Đàm phán TPP tại Hawaii đổ vỡ
1 tháng 8 2015
BBC.
Các nước tham gia đàm phán Hiệp
định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã không thể đi đến một thỏa thuận chung sau
vòng đàm phán kéo dài 4 ngày ở Hawaii, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Các điểm bất đồng
chính bao gồm xuất xứ xe hơi xuất khẩu của Nhật Bản và vấn đề bảo vệ dữ liệu
dùng để phát triển thuốc sinh học.
Bên cạnh đó, New
Zealand cũng không chấp nhận ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị
trường sữa.
Tuy nhiên, các bộ
trưởng từ 12 nước tham gia đàm phán TPP, vốn chiếm khoảng 40% nền kinh tế thế
giới, tin rằng một thỏa thuận "vẫn nằm trong tầm tay".
"Quý vị có thể
thấy là chỉ còn một hay hai vấn đề vô cùng nan giải. Một trong số đó là thị
trường sữa", Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nói.
Bộ trưởng thương mại
Úc Andrew Robb đổ lỗi cho nhóm 'bộ bốn' nền kinh tế lớn, Hoa Kỳ, Canada, Nhật
Bản và Mexico.
"Điều đáng buồn
là 98% nội dung thỏa thuận đã được chốt lại", ông nói.
Thất bại trong việc
đạt được một thỏa thuận sẽ gây trở ngại cho chính quyền Tổng thống Barack
Obama, vốn xem TPP là một phần quan trọng trong chính sách chuyển trục sang
châu Á nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Vòng đàm phán lần
này, với sự góp mặt của 650 nhà đàm phán, được xem là cơ hội cuối cùng để chính
phủ Hoa Kỳ chốt lại TPP và trình ra trước Quốc hội trong năm nay, trước cuộc
bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Kết quả đã làm nản
lòng nhiều nhà đàm phán, vốn đã thảo luận xuyên đêm để giải quyết các mâu thuẫn
còn tồn đọng, Reuters cho biết.
Bất chấp những bước
tiến đã đat được, các bên đã không thể đi đến một thỏa thuận chung sau bốn ngày
thảo luận.
New Zealand nói nước
này sẽ không ủng hộ một thỏa thuận không mở cửa đáng kể các thị trường sữa,
nhất là tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
Bộ trưởng các nước
cũng chưa thể nhất trí về thời gian bảo vệ các thông tin sử dụng để chế tạo
thuốc sinh học.
Các nhà sản xuất dược
phẩm tại Hoa Kỳ muốn 12 năm, nhưng Úc lại chỉ muốn 5 năm và Chile không muốn
năm nào.
"Hoa Kỳ đứng ở
một bên, trong khi tất cả những nước khác ở bên còn lại ... không bên nào chịu
nhượng bộ", đại diện của một trong các quốc gia tham gia đàm phán, nói.
Nhật Bản và Hoa Kỳ đã
thống nhất hầu hết các quy định về xuất xứ của xe hơi, vốn xác định khi nào một
sản phẩm được cho là xuất xứ từ bên trong vùng tự do thương mại và không phải
chịu thuế.
Tuy nhiên điều này
lại không có được sự ủng hộ từ Canada và Mexico.
Bộ trưởng Kinh tế
Mexico Ildefonso Gualardo nói Mexico là nhà xuất khẩu xe lớn thứ tư thế giới và
ông không có gì phải hối tiếc về việc bảo vệ cho lợi ích của nước mình.
Các nhà sản xuất xe
hơi của Nhật sử dụng nhiều linh kiện nhập từ Thái Lan, một nước không nằm trong
TPP.