Posted
by adminbasam on
20/01/2016
BĐLB VOA Phạm Chí Dũng.20-1-2016
Tôi muốn gửi bức thư ngắn gọn và chưa phải là thư cuối cùng này
đến ông Lê Đông Phong, người đã kịp ghi một số “thành tích” về chèn ép quyền
làm người và tự do tôn giáo, dù chỉ mới chấp nhiệm chức vụ giám đốc Công an TP
HCM chưa bao lâu.
Hà Nội chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 19/1/2016. Ảnh: AP
Buổi chiều 19/1/2016, một ngày trước “thềm” Đại hội lần thứ 12
của đảng còn đang cầm quyền ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến một màn “tác nghiệp”
theo dõi quá lộ liễu của nhân viên an ninh của ông đối với tôi trong nhà thờ Ba
Chuông, đường Lê Văn Sỹ, Quận 3, Sài Gòn – nơi tôi và con trai đang cầu nguyện
cho linh hồn của 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa
bốn chục năm về trước.
Thật đáng buồn và quá đáng tiếc, những nhân viên an ninh đã làm
xấu mặt cơ quan công an TP HCM bằng tư duy và hành vi kiểm soát đức tin ngay
trong Nhà Chúa.
Hành vi trên chỉ là một trong vô số can thiệp thô bạo vào tự do
tín ngưỡng và tôn giáo trên mảnh đất Việt đầy rẫy công an trị cùng các nhóm lợi
ích nhân danh đảng đang sâu xé đến tận cùng người dân.
Những công dân đang bị tước đoạt ngay cả quyền tự do đi lại như
tôi cũng đang phải hàng ngày chứng kiến những nhân viên an ninh theo dõi và
ngăn chặn mình ngay tại nhà, theo dõi tôi ngay trước cửa trường mẫu giáo Tuổi
Thơ 7, Quận 3 nơi tôi gửi con. Vào tháng 6/2015, có đến 20 người nhân danh Công
an TP HCM còn nhảy xổ vào sân trường mẫu giáo này, trước sự sững sờ của rất
nhiều phụ huynh và ánh mắt thất thần của trẻ thơ, để lôi tôi về Cơ quan an ninh
điều tra “làm việc”.
19/1 cũng là ngày nhiều người mang trên mình tinh thần “hòa hợp
hòa giải’ đã bị lực lượng an ninh, dân phòng và cả công nhân quét rác vây bọc,
trấn áp tại tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quận 1 khi muốn dâng hương tưởng niệm 75
liệt sĩ Việt Nam Cộng hòa, bất chấp việc mới đây Nhà nước Việt Nam và chính
quyền tỉnh Quảng Ngãi đã lần đầu tiên chấp nhận xây khu tưởng niệm nghĩa sĩ
Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn.
19/1. Ngược chiều với không khí không can thiệp trực tiếp của
Công an Hà Nội trong buổi tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa của hàng trăm trí thức
và người dân ở tượng đài Lý Thái Tổ, một số người tưởng niệm ở Sài Gòn còn bị
công an bắt giữ.
Té ra tất cả những gì mà Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn
đã “kiều vận” ở hải ngoại về “hòa hợp hòa giải dân tộc” đều chỉ là đầu môi chót
lưỡi của một chế độ còn lâu mới biết đến từ “thành tâm”. Cộng hưởng với chiến
dịch đàn áp dữ dội những người dân biểu tình phản đối chuyến thăm Việt Nam của
Tập Cận Bình vào tháng 11/2015, Công an TP HCM đã khiến những hứa hẹn về nhân
quyền của Nhà nước Việt Nam trở nên “danh giá” gấp nhiều lần.
Ai đã nuôi dưỡng một loại danh giá nhà nước cảnh sát thô thiển
và văn hóa dưới đáy như thế? Ai phải chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất về hàng
loạt hành vi vi phạm nhân quyền ở Sài Gòn, nếu không phải là chính ông Lê Đông
Phong?
Là một thường vụ thành ủy TP HCM và đại biểu Quốc hội, cũng là
người chịu trách nhiệm cao nhất về hành vi ứng xử an ninh ở TP HCM, chẳng lẽ
ông Lê Đông Phong không thể hình dung ra việc lộng hành đàn áp, xúc phạm tôn
giáo và tâm linh của đội ngũ an ninh của ông sẽ dẫn đến hậu quả ê chề và quả
báo đến mức nào cho nhà nước “của dân, do dân và vì dân” trước không khí sôi
sục đòi dân chủ và quyền làm người của người dân trong nước, phản ứng của các
chính phủ quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại trong và ngay sau Đại hội
XII?