Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

2627. BNS HÒA BÌNH CHUNG SỐNG SỐ 10.

BNS HBCS SỐ 10.


Ý NGHĨA TAM THÁNH.
Hội Thánh chưa kiểm duyệt.
Đứng tại cửa chính của Tòa Thánh Tây Ninh nhìn thẳng vào bên trong có một bức họa cao 2,80m rộng 1,9m. Tên đầy đủ là Tam Thánh ký Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước (gọi tắt là Tam Thánh ký Hòa Ước). Góc dưới bên phải có ghi: Tòa Thánh 1947. Họa sĩ Lê Minh Tòng. Bức họa được bố trí tại Tịnh Tâm Điện.

Đứng đối diện với bức họa bên tay phải có 02 bia, bên tay trái có 02 bia. Nội dung các bia ghi tóm lược về Tam Thánh.
Hai bia bên tay phải viết bằng hai ngôn ngữ, bia bên trên viết bằng chữ Quốc Ngữ, bia bên dưới viết bằng Anh Văn.
Hai bia bên tay trái viết bằng 03 ngôn ngữ. Bia bên trên viết bằng 02 ngôn ngữ: Nho Văn và Pháp Văn. Bia bên dưới viết bằng Đức Văn. Như vậy có 04 bia và 05 ngôn ngữ ghi lại những nét chính yếu về Tam Thánh. (Xin xem chi tiết về Tam Thánh tại phụ đính 01.)
 

Nguyên văn bia tiếng Việt như sau:
TRUYỆN KÝ TƯỢNG
TAM THÁNH.
Cụ Nguyễn-Bỉnh-Khiêm là nhà tiên tri danh tiếng lớn ở đời Mạt-Lê, thi đậu Trạng-Nguyên tước vị là Trình-Quốc-Công tục gọi Trạng-Trình. Giáng cơ tự xưng là Thanh-Sơn Đạo-Sĩ, tức là vị sư phó của Bạch-Vân-Động.
Cụ Victor Hugo, nhà thi gia trứ danh của Pháp Quốc. Giáng cơ tự xưng là Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn, tức là đệ tử của cụ Nguyễn-Bỉnh-Khiêm ở Bạch-Vân-Động.
Cụ Tôn-Dật-Tiên đại cách mạng gia nước Trung-Hoa, nhũ danh là Tôn-Văn. Giáng cơ tự xưng là Trung-Sơn Chơn-Nhơn, tức là đệ tử của cụ Nguyễn-Bĩnh-Khiêm ở Bạch-Vân-Động.
Ba vị Thánh Nhơn trên đây là thiên sứ đắc lịnh làm hướng đạo cho nhơn loại để thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước. (hết).
Như vậy Tam Thánh là Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, đại văn hào Victor Hugo và nhà đại cách mạng Tôn Văn.
1/- Ba vị nầy không nằm trong giới tu hành vậy tại sao thành Thánh?
Ba vị không nằm trong giới tăng lữ nhưng được phong thánh là do nguyên tắc dâng công đổi vị của Tam-Kỳ Phổ-Độ. Dâng công đổi vị là sao? Là căn cứ vào công nghiệp của mỗi người được nhân loại nhìn nhận như thế nào thì Đức Chí Tôn căn cứ vào đó mà ban cho địa vị tương ứng.
Tam-Kỳ Phổ-Độ là cơ tận độ và độ tận nên mới có nguyên tắc dâng công đổi vị. Không phân biệt sĩ, nông, công, thương, binh, tăng hay thượng lưu, trung lưu, hạ lưu hễ biết lập công thì đạt vị. Những người đã bỏ xác phàm trước khi có Tam-Kỳ Phổ-Độ vẫn được Đức Chí Tôn xét công ban thưởng. Đấng cầm cân công bằng đem cân công, tội trong mỗi kiếp sinh bù trừ xem kết quả là tương ứng với phẩm nào thì đem phẩm ấy ban cho. Cho nên không riêng gì ba vị trên mà có hằng hà sa số vị cả Nam và Nữ cũng được ban thưởng.
Ngoài ba vị chúng ta còn biết bà Đoàn Thị Điểm cũng nhờ hưởng được nguyên tắc dâng công đổi vị mà từ chổ phải ngồi ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng (Phong Đô) mấy trăm năm, đến khi Đức Chí Tôn mở cơ đại ân xá bà mới được Thất Nương Diêu Trì Cung đến độ. Nhờ vậy bà viết tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận để lập công. Nhờ công đó được nhập vào Bát Quái Đài. Sau đó đắc lịnh viết một số bài kinh trong phần Thế Đạo.
 2/- Tại sao lại chọn ba vị đại diện cho nhân loại?
Đức Chí Tôn chọn ba vị đại diện cho nhân loại ký Đệ Tam hòa ước bởi lẽ:
Ngài Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm sanh ở phương Đông, phụng sự cho nhân loại theo quan điểm, tư tưởng phương Đông. Ngài đại diện cho Đông phương triết học. Ngài viết chữ Nho, dịch ra quốc ngữ: Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình. Viết theo hàng dọc, từ trên xuống dưới.
Ngài Victor Hugo sanh trưởng ở phương Tây, phụng sự cho nhân loại theo quan điểm và tư tưởng phương Tây. Ngài đại diện cho Tây phương khoa học. Ngài viết DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE. (Thượng Đế và nhân loại – Tình thương và Công lý.) Viết theo hàng ngang từ trái qua phải.
Ngài Tôn Trung Sơn sanh ở phương Đông, sang phương Tây học và trở về làm cuộc cách mạng Tam dân cho dân tộc Trung Hoa. Trong Tam Thánh Ngài là người sống trong hai nền văn hóa Đông-Tây nên là biểu tượng cho sự dung hòa cả hai nền văn minh phương Đông và văn minh phương Tây.
Trong bức tranh Tam Thánh có 04 vầng hào quang. Riêng ngài Tôn Dật Tiên có 02 vầng: trên đầu và nghiên mực. Điều đó thể hiện rằng nghiên mực của Ngài là sự kết tinh của trí tuệ, tư tưởng Đông-Tây. Cách viết hàng dọc và hàng ngang hiệp lại là đạo. Dù cho viết theo cách nào cũng phải nhờ vào nghiên mực, cho nên nghiên mực còn thể hiện cho cái dụng của đạo.
Ngài cầm nghiên mực thể hiện rằng thời Tam-Kỳ Phổ-Độ là buổi dung hòa cả hai nền văn minh. Dù cho phương Đông (cụ Trạng Trình, viết ngôn ngữ phương Đông, chữ Nho) hay phương Tây (cụ Victor Hugo, viết bằng ngôn ngữ phương Tây, Pháp Văn) muốn tạo ra giáo án, sử chương để xây dựng xã hội bác ái, công bằng cũng phải dung hòa cho phù hợp. Nếu không có sự dung hòa (nghiên mực) thì cả Đông phương hay Tây phương cũng không thế gì có giáo án hay sử chương.
Đi sâu vào thể pháp ta thấy Ngài Tôn Trung Sơn đứng cạnh Ngài Victor Hugo cho thấy Tây phương là nơi tích tụ để đi đến sự dung hòa. Đồng thời bia ký bên tay trái có 03 ngôn ngữ thể hiện sự đa dạng hơn 02 ngôn ngữ. Thể pháp bố trí vị trí đứng của Tam Thánh phù hợp với 02 thể pháp khác là Tây Lang, Đông Lang và Đông Khán Đài, Tây Khán Đài.
Đức Chí Tôn lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là lập một nền văn minh mới cho nhân loại. Nền văn minh đó có 02 đặc điềm: Thứ nhất: Có sự cộng hưởng của người phàm và các Đấng Thiêng Liêng cao trọng. Con người bị giới hạn bởi thời gian và không gian nên không thể am hiểu hết, vì vậy phải tìm học với các Đấng Thiêng Liêng về tổ chức tôn giáo, pháp luật, giáo lý, lễ nghi, nghĩa là thể pháp và bí pháp. Thứ hai: Nền văn minh mới được lập nên trong thời năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà hay còn gọi toàn cầu hóa nên phải có sự dung hòa, cộng hưởng hai nền văn minh Đông và Tây. Tổng hợp lại gọi là văn minh tâm linh.
Ba vị thánh nhơn có công nghiệp riêng phù hợp với việc xây dựng xã hội mới nên được Đức Chí Tôn chọn làm thiên sứ, làm hướng đạo cho nhơn loại để thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước.
Tại sao lại bố trí Tam Thánh ở Tịnh Tâm Điện?
Theo khoa học ngày nay mỗi người đều có luồng điện sinh học. Khi suy nghĩ thì bộ não phát sóng. Theo đó mà luận thì khi tâm hồn thanh tịnh sóng của bộ não vượt lên và các tần số phát ra phù hợp với tần số của các Đấng Thiêng Liêng cao trọng. Nhờ đó mà có những hiểu biết chính xác, sâu xa.
Tịnh Tâm Điện có bố trí hai tủ hành hương để nhắc khách trần rằng: Muốn tâm hồn được thanh tịnh thì phải bớt đi tiền tài, vật chất, phải sử dụng nó để phục vụ cho chính mình và nhân loại chứ không phải làm nô lệ cho tiền tài danh vọng. Tiền tài, danh vọng là phương tiện để thực thi tam lập chớ chẳng phải là mục đích hay cứu cánh của đời người.
Bên trong Tịnh Tâm Điện là nơi chức sắc, chức việc, đạo hữu thực hành các nghi lễ tôn giáo. Đó là xã hội của tôn giáo. Bên ngoài của Tịnh Tâm Điện là Đại Đồng Xã, là xã hội với thiên hình vạn trạng nhưng vẫn có khuôn thước, qui củ chuẩn thằng. Tam Thánh là các bậc trí thức có tâm đạo là hiền tài là các vị có kiến thức tri tâm mới viết nên giáo án, sử chương xây dựng xã hội bác ái – công bằng.
Thể pháp cũng thể hiện rằng hiền tài là gạch nối giữa tôn giáo và xã hội.
Khi Đức Hộ Pháp đắc lịnh xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh thì được lịnh làm một khung hình bằng xi măng cao 2,80m và rộng 1,90m tại vị trí đó. Mãi đến năm 1947 Hiền Tài Lê Minh Tòng từ hải đảo về Tòa Thánh Đức Lý Giáo Tông mới dạy vẽ Tam Thánh. Khi vẽ xong Đức Hộ Pháp chấp thuận và trấn thần vào lúc 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (dl 11-8-1948). Trấn thần có nghĩa là thỉnh chơn linh của từng vị vào trong ảnh.
Khi trấn thần Đức Hộ Pháp có giải thích rằng: Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy. Tam Thánh biểu hiệu cho chủ nghĩa đại đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh vạn quốc vào cửa Đạo.
Nhiều vị tham gia công quả xây dựng Tòa Thánh kể lại rằng: Các vị thấy phần lầu chuông, lầu trống nhô ra ngoài đường mới lấy làm lạ và thỉnh giáo. Đức Hộ Pháp giải thích rằng làm Tòa Thánh nhô ra đường như thế cho ai đi qua cũng thấy và biết đường để tu. Còn như không tu sau nầy cũng không thể chối rằng Đạo bày ra giữa đường mà tại họ không chịu tu.
Điều nầy rất thực tế và phù hợp với nhiệm vụ của Tam Thánh, của trí thức có đạo tâm (hiền tài là cầu nối giữa đạo và đời) và phù hợp luôn với chuyện con hạc từ Trí Huệ Cung bay ra thể hiện cho Thánh lâm phàm làm nhiệm vụ phổ độ buổi Tam kỳ.
Đi sâu vào thể pháp ta thấy rằng phần tôn giáo là dễ thấy cho nên thể hiện qua Bạch Ngọc Kinh hữu hình (có Cửu Trùng Đài). Xã hội rộng lớn mênh mông khó thấy hơn nên thể hiện qua Bạch Ngọc Kinh vô vi (có Cửu Trùng Thiên). (Xem bài đi tìm Bạch Ngọc Kinh vô vi tại phụ đính 02).
Một suy vài điều cần chia sẻ.
Về hình thể ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ có 03 đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Mổi đài đều có Hội Thánh riêng (Xem Đạo Nghị Định thứ sáu ngày 03. 10. Canh Ngọ “22. 11. 1930”: Chiếu theo Pháp Chánh Truyền của cả Hội Thánh Bát Quái Ðài, Cửu Trùng Ðài, Hiệp Thiên Ðài.)
Về kiến trúc kể theo thứ tự trong nội điện: Hiệp Thiên Đài đến Cửu Trùng Đài đến cung Đạo và Bát Quái Đài. Cung Đạo nối Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài là một thực tế qua thể pháp.
Như vậy Lầu chuông (Bạch Ngọc Chung Đài) và Lầu trống (Lôi Âm Cổ Đài) có nằm trong Hiệp Thiên Đài hay không?
Theo thiển nghĩ là không.
Phần Lầu chuông và Lầu trống có một phần của Hiệp Thiên Đài. Nhưng Hiệp Thiên Đài không bao gồm toàn bộ phần đó.
Bởi vì tiếng trống tượng cho tiếng nổ để tạo lập ra Ngôi Thái Cực từ có ngôi Thái cực mới có càn khôn vũ trụ. Tiếng chuông tượng cho tiếng ngân sau tiếng tiếng nổ. Trong phần Lầu chuông, Lầu trống có đài, có điện đan xen nhau, có bố trí hoa văn tượng cho nguyên lý tạo lập càn khôn vũ trụ từ khi có ngôi Thái cực cho đến có bát hồn nên thuộc về NGUYÊN LÝ ĐẠO PHÁP./.
Còn tiếp phụ đính 1 &2.
Biên soạn: Đạo Hữu Dương Xuân Lương.


CHÁNH SÁCH HÒA BÌNH CHUNG SỐNG.

DO DÂN - PHỤC VỤ DÂN - LẬP QUYỀN DÂN.


CƯƠNG- LĨNH
. Thống nhất lãnh thổ và khối dân tộc Việt Nam với phương pháp ôn hòa.
. Tránh mọi xâm phạm nội quyền Việt Nam.
.  Xây dựng Hòa bình, Hạnh phúc và Tự do Dân chủ cho Toàn dân.
&&&
I/- THỐNG NHẤT LÃNH THỔ VÀ KHỐI DÂN TỘC VIỆT NAM VỚI PHƯƠNG PHÁP ÔN HÒA.
A.   Giai đoạn thứ nhứt:
1/ Để hai chính phủ địa phương tạm giữ nguyên vẹn nền tự trị nội bộ mỗi Miền theo ranh giới vĩ tuyến 17.
2/ Thành lập một “Ủy ban hòa giải dân tộc” gồm có các nhân sĩ trung lập và một số đại diện bằng nhau của chính phủ 2 miền để tìm những điểm dung hợp giữa 2 miền.
3/ Tổ chức nước Việt Nam thống nhất thành chế độ Liên Bang Trung Lập gồm có 2 phần liên kết (Nam và Bắc) theo hình thức Thụy Sĩ với một chính phủ Liên Bang lâm thời, để điều hòa nền kinh tế trong nước và để thay mặt cho nước Việt Nam thống nhất đối với Quốc Tế và Liên Hiệp Quốc.
4/ Bãi bỏ bức rào vĩ tuyến 17. Dân chúng được bảo đảm sự lưu thông tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam để so sánh và chọn lựa chế độ sở thích mà định cư.
&&&
B.   Giai đoạn thứ nhì:
 1/ Đánh thức tinh thần dân tộc đến mức trưởng thành, đủ sức đảm nhiệm công việc nước theo nhịp tiến triển của thế giới trong khuôn khổ tự do và dân chủ.
2/ Khi dân tộc đã trưởng thành và khối tinh thần đã thống nhất thì toàn dân Việt Nam sẽ tự giải quyết thể chế thiệt thọ theo nguyên tắc tự quyết bằng cách mở các cuộc Tổng Tuyển Cử thể theo hiệp định Genève tháng 7/ 1954, để thành lập Quốc hội duy nhất cho nước Việt Nam. Cuộc Tổng Tuyển Cử này sẽ tổ chức dưới sự kiểm soát và trách nhiệm trọn quyền của Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa điều áp bức dân chúng.
3/ Quốc hội này sẽ định thể chế thiệt thọ và thành lập một chánh phủ trung ương nắm trọn quyền trong nước Việt Nam.
&&&

II/ TRÁNH MỌI XÂM PHẠM NỘI QUYỀN VIỆT NAM.
1/ Hữu dụng nền độc lập của mỗi Miền đã thu hồi do hai khối đã nhìn nhận (chính phủ Hồ Chí Minh ở miền Bắc và chính phủ Ngô Đình Diệm ở miền Nam).
2/ Nương vào các nước Trung lập như: Ấn Độ, Anh, Miến Điện, A Phú Hãn .. , để mở một đường lối thứ ba, gọi là “đường lối dân tộc” căn cứ trên khối dân tộc để làm trung gian dung hòa hai chế độ.
3/- Tránh mọi hướng dẫn ảnh hưởng hoặc can thiệp của một khối nào trong hai khối đối lập Nga Mỹ, vì đó là nguyên căn một cuộc tương tàn có thể gây nên trận thế giới chiến tranh thứ 3. Gia nhập vào một trong hai khối Nga hoặc Mỹ tức là chịu làm chư hầu cho khối ấy và tự nhiên là thù địch của khối kia. Như thế chánh sách “Hòa Bình Chung Sống” không thể thực hiện đặng; bằng chứng là tình trạng của Đức, Áo, Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam hiện tại.
&&&
III/. XÂY DỰNG HÒA BÌNH HẠNH PHÚC VÀ TỰ DO CHO TOÀN DÂN.
1/ Kích thích và thúc đẩy cuộc “Thi đua Nhơn Nghĩa”, giữa 2 miền Bắc và Nam để thực hiện hạnh phúc cho nhân dân trong cảnh hòa bình xây dựng trên nguyên tắc bác ái, công bình và nhơn đạo.
2/ Áp dụng và thực hiện Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, thực hiện tự do dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
3/ Thâu thập tất cả mọi ý kiến, phát huy do tinh thần hiền triết cổ truyền của chủng tộc đưa lên và giao lại cho Liên Hiệp Quốc hòa giải để thi hành cho dân chúng nhờ.
4/ Dùng tất cả các biện pháp để thống nhất tinh thần dân tộc trong việc xây dựng hạnh phúc với điều hay lẽ đẹp trên căn bản hy sinh và phụng sự.
5/ Hai miền phải thành thật bãi bỏ mọi tuyên truyền ngụy biện và xuyên tạc lẫn nhau. Phải để cho nhân dân đứng trước sự thật tế mà nhận xét sự hành động của đôi bên rồi lần lần sẽ đi đền chỗ thống nhất ý kiến.
6/ Sự thực hiện “Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống” trên đây sẽ đặng thi hành dưới sự ủng hộ và kiểm soát thường trực của Liên Hiệp Quốc và các phần tử Trung Lập trong nước và ngoài nước, hầu ngăn ngừa mọi áp bức nhân dân do nơi quyền độc tài của địa phương hay do áp lực của ngoại quyền xúi giục.
Nam Vang, ngày 26- 3- 1956
HỘ PHÁP
PHẠM CÔNG TẮC
(Ấn Ký).


 HỘ PHÁP ĐƯỜNG.
VĂN PHÒNG.
SỒ: 20 /HP.HN
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
      (Tam Thập Nhứt Niên).
       Tòa Thánh Tây Ninh.

Hộ Pháp
Phạm Công Tắc Giáo Chủ Đạo Cao Đài.

 

Kính gởi Quí Ngài:

. CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP QUỐC.

. và các Ngài THỦ TƯỚNG CHÁNH PHỦ CÁC CƯỜNG QUỐC.

 

Kính quý Ngài,
Sau 82 năm bị đô hộ dưới quyền Pháp thuộc, ngày 9- 3- 1945, toàn cả quốc dân Việt Nam quật cường giải ách nô lệ.
Việc trọng đại ấy đã có tiếng dội khắp cả thế giới và các liệt cường quốc tế đều hiểu rõ.
Đã 11 năm tranh đấu không ngừng để định vững chủ quyền độc lập cho Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã chịu bao nhiêu thống khổ, tang tóc về tài sản cũng như sinh mạng, lại thêm bị hai ngoại quyền Cộng sản và Tư bản xen vào nội bộ, chia Quốc dân Việt Nam làm hai xu hướng.   
Kể từ ngày quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ lại thêm một tai hại lớn lao hơn nữa tròng lên đầu dân Việt Nam. Thật vậy 9 nước ở Hội Nghị Genève với hảo ý đem hòa bình lại cho xứ Việt Nam và chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã vô tình mà không nhận định sự tai hại cho Việt Nam là thế nào, nên đã ký một hiệp định chia đôi lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 rồi lại định cho Việt Nam phải tự tìm phương thống nhất.
Chúng ta nên nhớ rằng khi ký hiệp định Genève thì vĩ tuyến 17 chỉ có nghĩa là để chia đôi Quân đội của hai bên ra để tránh sự đụng chạm, nhưng về sau thì vĩ tuyến 17 đã biến thành một cách thực tế ranh giới chia hẳn 2 Miền Nam Bắc, miền Bắc thì do Cụ Hồ Chí Minh với Chính phủ thân Nga và miền Nam thì Cụ Ngô Đình Diệm với Chánh phủ thân Mỹ.
Là nạn nhân của thời cuộc và của sự tranh chấp chủ nghĩa quốc tế, dân tộc vô phúc này thay vì đặng giúp đỡ và an ủi, phải thêm một vết đau thương do 9 nước đã vô tình xâm phạm quyền dân tộc tự quyết của họ.
Tình trạng đã hiển nhiên và không một ai có thể nào chối cãi. Việc cốt yếu hiện nay là phải tầm một diệu dược để cứu chữa bịnh trạng ấy.
Bần Đạo rất hài lòng nhận nơi đây hảo ý và sự cố gắng dẻo dai của các cường quốc Trung Lập để tìm một giải pháp hòa bình mong giải quyết vấn đề Việt Nam.
Là Giáo Chủ một Tôn giáo tượng trưng tinh thần của một dân tộc đủ phong tục, đủ văn hiến do một nền văn minh tối cổ Khổng giáo, Bần Đạo không thể ngồi yên đặng nhìn sự thống khổ của họ vì lẽ bất công của xã hội nhơn quần.
Vì cớ nên Bần Đạo định góp sức mọn mình với sự cố gắng của các liệt cường để tìm phương pháp cứu vãn tình thế, giải nạn cho chủng tộc Việt Nam đặng bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho họ.
Hôm nay Bần Đạo phải xuất ngoại cốt yếu để bảo thủ tự do của cá nhân hầu có đủ phương tiện kêu gọi lòng nhân đạo của các liệt cường giúp sức cho Bần Đạo đủ phương hòa giải hầu tránh nạn cốt nhục tương tàn của sắc dân Việt sắp gây nội chiến vì đôi ảnh hưởng.
Nhơn đó Bần Đạo xin gửi theo đây một chương trình tối thiểu mà đại ý là một đường lối chung sống lập thành tại nước Việt Nam một Chính phủ Liên bang hầu có thể thực thi Thống Nhất theo như Hiệp định Genève đã đề nghị.
Chương trình này Bần Đạo đã định rõ trong bức điện văn gởi cho Tứ Cường trong buổi hội nghị Genève kỳ nhì vào ngày 21 tháng 7 năm 1955 và đã nhờ Thủ tướng EDGAR FAUREC chuyển đệ.
Bần Đạo chỉ xin Liên Hiệp Quốc và các liệt cường thật tâm ủng hộ và cương quyết bảo đảm cho Bần Đạo được tự do tuyên truyền giải pháp nầy khỏi sự khủng bố của hai chính phủ đương quyền Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm trong khi Bần Đạo thật hành sứ mạng hòa bình nầy.
Bần Đạo quả quyết rằng: Đồng bào Việt Nam luôn luôn yêu chuộng hòa bình sẽ hưởng ứng nhiệt liệt phong trào này nếu họ được tự do phát biểu ý chí của họ.
Bần Đạo tỏ lòng tri ân quý vị. (1).
Phnom Penh, ngày 26 tháng 3 năm 1956.
HỘ PHÁP
PHẠM CÔNG TẮC
(Ấn Ký).

&&&


Theo SỬ LƯỢC về HBCS của Ngài QUI TÂM biên soạn tại trang 48 thì thư nầy có đính kèm bản chính sách HBCS.
@@@




KHÔNG CHẤP NHẬN HÀNH ĐỘNG “VÔ PHÁP, VÔ THIÊN” CỦA NHÓM CỰC ĐOAN DO DƯƠNG XUÂN LƯƠNG CẦM ĐẦU
THỨ NĂM. 20-03-2008.
BÁO TÂY NINH (TRANG 05).
PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC VÀ TOÀN ĐẠO CAO ĐÀI

 (tiếp theo và hết)
Theo dõi sự việc, nhóm phóng viên AN-CT nhận thấy và có thể nói âm mưu manh động của nhóm cực đoan này đã bất thành. Nghĩa là trong hàng triệu tín đồ Cao Đài không có một ai nghe theo lời của bọn chúng để làm cái chuyện vi phạm luật đạo lẫn luật đời. Được biết, trong các ngày qua ở các họ đạo Cao Đài trong tỉnh Tây Ninh, Ban Cai Quản các họ Đạo đã tổ chức nhiều cuộc họp mặt chức sắc, tín đồ để phổ biến thông tin rộng rãi Thông tri số 01/83-HĐCQ.TT ngày 11.03.2008 của Hội Đồng Chưởng Quản Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh về hành vi “giục loạn, gây mất đoàn kết nội bộ tôn giáo, cố tình dùng lời lẽ lừa đảo, gạt gẫm người đạo nhẹ dạ nghe theo vào đường lối tội lỗi với đạo, vi phạp luật pháp nhà nước” của nhóm Dương Xuân Lương. Qua các cuộc họp ở các Thánh Thất, Điện Thờ Họ Đạo, các vị chức sắc và đông đảo tín đồ đều cho rằng hành động của nhóm cực đoan nọ là “hết sức xằng bậy”, họ chỉ là một nhóm quá khích rất nhỏ, không có tư cách nào để xưng danh là cả Khối Nhơn Sanh hàng triệu người Cao Đài, lập luận “quàng xiên” của họ cho rằng “chi phái HĐCQ đang chiếm cứ nội ô Toà Thánh” là hoàn toàn sai trái, và hành động của họ kêu gọi đông người đến tụ tập để trục xuất HĐCQ là vi phạp pháp luật Nhà nước, cần thiết phải nghiêm trị để giữ vững kỷ cương phép nước.
Hành động quá khích của nhóm Dương Xuân Lương khiến cho nhiều người đạo chân chính hết sức bất bình. Qua thu thập tài liệu, nhóm PV-ANCT được biết, trước khi tán phát “Tờ Bố Cáo” kêu mọi người tụ tập ở gốc Bồ Đề Nội Ô Toà Thánh, Lương đã soạn thảo và tán phát 3 tài liệu là: “bản phân tích và đề nghị về việc Phục Quyền Hội Thánh” gửi cho Hội Thánh và một số chức sắc Thiên Phong, “Bản Đề Nghị góp sức phục quyền Hội Thánh gửi Ban Chấp Hành Đại Đạo Thanh Niên Hội ở hải ngoại” “Tâm thư gửi Chức Sắc Thiên Phong, Chức Sắc Việc và Đồng Đạo”. Nội dung các tài liệu này vẫn là giọng điệu kêu gọi người đạo chống lại cơ quan thường trực của Hội Thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh. Thế nhưng hầu như không ai tán thành hành động của Lương, trái lại có nhiều người đạo viết thư gửi lại nhóm của Lương, thẳng thắn phản đối bọn chúng. Xin trích đăng lên đây đoạn thư của hai người ký tên là V.V.N và C.C.B (nhóm PV-ANCT xin viết tắc để tránh phiền phức cho hai ông N và B): “dù họ có dốt bực nào đi nữa, họ cũng biết các con, các cháu (chỉ nhóm của Lương) muốn khuấy nhiểu họ vào con đường tội lỗi, vì các con, các cháu có hành động ngông cuồng, vô đạo đức, Hội Thánh thay thế hình thể Đức Chí Tôn tại thế mà các con, các cháu còn kêu chửi và đuổi thì có khác gì hạng người luôn chửi cha mắng mẹ”.
Hai ông V.V.N và C.C.B đề nghị: “vậy toàn đạo địa phương 2 chổ thường trú của Dương Xuân Lương (Lương có hai nơi ở: khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, thị xã TN và ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, Hoà Thành- nhóm PV-ANCT), đồng đứng lên cho ý kiến có đồng ý như Dương Xuân Lương đang là đạo hửu cùng ngụ ở địa phương mình không, để làm những chuyện khùng điên này không? Qua (người viết thư) nghĩ cả bổn đạo lúc bấy giờ sẽ cực lực phản đối một đạo hữu phản động, đội lốt tu hành mong phá rối, xúi dục người đạo nhẹ dạ làm tôi tớ cho tà thần tinh quái ở lẫn lộn với nhơn sanh thật thà tu hành, nên sớm loại trừ phần tử này ra khỏi xã hội để đem lại sự bằng yên cho sanh chúng”.
Một người ký tên là C.K, tín đồ một chi phái Cao Đài khác ở TP.HCM cũng có thư gửi Dương Xuân Lương phản đối giọng điệu của Lương xem thường chi phái, có đoạn trích như sau: “xin phép nói thật, tiện đệ không khỏi nghi ngờ đạo huynh (chỉ Dương Xuân Lương) bị tẩu hoả nhập ma khi luyện pháp môn “biện chứng xã hội học” theo cái cách “không giống ai” của bản chất đạo huynh D.X.L. Cho nên đạo huynh mới dám ngông nghênh phổ hoá mưu đồ phản thiên, nghịch địa, cà khịa nhơn sanh, mà cứ tưởng thuận nhơn tâm ắt thuận trời! Cho nên đạo huynh mới dám bày vẽ toàn những điều phi pháp, phi thiên, giục loạn nhơn sanh, mà cứ nhơn nhơn tưởng rằng đạo huynh có đại kỳ tài giảng dạy cho các chi phái thực hành Chơn Pháp Thiên Đạo, giữ gìn luật lệ Cao Đài để tránh khỏi cái cảnh “nhón gót lên mà chờ”. Đạo huynh khuyên chi phái chúng tôi “tự thắng cái phàm ngã” nhưng đạo huynh lại buông lời doạ dẫm những chi phái làm trái với kế sách của đạo huynh thì sẽ nhận lãnh “hậu quả ra sao các vị có thể hình dung lấy, có thể nhón gót lên mà chờ”. Đúng là đạo huynh đã không “thắng” lại kịp cái phàm ngã du côn của D.X.L”.
Qua một vài đoạn trích thư của một số người đạo gửi cho Dương Xuân Lương, bạn đọc có thể nhận thấy không chỉ có người đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh phản đối Dương Xuân Lương, mà cả người đạo Cao Đài các chi phái ở các tỉnh thành khác cũng không tán thành hành vi của Lương. Về việc nhóm của Lương gọi cơ quan thường trực Hội Thánh Cao Đài là  “chi phái HĐCQ”, nhóm phóng viên ANCT đã phỏng vấn một số chức sắc là Cai Quản, Phó Cai Quản các họ đạo trong huyện Hoà Thành như Lễ sanh Thượng Khánh Thanh, Lễ sanh Thượng Tài Thanh (họ đạo Hiệp Long, xã Hiệp Tân), Lễ Sanh Thượng Sơn Thanh, Giáo Thiện Trịnh Thị Song (họ đạo Long Thành Nam, nơi Lương cư trú), các vị đều cho rằng Dương Xuân Lương đã cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm gây chia rẽ trong tôn giáo. Ở Tây Ninh cũng như trong cả nước, ai cũng biết rằng tỏng Nội Ô Toà Thánh suốt từ ngày khai đạo 83 năm qua, trải bao thăng trầm, trước sau “Hội Thánh vẫn giữ quyền Hội Thánh”.
Dù lịch sử có nhiều biến thiên, từ khi đất nước còn bị thực dân, đế quốc tạm chiếm, cho đến khi đất nước hoà bình, thống nhất, đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh có nhiều lần thay đổi pháp nhân, thay đổi Hiến chương, Hội Thánh vẫn là tổ chức lãnh đạo tinh thần cao nhất của đạo. Tuy nhiên, do điều kiện những ngày miền Nam mới giải phóng, nhiều vị chức sắc trở về tu tại gia, nhiều vị lần lượt quy thiên, Hội Thánh chưa đủ người có đủ phẩm vị nên đã lập ra cơ quan thường trực Hội Thánh là Hội Đồng Chưởng Quản để điều hành hoạt động đạo sự. Đó là việc bình thường không có gì khác lạ. Hoạt động của đạo vẫn tiến hành theo quy định từ trước đến nay trong Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, và được pháp luật nhà nước thừa nhận. Do đó, luận điệu của nhóm Dương Xuân Lương là hoàn toàn sai trái, không một chút thuyết phục nên không lừa mị được ai cả.
Về việc Đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh đang hoàn chỉnh bản Hiến chương sửa đổi đề trình Thủ tướng Chính phủ xin công nhận, nhóm PV-ANCT được một vị chức sắc cao cấp trong HĐCQ cho biết, trên cở sở những ý kiến nguyện vọng của chức sắc, tín đồ trong Đại Hội Nhơn Sanh và Đại Hội Hội Thánh cuối năm 2007 HĐCQ đã bổ sung, sửa đổi bản dự thảo Hiến chương và đã thống nhất làm tờ trình do Đầu Sư Thượng Tám Thanh, Hội Trưởng, Cải Trạng Lê Minh Khuyên và Nữ Đầu Sư Hương Nhìn ấn ký gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, UBND tỉnh Tây Ninh, Ban Tôn Giáo tỉnh Tây Ninh xin phê duyệt Hiến chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh) năm Đinh Hợi 2007. Theo Hiến chương này, về hệ thống tổ chức hành đạo và nhân sự, Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh) gồm tất cả các chức sắc nam nữ từ phẩm Giáo hữu và các phẩm tương đương trở lên của hai Đài Hữu Hình là Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, hành đạo theo Pháp Chánh Truyền-Tân Luật trong niềm tin tuyệt đối nơi thiêng liêng vô vi là Bát Quái Đài để xây dựng thánh thể hữu hình của Đức Chí Tôn (Hội Thánh) từ đời này qua tới đời khác. Như thế theo bản Hiến chương mới, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh là Hội Thánh Lương Đài đúng theo luật pháp chơn truyền của đạo, đúng theo nguyện vọng của Nhơn Sanh. Và như thế hành động của nhóm cực đoan do Dương Xuân Lương cầm đầu, đòi “trục xuất chi phái HĐCQ ra khỏi nội ô” thực chất chỉ là một trò lố bịch, chẵng nhưng sai trái pháp luật đạo mà còn vi phạm pháp luật nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam.
 


Báo Tiếng Dân.  04/04/2018.
PLVN. Nhóm PV. 2-4-2018
(PLO) – Vùng đất từng là một xã trù phú với hàng ngàn hộ dân, hàng vạn nhân khẩu, dần bị thô bạo cưỡng chế xóa trắng, đền bù rẻ mạt, để mọc lên “khu đô thị” phân lô bán nền do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư. 
Chỉ cách trung tâm Biên Hòa (Đồng Nai) mươi cây số, 10 năm nay, hàng ngàn nông dân sống trong cảnh lầm than. Người sống không còn nơi dung thân, mò ốc bắt còng sống qua ngày; người chết cũng không nơi chôn cất. Cuộc sống điêu tàn, oán thán chất chồng.
Xóa trắng xã lập khu đô thị “chui”
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2007, khi “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” ra đời, gồm ba dự án: Đồng Nai Water Front (366,7 ha), Aqua City (304,9 ha), Khu dân cư Long Hưng (227,7 ha), tại xã Long Hưng, huyện Long Thành (xã Long Hưng nay đã chuyển về TP Biên Hòa). Mục tiêu, theo giấy chứng nhận đầu tư, là “đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị”.
Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng. Dù đây không phải là dự án công ích, dân vẫn bị áp giá với mức có khi chỉ 35 ngàn đồng/m2. Tính theo thời giá, mỗi m2 đất ăn được hai đĩa cơm sườn.
Chưa bàn đến các vấn đề pháp lý chi tiết, chưa bàn đến việc dự án thương mại có được áp giá và thô bạo cưỡng chế hay không, dự án nhanh chóng bị kết luận là dự án “chui”. Người dân đâm đơn khiếu nại tố cáo khắp nơi, không chấp nhận giao đất với giá rẻ mạt để nhà đầu tư bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã có văn bản khẳng định “dự án khu đô thị mới có quy mô sử dụng 200 ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”. Có nghĩa Đồng Nai khi đó đã cấp phép trái thẩm quyền.
Bộ Xây dựng lưu ý “khu đô thị quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên là dạng hoạt động kinh doanh đặc thù và có nhiều điểm khác như sử dụng diện tích đất lớn, liên quan đến nơi sinh sống hàng vạn người dân và các lĩnh vực khác như giáo dục, thể thao, y tế, văn hóa… Ngoài ra việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp về kiến trúc, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, các vấn đề kết nối hạ tầng khu vực…”.
Cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm việc cấp phép đầu tư dự án. Tuy nhiên trước hành động “tiền trảm hậu tấu” của Đồng Nai, văn bản này vẫn cho phép tiếp tục triển khai các dự án trên, và “phải thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ, thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
Cuộc sống hàng ngàn hộ dân xã Long Hưng từ khi đó chính thức rơi vào cảnh oán thán. Nhưng trời thì cao, đất thì dày, oán thán ai nghe?
Bảy năm qua, cứ mỗi lần nhắc lại ngày bị thô bạo cưỡng chế nhà, ông Hoa lại uất ức bật khóc. 

Ảnh: PLVN
Cuộc cưỡng chế “thí điểm”
Bảy năm qua, ông Phan Văn Hoa (SN 1959, từng ngụ ấp An Xuân) không có một giấc ngủ ngon. Từ một nông dân cần mẫn gây dựng nên nhà cao cửa rộng, vườn cây ao cá, ruộng lúa mênh mông, bỗng chốc mất tất cả. Mồ hôi nước mắt nhiều đời gây dựng bị cưỡng chế đập phá thành bãi đất trống phân lô bán nền cho các “đại gia”.
Tính tới đứa cháu đang nằm nôi, nhà ông sáu đời cư ngụ ở đất Long Hưng, cái tên có nghĩa “con rồng mạnh mẽ, trí tuệ, sung túc”. Năm 1977, ông Hoa lập gia đình, thừa hưởng ruộng vườn gia đình. Gom góp, đi lượm từng thanh sắt, làm được bao nhiêu để dành mua gạch đá, hàng đêm vợ chồng xuống sông xúc cát trữ sẵn. Mất bốn năm trời ròng rã mới xây xong căn nhà năm 1991.
Khoảng vườn 1.700m2 đất thổ cư, ông đào ao thả cá, trồng cây ăn trái. Diện tích 1,6 ha đất ông vừa trồng lúa, trồng cây lâu năm. Mỗi năm bình quân ông thu lãi 80 triệu đồng, thời điểm đó tương đương 6 – 7 lượng vàng. Từ năm 1995 đến 2009, ông hết nhận được xã, huyện, tỉnh Đồng Nai công nhận “nông dân sản xuất giỏi”. Những tưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng cho mỗi đứa ít đất ra riêng, làm căn nhà nhỏ. Ai ngờ tan nát hết.
Năm 2008, ông được gọi ra xã nghe phổ biến dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Biết đây là dự án thu đất giá rẻ bán lại giá cao, không phải vì công ích, ông không đồng ý. Chính quyền vẫn cho người kiểm đếm tài sản. Mồ hôi nước mắt sáu đời, cả nhà đất 1.700 m2 và cây trái, ao cá chỉ được bồi thường 854 triệu. Ông không đồng ý nhận tiền, không đồng ý giao đất.
Nhà ông Hoa ở đầu làng nên trở thành “mục tiêu” đầu tiên cho cuộc cưỡng chế “thí điểm”. “Không họp hành, không gặp mặt, không thuyết phục động viên. Đầu tiên không nghĩ họ bạo lực đến vậy, nhưng hóa ra họ làm bất chấp vì nhà tôi là trường hợp đầu tiên. Nếu cưỡng chế được, đó là biện pháp thị uy, cảnh cáo các nhà khác, làm tê liệt ý chí phản kháng cả xã”, ông Hoa nói. Hôm đó, ông nhớ rất rõ, ngày 19/10/2011.


Vợ ông Hoa quỳ lạy lực lượng cưỡng chế (Hình cắt từ clip)
“Hóa chất lạ” trấn áp những lời van xin
Sáng tinh mơ hôm ấy, cả xã Long Hưng bừng tỉnh bởi tiếng xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương… Những nông dân chưa từng thấy cảnh tượng hàng trăm công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, cán bộ… vây một căn nhà. Trong căn nhà ấy, không có tội phạm, cũng không tiềm ẩn nguy hiểm gì. Đó là gia đình nông dân gồm một ông bố, một bà mẹ, ba đứa con và mấy đứa cháu. Ông Hoa kể lại: “Tôi chỉ lập một bàn thờ Bác Hồ và cờ Tổ quốc đặt trước sân. Đất nước độc lập tự do hạnh phúc là giữ cho dân mảnh đất mình khai phá. Cứ tưởng họ không dám phá nhà”.
Người dân đến rất đông, nín thở im lặng theo dõi. Những người già thì lên tiếng phản đối. “Gia đình tôi khóa cổng, hi vọng lực lượng cưỡng chế niệm tình thương xót, nhưng không tình, không lý. Họ tấn công…”, ông Hoa kể lại.
Trong clip người dân xã Long Hưng ghi lại, người ta thấy cảnh những người nông dân không có ý định chống đối, chỉ biết kêu gào van xin. Vợ ông Hoa quỳ sụp xuống đất, chắp hai tay trước ngực lạy lục. Lực lượng cưỡng chế chia thành nhiều mũi. Mũi đứng trước cổng vô cảm bắc loa đọc thông báo trong tiếng phản đối của dân, tiếng khóc thét kinh sợ của trẻ con. Mũi khác “đột kích” vào nhà, mở màn bằng làn khói bao trùm cả một góc vườn, không rõ là lựu đạn khói hay hóa chất gì? Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng quát nạt, tiếng người bị quật xuống đất, tiếng trẻ ré lên rồi lịm đi. Máy xúc tiến vào giơ gầu quật liên tiếp. Mồ hôi công sức chắt chiu bao đời tan nát.
Ông Hoa kể lại: “Con trai tôi khi đó uất quá la lên. Họ lao đến lôi con tôi ra đường. Tôi hoảng quá, lôi lại, bị đè sấp mặt xuống đất. Họ bẻ gô tay cha con tôi ném lên xe thùng, chở ra sân ủy ban xã giữa trời nắng đến chiều rồi đưa về trại giam công an”. Đói, khát, giận dữ, tuyệt vọng. Vợ ông sợ hãi ngất xỉu, tỉnh lại cũng bị giải ra ủy ban.
Cơ ngơi bao đời sau ít phút chỉ còn đống xà bần. Lực lượng cưỡng chế bỏ đi mang theo gia đình ông Hoa bị còng trên xe thùng, phía sau lưng là những ánh mắt sợ hãi bàng hoàng.
Chiều muộn, vợ ông Hoa mới được thả về. Bước thấp bước cao trên con đường quen, một hàng xóm chặn lại: “Nhà thành đống gạch vụn rồi, về làm gì nữa”. Nhà bị phá, chồng con bị bắt, người phụ nữ hóa cái xác vô hồn để người ta dìu sang nhà người quen tá túc qua đêm, rồi sáng hôm sau gom chút sức tàn gượng lên Công an Biên Hòa… đóng tiền phạt.
Lập chòi tá túc cũng bị cưỡng chế 
Ông Hoa và các con bị giam cho đến khi vợ lên đóng phạt mới được về. Người đàn ông ngậm ngùi: “Ngày xưa bom đạn Mỹ không tàn phá, không gây oán thán nhiều như vậy”. Ông bảo với nhà ông, nay thời bình mà quá chiến tranh, có đất có nhà nhưng thành bần cùng chỉ trong phút chốc.
Nuốt nước mắt cúi đầu chịu nhục trước bất công, ông Hoa nhặt nhạnh vật liệu từ đống xà bần, dựng cái chòi mới tá túc. “Nhưng họ đâu có tha. Lần thứ hai họ tiếp tục cưỡng chế. Họ bảo tôi xây trái phép trên đất dự án”. Hai lần dựng chòi trên nền đất nhà cũ đều bị phá, ông chuyển sang đất vườn. Túp lều sau đó cũng cùng số phận. Ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng, chốn dung thân này cũng bị giật sập. Những cuộc cưỡng chế kiểu “đuổi cùng giết tận” này, theo ông, vẫn là một cách “khủng bố tinh thần”, “dằn mặt” dư luận xã.
Cuối cùng ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng của một hàng xóm chưa bị giải tỏa thì mới được tạm yên. Ông lý giải không phải vì muốn tỏ ra “rắn mặt”, mà chỉ đơn giản vì ông là nông dân. Nông dân không đất như cá rời nước, sống bằng gì. Dựng chòi ngoài ruộng trồng luống rau, cấy ít lúa, mới có miếng ăn sống qua ngày.
Kể từ ngày bị cưỡng chế mất nhà, gia đình ông tan đàn xẻ nghé. Mấy đứa con ra ở trọ hoặc tá túc mỗi nhà người quen ít hôm. Ông Hoa nói: “Người ta bảo dự án này giúp dân an cư, ổn định đời sống, nhưng tôi thấy nó đi ngược lại. Nó khiến chúng tôi nghèo đi, mất hết đất sản xuất thì ổn định kiểu gì. Nông dân như tôi, chân tay vầy đây, chữ nghĩa không biết, không ruộng, đi làm công nhân có ai nhận sao?”.
Dù sống cảnh bần cùng, ông Hoa vẫn cương quyết không ký giấy nhận bồi thường, không tiếp tay cho dự án sai, không chấp nhận cảnh vô lý. “Dự án tư nhân thu lợi cá nhân mà áp đặt đền bù, cưỡng chế lấy đất là trái luật. Dù nhà bị đập, vườn ruộng bị san phẳng, tôi vẫn tin vào pháp luật, vẫn tin Đảng và Nhà nước sẽ biết câu chuyện, phân xử đúng – sai”.
Không may mắn như bác nông dân 59 tuổi này còn sức khỏe, còn quyết tâm đi tìm công lý; vì dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, đã có những gia đình bị đẩy vào hố sâu bần cùng, mẹ ngơ ngẩn, con mất mạng, gia đình không chốn dung thân lay lắt trong “ngôi nhà” tự chế neo trên dòng kênh đen.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.









PLVN: Dự án “tỷ đô” của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn
Báo Tiếng Dân. 04/04/2018.
PLVN. Nhóm PV. 3-4-2018.
(PLO) – Đêm đêm mò ốc bắt còng trên con sông bên “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng”, nhiều lúc chàng trai 25 tuổi lại ngước mặt lên thẫn thờ nhìn lên vùng đất sáng rực ánh đèn từng có ngôi nhà của mình, nay đã bị san lấp phân lô, bán nền, chỉ biết khắc khoải: “Vì sao lại thế?”. Mù chữ, bị “khủng bố tinh thần” nên sợ hãi, gia đình Tâm đành chịu mất đất, sống cảnh không chốn dung thân, nhẫn nhục chịu đựng lầm than. 

Bà Thu liêu xiêu đi về “căn nhà” dựng bên dự án tỷ đô. Nguồn: PLVN
Gia đình Dương Minh Tâm (SN 1993, từng ngụ tại số nhà 559, khu 3, ấp Phước Hội) là một trong những trường hợp điển hình vì dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư), mà bị đẩy vào cảnh bần cùng.
Được “đền bù” nền đất để… ngắm chơi
Tâm kể lại, sau cuộc cưỡng chế lấy đất đầu tiên với gia đình ông Phan Văn Hoa (PLVN đã phản ánh trong số báo trước), tâm lý người dân cả xã kinh hãi. “Cả trăm người tay dùi cui điện, tay xịt khói tùm lum, dân la lên cũng bị còng, ai dám ý kiến chống đối nữa”, chàng trai kể lại.
Gia đình Tâm có năm người thì cả năm đến mặt chữ còn không rành, nói gì đến biết quy định pháp luật mà đòi hỏi những quyền lợi như đền bù hợp lý hay chưa, hỗ trợ học nghề ra sao? Giao lại căn nhà và mảnh vườn cho nhà đầu tư Donacoop, họ dắt díu ra khu nhà tạm cư ở tạm.
Tâm kể gia đình được bồi thường một nền đất tái định cư 100m2 và số tiền bồi thường hơn 150 triệu. Phải ở nhà tạm cư, vì theo “luật” của Donacoop đưa ra, dù có đất tái định cư cũng không được tự ý xây dựng gì trên đó. Muốn ở đó, phải chi tiền cho Donacoop xây nhà. Thời điểm đó, mẫu nhà “giẻ rách” nhất của Donacoop cũng lên tới 150 triệu đồng.
Số tiền được “bồi thường”, mẹ Tâm, bà Trần Thị Thu (SN 1961), có sáu người con, chia cho mỗi đứa một ít, vậy là chỉ còn vài chục triệu. Gia đình vốn sống bằng nghề mò ốc bắt còng, làm vườn tược, nay ruộng đồng bị san lấp cả, biết kiếm sống từ đâu. Cả xã lâm cảnh điêu tàn, có sức chẳng ai thuê. Bốn đứa con trai tuy lớn lộc ngộc nhưng ít học, cả đời chưa bước chân ra khỏi xã, biết tha phương nơi nào kiếm ăn? Bốn anh em ngày ngày rảnh rỗi ngồi không chỉ biết gầy sòng nhậu. Miệng ăn, núi lở. Từ chỗ có nhà, có vườn, có đất, có kế sinh nhai, gia đình “đổi” được cái nền đất chỉ để… ngắm chơi.

Ngày ngày say xỉn, người phụ nữ 57 tuổi lại tìm về nền đất từng có căn nhà bị thu hồi.
“Nhàn cư vi bất thiện”, bi kịch của gia đình nông dân này một phần bắt nguồn từ mất đất mà ra. Trong một cuộc nhậu, Tâm bị người anh Dương Văn Mẫn (SN 1986, anh cùng mẹ khác cha) say xỉn đánh đến vỡ tụy. Bà Thu dốc hết tiền, bán cả nền đất tái định cư được 150 triệu cứu con.
Cứu được đứa con áp út thì gia đình lâm cảnh không chốn dung thân. Vẫn theo “luật” do Donacoop đặt ra, chỉ những ai chưa nhận tiền bồi thường, hoặc đã có nền đất tái định cư mà chưa có tiền đóng cho Donacoop để xây nhà thì mới được ở nhờ khu tạm cư. Nền đất tái định cư đã bán, bị coi là chẳng còn “dây mơ rễ má gì”, người ta “phủi tay”. Cả gia đình bị đẩy ra đường, không một xu dính túi, lang thang không biết đi đâu về đâu.
Gia cảnh khốn cùng nhà bà Thu cả xã đều biết. Một người thương tình cho hai triệu, chỉ cho họ mua lại “căn nhà nổi” của một ngư dân bỏ không. Đó là túp lều đặt trên chiếc bè kết tạm bằng khoảng 20 thùng phuy rỗng. Bà Thu cho neo tạm chiếc bè trên con sông nhỏ như dòng kênh bên dự án “tỷ đô”. Gia đình năm người sống lay lắt trong túp lều nổi rộng mươi m2, không điện, không nước, bốn bề nước đen hôi hám, muỗi mòng như vãi trấu, mỗi cơn mưa ập xuống là trong nhà ướt như ngoài trời. “Gia tài” quý nhất là tấm biển ghi số nhà 559 ở căn nhà cũ đã bị phá, bà Thu bới đống xà bần tìm thấy, mang về gắn trước cửa lều.

Bữa cơm của mẹ con người phụ nữ cùng khổ. Ảnh: PLVN
Bi kịch gia đình nông dân mất đất
Cuộc sống lâm cảnh bế tắc bấp bênh như chiếc bè lên xuống mỗi cơn triều cường. Bốn thanh niên trong nhà không ai dám nghĩ đến những chuyện yêu đương, gia đình, sinh con đẻ cái, không biết đến cái gọi là “tương lai”, tiếp tục tìm quên trong men rượu.
Đói nghèo bần cùng sinh tội ác. Vụ án “tương tàn” xảy ra một ngày cuối năm 2017. Tâm kể lại: “Sáng đó anh Mẫn và em út Trần Hữu Bình (SN 1996) ngồi nhậu trong lều, tui lúi húi bắt còng dưới sông. Nghe tiếng hai người cự cãi đánh đấm rồi kêu cái “hự”, tui chạy lên đã thấy anh Mẫn ngã gục”. Thì ra bị người anh trong cơn say đánh đập, đứa em bực tức kiếm con dao làm bếp “phản công”. Tâm kêu cứu đến hụt hơi mới có người nghe tiếng chạy đến hỗ trợ, nhưng nạn nhân đã tắt thở trước khi đến bệnh viện.
Bà Thu như hóa điên. Người phụ nữ mới 57 tuổi nhưng tóc đã bạc, dáng tiều tụy, chân tay quắt queo, da đen đúa, như già đến 20 năm so với tuổi. Vừa thương một đứa con chết tức tưởi, vừa thắt lòng nhìn công an giải một đứa vào nhà giam. Đám tang sơ sài cho con xong, người phụ nữ từ ấy tuyệt vọng tìm đến men rượu tìm quên.
Nhà năm người, nay chỉ còn ba. Hai đứa con lầm lũi với những cuộc bắt cua bắt còng, với ngày mấy buổi đi tìm người mẹ thường say xỉn thất thểu lang thang tìm về nhà cũ. Tâm kể bắt còng ngày nhiều kiếm được 100 ngàn, ngày ít chỉ 20 – 30 ngàn, bữa đói, bữa no. Cuộc sống đã mất đi ý niệm về thời gian, chỉ lờ mờ nhớ nay đã lay lắt trên dòng kênh đen được ba cái Tết. Cái Tết vừa rồi, người chị lấy chồng ở miền Tây có ghé về, ngồi thở dài một lúc rồi lại đi. Chị cũng nghèo như em, chỉ mua được cho mẹ hai ký thịt và ít trái cây.

Tâm bị thương vỡ tụy, mẹ phải bán nền đất tái định cư chạy chữa, gia đình bị đuổi ra ngoài đường. Ảnh: PLTP
Chính quyền ở đâu mà để người dân sống cảnh khốn cùng? Tâm cho hay cũng có “sự hiện diện” của chính quyền địa phương, đó là 10 ký gạo hỗ trợ hàng tháng. Đó là đôi khi xuất hiện sắc phục cảnh sát giao thông đường thủy, “hăm” “kéo bè đi nơi khác”. Chàng trai lúc ấy lại lội xuống nước vác dây lên vai kéo “nhà” đi vô định cho đến lúc khuất bóng sắc phục. Địa phương có xua đuổi hay không? Tâm kể cũng có lần một số công an xã kéo đến đòi đuổi đi, nhưng dường như trước gia cảnh cùng cực như thế, dù ai ác đến mấy cũng không thể nhẫn tâm thêm. Túp lều cứ thế dập dềnh bên dự án “tỷ đô”, vô định.
Suốt một ngày chúng tôi ở lại “nhà”, không thấy bà Thu rớt một giọt nước mắt. Cùng khổ rồi, dường như người phụ nữ ấy đã không còn nước mắt để khóc nữa. Bà lao vào những cơn say. Nhưng dường như có những điều dù say đến đâu vẫn không thể quên được. Bên “mâm cơm cúng” 100 ngày con chết chỉ có bát cháo loãng và vài sợi mì nấu rối, người mẹ mất con đang rót rượu “khề khà” mời người chết, chợt quắc mắt chỉ về công trường đang xây cất: “Đô na cốp cái gì, đồ ăn cướp”.
Trưa nắng chang chang, Tâm nhăn nhó ôm vết đau vì vỡ tụy ở bụng, giọng trầm buồn: “Nếu như không có cái dự án ấy, gia đình tui đã không khổ như bây giờ”. Biết trả lời Tâm sao? Tâm đưa mắt buồn nhìn ra nơi bờ sông, nơi con chó gầy nhà Tâm cũng đang nhẫn nhục dặt dẹo ra nằm giơ xương bụng gặm quả mướp non.
Chàng trai mù chữ có lẽ không thể biết được trên lý thuyết, quyền được có một cuộc sống đúng nghĩa của mình được “bảo vệ” như thế nào. Trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chung dự án, đã hứa hẹn những lời có cánh về tính chất mục tiêu “thực hiện chuyển dịch kinh tế – xã hội địa phương từ nông nghiệp nông thôn phân tán lạc hậu sang đô thị dịch vụ…, phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trước đó, cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai và chủ đầu tư dự án “thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”. “An sinh xã hội”, mà những cuộc đời bị gạt ra ngoài lề xã hội, sự sống cái chết lay lắt như ngọn đèn trước gió vậy sao?
(Còn tiếp kỳ 3).







MỤC LỤC.
1/ Ý nghĩa Tam Thánh.  Tr. 01.
2/ Chánh sách Hòa Bình Chung Sống. Tr. 06.

3/ Thư Đức Hộ Pháp gởi: Chủ tịch Liên Hiệp Quốc & các Ngài Thủ Tướng chính phủ các cường quốc. Tr 08.

4/ Không chấp nhận hành động “vô pháp vô thiên” của nhóm cực đoan do Dương Xuân Lương cầm đầu.
Kỳ 02: Pháp luật nhà nước và toàn đạo Cao Đài. Tr 10.
5/ Dự án “tỷ đô” của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn – Kỳ 01: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã. Tr. 15.
6/- Dự án “tỷ đô” của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn – Kỳ 2: Túp lều dập dềnh bên dự án tỷ đô.  Tr. 18.
HẾT.