Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

599. TÓM LẠI LÀ CÕNG ĐẢNG; CÕNG TƯỢNG ĐÀI BÁC HỒ...

Dự thảo Luật phí và lệ phí:
Người dân chuyển từ “cõng” phí sang “cõng” giá? 
Việt Nam Thời Báo.
Phan A (Đại Kỷ Nguyên.VN)
Trước tình trạng phí chồng phí, lạm thu, ngày 10/8, Quốc hội đưa ra điều chỉnh đối với dự thảo Luật phí và lệ phí, trong đó sẽ chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là việc này có làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp hay không khi giá bị thả nổi theo cơ chế thị trường?


Những bệnh nhân Bệnh viện K đang đợi nhận suất cơm từ thiện. Ảnh chụp vào tháng 12/2012. (Ảnh: soha.vn)
Bệnh nhân, sinh viên sẽ gánh đủ giá dịch vụ y tế, giáo dục
Cụ thể, trong dự thảo Luật phí và lệ phí, 19 khoản phí sẽ được đưa ra khỏi danh mục, chuyển sang thu theo cơ chế giá thị trường. Trong đó có một số khoản phí đáng chú ý như lệ phí công chứng, phí vệ sinh, phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá, phí đấu thầu, phí kiểm định đo lường chất lượng…
Đặc biệt, việc thả nổi viện phí và học phí theo giá thị trường đang gây nên nhiều lo ngại. Đây là hai lĩnh vực công liên quan trực tiếp tới chính sách an sinh xã hội, quyết định cuộc sống của nhiều người dân trong đó đa số có mức thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình, sinh sống ở vùng ven thành thị, nông thôn hoặc miền núi.
Nếu chuyển viện phí sang tính theo cơ chế thị trường, chi phí khám, chữa bệnh có thể tăng từ 2-5 lần, theo thông tin từ báo Lao Động.
BS Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) phân tích, nếu tính đủ giá dịch vụ y tế thì nhiều chi phí sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
Ví dụ, chi phí chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 460.000 đồng/lần hiện nay lên 0,9 – 1 triệu đồng/lần.
 Giá khám bệnh sẽ tăng gấp 5 lần, từ 20.000 đồng lên đến 100.000 đồng. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng.


 Một hình ảnh thường ngày tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Hầu hết bệnh viện công đều luôn trong tình trạng quá tải. (Ảnh: tapchicongthuong.vn)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp (tức là chưa được tính đúng, tính đủ), theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống.
Theo ông Khuê, các chi phí như lương của nhân viên y tế hiện chưa được chi trả, do vậy ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp với định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế.
Dự kiến sắp tới chi phí trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế. Trung bình bệnh nhân làm phẫu thuật phải “gánh” thêm hơn 1,5 triệu đồng.
Thế nhưng, không chỉ “gánh” khoản tiền phụ cấp cho kíp mổ, dự kiến từ đầu năm 2016, viện phí sẽ tiếp tục “cõng” thêm chi phí lương của nhân viên y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.
Điều này cho thấy, nếu chuyển hoàn toàn viện phí sang cơ chế giá dịch vụ, giá viện phí sẽ tăng cao gấp nhiều lần hiện nay. Trong đó, bệnh nhân không có thẻ BHYT, bệnh nhân nặng mạn tính (ví dụ, suy thận, ung thư) sẽ là đối tượng bị tác động mạnh nhất.
Trước đó, hồi tháng 6, tại phiên thảo luận Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) chỉ ra rằng, người dân không chỉ đóng viện phí và học phí mà còn phải chịu một phần thuế đối với hai loại phí này. “Nếu chúng ta tiếp tục giữ giá học phí và viện phí thì chúng ta phải bỏ phần thu thuế ở phần giá dịch vụ y tế”, ông Tiên nhận định.
“Giá dịch vụ y tế mà xã hội hóa phải thu mất 28% tiền thuế những bệnh viện làm dịch vụ. Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì phải 15% thuế; phần BHYT chi trả thì không phải thuế, nó bị gánh thuế tương đối nhiều.
… Vì đây là dịch vụ chăm sóc sức khỏe chúng ta phải miễn. Thuế hay không thì cuối cùng người dân vẫn phải nộp, các cơ quan, bệnh viện họ không bỏ ra”, ông Tiên cho hay.
Hiện tại, mức học phí tại một số trường ĐH đang tăng lên theo cơ chế tự chủ tài chính. Mức tăng từ 1-2 triệu so với năm trước.
Lấy ví dụ:
    Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mức thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy): năm 2014-2015 là 12 triệu đồng; năm 2015-2016 là 13 triệu đồng; năm 2016-2017 sẽ tăng lên 14 triệu đồng.
    Tại ĐH Mở TP.HCM: năm học 2014-2015 là 11 triệu đồng; năm học 2015-2016 là 13 triệu đồng; năm 2016-2017 là 15 triệu đồng.
  Tại ĐH Ngoại thương: năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng; năm 2016-2017 là 16 triệu đồng.
Cũng trong phiên họp tháng 6, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai lưu ý, việc chuyển phí và lệ phí qua hình thức giá dịch vụ thoạt nghe thì hợp lý về hình thức nhưng có thể khiến người dân thêm gánh nặng vì giá dịch vụ sẽ cao hơn phí, do trong phí còn có phần phúc lợi trích ra từ ngân sách.
Tự chủ tài chính trong y tế và giáo dục, rốt cuộc là câu chuyện về thương mại hóa lĩnh vực dịch vụ công. Khi giá thị trường thay đổi thì mức giá dịch vụ cũng sẽ thay đổi theo mà không phụ thuộc vào mức phí do Bộ Tài chính phê duyệt. Điều này được cho là sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ trong bệnh viện, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải thiện kỹ thuật, tuyển thêm nhân sự… hay nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
    Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là khi người dân phải chi trả cho các dịch vụ công, thì ngân sách nhà nước sẽ được đầu tư vào đâu? Khi thương mại hóa y tế, giáo dục, thì người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận được đến những dịch vụ này không?
Các bệnh viện xã hội, những trạm y tế vùng sâu vùng xa có được đầu tư hay không? Đầu tư ở mức độ nào?
Để các trường tự chủ về tài chính, nhưng thu-chi như thế nào? Học phí thu về sẽ cam kết đầu tư lại trường học, giáo viên và học sinh là bao nhiêu?
Vì mục tiêu cuối cùng của việc chuyển từ phí sang giá dịch vụ là để giảm tải cho ngân sách, thì người dân cần được biết, tiền thuế đã đóng vào ngân sách và số tiền đã chi trả cho dịch vụ của mình đang được chi tiêu như thế nào?
Nông dân có thoát được “gông” phí, lệ phí?
Trước đó, ngày 7/8, Bộ Tài chính thông báo bãi bỏ và sửa đổi 14 khoản thu (bãi bỏ 13 khoản, sửa đổi 01 khoản) liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau.
Cụ thể, 39 đầu mục phí, lệ phí bị bãi bỏ và 1 đầu mục phí sửa đổi, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, cả nước hiện có 72 loại phí và 42 loại lệ phí và đó chỉ là đầu mục các loại. Các loại phí, lệ phí được chia thành hàng trăm các đầu mục thu khác nhau, có thể thấy qua tổng cộng 22 luật, 30 nghị định và 200 thông tư các loại quy định về phí và lệ phí, theo thông tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. So sánh ra, thì con số các loại phí, lệ phí bị bãi bỏ, sửa đổi chỉ là quá nhỏ.
Điều chỉnh này được cho làm nhằm giảm lạm thu và khác phục tình trạng phí chồng phí như sự việc “đếm trứng ăn tiền” và “một con gà cõng tới… 14 loại phí, lệ phí” được đưa ra từ tháng 6 cùng hàng loạt các vấn đề về lạm thu, tận thu đã được đưa ra trong thời gian qua.


 Nhân viên thú y làm thủ tục kiểm dịch thú y gia cầm trước khi vào chợ Hà Vỹ (Hà Nội). (Ảnh: danviet.vn)
Một con gà ‘cõng’ tới… 14 loại phí, lệ phí
“Một con gà cõng tới… 14 loại phí, lệ phí” là lúc con gà mới nở đã phải chịu phí kiểm dịch 100 đồng/con; phí cấp giấy kiểm dịch khi xuất gà con khỏi trại ra ngoài tỉnh 40.000 đồng/tờ, nội tỉnh 5.000 đồng/tờ; giấy tiêu độc sát trùng cho xe vận chuyển gà ra ngoài tỉnh 75.000 đồng/tờ, nội tỉnh 45.000 đồng/tờ… Trong quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí. Tính toán sơ bộ cho thấy các khoản phí chiếm tới 20% giá thành sản xuất, chăn nuôi gà, theo báo Đầu tư Tài chính.
Còn việc “đếm trứng ăn tiền” vốn gây nhức nhối đối với các hộ sản xuất, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích là vì trong thông tư thu phí ghi là thu theo quả trứng nên các đơn vị kiểm định cứ “đếm trứng ăn tiền”.
“Kể cả chuyện thu phí kiểm định trâu, bò, gà theo con tới đây chúng tôi cũng đề xuất bỏ. Không thể làm như vậy được, chỉ được thu phí theo mẫu, 1 triệu quả trứng nhưng chỉ kiểm định mẫu 10 quả thì chỉ thu phí với 10 quả ấy, một đàn trâu hàng trăm con khi kiểm định mẫu một con thì thu phí con ấy”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Đáng lưu ý là cho tới lúc này Bộ Tài chính vẫn chưa ra lệnh bỏ đối với việc lạm thu theo phát biểu trên, dù vấn đề đã được chỉ ra từ tháng 6.
Một hạt thóc ‘cõng’ hơn 100 khoản đóng góp
Còn một hạt thóc nông dân sản xuất ra phải ‘cõng’ hơn 100 khoản đóng góp. Các khoản này thường chia là 3 phần: phần thuế nộp cho nhà nước theo quy định; phần dịch vụ của các hợp tác xã (chuyển giao khoa học – kỹ thuật, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) – các khoản phí dịch vụ này chiếm khoảng 38% – 40%;
Phần thứ 3 là các khoản phí mang tính xã hội (phí môi trường, điện, đường, đê điều, hỗ trợ người bị thiên tai…) – thường chiếm từ 25% – 30%, theo Báo Đất Việt.
Năm 2014, nắng nóng kéo dài tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khiến ruộng lúa thiếu nước bị héo úa. Nhiều người nông dân đành cắt về cho bò ăn. Nông dân hiện phải “gánh” 937 khoản phí và 90 lệ phí, theo Bộ Tài chính. (Ảnh: baoquangngai.vn)
Ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ ấp 1, xã Tân Đông, Thạnh Hóa, Long An) cho biết, mỗi năm bà con nông dân khu vực Thạnh Hóa phải đóng thêm phí bảo vệ đê điều và một khoản phí để chăm sóc sức khỏe người ND. “Phí bảo vệ đê điều thì được cán bộ giải thích là để nạo vét kênh mương, hạn chế sạt lở mùa lũ. Thế nhưng, đóng phí bao nhiêu năm rồi, tôi chưa thấy đê điều trong khu vực được nạo vét lần nào cả”, ông Sơn nói trên báo Dân Việt.
Thực trạng “xã phí, phường phí, rồi cả… thôn phí” – tức các cấp địa phương tự đặt ra phí thu là có tồn tại. “Có nơi đi qua một con đường thôn cũng đứng ra thu phí, với lý do thôn đó bỏ tiền ra làm con đường này… Thật quá vô lý!” – ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nói tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật phí và lệ phí sáng 29/5.
Hiện phí bảo trì đường bộ, đã qua một thời gian tranh luận khá dài trên cả nước, với đa số ý kiến về tính vô lý của loại phí này, thế nhưng, vẫn chưa có kết luận cuối cùng là bỏ thu hay không. Một số tỉnh đã dừng thu và nhiều tỉnh còn e dè đợi lệnh từ trung ương.
Nói về loại phí này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) chỉ ra bất cập về phí chồng phí khi cho biết: “Người dân… đang đi đúng trên con đường họ tự bỏ tiền ra làm. Tiền làm đường này hoàn toàn do dân đóng góp làm sao phải đóng phí” – tức là lạm thu khi mà người dân đã đóng thuế cho ngân sách, nhà nước là thay mặt sử dụng ngân sách đó để đầu tư xây dựng các công trình công, thì nay, họ phải tiếp tục móc tiền túi để sửa chữa, bảo trì con đường đó.
Phan A tổng hợp
(Đại Kỷ Nguyên.VN)