BẰNG
TÍN CHỈ 01 LÀ GÌ?
Một số hậu tấn: Xin cho biết bằng Tín Chỉ Một là gì?
HỒI
ĐÁP.
Cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa Nam và Bắc Việt
Nam đất nước bị tàn phá... Hội Thánh Cao Đài chỉ có hai trường trung học: Đạo Đức
Học Đường (trong Nội Ô Tòa Thánh) và Trường Lê Văn Trung (gần ngã ba Ao Hồ). [[[Hội
Thánh chưa đủ sức để lập Đạo Đức Học Đường tại các nơi có Thánh Thất theo Đạo
Luật Mậu Dần “1938” qui định.]]].
Hội Thánh có tổ chức khóa thi Tín Chỉ Một (có bao
nhiêu khóa lâu rồi không nhớ rõ). Theo
chúng tôi nhớ lại khóa thi năm 1971/1972 như sau:
./- Địa điểm thi: Trường Đạo Đức Học Đường.
./- Thời gian: Thường là trước kỳ thi quốc gia (Tú
Tài Một).
./- Thí sinh: không phân biệt trường công lập hay tư
thục, ai muốn dự thi thì làm đơn và cũng không bắt buộc phải có giấy tờ hay chứng
chỉ chi kèm theo. Cũng không phân biệt có hợp lệ tình trạng quân dịch hay
không. Nghĩa là đầu vào không hạn chế. Còn đầu ra chỉ có một khuôn khổ: Ai đủ
điểm thì đậu (không phân biệt lương hay giáo lại càng không có điểm ưu tiên cho
bất kỳ diện nào. Tất cả thí sinh đều bình quyền). Người đậu trên bằng cấp có
ghi rõ: Ưu, Bình, Bình Thứ hay Thứ.
./ Chương trình thi:
Theo cách phân ban của chương trình giáo dục thời Việt
Nam Cộng Hòa; cấp Trung học chia ra làm 02 cấp: Đệ nhất cấp (Đệ Thất đến Đệ Tứ “sau
gọi là lớp 6 đến lớp 9”). Đệ Nhất Cấp phân ban Anh Văn và Pháp Văn.
Đệ nhị cấp (từ Đệ Tam đến Đệ Nhất “sau gọi lớp 10 đến
12”). Từ đệ nhị cấp lại phân ra làm 03 ban:
Ban A: Khoa học thực nghiệm (thường gọi là Ban Vạn Vật).
Ban B: Khoa học toán (thường gọi Ban Toán).
Ban C (văn chương). Theo chúng tôi biết các trường Trung
học Đệ Nhị Cấp các Tỉnh không mở ban nầy. Hồi đó nghe các Thầy, Cô nói chỉ có
Sài Gòn mới có ban C vì nó đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ (Anh hay Pháp Văn).... học
lớp 11 đã phải viết luận văn bằng ngoại ngữ... nghe vậy không biết có đúng không,
vì thông tin không phong phú như bây giờ... không có net để hỏi...
Thi Tín Chỉ Một lấy chương trình lớp Đệ Nhị (11) làm
căn bản. Thi tất cả các môn đã học (kể cả sinh ngữ 02), ngoại trừ môn Quân Sự Học
Đường.
Thêm vào đó là môn Giáo Lý. Học sinh hai trường Đạo
Đức Học Đường, Lê Văn Trung có học môn giáo lý. Chúng tôi có tìm hiểu thì các bạn
mách là Thầy dạy môn giáo lý hướng dẫn: xem Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Lời Thuyết Đạo
của Đức Hộ Pháp (lúc đó chỉ có quyền một và hai thì phải), Tân Luật, Pháp Chánh
Truyền, Đạo Luật Mậu Dần... Nếu Tôi nhớ không lầm thì hệ số môn giáo lý bằng với
môn chính (Toán hay Vạn Vật).
Thí sinh đủ điểm được Hội Thánh cấp bằng Tín Chỉ Một.
Bằng Tín Chỉ Một khóa 1971/1972 Chánh Chủ Khảo là Thầy
Nguyễn Hữu Lương (Hiệu Trưởng Trường Đạo Đức Học Đường). Có Học Viện phê vào
đó.
Theo quan sát của chúng tôi thời đó thường thì những
người đậu khóa Tín Chỉ Một cũng đậu luôn bằng Tú Tài Một, dĩ nhiên cũng có trường
hợp ngược lại song chỉ là số ít. Cũng cần nói rõ là có một số thí sinh dự thi
Tín Chỉ Một nhưng không thể tham dự kỳ thi Tú Tài Một vì lý do quân dịch.
Như vậy Hội Thánh Cao Đài tự chủ mở ra hệ thống văn
bằng song song với văn bằng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để tiện dụng trong
tôn giáo. Chương trình thi như vậy đã gieo ý thức độc lập và khuyến khích cho
con em nhà đạo học tại các trường công lập hay tư thục khác có điều kiện và có
hứng thú tìm hiểu về đạo. Cuộc thi cũng giống như bước chạy đà để chuẩn bị cho thí
sinh dự cuộc thi lấy bằng cấp quốc gia sau đó.
BÀI HỌC RÚT RA TỪ KHÓA THI...
Đạo Cao Đài thực hiện Bảo Sanh - Nhân Nghĩa - Đại Đồng
bằng cách mở trường học; nhà dưỡng lão, ấu và tịnh thất.
Đạo luật Mậu Dần (1938) qui định tại:
ĐIỀU THỨ BẢY: Phương Diện Giáo Dục, Cất Hạnh Đường và Học
Đường Các Thánh Thất
LUẬT
Phải lập Hạnh Đường nơi Tòa Thánh và Văn Phòng Đầu Tỉnh Đạo
đặng giáo hóa Chức Sắc Thiên Phong và Chức Việc, cùng lập Học Đường đặng dạy dỗ
trẻ em cho rõ thông chữ nghĩa và kinh kệ. Các
Thánh Thất đều phải có Học Đường. Mỗi năm mở khoa mục khảo dượt một lần đặng
ban cấp bằng hay là giấy chứng nhận cho những vị thi đỗ.
Trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá. Hội
Thánh không có điều kiện mở Đạo Đức Học Đường. Hội Thánh vẫn quan tâm đến việc
gieo mầm đạo đức vào lòng hậu tấn. Đó là một
cánh nghĩ rất sáng tạo mà người đạo nên lưu ý và vận dụng trong tương lai khi
cơ đạo được phục hồi.
Cụ thể là ngay khi chưa có điều kiện mở được các trường
Đạo Đức Học Đường hay Đại Học Đường. Học viện vẫn có thể vận dụng cách trên để
mở những khóa thi như vậy cho mọi người vào dự thi kể cả cấp Đại học và trên Đại
học.
Riêng với những vị đã có bằng cấp quốc gia hay những
chứng chỉ tương đương thì Hội Thánh có thể cho thi môn giáo lý là đủ điều kiện
cấp bằng tùy theo trình độ.
Tùy theo cấp dự thi mà có thể cho thi viết kết hợp với
phương pháp trắc nghiệm. Có thể cho thi chuyên sâu như Giáo lý, Pháp Luật, Hành
chánh tôn giáo... để tuyển chọn giảng viên cho các lớp hạnh đường, học đường
khi họ bước vào con đường công quả...
Địa điểm mở khóa thi không phải giới hạn trong nước
Việt Nam mà có thể cả ở hãi ngoại. Không phải chỉ thi bằng Việt Ngữ mà phải có cho
các ngôn ngữ khác tùy theo địa phương.
Thí sinh dự thi bất kỳ nơi đâu, về tới địa điểm thi theo
qui định là Hội Thánh phải lo chổ ăn, ở, di chuyển chu đáo (dĩ nhiên là hoàn toàn
miễn phí). Nếu từ hãi ngoại về bằng đường hàng không hay hàng hãi thì Hội Thánh
sẽ tổ chức đón tại cảng và đưa về địa điểm lưu trú. Điều nầy sẽ giúp cho những
vị không rành đường xá, không có nhiều tiền vẫn yên tâm khi về dự thi. Dĩ nhiên
có những thí sinh báo trước tự túc thì Hội Thánh sẽ tôn trọng quyền riêng tư của
quí vị.
Châu Thành Thánh Địa (40 cây số vuông) sẽ được quốc
tế hóa (như Tòa Thánh Vatican) thì những thí sinh từ các quốc gia không có bang
giao với Việt Nam thậm chí là thù địch với quốc gia Việt Nam hay bị chính quyền
Việt Nam cấm nhập cảnh đi nữa vẫn có thể đến Tòa Thánh Tây Ninh theo qui chế của
vùng lãnh thổ quốc tế hóa.
Nó cũng giống như khi Hoa Kỳ còn cấm nhà cầm quyền Việt
Nam hiện nay không được vào nước Mỹ. Nhưng các vị có trách nhiệm vẫn được quyền
đến Liên Hiệp Quốc làm việc theo nhu cầu (nhưng không được ra khỏi phạm vi của
Liên Hiệp Quốc qui định).
Đó là cách thức đạo tuyển dụng nhân tài cho kịp với
cơ chuyển thế./.
Dương
Xuân Lương.