Làm sao trả món nợ đó???
Xin xem bài dưới đây.
BBT Blog.
CON NGƯỜI CÓ THỂ TRẢ HẾT NỢ
TRONG MỘT KIẾP SỐNG HAY KHÔNG ?
TRONG MỘT KIẾP SỐNG HAY KHÔNG ?
Bảo-Đạo Hồ-Tấn-Khoa
Chúng ta đã có dịp
nói qua rồi về con đường tiến-hóa của Vạn-Linh hay là con đường Thiêng-Liêng-Hằng-Sống
tức là con đường tiến-hóa từ vật-chất đến thảo-mộc, thú cầm mới lên phẩm người.
Giai đoạn đó phải đòi hỏi cả muôn năm, muôn kiếp trong mỗi phẩm.
Vì vậy, từ buổi mới
được kết tạo nơi chốn bào thai thì mọi đơn-vị nhơn-loại đã phải chịu ảnh-hưởng
của nợ tiền-khiên là công chuộc quả của các bậc tiến-hóa trước từ kim-thạch đổ
lên đã phải chịu trong vòng vận-chuyển của Bát-Hồn.
Hiểu vậy thì mỗi
chúng ta khi mới tượng-hình trong bào-thai đã có nợ rất nhiều rồi trong
tiền-kiếp trên bước đường tiến-hóa từ khi còn là kim-thạch đổ lên. Như vậy thì
mỗi kiếp sanh đã sẵn nặng nợ của Tạo-vật dẫy-đầy, mặc dầu là chưa làm chi nên
tội.
Rồi một khi lọt lòng
mẹ bước ra chào đời thì lại còn thêm nặng nợ xã-hội nhơn-quần, bắt đầu là nợ
sanh thành dưỡng-dục, mớm cơm vú sữa, rồi đến nợ áo cơm ăn học, nợ tình-cảm
trong gia-đình, cha mẹ, anh em, thân tộc rồi đến bạn tác. Một khi đến lúc
trưởng-thành thì lại thêm quả-nghiệp tạo dựng gia-đình nên chồng nên vợ, nên
nhà nên cửa, nhứt nhứt mỗi nhu-cầu trong sự sanh sống hằng ngày đều là cơ hội
để vay thêm nợ của xã-hội. Đó là định-nghiệp của một kiếp. Lấy lý mà
suy-nghiệm, thì cả một kiếp sanh, mỗi đơn-vị con người đã phải chịu ơn tấn-hóa
của hóa-nhơn, rồi lại chịu ơn cấp-dưỡng của đồng loại. Hai cái ơn ấy muốn cả đơn-vị
chơn-hồn con người phải đi theo đà sanh-hóa, luân-chuyển mãi thôi! Trong cơ vay
trả biết bao giờ mới hết?
Đó là nói về
nguyên-quả, còn nói về nghiệp-quả, thì ngoài các món nợ mà ta tự gây nên thì
còn phải chịu nợ của những kẻ đã hy-sinh cho kiếp sống của chúng ta ấy là sự
nhờ vã lẫn nhau trên đường sanh-nghiệp.
Bát cơm của chúng ta
ăn hằng ngày để nuôi sống thân phàm nầy là do ơn của bao nhiêu người đã phải
khổ cực, dầm sương dãi nắng để tạo ra, từ người nông phu luôn cả con súc vật đã
cực khổ cày bừa, dọn dẹp thửa đất cho sạch-sẽ để rồi gieo lúa lên mạ. Khi cây
mạ đúng sức rồi, phải nhờ bao nhiêu công để cấy. Khi cấy xong rồi còn phải chăm
nom, săn-sóc, giữ cỏ, giữ nước, giữ sâu bọ, chim chóc, đến lúc chín còn phải
cắt, gặt, đập, giê xay, giã .v.v...Ra hột gạo rồi còn phải vo nấu cho ra hột
cơm mình ăn. Cái áo chúng ta mặc, cũng do bao nhiêu công nợ mà chúng ta phải
chịu, từ kéo ra sợi chỉ, dệt lại thành bức cắt ra rồi may ráp lại cho ra kiểu
vỡ một cái áo để ta mặc. Đó là chưa kể những nợ mà ta phải chịu về những người
tạo ra máy móc, hoặc tạo ra cái kéo, cây kim .v.v...
Đấy là kể sơ hai
thí-dụ cụ thể để nhận-thức những món nợ vô cùng lớn lao và đầy-dẫy mà ta phải
lo trả.
Một
khi ta nhận-thức tận-tường về lý rồi, thì ta nên kiếm ra lẽ đặng trả cho xong
các mối nợ thì ta sẽ nhận thấy mãnh thân phàm nầy chẳng phải đến mặt thế nầy
cho một cá-nhân mà sự liên đới của nhơn-loại.
Bởi cớ,
chẳng có một cá-nhân nào được quyền sống cho đơn-vị, tức là sống ích-kỷ hay
vị-kỷ, cho riêng mình mà trái lại, phải đem hết kiếp sống của mình ra để
phụng-sự cho toàn-thể, hoặc bằng lời nầy, hay phương khác theo thường gọi là
phải sống vị tha.
Chúng ta cũng nên nhớ
là nghiệp-quả ở trong sự cấp-dưỡng của đồng loại về cái ăn, đồ mặc, chỗ ở, thì
chẳng phải lấy của mà trừ công cho đặng, mà là phải lấy thiện-ý của chơn-chánh
để phục-sự, hầu cứu an nhơn khổ, tức là ta phải lấy công mà trả
công chớ không phải thế ỷ có tiền rồi lấy tiền làm trọng và xem công quả của
đồng-loại là rẻ. Đó là Đạo vậy.
Trong cửa Đạo, cũng
như nơi mặt xã-hội, người đời thường xãy ra lắm nỗi éo-le biến động. Ấy cũng
bởi chưa hiểu thấy lý, và cũng không tìm ra lẽ, mà khiến xảy ra bao nhiêu cuộc
xáo trộn khổ cho nhơn-sanh, và cũng làm cho cơ cứu-khổ cửa Đạo chẳng được
thành hình, và nền Chánh-giáo phải còn mờ tướng.
Lấy lý mà suy, đem lẽ
đặng nghiệm, thì chúng ta thấy mỗi người chúng ta muốn sống trong xã-hội phải
sống liên-đới với tất cả tầng lớp nhân-dân, chớ không thể sống riêng biệt mình,
mà trái lại, phải sống bằng cách nhờ vã lẫn nhau.
Nếu lấy theo lý đó mà
suy ra, thì mối nợ xã-hội này chúng ta trả biết bao giờ mới hết, và như thế thì
phải chịu luân-chuyển cùng đà sanh-hóa mãi hay sao?
Không đâu! Nếu chúng
ta biết luật tiến-hóa của vạn-linh đã định là hy-sinh về kiếp sống của mọi
xác-thân nơi mặt thế này. Mọi xác-thân nơi mặt thế nầy phải là vật hy-sinh trên
đường thế sự.
Thêm nữa trong cửa
Đạo, chúng ta vẫn biết rằng Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng chú-trọng nơi
tâm thành, và chỉ lấy Tâm là quí. Vì thế, nếu chúng ta biết, thì cả món nợ hay nói
cách khác, cả công ơn của xã-hội chúng ta có thể trả trong một kiếp mà quyền
Thiêng-Liêng Vô-Hình vẫn chấp-nhận cho ta, nếu ta đem hết tâm thành hy-sinh
trọn vẹn mãnh thân phàm đẻ phục-vụ cho nhơn-loại, hay cho những kẻ
chung quanh mình mà không có một điểm gì nhỏ mọn để nghĩ đến mình, tức là
phải sống một đời hoàn-toàn vị tha không còn một điểm gì nhỏ nhít vị-kỷ, mặc
dầu kết quả về mặt hữu-hình không xứng đáng là bao, nhưng tấm lòng chơn-thành
quyết chí trọn vẹn hy-sinh đã bao trum hết, và nếu quả quyết làm đúng theo vậy,
thì quyền Thiêng-Liêng sẽ cho TRỪ HẾT NỢ TRONG MỘT KIẾP !
Mới nghe qua tưởng là
dễ, chớ thực-hành cho đúng chưa phải là chuyện chơi và từ trưóc chưa có mấy ai
dám hy-sinh trọn vẹn mãnh thân hình mà không có một ý-nghĩ cỏn con về tư lợi
cho mình, dầu là tư lợi về tinh-thần hăy là hữu-danh.
Từ xưa đến nay ta chỉ
thấy có một tấm gương để ấn chứng lẽ này trong cửa Phật Giáo mà ít người đuợc
hiểu rõ ý nghĩa. Đó là vị Phật thường gọi là Ông Dám, được các chùa Phật để thờ
nơi Hậu-Đường.
Sự tích sơ lược như
sau: Ông là một người dốt nát thật-thà, xin ở chùa làm công quả, lãnh phận sự
nấu nước cúng Phật, và cho mọi người dùng. Mặc dầu hết sức tận tụy với nhiệm
vụ, nhưng những người ở trong chùa, nhất là mấy chú Tiểu ngỗ nghịch rầy la,
mắng nhiếc hiếp đáp đủ điều mà ông vẫn vui vẽ âm thầm quên mình tận tụy với
nhiệm vụ, không một lời oán trách hay than-thở.
Thường bữa đến tối là
Ông lo vùi một cục than lửa, để khuya Ông thổi lên nhen-nhúm có lửa nấu nước
cho Ông Sư công-phu cúng Phật, vì thuở ấy không có diêm quẹt.
Một hôm có kẻ ác tâm
lén tưới nước tắt mấy cục than lửa. Đến khuya Ông thức dậy dụm lửa, thì khổ
nguy không biết lấy lửa đâu mà nhen nhúm. Buổi ấy là nhà ở thưa thớt. Muốn đến
xóm trên xin lửa phải qua một khu rừng có đầy ác thú, nhưng vì nhiệm vụ Ông
không kể thân sống, quyết đi xin cho có lửa đem về nấu nước cúng Phật cho kịp
giờ, nên một mình trong đêm tối Ông băng mình đi đại.
Khi đến giữa rừng,
gặp một con cọp đòi ăn thịt Ông, thì Ông van lạy để Ông đi xin đặng lửa về nấu
nước cúng Phật cho kịp giờ, rồi Ông sẽ trở ra nạp thịt. Cọp bằng lòng, nên Ông
đi xin đặng chút lửa than về nhen nhúm lên nấu nước cho kịp giờ cho Ông Sư cúng
Phật.
Khi ấy, Ông quyết giữ
lời hứa, nên lén một mình trở ra rừng nạp thịt cho cọp. Hại thay, Ông lại gặp
cọp già nói với Ông là răng cọp không còn cứng bén, mà xương Ông lại cứng, ăn
không nổi, nên yêu cầu Ông leo lên cây cao buông tay rớt xuống cho dập xương
thịt, cọp mới ăn đặng. Ông cũng bằng lòng hy-sinh trọn vẹn leo lên ngọn cây
thiệt cao buông tay cho rơi xuống đất.
Theo tích kể lại, lúc
Ông buông tay rớt xuống, thì Ông được Phật vớt luôn và cọp già kia cũng là do
Phật hóa hình để thử lòng Ông. Chuyện kể nghe có vẽ thần
thoại, nhưng ý nghĩa là nêu lên một gương hy sinh trọn vẹn với một tinh thần vị
tha bất vụ lợi, thì được quyền thiêng liêng chứng cho quả Phật-vị, tức là ông
đã trả hết nợ trong một kiếp. Người ta đặt tên ông là Ông Dám, vì ông dám làm
một việc mà chưa có ai dám làm.
Trong sự hy sinh thì
quyền Thiêng-Liêng chỉ chứng cho TÂM THÀNH CHƠN CHÁNH không vụ danh, mà cũng
không vụ-lợi. Nếu sự hy-sinh đó càng ầm thầm kín đáo chừng nào thì giá-trị tinh
thần lại càng cao chừng ấy, chớ quyền thiêng liêng không kể sự hy-sinh ấy kết quả
to lớn hay nhỏ mọn.
Nếu sự hy-sinh có
tính cách rầm rộ, quảng cáo, kích động quần chúng với mục đích vì hữu danh thì
sự hy-sinh ấy chẳng có giá trị gì hết với quyền Thiêng-Liêng.
Vậy ai
muốn hết nợ, hay đắc quả trong một kiếp thì chỉ có phải dám hy sinh trọn vẹn
quên mình âm thầm phục vụ cho mọi người là đặng.
Nhưng thử hỏi có mấy ai dám
làm.