Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

625. MẬT KHẨU VÀO DI LẶC CHƠN KINH...

Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa 
đã trao mật khẩu...
MẬT KHẨU
VÀO DI LẶC CHƠN KINH.
Ngày 25/02/1926 Thầy dạy: ...Lạy Tiên lạy Phật thì chín lạy là tại sao? Là tại chín Đấng Cửu-Thiên khai hóa... (TNHT Q.1 trang 11 bản in 1973).

Chín lạy được thực hiện theo cách của ĐĐTKPĐ là (khi quì hay ngồi) thì cúi mình lạy xuống ba lần (trán hướng về mặt đất) và mổi lần gật đầu ba gật. Ba lần cúi mình xuống cộng lại là 09 lần gật đầu.
Lời Thầy dạy là chơn truyền nên phải tuân y.
Mười năm sau (Trung ngươn Ất Hợi “1935”) Đức Chí Tôn mở cơ tận độ nên ban cho Tân Kinh. Tân Kinh chính là Di Lặc Chơn Kinh.
Khi tụng Di Lặc Chơn Kinh hết phần có gõ mỏ Hội Thánh dạy: Tụng đến đây rồi niệm danh chư Phật hễ niệm danh mổi vị lạy một lạy.
Như vậy giữa lời Thầy dạy (Tiên Phật 09 lạy) và Di Lặc Chơn Kinh (niệm danh Phật lạy có một lạy) không thống nhất nhau.
Vậy làm sao hiểu và giải thích cho thỏa đáng???
Ngài Hồ Bảo Đạo khi giải thích về Kinh Cúng Tuần Cửu có dạy:
Nên lưu-ý là danh-hiệu các vị Phật nêu trong kinh Di-Lạc ở các tầng Trời từ Hạo-Nhiên Pháp đến Hỗn-Ngươn Thiên không có đề Phật-danh của mỗi vị mà chỉ có đề nhiệm-vụ của mỗi vị mà thôi./.
Câu không đề Phật danh mà đề nhiệm vụ mổi vị chính là mật khẩu để hiểu Di Lặc Chơn Kinh.
Như vậy lý do lạy một lạy đã rõ ràng. Đó là lạy nhiệm vụ của mổi vị.
Thật vậy nếu không có mật khẩu: NHIỆM VỤ MỔI VỊ (không phải Phật danh) thì ĐĐTKPĐ sẽ đứng trước vấn nạn là tự mâu thuẩn.
Cụ thể là cách lạy trong Di Lặc Chơn Kinh đã trái với lời Thầy dạy từ năm 1926.
Hiểu rằng khi đọc Nam mô Di Lặc Vương Phật, Nam mô Nhiên Đăng Cổ Phật... không phải là Phật danh mà là nhiệm vụ của mổi vị cho nên đọc xong thì lạy một lạy chính là mật khẩu để đi vào phần tìm hiểu Di Lặc Chơn Kinh.

Mật khẩu trên đã thể hiện rằng giáo lý và luật lệ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) xuất phát từ Đại Từ Phụ và các Đấng Thiêng Liêng (vô vi) nên thống nhất và hoàn chỉnh. 

NGUYÊN VĂN BÀI GIẢNG.

GIẢI THÍCH KINH CÚNG TUẦN-CỬU
Bài Thuyết-Đạo của Ngài Bảo-Đạo Hồ-Tấn-Khoa

Theo cổ-tục Việt-Nam, tùng theo Phật-Giáo, khi trong gia-quyến có người qui-liễu,thì làm tuần bảy ngày, trong 7 kỳ gọi là thất thất, kế đó làm tuần 100 ngày, đến giáp năm và mãn khó, cộng chung là 10 tuần cúng, để cầu-nguyện cho linh-hồn được qua 10 cửa ngục cửa Thập-Điện Diêm-Cung một cách nhẹ nhàng.

Trong cửa Đạo Cao-Đài, do cuộc Đại Ân-Xá của Đức Chí-Tôn cho đóng Địa-Ngục mở Tầng Thiên, đưa các Chơn-hồn đi lên 9 Tầng Thiên, nên sau khi chết làm 9 tuần-cửu gọi là Cửu-cửu và một tuần Tiểu-Tường, một tuần Đại-Tường, cộng chung là 11 tuần cúng hết thảy.

Hỏi tại sao đưa Chơn-hồn lên 9 tầng Trời mà phải làm đến 11 lễ cúng? Muốn rõ thì cứ lấy mấy bài kinh cúng tuần-cửu mà đọc từ câu, từ khoản để tìm hiểu cho hết ý-nghĩa.

Một phần lớn, và có lẽ hầu hết các Tín-hữu và một phần không ít Chức-Sắc vẫn còn lầm tưởng là mỗi tuần-cửu đọc một bài kinh là đưa linh-hồn lên một từng Trời, và khi đọc một bài kinh Nhứt-cửu và Nhị-cửu là linh-hồn đã được đưa lên một hay hai tầng Trời rồi. Sự thật thì không phải vậy, vì linh-hồn khi mới xuất ra khỏi xác thì còn khờ-khạo chưa tịnh-tỉnh, nên chưa biết đường đi. Vì vậy hai bài kinh Nhứt-cửu và Nhị-cửu là để nhắc cho linh-hồn nhớ lại quê xưa, cảnh cũ và kêu gọi linh-hồn phải tỉnh để nhớ biết đường về, nhờ có Lục-Nương Diêu-Trì-Cung và Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn đưa đi.

Bởi cớ nên trong kinh Nhứt-cửu có câu như sau đây:

"Khá tỉnh thức tiền-duyên nhớ lại,
Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh.
Đem mình nương bóng Chí-linh,
Định tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa".

và có câu:
"Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh,
Phách anh-linh ắt phải anh-linh".

Qua bài kinh Nhị-cửu thì cũng còn nhắc tiếp, khêu gợi lại cảnh cũ như "Hội Bàn-Đào", cho linh-hồn nhớ lại và ham nong-nả đi về, cũng như chỉ đường cho đi và từ đây mới bắt đầu lên cõi không trung, nên trong bài kinh Nhị-cửu có câu:

"Khí trong-trẽo dường như băng tuyết,
Thần êm-đềm dường nét Thiều-quang.
Xa chừng Thế-giái Địa-hoàn,
Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ-nhàng cao thăng".

Qua đến bài kinh Tam-cửu, là linh-hồn mới bắt đầu đi tầng Trời thứ nhứt là cõi Thanh-Thiên, tức là miền Bồng-đảo. Do bài kinh nầy ta để ý đọc cho kỷ cho biết coi nơi tầng Thanh-Thiên linh-hồn sẽ gặp những cảnh gì ?

Trước hết là vào động Thiên-Thai, nơi cư ngụ của Bảy Lão là Thất-Hiền. Kế đó linh-hồn sẽ đến một ngã ba đường: Một ngã là Cung Đẩu-Tốt, tức là về với Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, và một ngã đi về Cung Bích-Du, tức là về với Quỉ-Vương. Nếu linh-hồn không ai dìu-dẫn thì dễ bị lạc đường sa vào tay Chúa Quỉ, nên có câu :

"Tìm Cung Đẩu-Tốt lạc nhầm Bích-Du"

Các linh-hồn theo Đạo nhờ có bà Lục-Nương Diêu-trì-Cung và Đức Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn đưa Phướn-linh dẫn đường cho khỏi đi lạc, nên trong bài kinh Cầu Hồn khi Hấp-Hối có đoạn như sau :

"Diêu-trì-Cung sai nàng Tiên-Nữ,
Phép Lục-Nương gìn-giử chơn-hồn.
Tây-Phương Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn,
Phướn-linh khai mở nẻo đường Lôi-Âm ".

Qua khỏi ngã ba đường thì đến Cung Như-Ý kiến-diện Đức Lão-Quân và đến Hội Thánh-Minh để được giao sách Trường-Xuân mà coi.

Đến bài kinh Tứ-Cửu thì linh-hồn được đưa lên tầng Trời thứ nhì, tức là tầng Huỳnh-Thiên. Tầng nầy là tầng linh-hồn phải qua ải nặng nhọc nhứt. Những ai có thân-nhân qui-liễu khi đến tuần Tứ-Cửu, cần phải để hết tâm cầu-nguyện cho linh-hồn được qua dễ dàng. Do theo bài kinh Tứ-Cửu, khi linh-hồn được Thuyền Rồng đưa đế tầng Huỳnh-Thiên, thì phải vào Cung Tuyệt-Khổ để diện-kiến Đức Huyền-Thiên-Quân. Tưởng đâu được ban thưởng ân-huệ gì, nào dè khi gặp ông, thì ông rút cây roi Thần-Điển đánh cho mấy roi nhá lửa, thêm Bộ-Công cho sét đánh đốt thiêu hết quái-khí, trược quang để linh-hồn được trong sạch mới đi lên tầng trên nữa đặng. Linh-hồn những người ăn thịt, cá mang theo nhiều trược khí phải chịu nặng đòn mới cỡi mở bớt, rồi còn phải chịu lửa tam-muội đốt cho tiêu hết oan gia. Chừng ấy mới đến cửa Thiên-Môn qua lầu Bát-Quái. Theo lời Đức Hộ-Pháp dạy thì cánh cửa lầu này là một chữ Vạn to lớn quay tit như cánh quạt máy, chỉ thấy sáng -choang chớ không chỗ nào qua đặng. Có nhiều chơn-hồn đến đó qua không đặng phải ngồi chờ đến năm, bảy trăm năm, chừng có một vị Tiên hay Phật nào đi qua, cánh cửa lầu Bát-Quái ngưng quay, mới thừa dịp mà chạy đùa qua đặng. Trong Tam-Kỳ Phổ-Độ, nhờ các đấng lãnh lịnh Chí-Tôn thường lên xuống, nên các linh-hồn nhơn-dịp mà qua cửa lầu Bát-Quái thường hơn.

Đến đệ Ngũ-Cửu, linh-hồn qua được cửa Thiên-Môn lên cõi Xich-Thiên là tầng Trời thứ ba. Nơi đây tất cả Tông-Đường Thiêng-Liêng đón tiếp mừng rỡ vô cùng:

"Cả miền Thánh-Vức nhộn-nhàng tiếp nghinh"

Kể từ đây, linh-hồn tuần-tự đi tới nhẹ-nhàng không còn qua những cơ thử-thách nặng-nề như ở tầng Huỳnh-Thiên và được vào Đài Chiếu-Giám, nơi đây linh-hồn được xem qua cả kiếp sanh của mình như trong truyền hình và tự mình định tội lấy mình. Xong rồi thì vào Cung Ngọc-Diệt-Hình để khai kinh Vô-Tự đặng nhìn quả duyên. Đến đây có Tiên-xa gọi là xe như ý đưa lên tầng Trời thứ tư gọi là tầng Kim-Thiên.

Qua Đệ lục-Cửu, linh-hồn đến tầng Kim-Thiên là tầng Trời thứ tư. Đến đây xuống xe đặng vào Cung Vạn-Pháp được xem qua sự nghiệp cũ của mình đã tạo ra từ những kiếp trước và đến Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự. Xong rồi thì có Khổng-Tước là con Công chở linh-hồn đưa đến Đài Hụê-Hương để được xông hương, giải-trược cho cả Thánh-Thể được thơm-tho tiêu hết ô-uế buổi sanh, và từ đây có tiêu-thiều nhạc trỗi đưa linh-hồn đến tầng Trời thứ năm.

Đến đệ Thất-Cửu, linh-hồn đến tầng Hạo-Nhiên-Thiên là tầng Trời thứ năm. nơi đây cảnh vật xinh đẹp lạ thường, hào-quang chiếu-diệu, linh-hồn vào Cung Chưởng-Pháp kiến-diện Đức Chuẩn-Đề Bồ-Tát và Phổ-Hiền Bồ-Tát. Hai vị Phật này làm chủ tầng Hạo-Nhiên-Thiên với 11 vị Phật phụ chánh, và hằng-hà sa số Phật đều tùng lịnh Chuẩn-Đề Bồ-Tát và Phổ-Hiền Bồ-Tát để tận độ vạn linh. Nơi đây đã vọng thấy cõi Niết-Bàn và vẵng nghe tiếng trống Lôi-Âm thúc-giục làm cho linh-hồn nôn-nã lên tầng Trời thứ sáu.

Qua Đệ Bát-Cửu, thì linh-hồn lên đến tầng Phi-Tưởng-Thiên là tầng Trời thứ sáu. Nơi đây đã xa mùi Trần-Thế và đã nghe hơi Tiên-Tửu nực-nồng thơm ngọt. Tầng này có Cung Tận-Thức và Cung Diệt-Bửu. Linh-hồn vào đó nhìn thấy một lần nữa nghiệp hữu-hình tượng đủ vô-vi, rồi đến Phổ-Đà Sơn kiến-diện Đức Từ-Hàng Bồ-Tát nhờ rưới giọt nước Cam-Lồ rửa sạch ai bi kiếp người. Dưới quyền Đức Từ-Hàng Bồ-Tát có 10 vị Phật chánh và hằng-hà sa số chư Phật năng du ta bà Thế-giái thi pháp hộ-trì vạn-linh sanh chúng.

Đến Đệ Cửu-Cửu, linh-hồn đến tầng Trời thứ bảy là Tạo-Hoá Thiên. Nơi đây là Cung Diêu-Trì có hằng-hà sa số Phật với 4 vị Phật chánh, và Cửu-Vị Nữ-Phật đều tùng linh Kim-Bàn Phật-Mẫu, có nhiệm vụ dưỡng-dục quần sanh qui-nguyên Phật-Vị, linh-hồn làm xong phận-sự, về đến Tạo-Hóa Thiên vào triều-kiến Đức Phật-Mẫu sẽ được Đức Mẹ ân-thưởng dự Hội Bàn-Đào và được ban cho Tiên-Tửu. Xong rồi được đưa qua Cung Bắc-Đẩu để xem căn quả số, vào Linh-Tiêu-Điện đặng học triều-nghi chờ ngày ra trước Ngọc-Hư-Cung định phần đọa thăng. Những linh-hồn còn nặng nợ vay trả thì đưa qua Kim-Bồn đầu-kiếp trở lại đặng trả quả.

Mãn tuần Cửu-Cửu rồi, linh-hồn chờ 200 ngày là đến tuần Tiểu-Tường. Linh-hồn nào được trong sạch được đưa lên tầng Hư-Vô Thiên, tức là tầng Trời thứ tám, nơi đây có hằng-hà sa số Phật và 8 vị Phật chánh đều tùng lịnh Đức Nhiên-Đăng Cổ-Phật để dẫn-độ các chơn-linh đắc Pháp, đắc Phật, đắc duyên, đắc vị, đắc A-Nậu-đa-La-Tam-Diệu Tam-Bồ-Đề được chứng-quả nhập Cực-Lạc Quốc.

Sau lễ Tiểu-Tường, đếm đủ 300 ngày, thì làm lễ Đại-Tường. Các chơn-linh trong sạch được Đại-Hội Ngọc-Hư-Cung chứng quả đắc-vị rồi thì có Đức Bồ-Đề-Dạ dẫn hồn lên tầng Hỗn-Ngươn-Thiên vào yết-kiến Đức Di-Lạc Vương-Phật nơi Lôi-Âm-Tự và được vào ao Thất-Bửu đặng gội mình sạch tục, hầu lên ngự tại Liên-Đài cửa mình. Tầng Hỗn-Ngươn Thiên có một tầng nhánh gọi là Hội-Ngươn-Thiên có thể kể vào tầng thứ 9 và tầng chánh Hỗn-Ngươn-Thiên thành tầng số 10 là nơi đắc-quả Phật-vị.

Nơi Hội-Ngươn-Thiên có 5 vị Phật chánh và nơi Hỗn-Ngươn-Thiên có 8 vị Phật chánh, cộng chung là 13 vị và nhất thiết chư Phật đều tùng lịnh Đức Di-Lạc Vương-Phật năng chiếu-diệu quang tiêu trừ nghiệp-chướng để chứng-quả Cực-Lạc Niết-Bàn.

Nên lưu-ý là danh-hiệu các vị Phật nêu trong kinh Di-Lạc ở các tầng Trời từ Hạo-Nhiên Pháp đến Hỗn-Ngươn Thiên không có đề Phật-danh của mỗi vị mà chỉ có đề nhiệm-vụ của mỗi vị mà thôi./.

CHUNG