Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

559. PHẢI CHĂNG ANH Ả ĐỀU CÓ LỢI... CHỈ CÓ DÂN VIỆT NAM BỊ THIỆT...



EU nương nhẹ Việt Nam về nhân quyền?
7 tháng 8 2015
BBC
Thông tin về một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam do Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cung cấp có vẻ chưa dịch và đăng toàn bộ đoạn quan trọng về các cam kết thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Hôm 4/8 Bộ Công thương Việt Nam và Liên minh châu Âu loan báo EU và Việt Nam đã kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do.
Hai bên nói EU và Việt Nam đã đạt thống nhất về nguyên tắc về Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
Trên trang web của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam ở địa chỉeeas.europa.eu hôm 04/08/2015 đăng thông cáo báo chí tiếng Việt:
"Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc đối với một hiệp định thương mại tự do, sau hai năm rưỡi đàm phán tích cực."
"Sau cuộc điện đàm vào sáng nay giữa Cao ủy Thương mại của EU, Bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, tất cả các vấn đề quan trọng đã được nhất trí và cả hai bên đã đạt được một gói cam kết cân bằng và cùng có lợi."
Trang web này cho hay "Hiệp định này sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế."
Vẫn bản tiếng Việt có một câu dài nhắc đến các đảm bảo về dân chủ và nhân quyền:
"Hiệp định cũng sẽ bao gồm một mối liên kết có ràng buộc về mặt pháp lý với Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) trong đó chi phối mối quan hệ toàn diện giữa EU và Việt Nam, qua đó đảm bảo rằng nhân quyền, dân chủ, và pháp quyền là những thành phần chủ chốt trong mối quan hệ thương mai song phương của chúng ta."
Nội dung thông cáo báo chí tiếng Việt giống thông cáo báo chí tiếng Anh trên trang web của EU.
Tuy vậy, trang web của Ủy ban châu Âu, ngoài bản thông cáo báo chí, còn đăng bản ghi nhớ (memo) ghi rõ hơn nhiều điều khoản, gồm cả điều 10 tập trung vào nỗ lực và cam kết hai bên thúc đẩy dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Bản ghi nhớ này, ở điều 10 nói về dân chủ và nhân quyền, có nguyên văn như sau:
Hàng nông sản Việt Nam hy vọng thuận lợi hơn khi nhập vào EU
"Trong Lời mở đầu của FTA, các bên cùng xác nhận cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc ký tại San Francisco ngày 26 tháng 6 năm 1945 và tôn trọng các nguyên tắc nêu ra trong Tuyên ngôn Quốc tế và Nhân quyền của Đại hội đồng LHQ ngày 10 tháng 12 năm 1948.
FTA sẽ đặt quan hệ pháp lý mang tính ràng buộc của Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác EU - Việt Nam (PCA), ký vào tháng 6/2012, vốn gồm cả các điều khoản về quyền con người và hợp tác về nhân quyền. PCA nói rằng các quyền con người, dân chủ và chế độ pháp quyền là các thành tố trọng yếu cho quan hệ chung giữa EU và Việt Nam.
Vì thế, mối liên hệ giữa FTA và PCA là rất quan trọng để đảm bảo rằng nhân quyền cũng là một phần của quan hệ thương mại giữa hai bên. Điều này gồm cả quyền ra biện pháp phù hợp, và có liên quan đến FTA, kể cả việc ngưng thi hành hiệp định, trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng các thành phần trọng yếu này."
Bản ghi nhớ tiếng Anh này cũng nói về hợp tác trong lĩnh vực lao động, bảo vệ môi trường, hỗ trợ thương mại và doanh nghiệp vừa và nhỏ:
"Thúc đẩy phát triển bền vững trong mọi tầm vóc là tiêu chí chính yếu cho hợp tác (EU - Việt Nam), nhất là trong các lĩnh vực cụ thể bao gồm lao động, môi trường, hỗ trợ thương mại và doanh nghiệp vừa và nhỏ."
Trong khi đó, trang web của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đến ngày 7/8, chỉ đưa bản dịch tiếng Việt thông cáo báo chí.
Tại Việt Nam, đa số các bài báo tập trung vào các chi tiết kinh tế, nhất là lộ trình mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa EU.
Các trang web ở Việt Nam cũng nhắc về khoản nhân quyền như đã trích dẫn ở trên về "mối liên kết có ràng buộc về mặt pháp lý...đảm bảo rằng nhân quyền, dân chủ, và pháp quyền là những thành phần chủ chốt trong mối quan hệ thương mại song phương" nhưng không dịch toàn bộ chi tiết.