Trang

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

547. QUỐC TẾ VẬN... CHO TC XÃ HỘI DÂN SỰ


Vận động quốc tế tiếp ứng cho Tuyên Bố Chung về Luật Về Hội.
Bước chuyển thế quan trọng và không thể lật ngược.


Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 2 tháng 8, 2015
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 2.2.2. Tạo thế đòn bẩy trong - ngoài, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam” http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/1009-pho-bien-ke-hoach-5-va-100.html )
“Bản Tuyên Bố Chung của các tổ chức XHDS độc lập Việt Nam về Dự thảo Luật về Hội” vừa được phổ biến ở Việt Nam, với 22 tổ chức XHDS đứng tên. Bản tuyên bố được gởi đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và cả Văn phòng Chính phủ trưóc thời hạn 4 tháng 8, 2015, là hạn chót để góp ý.

Chúng tôi hoan nghênh tiếng nói dõng dạc và kịp thời của các tổ chức XHDS độc lập ở trong nước. Trong nghĩa vụ yểm trợ, chúng tôi đã và tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ tiếng nói ấy.
Trước hết, chúng tôi đã chuyển bản dịch tiếng Anh của Bản Tuyên Bố Chung đến Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền tự do tụ tập ôn hoà và lập hội, và cả Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vì dự thảo luật cố tình loại trừ các tổ chức tôn giáo ra khỏi định nghĩa về “hội”. Tôi tin rằng họ sẵn sàng yểm trợ cho tiếng nói của các tổ chức XHDS trong nước.

Ông Maina Kiai, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về quyền tự do tụ tập ôn hoà và lập hội, và Ts. Nguyễn Đình Thắng, Singapore, ngày 03/02/2014

Kế đến, chúng tôi đã liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vì tuần tới họ sẽ có phái đoàn cao cấp đến Việt Nam. Đây là cơ hội để Hoa Kỳ gởi thông điệp trực tiếp đến các cấp lãnh đạo cao nhất trong chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam rằng bản dự thảo luật không đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế căn bản và do đó nhất thiết phải chỉnh sửa. Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn Giáo Quốc Tế cũng đã nhận Bản Tuyên Bố Chung; họ có thể sẽ có một phái đoàn đến Việt Nam trong tương lai gần.
Thứ ba, chúng tôi đang hợp tác với một số tổ chức bạn ở nhiều quốc gia để vận động sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức nhân quyền quốc tế và trong khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ giúp chuyển sự chú ý của quốc tế, trước đây tập trung vào Miến Điện và Cambodia, sang Việt Nam. Và, quan trọng không kém, lần đầu tiên tiếng nói của các tổ chức XHDS ở Việt Nam sẽ nhận được sự tiếp ứng rộng rãi của các tổ chức XHDS khu vực và quốc tế.
Đây sẽ là một bước “chuyển thế” quan trọng. Trên cán cân về thế thì một bên sẽ là LHQ, các chính quyền tự do, và lực lượng XHDS khu vực và quốc tế đứng cùng với các tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam; bên kia là chính quyền Việt Nam, một mình và trơ trọi.
Và những điều trên cũng áp dụng cho các dự thảo luật khác, sẽ được cứu xét hay thông qua tại kỳ họp Quốc Hội sắp đến.
Sau lần này, chúng tôi tin tưởng rằng quốc tế sẽ liên lạc trực tiếp và chặt chẽ với các tổ chức XHDS ở Việt Nam. Khi ấy, bất luận Quốc Hội Việt Nam có tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quyền lập hội hay không thì sự thể cũng đã rồi: Chính quyền sẽ không dễ xoá sổ các tổ chức XHDS đã được quốc tế thừa nhận và đang hợp tác.
Bài liên quan:
Báo Động: Các tổ chức XHDS Việt Nam cần cấp thời lên tiếng 
Tại sao cần lên tiếng về các dự thảo luật?