Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3213. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 8)

TUYỂN TẬP 
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 8)


II/- PHƯƠNG ÁN TU THÂN & ĐỀ ÁN PHỤNG SỰ XÃ HỘI

(Ảnh chụp Bao Lơn Đài)
Đức Chí Tôn là Đấng chủ tể càn khôn vũ trụ. Ngài là Đấng cầm số mạng nhân loại nên biết hết các việc đã qua (Ngàn tuổi muôn tên giử trọn biên) và biết rõ tương lai của nhân loại. Ngài đến lập Đạo Cao Đài vào năm 1926 là để chỉ dẫn cho nhân loại lập nền văn minh mới. 


Ngài chứng kiến tất cả những việc đã xảy ra. Với nhân loại có thể là truyền thuyết, nhưng với Ngài là nó đã xảy ra nên chọn lọc lại và dạy bố trí thành thể pháp để giáo huấn môn sinh. Hiểu như thế là hiểu được phần nổi của tảng băng. Còn phần chìm của tảng băng chính là tương lai của nhân loại gắn liền với những thể pháp mà Ngài dạy bố trí trong tôn giáo. Nghĩa là thể pháp của tôn giáo thể hiện quá khứ và vị lai của nhân loại. Cơ Trời mầu nhiệm, Ngài là Đấng cầm cân công bằng nên phải giử phép công bằng, Ngài không thể cấp nấp bài thi cho môn sinh. Song do tình thương của Đại Từ Phụ thấy đàn con thơ dại nhiễm trần đã mấy ngàn năm nên ép lòng thố lộ một cách kín đáo. Ngài dạy rằng: ...Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi... (Tháng 2/1927).
Liên quan đến 08 phù điêu trình bày còn có cây cân công bình với ngón tay chỉ xuống. Nghĩa là Ngài đã mật báo cho biết rằng: Thầy đã bày ra cho nhân loại tại đây.
Các tôn giáo ra đời là để phụng sự cho nhân loại. Tôn giáo nào cũng có bài bản dạy tu thân và tiếp vật. Tu thân là sửa đổi và nâng cấp thân tâm mỗi người. Tiếp vật là góp phần giúp đở tha nhân, phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay xã hội.
Đạo Cao Đài có Thể Pháp và Bí Pháp. Kinh sách là một phần của Thể Pháp. Kinh sách đạo dạy tu thân hay xã hội vẫn có nhưng Đức Chí Tôn đã đúc kết đường hướng tu sửa thân tâm và phụng sự xã hội qua 8 phù điêu tại Bao Lơn Đài.
Đứng đối diện với Đền Thánh thì 4 phù điêu bên phải (bên ông Thiện) là tu thân: Cần mẫn, thanh liêm, tín nghĩa và chí nhẫn. 4 phù điêu bên tay trái chương trình xây dựng xã hội: Hạ Võ trị thủy: xây dựng hạ tầng; ông Thuấn canh điền: chương trình lương thực; Toại Nhân, Hữu Sào: Chương trình khoa học kỹ thuật & Giáo huấn; Phạm Lãi Tây Thi: Sách lược kinh thương.
Phù điêu bố trí ngay cửa ra vào trên hơn ½ vòng tròn thể hiện: Cho dù tôn giáo hay xã hội thì vẫn gặp nhau ở các chương trình hay phương án trên. Với chức sắc tôn giáo thì đi vào là để học hỏi, đi ra là để thực thi.
1/- Phương án tu thân.
Có 04 công thức: Cần mẫn, thanh liêm, tín nghĩa & chí nhẫn.
1.1/- Công thức thứ nhất: Cần mẫn học tập, Lý Mật (582 – 619).
Phù điêu Lý Mật: Cần mẫn học tập.
Lý Mật gắn liền với điển tích: Ngưu giác quải thư (treo sách trên sừng trâu).
Lý Mật sanh vào thời nhà Tùy rơi vào ly loạn, ông rất ham đọc sách nên khi có việc đi lại ông đem sách theo và cột sách trên sừng trâu để đọc. Cuộc đời ông đầy sóng gió, công danh sự nghiệp của ông có lúc thành công có khi thất bại, nhưng hiểu đúng giá trị của tiền tài nên không nô lệ vào đó. Trong chinh chiến ông chiếm được kho lương thực khổng lồ của triều đình thì đem chia cho dân chúng.
Trong phù điêu Lý Mật đã đứng tuổi (có râu) ngồi lưng trâu cầm sách bằng tay trái để đọc.
Đức Chí Tôn muốn dạy môn sinh rằng khi đến làm khách trần dù ở độ tuổi nào, trong thời buổi nào sự cần mẫn học tập; đó cũng là yếu tố đầu tiên trên con đường thực thi tam lập. Bản thân phải cần mẫn học tập và rèn luyện cho con cháu tinh thần hiếu học.
Trong Thể Pháp thì một cái tên, một màu sơn cũng có ý nghĩa. Theo đó tên Lý Mật còn có nghĩa: Cần mẫn học tập là thông điệp kín đáo mà Đức Chí Tôn muốn môn sinh phải hiểu cho đúng mức.
1.1.1/- Thiên thơ & hai cuốn sách.
Bán Nguyệt San Thông Tin số 77 ra ngày 10/6/1973 có đăng bài ghi chép của Ngài Thừa Sử Phạm Ngọc Trấn, trong đó có đoạn Đức Hộ Pháp cho biết 02 quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển là Thiên Thơ. Thể pháp tại Bát Quái Đài bố trí 02 cuốn Thiên Thơ ở cung Khảm (chánh Nam) do Đại tiên Lữ Đồng Tân trấn giữ.

Hai cuốn Thiên thơ tại Bát Quái Đài.
Thể pháp rèn luyện thân tâm tại Bao Lơn Đài công thức thứ nhất: Cần mẫn học tập bố trí phù điêu Ngài Lý Mật ngồi trên lưng trâu đọc sách. Ông đọc một cuốn còn 02 cuốn treo trên sừng trâu.
John Harvard (1607 – 1638) là một Mục sư người Anh, ông sống tại nước Mỹ. Trước khi qua đời ông để lại di chúc hiến tặng ½ tài sản và sách cho trường. Nhà trường đã lập tượng và lấy tên trường theo tên ông. Cuốn sách ông đọc là của dĩ vãng và hiện tại. Hai cuốn sách dưới ghế ngụ ý rằng: hai cuốn sách của tương lai mà các thế hệ sau sẽ mở ra. Trường đại học Harvard bang Massachusetts hiện nay là trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Phù điêu Lý Mật tại Đền Thánh và Tượng John Harvard.
1.1.2/- Thiên nhãn và đồng đô la.
Khi khai đạo Thầy dạy vẽ con mắt bên trái để làm Thiên Nhãn. Ngày 25 Fevrier 1926 Thầy dạy: ... Chưa phải hồi các con biết tại sao vẽ Thánh-Tượng "Con Mắt" mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh.
Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang Chủ Tể.
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả, Ngã giả.
Thần là khiếm khuyết của cơ mầu-nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập "Tam-kỳ Phổ-độ" nầy duy Thầy cho Thần hiệp Tinh-khí đặng đủ "Tam Bửu" là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh (hết trích).
Ngày nay người đạo ghi nhận nước Mỹ có bố trí con mắt bên tay trái trên đồng 1 USD, theo các thông tin có được thì các vị thiết kế con mắt của Thượng Đế. Con mắt của xã hội và tôn giáo cùng chọn bên trái.
Ngày 24/5/Mậu Tý (30/6/1948) Đức Hộ Pháp cho biết Đức Chí Tôn có nói với Ngài rằng: ... nước Mỹ sẽ lãnh trách nhậm đi truyền giáo toàn cầu. Chúng tôi ghi nhận 02 sự thật trên đây để cùng nhau suy nghiệm.
1.2/- Công thức thứ hai: Thanh liêm, Hứa Do, Sào Phủ.


Phù điêu Hứa Do, Sào Phủ: Thanh Liêm.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Quyển một phần Thi văn dạy đạo:
Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa,
Vì nẽo lợi danh cũng đã thừa.
Mau bước lui lần qua cõi tục,
Cười, than, vui, khóc thấy hay chưa?
Sào Phủ chính là nhân vật tượng cho thanh liêm trong thể pháp.
Hứa Do: là một ẩn sĩ sống vào thời Đế Nghiêu (là một ông vua thời huyền sử Trung Quốc), thời đó nhà vua tìm người hiền để truyền ngôi (không truyền tử). Đế Nghiêu dò xét biết Hứa Do là người hiền nên tìm đến tận nơi ông ẩn cư ngõ ý nhường ngôi vua lại cho Hứa Do. Hứa Do không nhận, nhà vua thuyết phục không được nên cáo từ ra về. (Sau Đế Nghiêu tìm đến ông Thuấn và nhường ngôi.)
Hứa Do thấy sự thanh tỉnh trong tâm hồn ông bị khuấy động bởi những lời nói của Đế Nghiêu nên xuống suối rửa lỗ tai để tìm lại sự thanh tịnh.
Sào Phủ: cũng là một ẩn sĩ sống cùng thời với Hứa Do. Ông sống cuộc đời thanh bạch tự mình cày cấy để ăn. Ông sống cùng một địa phương với Hứa Do. Một hôm ông cày ruộng xong thì dắt trâu ra suối cho uống nước.
Sào Phủ thấy Hứa Do lom khom rửa tai mới hỏi thăm.
Hứa Do mới kể lại việc Đế Nghiêu tìm ông để nhường ngôi. Sào Phủ nghe xong lập tức giật vàm trâu không cho trâu uống nước dắt và đắt trâu ngược lên đầu trên dòng nước mới cho trâu cho uống.
Hứa Do lấy làm lạ hỏi vì sao?
Sào Phủ nói Tôi sợ trâu của Tôi uống phải nước dơ bẩn từ tai của anh rửa ra nên đem nó lên đầu trên để uống. Anh ẩn dật mà chưa phủi hết lợi danh nên mới lộ ra để cho Đế Nghiêu biết mà tìm đến mời. Hứa Do lặng người không nói chi được, Sào Phủ cho trâu uống nước xong ra về.
Trong phù điêu thể hiện Sào Phủ có động tác giật vàm cả 03 con trâu (01 trâu, 01 nghé lớn và 01 nghé nhỏ là 03 thế hệ) rất dứt khoát, mạnh mẽ. Kèm theo đó là khuôn mặt của Hứa Do và Sào Phủ... đã lột tả được cái thần của câu chuyện.
Đời sau dùng tích Hứa Do, Sào Phủ để ca ngợi, tôn vinh những bậc ẩn sĩ,  cao nhân chuộng cuộc sống thanh liêm.
Nhà văn Huỳnh Tịnh Của viết câu chuyện Hứa Do, Sào Phủ trong Chuyện Giải Buồn có nhận xét rằng: Nghe mà rửa chi bằng đừng nghe.
Sau nữa ông Nguyễn Văn Ngọc viết lại trong Cổ Học Tinh Hoa.
Phù điêu thứ nhất và thứ nhì đều có hình ảnh con trâu kèm theo.
Đức Chí Tôn dạy về tính thanh liêm, ngay thật:
Con hiểu ý bài Thi nầy chăng?
Ẩm mã đầu tiền Hạng Trọng-Sơn,
Chung qui hữu-phước hạnh tao-phùng.
Hậu lai mạt tín đa phi-thị,
Hữu ngoại thành tâm tái vận cung.
.... Không đâu con! Con có hiểu hai câu nầy chăng?
Hớn Lưu-Khoan trách dân Bồ-Tiên thị nhục,
Hạng Trọng-Sơn khiết kỹ ẩm mã đầu tiền.
Nghĩa là: Đời Hớn, ngươi Lưu-khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát, cho biết nhục vậy thôi, còn nước Hạng, ngươi Trọng-Sơn, sạch mình cho đến đỗi, cho ngựa uống nước rồi vãi tiền xuống sông mà trả; trong sạch đến đỗi của Trời Đất cũng không nhơ-bợn, con hiểu à!
Thầy muốn dạy con, phải ở và dạy nội gia-quyến con cho chánh-đáng, phải lấy lòng trong sạch đối-đãi với người dầu việc nhỏ mọn cũng vậy. Con khá đọc Thánh-Ngôn và cắt nghĩa Thánh-ý Thầy cho mọi người biết.
Hạnh ngay thật là nét yêu-dấu của Thầy, con nghe. (TNHT Q2) ngày 30/9/1926, (hết trích)
1.3/ Công thức thứ ba: Tín nghĩa, Bá Nha, Tử Kỳ.

Phù điêu Bá Nha, Tử Kỳ: Tín nghĩa.
Câu chuyện tri âm, tri kỹ của người tiều phu và một vị quan thể hiện cho tín nghĩa.
Du Bá Nha người nước Sở nên còn gọi Sở Bá Nha làm quan Thượng Đại Phu nước Tấn (Thời Xuân Thu chiến quốc). Bá Nha đi sứ nước Sở, xong việc sứ thần thì thăm cố hương và trở về nước Tấn. Thuyền đi trên sông Hán Giang (Hán Thủy) gặp tiết Trung thu thì dừng lại ở bến Hán Dương, cạnh chân núi Mã Yên để thưởng trăng. Bá Nha vốn là một nghệ sĩ tài hoa cảm cảnh muôn ánh tơ vàng buông trên làn nước nên mang đàn Thất Huyền Cầm ra đàn.
Chung Tử Kỳ là một ẩn sĩ, làm tiều phu đốn củi ở núi Mã Yên vẫn thường qua lại nơi bến Hán Dương. Hôm ấy gánh củi về ngang nghe tiếng đàn của Bá Nha thì lòng xúc động nên dừng lại để gánh củi xuống thả hồn vào tiếng đàn huyền ảo, đê mê.
Bá Nha đang đàn thì bị dứt dây. Ông lấy đang lấy làm lạ và suy nghĩ có thể có cao nhân đang nghe nên sai lính lên bờ tìm kiếm. Bỗng nghe có tiếng từ trên bờ sông vọng xuống: Tiểu dân gánh củi về ngang nghe tiếng đàn của đại nhân hay quá chân bước không đành, nên dừng lại thả hồn vào cung đàn tuyệt diệu xin ngài đừng bận tâm.
Bá Nha nghe xưng một tiều phu mà cảm được tiếng đàn mới lấy làm lạ và hỏi: Cao nhân đã nghe đàn dám xin cho biết là bản đàn gì chăng?
Tử Kỳ: Đại nhân đang thổi hồn vào Khúc Vọng Vi vừa hết câu thứ ba thứ dừng lại.
Bá Nha thích thú mời Tử Kỳ lên thuyền đàm đạo. Bá Nha thay dây đàn và gảy đàn tiếp, Tử Kỳ nghe và nói rằng tiếng đàn véo von cao vút ý như đang dạo non cao. Bá Nha lại chuyển qua khúc khác Tử Kỳ nói rằng tiếng đàn bao la, ý tại cảnh trời nước mênh mông.
Bá Nha bái phục và tiếp tục đàm đạo. Hỏi thăm tên tuổi đã xong Bá Nha xin kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha thấy sở học của Tử kỳ rất uyên thâm, kinh sử làu thông, ý tứ trôi chảy thanh cao nên ngõ ý mời về kinh để bước vào hoạn lộ. Tử Kỳ vái và nói rằng mình còn phụ mẫu nên phải thỉnh ý song thân. Đối ẩm chốc lác rồi Tử Kỳ xin kiếu vì e rằng về muộn cha mẹ lo lắng. Bá Nha lấy hai nén vàng trao cho Tử Kỳ và nói rằng: Hai ta giờ là huynh đệ lẽ ra huynh phải đến viếng song thân nhưng việc quan ràng buộc xin hiền đệ thứ lỗi, thay cho huynh cầm của nầy về dâng cho phụ mẫu giử gìn sức khỏe. Ước hẹn với nhau một năm nữa sẽ gặp nhau tại bến sông nầy, khi đó hiền đệ đưa huynh về thăm viếng và kỉnh lễ phụ mẫu.
Tử Kỳ bái biệt lên bờ, gánh củi về nhà, lòng thơ thẩn nhớ người anh gặp rất tình cờ mà tình như cố cựu. Bá Nha nhìn theo bóng Tử Kỳ mờ ảo dưới ánh trăng, nhìn vào cây đàn... rồi nhổ thuyền về Tấn mà lòng bùi ngùi thương mến đứa em vừa kết nghĩa đã vội chia xa.
Thời gian thắm thoát Bá Nha xin phép về thăm quê. Đến bến sông xưa, bên gành đá cũ cắm thuyền lại bồi hồi nhớ người nghĩa đệ gánh củi hôm nào. Ông lại lấy đàn ra gảy hy vọng Tử Kỳ nghe và sớm gặp. Bá Nha nhung nhớ Tử Kỳ nhưng trong tiếng đàn có hơi ai oán, thê lương, ông kinh sợ và nghĩ rằng có chuyện không may với Tử Kỳ. Ông không đàn được nữa, trằn trọc qua đêm, sáng sớm lên bờ tìm kiếm Tử Kỳ.
Đi một đổi trước mắt bày ra hai con đường, ông dừng lại chờ người tới hỏi thăm đường. Lúc sau có một cụ ông đi tới, Bá Nha thi lễ rồi hỏi xem nhà Chung Tử Kỳ ở thôn Tập Hiền đi lối nào? Cụ ông hỏi rằng Đại nhân ở phương nào, quen biết với Chung Tử Kỳ ra sao? Bá Nha xưng tên và nói rằng Tử Kỳ là em kết nghĩa. Cụ ông nước mắt tuôn rơi, nấc nghẹn... rằng năm trước Tử Kỳ về có thưa lại chuyện kết nghĩa với Bá Nha... Nhưng chẳng may Tử Kỳ bị bệnh mà qua đời. Nó có xin chôn ở chân núi Mã Yên để đón nghĩa huynh. Bá Nha cũng khóc và xin đi viếng mộ Tử Kỳ.
Đi về phía con thuyền một đổi đến ngôi mộ nhỏ, cỏ chưa phủ kín là nơi an nghĩ của Tử Kỳ. Bá Nha bày lễ vật ra cúng tế, khóc thương người em tài hoa mệnh bạc. Bá Nha nâng đàn lên gảy khúc Thiên Thu Trường Hận... khi dứt tiếng đàn thì Bá Nha đập vỡ cây đàn để tạ lòng bạn tri âm.
Chung lão còn đang bàng hoàng thì Bá Nha vừa khóc vừa cúi lạy xin phụ thân tưởng tình kết nghĩa với Tử Kỳ cho phép rước phụ mẫu về để phụng dưỡng cho trọn đạo.
1.4/- Công thức thứ tư: Chí nhẫn, Khương Thượng, Võ Kiết.
(Trong phù điêu Võ Kiết gánh củi mà nét mặt lém lĩnh, cười mĩa ông câu có hiệu Phi Hùng rất tinh tế.)
Khượng Thượng (1156 TCN – 1017 TCN) tự là Tử Nha hiệu là Phi Hùng. Ông là một nhân vật lịch sử có thật. Tên tuổi của ông gắn liền với bộ tiểu thuyết chương hồi đầy chuyện thần tiên hư hư thật thật, mờ mờ ào ảo tên Phong Thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm (cũng có thuyết cho rằng của Lục Tây Tinh viết). Khương Thượng học đạo tiên với Ngươn Thủy Thiên Tôn, bởi còn nặng nợ trần nên thầy cho xuống núi lập bảng phong thần. Ông về làm một chức quan nhỏ cho nhà Trụ. Sau không khứng làm chuyện bất nhơn, hại dân nên bị đuổi và lui về đất Tây Kỳ ẩn cư bên sông Vị.
Võ Kiết là một tiều phu gánh củi đi bán thấy Khương Tử Nha ngồi câu thì làm bạn. Võ Kiết biết ông có hiệu là Phi Hùng thì cười nhạo đến khi thấy lưỡi câu ngay đơ thì cười nhiều hơn nữa và chỉ cách uốn câu, chặt ngạnh móc mồi... có ý chê ông càn dỡ...
Khương Tử Nha nói sắc mặt nhà ngươi xấu lắm coi chừng bị án sát nhơn. Võ Kiết nổi giận mắng ông câu độc miệng không biết thú đối đáp ngư tiều rồi gánh củi đi bán.
Văn Vương là một chư hầu lớn bị Trụ Vương cầm tù được tha về Tây Kỳ. Ông thấy một con cọp có cánh thì tin rằng đó là điềm gặp hiền thần nên cất công tìm kiếm có lính dọn đường. Võ Kiết đi đến lính quýnh quay gánh củi làm chết người. Luật định chết người thì thường mạng. Nhà vua sai lính vẽ vòng cho Võ Kiết ngồi trong đó chờ vua quay về trị tội.
Võ Kiết ngồi khóc, Táng Nghi Sanh đến hỏi tội nhà người rành rành ra đó còn khóc nỗi gì? Võ Kiết thưa rằng Tôi không có anh em, mà còn một mẹ già, Tôi chết đã đành ngặt nỗi mẹ tôi không người phụng dưỡng chắc phải chết đói. Táng Nghi Sanh mới xin với Vua cho Võ Kiết về lo cho mẹ đến mùa Thu sẽ chịu tội.
Võ Kiết về gặp mẹ khóc kể sự tình rồi oán ông câu độc miệng. Bà mẹ mới hỏi nguồn cơn và dạy con đến gặp ông câu xin cứu mạng. Võ Kiết nghe lời đến lạy Khương Tử Nha xin cứu. Ông câu nói ngươi tôn ta làm sư phụ mới xong. Võ Kiết như chết đuối vớ được phao lạy mừng sư phụ. Khương Tử Nha dây về nhà đào một cái huyệt, đốt đèn trên đầu và dưới chân, rãi gạo và phủ cỏ tươi lên huyệt. Ta làm phép một đêm là xong. Võ Kiết về làm theo lời dặn, sáng ra đến trình thầy. Khương Tử Nha dạy rằng từ đây làm ăn bình thường, ngày đốn củi đem tập rèn võ nghệ chờ ngày phò vua giúp nước.
Mùa Thu đã đến Táng Nghi Sanh không thấy Võ Kiết đến chịu tội mới xin Văn Vương bói dịch xem Võ Kiết trốn nơi nào bắt về trị tội. Nhà vua xủ quẻ rồi bảo rằng Võ Kiết đã nhảy sông tự vận chết nên coi như án đã xong.
Đến mùa Xuân khí trời ấm áp nhà vua lại muốn đi tìm hiền thần trong mộng nên xa giá lại lên đường. Đến khi thấy người tiều phu gánh củi vừa đi vừa hát Táng Nghi Sanh nhìn ra là Võ Kiết mới cho lính bắt lại. Nhà vua thấy phép bói của dịch không linh thì than rằng như thế không nên truyền lại cho đời. Táng Nghi Sanh điều tra, Võ Kiết kể hết sự tình. Nghe Võ Kiết nói ông câu có hiệu Phi Hùng lại có phép thuật qua được cả phép bói thì tâu lên vua. Nhà vua mừng vì gặp được hiền thần và hiểu được nguyên do phép bói bị qua mặt thì tha tội cho Võ Kiết truyền lịnh dẫn đường đến Bàn Khê. Nhà vua thỉnh Khương Thượng về triều, lúc ấy ông đã 80 tuổi.
Văn Vương qua đời truyền ngôi cho con là Cơ Phát xưng là Võ Vương. Khương tử Nha lãnh ấn nguyên nhung đem binh diệt nhà trụ xây nên cơ nghiệp nhà Châu.

Hai chữ NHƠN NGHĨA tại mặt tiền Đền Thánh.
Nhà Châu nổi tiếng là triều đại nhơn nghĩa. Cuộc chinh chiến diệt nhà Trụ về mặt vô vi là thời phong thần. Theo Giáo Lý Đạo Cao Đài thì phong thần là thời kỳ có thật: Trung Hoa phong thần, Ai Cập phong thần, La Mã phong thần. Phong Thần là có thật.
Đức Chí Tôn dạy:
Phong thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô.
Mượn thế để toan phương giác thế,
Cũng như nương viết của chàng Hồ.
Đành rằng thời kỳ phong thần là có thật nhưng Đức Hộ Pháp cũng nói rõ những câu chuyện trong Phong Thần diễn nghĩa thì cũng đầy mê tín trong đó.
Thời kỳ nhà Châu thuộc về Nhị Kỳ Phổ Độ.
Tam Kỳ Phổ Độ thuộc về thời phong Thánh nghĩa là nâng lên một cấp. Để chuyển thế từ hạ ngươn mạt pháp trở lại đời thượng ngươn thánh đức thì đạo Cao Đài dụng Nho tông chuyển thế. Cho nên mặt tiền Đền Thánh có hai chữ NHÂN NGHĨA là cốt lõi của đạo Nho mà cũng ngụ ý rằng nối tiếp truyền thống nhơn nghĩa của nhà Châu.

(Còn tiếp)
2/- Đề án phụng sự xã hội.