Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

998. Thất Sơn chuyển động, tứ sơn dời...

Đôi lời (súng bắn không tới): Trong Nam kỳ lục tỉnh có tỉnh An Giang.  Tỉnh lỵ của An Giang là Châu Đốc. Tại Châu Đốc có dãy Thất sơn. Thời đó xuất hiện câu:  Thất Sơn chuyển động, tứ sơn dời...
Nhiều người đã đoán lời sấm nầy. Chúng tôi không có tài đoán sấm nhưng có thể cảm nhận khi lời sấm đã ứng hiện. Thất sơn chuyển động là sự biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Còn tứ sơn dời??? Cứ xem tứ trụ triều đình ở Đại hội 12 nầy xem có đúng không... Đó là sự đối chiếu chứ không phải đoán (kiểu đại bác bắn không tới) vì nó đã xãy ra rồi...
Hi hi có sai cũng đừng cười quẻ nầy nha... coi như đá bổng đá bỏ...
BBT Blog. 
VNTB - Đồng bằng sông Cửu Long: Biến đổi khí hậu không còn là “kịch bản”

Việt Nam Thời Báo.
Nguyên Bình – Trúc Mai (VNTB) Khép lại năm 2015, không phải chờ đợi những khuyến cáo từ “Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris” hồi trung tuần tháng 12-2015 mà người Việt Nam mới thấm thía những “thảm họa” mà biến đổi khí hậu mang đến.


Từ vùng đất chín rồng, xin cùng VNTB nhìn lại năm 2015, qua đó có những kế sách cho năm 2016.


Mặn tấn công, trở tay không kịp


Những ngày cuối tháng 7-2015, dù đã vào mùa mưa nhưng ở nhiều vùng ngọt hóa tại ĐBSCL bất ngờ bị nước mặn tấn công, đẩy cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây vào thế trở tay không kịp. “Nhà báo nếm thử coi, nước gì mà đắng chát. Đời thuở giờ tui mới thấy nước gì mà lạ quá” - bà Võ Thị Dung (ấp Phương An 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) nhăn nhó. Cạnh đó, ông Võ Văn Đẹp (chồng bà Dung) rầu rĩ vớt từ bè cá lên từng đợt cá lóc chết phơi bụng.


Lượng mưa thiếu hụt khiến nhiều diện tích ruộng của Cà Mau nhiễm mặn. Anh: Huỳnh Thế Anh
Từ đầu tháng 7-2015, bè cá của vợ chồng ông Đẹp và các hộ dân lân cận bỗng dưng chết hàng loạt. Người nuôi cá ở đây càng bất ngờ hơn khi biết “thủ phạm” hủy diệt cá nuôi là sông bị nhiễm mặn. “Hồi nào giờ đâu có tình trạng nước mặn thế này” - ông Đẹp thở dài. Ông nuôi 25.000 con cá lóc được 100 ngày, dự định sang tháng 8 thu hoạch, nhưng chưa kịp bán thì cá chết.


Cuộc sống đảo lộn


Ở vùng lân cận, người dân xã Phương Phú (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cũng lần đầu tiên chứng kiến cảnh nước mặn tấn công.


Bà Đoàn Thị Đèo (61 tuổi, ấp Phương Bình, xã Phương Phú) nói: “Mấy chục năm trước có lần nước trên sông bị lợ lợ hai, ba ngày rồi hết. Còn tình trạng mặn như năm nay là chưa từng có”. Nhà bà Đèo trồng 800 gốc cam, trước giờ vẫn tưới bằng nước sông Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nhưng sông bất ngờ bị mặn, bà chỉ còn trông vào nguồn nước máy, nhưng không ngờ nước máy cũng bị mặn.


Mọi sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng vì nước mặn. Ông Nguyễn Văn Liệt, người dân ấp Phương Hòa (xã Phương Phú), nói do nước trên sông bị mặn nên tắm giặt hay nấu ăn cũng đều khó khăn. “Chúng tôi phải tắm bằng nước mặn, rồi lên xả bằng nước mưa. Nấu cơm cũng vậy, phải vo gạo bằng nước mặn rồi mới nấu bằng nước mưa dự trữ”.


“Chạy” mặn


Tại Kiên Giang, từ giữa tháng 7-2015 thường lệ mọi năm vụ lúa hè thu đã trổ đòng đòng, nhưng năm 2015 ven bờ hai con sông Cái Bé và Cái Lớn thuộc hai huyện Châu Thành và An Biên là những cánh đồng đỏ quạch màu phèn, nước trong ruộng nhiễm mặn nên nông dân không thể sạ lúa.


Dưới chân cầu Cái Bé, ông Danh Tui (46 tuổi, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, Châu Thành) đứng thẫn thờ nhìn dòng nước mặn dưới con kênh Xả Xiêm rồi lủi thủi trở về nhà. Ông Tui cho biết khoảng ba năm trở lại đây, thời gian nước ngọt đổ về ngày càng xa dần. Mọi năm giờ này lúa hè thu chỉ còn hơn tháng nữa là có thể thu hoạch, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa sạ được nên chắc phải chờ tới vụ đông xuân. Vậy là coi như mất trắng một vụ lúa. Ông Tui cho hay do mấy năm nay thời tiết thất thường nên hai cha con ông phải “chạy mặn”, dẫn nhau đi làm công nhân cầu đường ở Phú Quốc. Cuối tháng 5-2015, ông Tui xin nghỉ phép năm ngày về nhà sạ lúa. Nhưng chờ đến nay đã mòn mỏi, trong nhà sắp hết gạo ăn mà nước ngọt vẫn chưa về.


Khoan sâu 100m cũng không có nước sạch


Không chỉ bị nhiễm phèn, mặn, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đang đối diện với tình trạng nhiều giếng nước ngầm bị bỏ phế do không còn nước để lấy.



Theo một báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 141.226 giếng nước ngầm, nhiều nhất khu vực ĐBSCL (cứ mỗi 2km có 30 giếng nước ngầm). Cà Mau cũng là tỉnh được đánh giá có nguồn nước ngầm dồi dào, với trữ lượng khoảng 5,8 triệu m3/ngày, phân bổ ở sáu tầng sâu. Cứ mỗi ngày đêm, người dân Cà Mau lấy trên 370.000m3 nước ngầm. Bị khai thác quá mức, nhiều giếng nước ngầm trở nên kiệt, không còn nước để bơm. Lúc này, người dân chỉ còn cách bỏ phế cây nước đã khoan.
Mặn xâm nhập ở Bạc Liêu nên vụ hè thu vừa qua ở một số nơi đã ngưng xuống giống. Ảnh: N.Thịnh
Một thợ khoan nước tại xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết có rất nhiều giếng đã khoan nhưng không tìm được nước, hoặc khoan đến độ sâu 100m gặp nước bị nhiễm mặn. Thế là thợ khoan bỏ lỗ khoan tìm vị trí khác. Phần lớn thợ khoan nước là dân “tay ngang”, cứ khoan theo cảm tính, khi không có nước thì rút giàn khoan để khoan chỗ khác, bỏ lại lỗ thủng và tạo nên hiện tượng thông tầng, ô nhiễm lây lan.


Năm 2016 phải làm gì?


Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố mục tiêu tăng gấp đôi tài trợ hằng năm cho chống biến đổi khí hậu từ mức hiện nay là 3 tỉ USD lên 6 tỉ USD vào năm 2020. Khoản tài trợ mới này đánh dấu lần đầu tiên ADB phê duyệt một mục tiêu đầu tư rõ ràng dành cho biến đổi khí hậu.


Trong số 6 tỉ USD, 4 tỉ USD được dự kiến chi cho việc giảm nhẹ thông qua mở rộng hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông bền vững và xây dựng các thành phố thông minh. Hai tỉ USD sẽ dành cho các cơ sở hạ tầng có sức chống chịu tốt hơn, nông nghiệp thích ứng khí hậu và chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa liên quan đến khí hậu.


Công bố của ADB được đưa ra trong bối cảnh một cam kết từ các quốc gia phát triển nhằm huy động 100 tỉ USD mỗi năm từ năm 2020 để chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển. Toàn bộ nguồn vốn gia tăng trong tài trợ chống biến đổi khí hậu sẽ được trích từ gói cho vay thương mại kết hợp giữa Quỹ Phát triển châu Á và nguồn vốn vay thông thường. Gói tài trợ kết hợp này sẽ nâng tổng mức phê duyệt cho vay và viện trợ không hoàn lại hằng năm lên 50%, tương đương 20 tỉ USD vào năm 2017. Các nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu là khá cao như hàng năm khu vực Đông Nam Á có thể mất tới 6,7% GDP vì biến đổi khí hậu.



Ở khu vực ĐBSCL, khan hiếm nước ngọt là nỗi bận tâm lớn ở nhiều địa phương ven biển những năm gần đây. Bạc Liêu, Sóc Trăng có hơn nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh... nguồn nước ngọt vẫn luôn thiếu hụt. Đã thế, ở các địa phương này ngày càng bị ảnh hưởng rõ rệt của nạn xâm nhập mặn. Trong tình thế đó, người ta chỉ còn biết trông chờ vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đã bắt đầu bị sụt giảm nghiêm trọng.