Vay 400 triệu USD để chống ngập ở TP.HCM
(PLO)- Thời gian thực hiện
dự án mất sáu năm, khoảng 14.900 ha đất ở TP.HCM sẽ được bảo vệ - không bị ngập
bởi các trận ngập lớn có tần suất 10 năm xảy ra một lần.
Thông tin trên được thể
hiện trong quyết định phê duyệt danh mục Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu
vực TP.HCM” vừa được Chính phủ ban hành. Thời gian thực hiện dự án từ năm
2016-2021.
Lưu
vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được cải thiện về thoát nước và vệ
sinh môi trường. Ảnh: TR.THANH
Theo quyết
định phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư lên đến 437 triệu USD. Trong đó, vốn
vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới
(WB) là 400 triệu USD, vốn đối ứng từ phía Việt Nam là 37 triệu USD. Cơ quan chủ
quản dự án là UBND TP.HCM.
Với mức
đầu tư nói trên, mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực quản lý, phòng
chống ngập lụt và cải thiện môi trường, phối hợp với những công trình thuộc các
quy hoạch liên quan để ngăn triều, tiêu thoát nước, giải quyết ngập cho vùng
trung tâm TP.HCM… Như vậy, tính đến năm 2020, có khoảng 2 triệu người dân
TP.HCM sẽ được tiếp cận các tiện ích vệ sinh môi trường từ dự án này.
Với mức đầu tư 437 triệu USD,
mục tiêu của dự án sẽ chống được các trận ngập lớn, có tần suất 10 năm một lần.
Ảnh: M.THANH
Được
biết, một trong những lưu vực chính dự án nhắm đến là lưu vực Tham Lương - Bến
Cát - rạch Nước Lên (dài 33 km, đi qua địa bàn nhiều quận, huyện như Gò Vấp,
quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân). Đây là lưu vực đang bị ô nhiễm nghiêm
trọng bởi lượng nước thải sinh hoạt khổng lồ cùng với nước thải không qua xử lý
của nhiều cơ sở sản xuất.
Về cơ chế
tài chính, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM sẽ vay lại toàn
bộ khoản vốn vay của IBRD. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ
chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn tất các thủ tục đàm phán với
WB.
Trong báo
cáo cho Thủ tướng Chính phủ vào giữa năm 2015, UBND TP.HCM cho biết tính đến
hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP để thực hiện các dự án chống ngập đã hơn
25.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm năm tới, bình quân mỗi năm TP phải bố trí
khoảng 4.250 tỉ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay.
TRUNG THANH