CHÁNH SÁCH HÒA
BÌNH CHUNG SỐNG.
DO DÂN - PHỤC VỤ DÂN - LẬP QUYỀN DÂN.
CƯƠNG- LĨNH
.
Thống nhất lãnh thổ và khối dân tộc Việt Nam với phương pháp ôn hòa.
.
Tránh mọi xâm phạm nội quyền Việt Nam.
. Xây dựng Hòa bình, Hạnh phúc và Tự do Dân chủ
cho Toàn dân.
&&&
I/-
THỐNG NHẤT LÃNH THỔ VÀ KHỐI DÂN TỘC VIỆT NAM VỚI PHƯƠNG PHÁP ÔN HÒA.
A. Giai đoạn thứ nhứt:
1/ Để
hai chính phủ địa phương tạm giữ nguyên vẹn nền tự trị nội bộ mỗi Miền theo
ranh giới vĩ tuyến 17.
2/
Thành lập một “Ủy ban hòa giải dân tộc” gồm có các nhân sĩ trung lập và một số
đại diện bằng nhau của chính phủ 2 miền để tìm những điểm dung hợp giữa 2 miền.
3/ Tổ
chức nước Việt Nam thống nhất thành chế độ Liên Bang Trung Lập gồm có 2 phần
liên kết ( Nam và Bắc ) theo hình thức Thụy Sĩ với một chính phủ Liên Bang lâm
thời, để điều hòa nền kinh tế trong nước và để thay mặt cho nước Việt Nam thống
nhất đối với Quốc Tế và Liên Hiệp Quốc.
4/ Bãi
bỏ bức rào vĩ tuyến 17. Dân chúng được bảo đảm sự lưu thông tự do trên toàn
lãnh thổ Việt Nam để so sánh và chọn lựa chế độ sở thích mà định cư .
&&&
B. Giai đoạn thứ nhì:
1/
Đánh thức tinh thần dân tộc đến mức trưởng thành, đủ sức đảm nhiệm công việc nước
theo nhịp tiến triển của thế giới trong khuôn khổ tự do và dân chủ.
2/ Khi
dân tộc đã trưởng thành và khối tinh thần đã thống nhất thì toàn dân Việt Nam
sẽ tự giải quyết thể chế thiệt thọ theo nguyên tắc tự quyết bằng cách mở các
cuộc Tổng Tuyển Cử thể theo hiệp định Genève tháng 7/ 1954, để thành lập Quốc
hội duy nhất cho nước Việt Nam. Cuộc Tổng Tuyển Cử này sẽ tổ chức dưới sự kiểm
soát và trách nhiệm trọn quyền của Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa điều áp bức dân
chúng.
3/ Quốc
hội này sẽ định thể chế thiệt thọ và thành lập một chánh phủ trung ương nắm
trọn quyền trong nước Việt Nam.
&&&
II/.TRÁNH
MỌI XÂM PHẠM NỘI QUYỀN VIỆT NAM.
1/ Hữu
dụng nền độc lập của mỗi Miền đã thu hồi do hai khối đã nhìn nhận (chính phủ Hồ
Chí Minh ở miền Bắc và chính phủ Ngô Đình Diệm ở miền Nam).
2/
Nương vào các nước Trung lập như: Ấn Độ, Anh, Miến Điện, A Phú Hãn .. , để mở
một đường lối thứ ba, gọi là “đường lối dân tộc” căn cứ trên khối dân tộc để
làm trung gian dung hòa hai chế độ.
3/-
Tránh mọi hướng dẫn ảnh hưởng hoặc can thiệp của một khối nào trong hai khối
đối lập Nga Mỹ, vì đó là nguyên căn một cuộc tương tàn có thể gây nên trận thế
giới chiến tranh thứ 3. Gia nhập vào một trong hai khối Nga hoặc Mỹ tức là chịu
làm chư hầu cho khối ấy và tự nhiên là thù địch của khối kia. Như thế chánh
sách “Hòa Bình Chung Sống” không thể thực hiện đặng; bằng chứng là tình trạng
của Đức, Áo, Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam hiện tại.
&&&
III/.
XÂY DỰNG HÒA BÌNH HẠNH PHÚC VÀ TỰ DO CHO TOÀN DÂN.
1/ Kích
thích và thúc đẩy cuộc “Thi đua Nhơn Nghĩa”, giữa 2 miền Bắc và Nam để thực
hiện hạnh phúc cho nhân dân trong cảnh hòa bình xây dựng trên nguyên tắc bác
ái, công bình và nhơn đạo.
2/ Áp
dụng và thực hiện Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, thực hiện tự do
dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
3/ Thâu
thập tất cả mọi ý kiến, phát huy do tinh thần hiền triết cổ truyền của chủng
tộc đưa lên và giao lại cho Liên Hiệp Quốc hòa giải để thi hành cho dân chúng
nhờ.
4/ Dùng
tất cả các biện pháp để thống nhất tinh thần dân tộc trong việc xây dựng hạnh
phúc với điều hay lẽ đẹp trên căn bản hy sinh và phụng sự.
5/ Hai
miền phải thành thật bãi bỏ mọi tuyên truyền ngụy biện và xuyên tạc lẫn nhau.
Phải để cho nhân dân đứng trước sự thật tế mà nhận xét sự hành động của đôi bên
rồi lần lần sẽ đi đền chỗ thống nhất ý kiến.
6/ Sự
thực hiện “Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống” trên đây sẽ đặng thi hành dưới sự
ủng hộ và kiểm soát thường trực của Liên Hiệp Quốc và các phần tử Trung Lập
trong nước và ngoài nước, hầu ngăn ngừa mọi áp bức nhân dân do nơi quyền độc
tài của địa phương hay do áp lực của ngoại quyền xúi giục.
Nam Vang, ngày 26- 3- 1956
HỘ PHÁP
PHẠM CÔNG TẮC
(Ấn Ký).