo hữu. Chính quyền CS còng sử dụng Công An bảo vệ chính trị tại địa phương khống chế, đe dọa các tín đồ, ép buộc họ phải xa rời Tòa Thánh Tây Ninh, xa rời Giáo Hội, bỏ đạo, dẫn đến những trường hợp chống lại Giáo Hội. Thâm độc hơn nữa, chính quyền còn tạo dựng ra hàng trăm vụ án chính trị giả nhằm sát hại và tiêu diệt các mầm mống chống đối..." "Mục đích cuối cùng của chính quyền CS," vẫn theo Ủy-ban Helsinki Việt Nam viết cách đây đã 5 năm, "là nếu không xóa bỏ hẳn được tôn giáo ở VN trong đó có Giáo Hội Cao Đài, thì ít nhất chính quyền cũng phải khai sinh ra được một Giáo Hội Quốc Doanh, phục vụ cho mọi ý đồ đen tối của họ, đi ngược lại tôn chỉ và đạo lý tốt đẹp của đạo Cao Đài và của các tôn giáo khác." Ngày mai và trong những bài kế-tiếp, chúng ta sẽ xét xem lời tiên-đóan trên của Ủy-ban Helsinki Việt Nam có cơ-sở không. Và nếu có thì người CS, chính-quyền CS ở quê nhà đã thành-tựu được đến mức nào. Để cập-nhật-hóa vấn-đề, chúng tôi sẽ đem đến với Quý Thính-giả ở quê nhà những tài-liệu mới hơn thu thập được từ ở trong nước cũng như ở Pháp, Mỹ và các quốc gia khác trên thế-giới.
© 2004 Radio Free Asia