Trang

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

3231. HÒA BÌNH CHUNG SỐNG BIÊN NIÊN (tt 14)

(Tiếp theo 14)
1/- Theo SỬ LƯỢC về HBCS của Ngài QUI TÂM biên soạn tại trang 48 thì thư nầy có đính kèm bản chính sách HBCS.

2/- Ban biên soạn đính kêm 02 thư trả lời: Ủy Hội và Hội Đồng Tổng Trưởng Pháp.


 HỘ PHÁP ĐƯỜNG.
VĂN PHÒNG.
SỒ: 20 /HP.HN
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
      (Tam Thập Nhứt Niên).
       Tòa Thánh Tây Ninh.

Hộ Pháp
Phạm Công Tắc Giáo Chủ Đạo Cao Đài.

 

Kính gởi Quí Ngài:

. CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP QUỐC.

. và các Ngài THỦ TƯỚNG CHÁNH PHỦ CÁC CƯỜNG QUỐC.

 

Kính quý Ngài,
Sau 82 năm bị đô hộ dưới quyền Pháp thuộc, ngày 9- 3- 1945, toàn cả quốc dân Việt Nam quật cường giải ách nô lệ.
Việc trọng đại ấy đã có tiếng dội khắp cả thế giới và các liệt cường quốc tế đều hiểu rõ.


Đã 11 năm tranh đấu không ngừng để định vững chủ quyền độc lập cho Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã chịu bao nhiêu thống khổ, tang tóc về tài sản cũng như sinh mạng, lại thêm bị hai ngoại quyền Cộng sản và Tư bản xen vào nội bộ, chia Quốc dân Việt Nam làm hai xu hướng.   
Kể từ ngày quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ lại thêm một tai hại lớn lao hơn nữa tròng lên đầu dân Việt Nam. Thật vậy 9 nước ở Hội Nghị Genève với hảo ý đem hòa bình lại cho xứ Việt Nam và chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã vô tình mà không nhận định sự tai hại cho Việt Nam là thế nào, nên đã ký một hiệp định chia đôi lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 rồi lại định cho Việt Nam phải tự tìm phương thống nhất.
Chúng ta nên nhớ rằng khi ký hiệp định Genève thì vĩ tuyến 17 chỉ có nghĩa là để chia đôi Quân đội của hai bên ra để tránh sự đụng chạm, nhưng về sau thì vĩ tuyến 17 đã biến thành một cách thực tế ranh giới chia hẳn 2 Miền Nam Bắc, miền Bắc thì do Cụ Hồ Chí Minh với Chính phủ thân Nga và miền Nam thì Cụ Ngô Đình Diệm với Chánh phủ thân Mỹ.
Là nạn nhân của thời cuộc và của sự tranh chấp chủ nghĩa quốc tế, dân tộc vô phúc này thay vì đặng giúp đỡ và an ủi, phải thêm một vết đau thương do 9 nước đã vô tình xâm phạm quyền dân tộc tự quyết của họ.
Tình trạng đã hiển nhiên và không một ai có thể nào chối cãi. Việc cốt yếu hiện nay là phải tầm một diệu dược để cứu chữa bịnh trạng ấy.
Bần Đạo rất hài lòng nhận nơi đây hảo ý và sự cố gắng dẻo dai của các cường quốc Trung Lập để tìm một giải pháp hòa bình mong giải quyết vấn đề Việt Nam.
Là Giáo Chủ một Tôn giáo tượng trưng tinh thần của một dân tộc đủ phong tục, đủ văn hiến do một nền văn minh tối cổ Khổng giáo, Bần Đạo không thể ngồi yên đặng nhìn sự thống khổ của họ vì lẽ bất công của xã hội nhơn quần.
Vì cớ nên Bần Đạo định góp sức mọn mình với sự cố gắng của các liệt cường để tìm phương pháp cứu vãn tình thế, giải nạn cho chủng tộc Việt Nam đặng bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho họ.
Hôm nay Bần Đạo phải xuất ngoại cốt yếu để bảo thủ tự do của cá nhân hầu có đủ phương tiện kêu gọi lòng nhân đạo của các liệt cường giúp sức cho Bần Đạo đủ phương hòa giải hầu tránh nạn cốt nhục tương tàn của sắc dân Việt sắp gây nội chiến vì đôi ảnh hưởng.
Nhơn đó Bần Đạo xin gửi theo đây một chương trình tối thiểu mà đại ý là một đường lối chung sống lập thành tại nước Việt Nam một Chính phủ Liên bang hầu có thể thực thi Thống Nhất theo như Hiệp định Genève đã đề nghị.
Chương trình này Bần Đạo đã định rõ trong bức điện văn gởi cho Tứ Cường trong buổi hội nghị Genève kỳ nhì vào ngày 21 tháng 7 năm 1955 và đã nhờ Thủ tướng EDGAR FAUREC chuyển đệ.
Bần Đạo chỉ xin Liên Hiệp Quốc và các liệt cường thật tâm ủng hộ và cương quyết bảo đảm cho Bần Đạo được tự do tuyên truyền giải pháp nầy khỏi sự khủng bố của hai chính phủ đương quyền Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm trong khi Bần Đạo thật hành sứ mạng hòa bình nầy.
Bần Đạo quả quyết rằng: Đồng bào Việt Nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình sẽ hưởng ứng nhiệt liệt phong trào này nếu họ được tự do phát biểu ý chí của họ.
Bần Đạo tỏ lòng tri ân quý vị. (1).
Phnom Penh, ngày 26 tháng 3 năm 1956.
HỘ PHÁP
PHẠM CÔNG TẮC
(Ấn Ký).

&&&


Theo SỬ LƯỢC về HBCS của Ngài QUI TÂM biên soạn tại trang 48 thì thư nầy có đính kèm bản chính sách HBCS.
@@@

TNHT Q2.
Mạnh yếu rồi đây yếu được phần,
Được phần máy Tạo khéo cầm cân.
Cầm cân thăng-thưởng răn người thế,
Người thế sao cho hạnh chói ngần.





 THƯ CỦA ỦY HỘI QUỐC TẾ KIỂM SOÁT CAO MIÊN
 GỞI ĐỨC HỘ PHÁP.
 Ni IS/X/4.                        Phnom.Penh, ngày 21.4.1956
Gởi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Giáo Chủ Đạo Cao Đài.
                                                135/MV.P.B.Nodidom Phuom Penh.
Kính Đức Ngài,
Để hồi đáp thư Đức Ngài số 29 /Hộ Pháp. MN ngày 10 tháng 4 năm 1956 về sự đề nghị vãn hồi hòa bình và nối lại quan hệ cho Việt Nam, nhưng về vấn đề nầy lại là sai phận sự của Uỷ Hội.
Tôi hân hạnh cho Đức Ngài hay nội vụ đã chuyển đệ qua Uỷ Hội Kiểm Soát ở Việt Nam, Uỷ Hội nầy có nhiệm vụ cứu xét đến.
Đức Ngài nhận nơi đây lòng tôn kính của tôi.
Ký tên: S.C NANDY
Phó Tổng Thư Ký
(Dịch từ bản Pháp văn)
&&&
. THƯ CỦA HỘI ĐỒNG TỔNG TRƯỞNG PHÁP
 GỞI ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC.
Hội Đồng Tổng Trưởng                      Ba lê ngày 24-4-1956
Thủ Tướng                                 Gởi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
                                                                                      Phnom Penh
 Kính Đức Ngài,
Ông Cao Uỷ ở Miên có gởi đến tôi thư của Ngài đề ngày 26-3-1956, trong đó Đức Ngài có nhã ý đề cập đến chương trình hành động về chánh trị cho sự hòa bình và nối liền lãnh thổ ở Việt Nam mà Đức Ngài đã thảo ra.
Xin trân trọng cám ơn Ngài đã gởi đến tôi tài liệu khiến tôi rất quan tâm đến, tôi đã chuyển lại cho ông Bộ Trưởng Ngoại Giao để hiểu rõ những đề nghị của Ngài.
Đức Ngài thể nhận mối cảm tình nồng hậu của tôi.
Ký tên GUY MOLLET 
(Dịch từ bản Pháp văn)