Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3206. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt1)

TUYỂN TẬP 
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt1)

CHÚ Ý QUAN TRỌNG.
“Hiểu được ý xin hãy quên lời”
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q2 bài đầu tiên Đức Chí Tôn dạy: ... Đạo là gì? Sao gọi Đạo? Đạo tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm, do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo, thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Đạo nghĩa lý rất sâu xa nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng.


Theo đó những phân tích của chúng tôi trong đây chỉ là bước khởi đầu để lần về chơn pháp chứ không phải chơn pháp có bấy nhiêu. Một thí dụ điển hình trong phần phân tích về tam quyền phân lập của Bát Quái Đài (Lập pháp), Hiệp Thiên Đài (Tư pháp) và Cửu Trùng Đài (Hành pháp) là để hiểu được sự phân quyền căn bản trong đạo. Bởi lẽ:
Theo Đạo Luật Mậu Dần 1938 thì Pháp có Pháp Chánh Truyền và các Đạo Nghị Định. Pháp Chánh Truyền là do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông ban. Các Đạo Nghị định do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập thành, vậy Bát Quái Đài cầm quyền Lập pháp.
Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài phần Nội Luật (1932) tại điều Điều Thứ Mười: Không một Chức Sắc ở Hiệp Thiên Đài đặng phép đứng tên vào những Châu Tri cho chư vị Thiên Phong, Chức Việc, Đầu Họ Đạo, Chủ Thánh Thất và chư Đạo Hữu Nam Nữ, vì Hiệp Thiên Đài chỉ có quyền Lập Pháp (Pouvoir législatif), chớ không có quyền Hành Pháp (Pouvoir exécutif).
Hiến chương 1965. Điều thứ 8: Hiệp Thiên Đài. Hiệp Thiên Đài là Cơ quan Lập Pháp của Đạo, là nơi để thông công cùng Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng bằng Cơ bút do Chức sắc Hiệp Thiên Đài phò loan để tiếp các Thánh ngôn và Luật Pháp Đạo của các Đấng Thiêng Liêng giảng dạy.
Năm 1968 Hội Thánh ban hành quyển TỔ CHỨC TƯ PHÁP LẬP QUYỀN NỘI TRỊ ÐẠO viết:  Nghĩ vì Đạo có Pháp Chánh Truyền và Tân Luật làm qui chuẩn cho việc hành giáo, và đó cũng là Luật Điều để chư Tín Đồ noi theo mới vững an Quyền Nội Trị trong Đạo.
Quyền hành về Tư pháp của Đạo thuộc Hiệp Thiên Đài nắm giữ để bảo thủ Chơn truyền Chánh giáo.
Nghĩ vì từ năm Bính Tý (1936) Đức Hộ Pháp đã lập thành Bộ Pháp Chánh, do Chi Pháp Hiệp Thiên Đài đảm nhiệm, tức là cơ quan nắm giữ quyền hành Tư pháp trong Đạo, dưới quyền của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài.
Trong quyển CHÁNH TRỊ ĐẠO (1974) của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa chương thứ tư ghi rõ: SỰ TỔ CHỨC CỦA QUYỀN TƯ PHÁP HIỆP THIÊN ÐÀI.
Trong lời tựa Ngài Hồ Bảo Đạo viết: Nếu mỗi người đều hiểu đặng và thực thi chu đáo nền Chánh trị của Ðạo trong tình thương yêu anh em ruột thịt, tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau, lấy của mình san sớt cho những ai bạc phước hơn thì cảnh đời đau khổ hiện nay sẽ trở thành một Thiên Ðàng tại Thế đúng như lời Ðức CHÍ TÔN nói khi mới mở Ðạo:
"Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!  
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn".
Với nhận xét trên thì có thể gọi nền Chánh Trị Ðạo là Siêu Chánh Trị.
Trong đoạn kết Ngài Khai Pháp viết: ...Chánh Trị Ðạo hầu như gom góp cả cái hay của toàn cầu, dung hợp cùng nhau làm thành chánh thể thích hợp với cả mọi người, trong đó quyền dân được thi hành tùy sự tấn triển của dân trí, và quyền Vua được tôn trọng, tùy sự bảo tồn của nhơn phong, ta có thể tạm gọi chánh thể trị Ðạo là chánh thể Quân Chủ Dân Quyền vậy.
Bốn nguồn trên đây đều có Hội Thánh Cao Đài kiểm duyệt; qua đó hiểu rằng Hiệp Thiên Đài cầm quyền Lập pháp vì là cầu nối với Bát Quái Đài qua cơ bút để có Pháp Chánh Truyền, các Đạo Nghị Định. Hiệp Thiên Đài cầm quyền hành Tư pháp của đạo do cầm cân luật pháp trong hành chánh tôn giáo. Quyển sách nầy thiên về tổ chức và cứu cánh của hành chánh tôn giáo nên chúng tôi trình bày ngắn gọn: Hiệp Thiên Đài cầm quyền Tư Pháp.
Theo Pháp Chánh Truyền Chú Giải: Cửu Trùng Đài cũng có Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài, nếu bên nguyên hay bị còn kêu oan lên Tòa Hiệp Thiên Đài, nếu còn uất ức thì dâng lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng của Bát Quái Đài. Ngoài ra Cửu Trùng Đài còn có Hòa Viện để phân xử. Như vậy cơ quan Hành pháp của Đạo vẫn có quyền phân xử.
Tóm lại: Đạo Cao Đài hình thành theo nguyên lý của âm dương, liền lạc nhau trong tương hòa và tương sanh nên cả ba quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp thống nhất và hoàn chỉnh như một cơ thể sống.
Sách vở là vật chất hồn, hiểu nó như Thể pháp là đưa nhơn hồn vào đó. Thể pháp là khởi điểm để xây dựng giáo án thực thi (Bí pháp) hầu đạt được cứu cánh của đạo (Chơn pháp). Quyển sách ví như chiếc bè giúp người đọc qua sông, qua sông rồi cứ để bè lại đó cho người khác. Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, được ý xin hãy quên lời.