Trang

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

612. CQPTGLĐĐ MƯỢN DANH ĐẠO....TIẾP TAY CHO BẢN ÁN CAO ĐÀI 1978...


Sách Lịch sử đạo Cao Đài:
Tiếp tay cho bản án Cao Đài 1978
Việt Nam Thời Báo.
Trần Văn Tân.
(VNTB) Vào năm 2005, 2008 Nxb Tôn Giáo ấn hành “Lịch Sử Đạo Cao Đài (LSĐCĐ)” do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (CQPTGLĐĐ) biên soạn.
Dù quan điểm của cơ quan biên soạn là cẩn trọng, khách quan, trung thực khi ghi nhận diễn biến của lịch sử, và khẳng định “mỗi trang sử đạo đều được Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Cơ Quan xét nét để giữ lập trường thuần chơn vô ngã...”
Tuy nhiên ấn phẩm LSĐCĐ đã vấp phải lỗi pháp lý cơ bản nhất từ cách dùng đại tự Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) để trên bìa sách, cho đến phủ nhận ĐĐTKPĐ là gốc.
Vi phạm cách dùng đại tự ĐĐTKPĐ
Hai năm sau khi Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Khai Đạo tại Chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự), Long Thành, Tây Ninh (1926), vào ngày 28/08/1928 Hội thánh ĐĐTKPĐ ban hành Chương trình Hiến Pháp.
Theo đó, tại chương V, Điều 22 quy định: “Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo,... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.”
Tại Điều 23 tiếp tục cho biết, “Thảng như người ngoại Ðạo mà phạm nhằm điều lệ thứ 22 thì Quản Lý Nội Viện chạy tờ Châu Tri cho Chư Ðạo Hữu các nơi biết, mà không dùng đến Kinh sách, Tượng in sái phép ấy.”
Như vậy, từ khi ban hành “Chương trình Hiến Pháp”, thì có có duy nhất Hội thánh “Cửu trùng đài” được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ” trên bìa sách, căn cứ theo Điều 24.



Lịch sử Đạo Cao Đài do Cơ quan Phổ thông giáo lý Đại Đạo biên soạn nhưng lại phạm những sai lầm cơ bản. Ảnh: Trần Văn Tân
Đến năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã công nhận pháp nhân của ĐĐTKPĐ qua Sắc Luật số 003/65. Trải qua các biến cố chính trị, Hội Thánh Cao Đài không có bất kỳ văn bản nào hủy bỏ Chương Trình Hiến Pháp ngày 28/08/1928, cũng như về mặt nhà nước, không có bất kỳ văn bản nào hủy bỏ Hiến chương 1965.
Như vậy qui định trong CTHP ngày 28/08/1928 vẫn còn giá trị pháp lý về mặt đạo và đời.
CQPTGLĐĐ là một tập thể ở ngoài Hội Thánh ĐĐTKPĐ nên đương nhiên không phải là Hội Thánh Cửu Trùng Đài.
Và vì cả hai đầu sách không có con dấu kiểm duyệt của Ban kiểm duyệt Hội Thánh Cao Đài, nên việc cố ý sử dụng đại tự “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ” trên bìa sách là một lỗi sai về quy định trước đó của Đạo Cao Đài, đi ngược lại tinh thần và qui định của Chương trình Hiến Pháp.
Sai với tiền đề căn bản (Lời Minh Thệ)
Một sai phạm mang tính căn bản của sách “Lịch Sử Đạo Cao Đài” là phân ra nhánh một (Cơ Tuyển Độ Vô Vi) và nhánh hai (Phổ Độ Công Truyền).
Tại quyển một trang 97 (quyển 1), ghi rằng: “Đức Thượng Đế khai mở nguồn đạo mạch thứ nhì (ngoại giáo công truyền).” Và phân rành nhánh một, nhánh hai (trang 207).
Quyển 2 tiếp tục làm rõ hai nhánh này, cụ thể tại trang 8 ghi rằng, “Đức Chí Tôn ban lệnh cho chư vị Nhánh Hai đến tiếp xúc với Ngài Ngô Văn Chiêu (Nhánh Một).” 
Theo luật đạo người nhập môn cầu đạo đều thề trước thiên bàn (Lời minh thệ), nguyên văn: “Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn - Đệ, gìn luật lệ Cao - Đài, như sau có lòng hai thì Thiên - tru, Địa - lục.” 
Như vậy Đạo Cao Đài do Ngọc Đế lập ra là duy nhất và được trình chánh trước xã hội vào năm 1926 tại chùa Gò Kén, đến năm 1927 thì dời về Tòa Thánh Tây Ninh. 


Một trang sách có quan điểm sai khi phân ra nhánh (Cơ tuyển Độ Vô Vi) và Phổ độ công truyền. Ảnh: Trần Văn Tân
Nhân sinh quan Cao Đài Giáo dạy rõ: “Trời là chủ tể càn khôn thế giới. Mà thế giới bao gồm cả đạo và đời.” Nghĩa là Trời làm chủ nhánh đạo (nhánh ĐĐTKPĐ thời Tam kỳ phổ độ) và cả nhánh đời. Nhánh đạo có một, nhánh đời như thế nào, chia ra làm bao nhiêu nhánh chưa đề cập đến.
Và chữ nhánh trên đây là ĐĐTKPĐ, không phải một nhánh nào khác. Chính mình Thầy làm chủ nhánh ĐĐTKPĐ. Bởi vào ngày 20/02/1926 Đức Cao Đài dạy đã dạy: Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Phối hợp với tiền đề thì có nghĩa là thời Tam Kỳ Phổ Độ Thầy chỉ mở có một mối đạo là ĐĐTKPĐ; không có mối đạo thứ hai. Nếu hiểu còn nhánh đạo nào khác là sai với tiền đề. Đó là xét về mặt đạo.
Cần phải nhắc lại một lần nữa, là Lời minh thệ quan trọng đến nỗi, mọi cái sau đó đều phải căn cứ vào tiền đề cơ bản để hiểu, trái với tiền đề đều sai từ trong căn bản. 
Thứ hai, trên thực tế Thượng Đế dạy cho Ngài Ngô Văn Chiêu là dạy một pháp môn. Pháp môn là một phần của tôn giáo nhưng chưa đủ để gọi là tôn giáo; cho nên họ không lập Hội Thánh như các tổ chức tôn giáo Cao Đài khác.
Năm 2010 hậu duệ của Ngài Ngô Văn Chiêu vẫn nhận họ chỉ là pháp môn. Đến ngày 10/7/2015 tại Toà thánh Bến Tre (Bến Tre), các Hội thánh và tổ chức Cao Đài trong khối giao lưu hành đạo đã tổ chức hội nghị tổng kết liên giao lần thứ VIII, Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi có đến dự cũng thể hiện họ không lập thành Hội Thánh. 
Việc CQPTGLĐĐ biên soạn LSĐCĐ đã gán ghép cho Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi là nhánh một (cơ Tuyển độ vô vi) để làm đối trọng với nhánh hai (cơ tận độ) là một tổ chức tôn giáo là khập khễnh, là khiên cưỡng.
Cơ Tuyển Độ Vô Vi của CQPTGLĐĐ gán cho pháp môn.
Ảnh: Trần Văn Tân
Tôn chỉ tận độ do Thượng Đế dạy: Phổ là bày ra. Độ là gì? Là cứu chúng sanh... Chúng sanh là gì? Chúng sanh là toàn cả nhân loại chớ không phải là lựa chọn một phần người như ý phàm các con tính rối.
Lời dạy trên đã loại bỏ Cơ Tuyển Độ Vô Vi của CQPTGLĐĐ gán cho pháp môn.
Và như đề cập trên, nhánh ĐĐTKPĐ do chính mình Thầy làm chủ; việc ban biên soạn cuốn sách "Lịch Sử Đạo Cao Đài" hô biến thành nhánh hai, rồi tìm cách gán ghép, đưa pháp môn lên thành nhánh một (là điều Thầy chưa từng gọi) là sự sai trái, không chỉ về mặt xã hội (đánh đồng pháp môn thành tôn giáo) mà còn làm nhẹ thể Đức Chí Tôn. Nói cách khác, việc đội ngũ biên soạn LSĐCĐ tự đặt ra nhánh một, nhánh hai là vi phạm tiền đề là xa lìa thực tế nên làm mất đi sự thật.
Ngoài ra, việc xa lìa thực tế còn thể hiện tiếp tại trang 228 (quyển 1), trong đó cho rằng, “bài thi nầy về sau trở nên bài kinh dùng trong lễ “hành pháp hôn phối” của Đạo Cao Đài”. Thực tế, trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo do Hội Thánh Cao Đài ban hành phần Kinh Thế Đạo có bài Kinh Hôn Phối do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) ban cho. Khi hành pháp hôn phối đọc bài Kinh Hôn Phối (không phải đọc bài thi trên).
Phủ nhận ĐĐTKPĐ là gốc, sau đó mới có chi phái
Vào ngày 20/07/1978, chính quyền nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Bản án Cao Đài trong đó nhấn mạnh: Đạo Cao Đài bị phân hoá chia ra nhiều Chi phái. Trong đó, phái Cao Đài Tây Ninh do Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc cầm đầu là phái có ảnh hưởng và tín đồ nhiều nhất. 
Với dòng chữ "phái Cao Đài Tây Ninh" - đã thể hiện Đạo Cao Đài chỉ có các chi phái mà không có cái gốc đã phát sinh ra chi phái. Bản án Cao Đài đã phủ nhận sự thật hiển nhiên rằng có ĐĐTKPĐ (06 chữ) hay Đạo Cao Đài (03 chữ) lập năm 1926 (là gốc) rồi mới có các chi phái nẩy sinh vào sau này.
Đối chiếu Bản Án Cao Đài và LSĐCĐ ta thấy quan điểm rất giống nhau: ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài chỉ có các chi phái mà không có cái gốc. 
Bởi tại trong lời giới thiệu của nhà xuất bản Tôn giáo cho rằng, “Có thể có những nhận thức khác nhau trên cùng một sự kiện đối với người không có đạo hoặc đối với tín hữu các chi phái trong toàn đạo.” Tiếp đó, lời tựa do ông Chí Hùng TM Ban Thường Vụ CQPTGLĐĐ Hiệp Lý Minh Đạo khẳng định, “công tác biên soạn một pho sử đạo thỏa ứng mọi chi phái rất quan trọng.” Ông Thiên Vương Tinh TM Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý CQPTGLĐĐ tiếp nối tinh thần “chi phái” khi nhấn mạnh, “sứ mạng làm nhịp cầu nối liền các chi phái và phổ thông phổ truyền giáo lý Đại Đạo”.
Cả ba trích dẫn nêu trên cho thấy sự thống nhất trong nhận định rằng, ĐĐTKPĐ hay Đạo Cao Đài chỉ có các chi phái mà không hề có cái gốc, tất cả đều hiện sinh cùng một lúc không có cái trước, cái sau. Như vậy, từ Bản án Cao Đài năm 1978, 27 năm sau (2005) CQPTGLĐĐ đã biên soạn pho sử đồ sộ (do nhà xuất bản Tôn Giáo phát hành) với quan điểm trùng hợp 100%.
Kết
Những điểm sai được chỉ ra nêu trên đã cho thấy nội dung trình bày mâu thuẫn với lời tựa của ấn phẩm: “Người viết sử cần phải cẩn trọng, đứng trên lập trường khách quan, thuần chơn vô ngã mới ghi nhận trung thực diễn biến của lịch sử […] công tác biên soạn một pho sử đạo thỏa ứng mọi chi phái rất quan trọng.”
Bởi nếu đã tự cho rằng, “khách quan, thuần chơn vô ngã” thì nó phải đảm bảo sự vô tư, không thiên vị trong nhận định, mà chỉ biết có sự thật và thể hiện đúng sự thật. Tuy nhiên, rất tiếc, cơ quan biên soạn đã tự “thỏa ứng mọi chi phái”, dẫn đến sai lệch hoàn toàn bản chất của Đạo từ trong gốc, nên đã không còn tính khách quan, thuần chơn vô ngã nữa!