Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

637. HÃY SỬA TỪ CÁI ĐẦU...


Đừng hiểu tôn giáo qua lăng kính đảng cầm quyền
Việt Nam Thời Báo.
Ls Trần Thành
 (VNTB) - Trong hai ngày 25 và 26-8-2015, phái đoàn Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Commission on International Religious Freedom – USCIRF) đã có cuộc gặp với Khối Nhơn Sanh Cao Đài, và ban đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tại Sài Gòn.

Điểm chung là các tổ chức tôn giáo đều nhìn nhận rằng từ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến dự luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi là dự luật) đều xây dựng trên cách hiểu quyền tự do tôn giáo của con người tùy thuộc vào sự cấp phát, “ban ơn” của nhà nước.


Tôn giáo là gì?
Dự luật, điều 3 “giải thích từ ngữ” có nội dung như sau (trích): … 4. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội của các cộng đồng người Việt Nam. 5. Lễ hội tín ngưỡng là lễ hội tổ chức các hoạt động tín ngưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.
6. Sinh hoạt tôn giáo là việc thực hành nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ niềm tin tôn giáo. 7. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của tôn giáo. 8. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.
9. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận. 10. Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận. 11. Tổ chức tôn giáo trực thuộc là đơn vị thuộc hệ thống tổ chức tôn giáo được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận nhằm quản lý tổ chức, phục vụ hoạt động tôn giáo, tu hành tập thể, hoạt động xã hội”.


Cách hiểu của Ban Tôn giáo Chính phủ
Tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ, thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó. Giáo chủ là người sáng lập ra tôn giáo ấy (Thích ca Mâu ni sáng lập ra đạo Phật, đức chúa Giê su sáng lập ra đạo Công giáo, nhà tiên tri Mô ha mét sáng lập ra đạo Hồi,…); giáo lý là những lời dạy của đức giáo chủ đối với tín đồ; giáo luật là những điều luật do giáo hội soạn thảo và ban hành để duy trì nếp sống đạo trong tôn giáo đó; tín đồ là những người tự nguyện theo tôn giáo đó.
Hai là, nếu đối với tín đồ tôn giáo, một người, trong một thời điểm cụ thể, chỉ có thể có một tôn giáo thì một người dân có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn, người đàn ông vừa có tín ngưỡng thờ cụ kỵ tổ tiên, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng tháng, ông ta còn ra đình lễ Thánh. Cũng tương tự như vậy, một người đàn bà vừa có tín ngưỡng thờ ông bà cha mẹ, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng tháng còn ra miếu, ra chùa làm lễ Mẫu,…
Ba là, nếu các tôn giáo đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ thì các loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ thành hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ tổ tiên và thờ Mẫu). Hệ thống kinh điển của tôn giáo là những bộ kinh, luật, luận rất đồ sộ của Phật giáo; là bộ “Kinh thánh” và “Giáo luật” của đạo Công giáo; là bộ kinh “Qur’an” của Hồi giáo,… Còn các cuốn “Gia phả” của các dòng họ và những bài hát chầu văn mà những người cung văn hát trong các miếu thờ Mẫu không phải là kinh điển.
Bốn là, nếu các tôn giáo đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và theo nghề suốt đời, thì trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian không có ai làm việc này một cách chuyên nghiệp cả. Các tăng sĩ Phật giáo và các giáo sĩ đạo Công giáo đề là những người làm việc chuyên nghiệp và hành đạo suốt đời (có thể có một vài ngoại lệ, nhưng số này chiếm tỷ lệ rất ít). Còn trước đây, những ông Đám của làng có 1 năm ra đình làm việc thờ Thánh, sau đó lại trở về nhà làm những công việc khác, và như vậy không phải là người làm việc thờ Thánh chuyên nghiệp.


Cách hiểu của Viện Nghiên cứu tôn giáo
“Giải thích từ ngữ” như điều 3 của dự luật, cho thấy không phù hợp với cách hiểu chung của các tổ chức tôn giáo, và cũng khác với cách hiểu của Viện Nghiên cứu tôn giáo – một tổ chức thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.
Trong nghiên cứu được công bố có tên “Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội phát hành năm 1988 do Viện trưỏng Viện Nghiên cứu tôn giáo, GS Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, thì (trích):
“Tôn giáo” bắt nguồn từ thuật ngữ “religion” (Tiếng Anh) và“religion” lại xuất phát từ thuật ngữ “legere” (Tiếng Latinh) có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Vào đầu công nguyên, sau khi đạo Kitô xuất hiện, đế chế Roma yêu cầu phải có một tôn giáo chung và muốn xóa bỏ các tôn giáo trước đó cho nên lúc này khái niệm “religion” chỉ mới là riêng của đạo Kitô. Bởi lẽ, đương thời những đạo khác Kitô đều bị coi là tà đạo. Đến thế kỷ XVI, với sự ra đời của đạo Tin Lành - tách ra từ Công giáo – trên diễn đàn khoa học và thần học châu Âu, “religion” mới trở thành một thuật ngữ chỉ hai tôn giáo thờ cùng một Chúa. Với sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản ra khỏi phạm vi châu Âu, với sự tiếp xúc với các tôn giáo thuộc các nền văn minh khác Kitô giáo, biểu hiện rất đa dạng, thuật ngữ “religion” được dùng nhằm chỉ các hình thức tôn giáo khác nhau trên thế giới.
Thuật ngữ “religion” được dịch thành “Tông giáo” đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVIII và sau đó du nhập vào Trung Hoa. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, vào thế kỷ XIII, thuật ngữ Tông giáo lại bao hàm một ý nghĩa khác, nó nhằm chỉ đạo Phật (Giáo: đó là lời thuyết giảng của Đức Phật, Tông: lời của các đệ tử Đức Phật).
Thuật ngữ Tông giáo được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, nhưng do kỵ húy của vua Thiệu Trị nên được gọi là “Tôn giáo”. Như vậy, thuật ngữ tôn giáo ban đầu được sử dụng ở châu Âu nhằm chỉ một tôn giáo sau đó thuật ngữ này lại làm nhiệm vụ chỉ những tôn giáo.
Tôn giáo là một từ phương Tây. Trước khi du nhập vào Việt Nam, tại Việt Nam cũng có những từ tương đồng với nó, như:
- Đạo: từ này xuất xứ từ Trung Hoa, tuy nhiên “đạo” không hẳn đồng nghĩa với tôn giáo vì bản thân từ đạo cũng có thể có ý nghĩa phi tôn giáo. “Đạo” có thể hiểu là con đường, học thuyết. Mặt khác, “đạo” cũng có thể hiểu là cách ứng xử làm người: đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò… Vì vậy khi sử dụng từ “đạo” với ý nghĩa tôn giáo thường phải đặt tên tôn giáo đó sau từ “đạo”. Ví dụ: đạo Phật, đạo Kitô…
- Giáo: từ này có ý nghĩa tôn giáo khi nó đứng sau tên một tôn giáo cụ thể. Chẳng hạn: Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo… “Giáo” ở đây là giáo hóa, dạy bảo theo đạo lý của tôn giáo. Tuy nhiên “giáo” ở đây cũng có thể được hiểu với nghĩa phi tôn giáo là lời dạy của thầy dạy học.
- Thờ: đây có lẽ là từ thuần Việt cổ nhất. Thờ có ý bao hàm một hành động biểu thị sự sùng kính một đấng siêu linh: thần thánh, tổ tiên… đồng thời có ý nghĩa như cách ứng xử với bề trên cho phải đạo như thờ vua, thờ cha mẹ, thờ thầy hay một người nào đó mà mình mang ơn…
Thờ thường đi đôi với cúng, cúng cũng có nhiều nghĩa: vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính thế tục. Cúng theo ý nghĩa tôn giáo có thể hiểu là tế, tiến dâng, cung phụng, vật hiến tế… Ở Việt Nam, cúng có nghĩa là dâng lễ vật cho các đấng siêu linh, cho người đã khuất nhưng cúng với ý nghĩa trần tục cũng có nghĩa là đóng góp cho việc công ích, việc từ thiện… Tuy nhiên, từ ghép “thờ cúng” chỉ dành riêng cho các hành vi và nội dung tôn giáo. Đối với người Việt, tôn giáo theo thuật ngữ thuần Việt là thờ hay thờ cúng hoặc theo các từ gốc Hán đã trở thành phổ biến là đạo, là giáo. (…)
Tôn giáo là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý - văn hóa khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau. (Hết trích)


Hãy sửa từ “cái đầu”
Như các phân tích ở trên, thì cần xem xét hủy bỏ các điều 3.9, 3.10 và 3.11 của dự luật; hoặc điều chỉnh cách hiểu cho phù hợp, bằng việc không đưa yếu tố quản lý hành chính chủ quan của chính quyền vào lãnh vực tôn giáo. Cụ thể, nếu không hủy bỏ, cần điều chỉnh như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ. Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: (…) 9. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo. 10. Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật. 11. Tổ chức tôn giáo trực thuộc là đơn vị thuộc hệ thống tổ chức tôn giáo được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo đó”.
Nếu chấp nhận sửa đổi “giải thích từ ngữ”, thì tiếp tục sửa đổi các điều luật tương ứng cách hiểu được định nghĩa ở điều 3 dự luật.