Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

3207. TUYỂN TẬP CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 2)

TUYỂN TẬP 
CHƠN PHÁP CAO ĐÀI Q.1. (tt 2)


NGUYÊN DO & ĐẶC ĐIỂM.
(Bài 1).
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi tắt là Đạo Cao-Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát dùng cơ bút để dạy môn sinh lập thành. Lễ Khai Đạo được tổ chức vào ngày 15/10/Bính Dần (Thứ sáu, DL: 19/11/1926) tại Chùa Gò Kén, Làng Long Thành, Tỉnh Tây Ninh, Nam phần Việt Nam.

I/ Nguyên do.
Xưa nay mỗi tôn giáo ra đời đều có những nguyên do về thiên thơ, tín ngưỡng và thời đại theo luật cung cầu. Như vậy nguyên do để Thượng Đế lập ra Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là gì?
1/- Khai ngươn chuyển thế.
Đạo học chia một năm thành 03 ngươn: Thượng ngươn (tháng 1 đến tháng 6), Trung ngươn (tháng 7 đến tháng 9) và Hạ ngươn (tháng 10 đến tháng 12), rồi sang năm mới cũng bắt đầu theo 03 ngươn như thế với thời gian mới, không gian mới, con người mới, xã hội mới, nghĩa là tài nguyên và môi trường đều mới.
Một ngươn hội của tạo hóa cũng chia làm 03 ngươn: Thượng ngươn (thánh đức), Trung ngươn (tranh đấu) và Hạ ngươn (bảo tồn). Mỗi ngươn đều có các vì giáo chủ đến mở đạo hay chấn hưng mối đạo cho phù hợp với thiên thơ và nhu cầu tiến hóa của nhân loại.
Thế kỹ 20 là buổi Hạ ngươn hầu mãn nên Đức Chí Tôn chiếu theo thiên thơ hội chư Tiên Phật lại thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt Quốc; dạy cho nhân loại lập một nền tôn giáo mới với danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ hay gọi tắt là Đạo Cao Đài để đưa nhơn loại từ Hạ ngươn sang Thượng ngươn theo lẽ tuần hườn của tạo hóa.
2/- Nhu cầu tín ngưỡng.
Thời Nhị kỳ phổ độ có các Đấng thiêng liêng cao trọng giáng thế để chấn hưng Phật Giáo (Đức Thích Ca), Tiên Giáo (Đức Lão Tử) và Nho Giáo (Đức Khổng Tử). Sau có Đức Chúa Jesu Christ mở thêm đạo Gia-Tô. Các vị giáo chủ đều có để lại những tiên tri hay dự ngôn cho biết có nên tân tôn giáo ra đời.
2.1/- Ứng hợp với tiên tri.
Đức Hộ Pháp thuyết đạo ngày 22/6/Mậu Dần (DL 19/7/1938):  Các vì Giáo Chủ ngày xưa tiên tri rằng: Buổi sau nầy Tam Giáo phải qui phàm nên có để lời bí tích trong sấm truyền như:
- Phật Tông Nguyên Lý, Đức Thích Ca nói: Lục vạn dư niên Thiên khai Huỳnh Đạo.
- Còn Nho Giáo, Đức Khổng Tử nói: Mạt hậu Tam Kỳ Thiên khai Huỳnh Đạo.
- Đức Chúa Jésus khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá có nói tiên tri với môn đồ của Ngài rằng: Trong hai ngàn năm Tận thế, Ta sẽ đến phán xét cho nhơn loại một lần nữa. Và Ngài có nói: Còn nhiều chuồng chiên, sau Đức Chúa Trời sẽ qui về một mối.
Nay Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đúng theo lời sấm truyền của các vị Giáo Chủ ngày xưa.
2.2/- Khai mở cơ Đại ân xá (tận độ & dâng công đổi vị).
Nhân tâm và luật lệ vẫn xung khắc nhau. Người hành đạo chìu theo nhân tâm làm cho chánh giáo trở nên phàm giáo dẫn đến thất kỳ truyền, cho nên tu thì nhiều mà thành thì ít. Cái công tu luyện và phụng sự vẫn có mà chưa được ban thưởng nên Thầy đến để xét công ấy mà ban thưởng.
Ngày 21/8/1926, TNHT Q 1 Thầy dạy:... Nguyên từ buổi bế đạo, tuy chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đắc đạo cùng không. Nhưng mà có một điều là Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít...
Ngày 20/3/1932. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn dạy: Bần đạo khi đắc lịnh làm Chưởng Đạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương, thì tùy lòng bác ái của Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị. Bần đạo chẳng kể là nguyên nhân, hóa nhân hay là quỉ nhân ví biết lập công thì thành đạo... (TNHT Q 2)

(Cân công bình để giúp nhân loại dâng công đổi vị)
Thầy đến để Khai mở cơ đại ân xá nên ban cho nguyên tắc Dâng Công Đổi Vị. Vậy ai được hưởng nguyên tắc dâng công đổi vị?
2.2.1/- Thứ nhất: những người đương thời.
 Người đương thời bao gồm môn đệ Đấng Cao Đài và người thuộc tôn giáo bạn hay người lương.
Môn đệ của Đức Chí Tôn là người đã nhập môn cầu đạo (thí sinh trong trường lớp). Khi nhập môn cầu đạo mỗi người đều có lập thệ trước thiên bàn: “Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật lệ Cao - Đài, như sau có lòng hai thì Thiên - tru, Địa - lục.”.
Lời minh thệ là tiền đề cơ bản để người đạo thực hành tam lập (lập công, lập đức, lập ngôn) khi hành đạo, cho đến cuối đời (hấp hối) được đồng đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn đến nhắc rằng:
Xét câu minh thệ giữ mình cõi thăng.
(Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối câu 12)
Theo đó người tín đồ Cao Đài biết giữ lời minh thệ khi nhập môn cầu đạo là đạt vị. Ngọc Đế không ép ai phải nhập môn cầu đạo, cũng không từ chối ai muốn nhập môn cầu đạo. Nhập môn hay không nhập môn là quyền tự do mà Ngọc Đế ban cho. Khi đã nhập môn thì phải tuân y luật lệ Cao Đài để thực thi tam lập (thí sinh trong trường lớp).
Với người lương hay tôn giáo bạn (thí sinh tự do), biết tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ (là thực thi tam lập: lập công, lập đức, lập ngôn) để phụng sự nhơn loại xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do (đề thi của Tam Kỳ Phổ độ đã công bố) thì bài thi vẫn được xét công để ban thưởng (Di Lạc Chơn Kinh).
Trường hợp đặc biệt (cho hưởng lễ Bạt Tiến): Những người do yếu lòng nên sa ngã bỏ đạo, người không theo đạo kể cả người chết không biết mà thân nhân hiểu biết nên tin tưởng Đức Chí Tôn cũng được hưởng nghi lễ Bạt Tiến. Bạt Tiến là sự chỉ dẫn, là lời tiến cử của Đức Chí Tôn ban cho vong linh người chết hưởng để đi qua các cảnh giới. Đó là ân điển lớn lao do Đức Chí Tôn ban bố cho người lìa trần.
Đức Chí Tôn cao không với tới khuất không rờ đặng, lại không có nhơn thân phàm ngữ nên mới lập ra nền chánh giáo cậy tay môn đệ an ủi, giúp đở lẫn nhau trong đường đạo và đường đời. Người hành đạo thực hành nghi lễ do Chí Tôn sắp đặt trong tang lễ là thay thân cho Đức Chí Tôn đến chỉ dẫn cho vong linh người tạ thế đến với các Đấng Thiêng Liêng. Nghi lễ trang trọng trong tang tế sự là để tiến cử vong linh người lìa trần đến với các Đấng Thiêng Liêng hầu hưởng ân phước mà tự siêu độ lấy mình (các lễ phẩm ấy không phải dâng cho người lìa trần). Người hành đạo không hiểu được cái lý lẽ thâm sâu ấy trong tang tế sự thì đạo chỉ còn là cái hội chôn thây.
2.2.2/- Thứ hai: Các vị đã tạ thế trước khi mở đạo.
Theo sử đạo, bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) qui liễu còn bị kẹt ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng (Phong đô). Khi khai mở cơ Đại ân xá bà Thất Nương Diêu Trì Cung đến độ rỗi. Bà Đoàn ngộ được lý đạo, tự hóa giải những nghiệp chướng (tự siêu, tự độ). Bà về cơ viết quyển NỮ TRUNG TÙNG PHẬN, hướng dẫn người đạo hiểu được bổn phận làm người, đặc biệt là Nữ Phái. Nhờ công đó bà Đoàn được nhập vào Bạch Ngọc Kinh. Sau đó bà đắc lịnh viết một số bài kinh trong phần Thế Đạo.
Tóm lại Đức Chí Tôn đến dạy cho nhân loại lập ra một tôn giáo mới, giáo lý mới (dụng tinh hoa tam giáo tạo ra thể pháp) giúp nhân loại sống trong tình thương và công bằng để xây dựng nền văn minh tâm linh theo luật cung cầu.
3/- Về xã hội: Xây dựng nền văn minh tâm linh.
Nhị Kỳ Phổ Độ, Tam giáo chấn hưng khi đó nhân loại đang sống trong nền văn minh nông nghiệp sau đó tiến lên văn minh công nghiệp, văn minh điện và điện tử. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã giúp nhân loại thoát ra khỏi phương tiện giao thông bằng cơ bắp hay sức kéo của gia súc. Thế kỹ 20 những phương tiện giao thông tân tiến đã đưa nhân loại từ châu lục nầy sang châu lục khác rất dễ dàng. Nhân loại đã bước vào thời năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà (toàn cầu hóa). Nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng gặp nhau. Trong tương giao có sự khác biệt nhau về phong hóa, tín ngưỡng, tôn giáo nên quyền lợi xung đột nhau. Do vậy mà Thượng Đế đến để dạy nhân loại lòng bao dung, tinh thần hòa bình để chung sống với nhau trong một nền văn minh mới theo luật cung cầu.
3.1/- Tam Thánh ký hòa ước (Đạo Đời hòa nhập).
Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, Đại văn hào Victor Huygo và Nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Cả ba vị không phải là người trong giới tu hành. Nhờ vào nguyên tắc dâng công đổi vị nên ba vị được Đức Chí Tôn xét công phụng sự nhân loại xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do để phong thánh.

(Tam Thánh ký hòa ước)
Tam Thánh được Đức Chí Tôn chọn làm đại diện cho nhân loại ký Thiên Nhơn Hòa Ước lần thứ ba (Đệ Tam Hòa Ước).
Trong thể pháp thì Đền Thánh (tôn giáo) và Đại Đồng Xã (xã hội) nối nhau qua Đại lộ Phạm Hộ Pháp. Thể pháp thể hiện lấy đạo trau đời và mượn đời giồi đạo. Tôn giáo có cách thức xây dựng xã hội và ngược lại xây dựng xã hội là phương pháp làm sáng mối đạo.
Trường Đời đem thử gan anh tuấn,
Cửa Đạo mới ra mặt thánh hiền.
Tam thánh thể hiện cho Đạo Đời hòa nhập.
3.2/- Thiên nhãn trong tôn giáo và xã hội.
Đức Chí Tôn dạy người Đạo Cao Đài dùng con mắt bên trái để thờ (tôn giáo). Trên đồng một USD của Hoa Kỳ cũng chọn con mắt bên trái để biểu thị cho Thượng Đế (xã hội). Như vậy biểu tượng của Thượng Đế trong tôn giáo và xã hội đã hội tụ nhau. Đạo và Đời cùng tham gia vào cơ phong thánh, cộng hưởng nhau để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.

(Biểu tượng cho Thượng Đế hội tụ nhau).
3.3/- Tôn giáo gắn liền với khoa học.
Cửu Trùng Đài là cơ quan hành pháp. Cửu Trùng Đài có 09 viện nghiên cứu để lo cho người đạo từ vật chất đến tinh thần.
Phái Ngọc chịu trách nhiệm 03 viện.
Hòa viện: nghiên cứu luật pháp để hòa giải trong tôn giáo.
Lại Viện: nghiên cứu về hồ sơ chức sắc và thuyên bổ nhân sự.
Lễ Viện: nghiên cứu về nghi lễ, phong tục.
Phái Thượng chịu trách nhiệm 03 viện.
Học Viện: nghiên cứu việc giáo huấn.
Y Viện: nghiên cứu về sức khỏe và y học.
Nông Viện: nghiên cứu về nông nghiệp.
Phái Thái chịu trách nhiệm 03 viện.
Hộ Viện: nghiên cứu về tiền tệ, kinh tế.
Lương Viện: nghiên cứu về lương thực.
Công Viện: nghiên cứu về công nghiệp, thương nghiệp.
Ngoài ra còn có Hàn Lâm Viện để trợ giúp cho Cửu Viện.
09 viện nghiên cứu do 03 phái (Tam giáo) đảm nhận và có Cửu Vị Tiên Nương dẫn dắt, hộ trì, đó là tín ngưỡng (đạo) khoa học (đời) gắn liền nhau. 


(Còn tiếp)