Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

628. CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI COI SINH MẠNG DÂN NHƯ CỎ RÁC...


4836. Câu chuyện Thiên Tân
Posted by adminbasam
 on 23/08/2015
“Chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh đã đổ nhiều triệu đô la để tạo dựng một hệ thống kiểm soát và ảnh hưởng Internet và các thông tin online. Vụ nổ ở Thiên Tân đã cho thấy hệ thống đó cũng không thể nào đối phó nổi với số lượng những nguồn tin tự do. Và chính vì vậy mà cố gắng của nhà nước để chế ngự tin tức và buộc dân chúng chấp nhận tin tức theo ý họ đã thất bại đau đớn”.

____
Lê Phan
22-08-2015
Xe hơi bị thiêu rụi sau vụ nổ Thiên Tân. Nguồn: Báo Kinh doanh & Pháp luật
Một trong những điều đáng kể nhất về hai vụ nổ ở Hải Cảng Thiên Tân, chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một tiếng đồng hồ lái xe, phải là sự đối nghịch công khai giữa phản ứng của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng và phản ứng của cộng đồng mạng.
Một nhà báo Trung Quốc kể lại trên tờ Financial Times như sau: “Hôm sáng thứ năm tuần rồi, tôi đang ngồi trên xe bus đi làm ở khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh, liếc nhìn các địa chỉ xã hội, và bực mình vì thèm muốn những hình ảnh thời trang, khi tôi thấy một tấm hình khói đen và tím đang bốc lên trên hàng ngàn cái xe hơi hoàn toàn bị thiêu rụi. Tin ở Trung Quốc ngày nay đi rất nhanh. Hình ảnh đó là của một người bạn của tôi, vốn là người Thiên Tân. Trông như là một bãi chiến trường.”
Sau khi nhớ lại kinh nghiệm cách đây bảy năm khi có vụ động đất ở Tứ Xuyên, vào cái thời mà Facebook và Twitter bị cấm ở Trung cộng và Weibo cùng với WeChat chưa ra đời. Hồi đó, nhà báo Liu Hai Ning biết được tin nhờ một cú điện thoại của một người bạn có gia đình sống ở Tứ Xuyên. Lần này không ai phải chờ đợi những tin tức chuyền tay nhau qua những cú điện thoại nữa. Ngay khi còn ngồi trên xe bus ở Bắc Kinh, cô đã gửi hình ảnh này đến cho một người bạn và được trả lời ngay: “Một thảm họa như là ngày tận thế vậy. May quá bố mẹ tôi ở xa đủ và họ không hề hấn gì.”
Mà không cần phải biết ai sống ở thành phố đó để biết chuyện gì xảy ra. Điện thoại smartphone của nhà báo chốc chốc lại đưa thêm tin tức, hình ảnh của nơi xảy ra vụ nổ, có vẻ là được chụp bằng drone, video chấn động, các blog của các phóng viên tại hiện trường. Một phóng viên nhiếp ảnh có cái nickname là X-ceanido đưa lên WeChat vô số hình ảnh sau khi trải qua suốt ngày thứ năm trong đống đổ nát. Chỉ 24 giờ sau, những hình ảnh kinh hồn cộng với một tường thuật viết như là một hình thức nhật ký, đã được 100,000 người xem và 2,000 lời bình luận. Dĩ nhiên chúng bị kiểm duyệt xóa nhưng lại mọc lên lại ngay khi bị bỏ xuống.
Về đến nhà vào buổi tối, cô Liu bật truyền hình cho một đài ở Thiên Tân và chuẩn bị xem lại những hình ảnh kinh hồn đó. Điều cô thấy còn làm cô bị cú shock hơn nữa dầu là vì một lý do khác, bởi đài truyền hình Thiên Tân đã chọn phát hình phim truyện Đại Hàn. Không có một tí gì về vụ nổ cả. Mãi rồi thì phim truyện tình cảm sướt mướt đó đã được ngưng và một phát thanh viên lên đọc một tuyên bố ngắn ngủi, không hình ảnh. Có thế thôi.
Kinh nghiệm của cô phóng viên đó chính là điều đã tạo nên sự tức giận của dân chúng.
Mãi bốn ngày sau Thủ Tương Lý Khắc Cường, chỉ cần có một giờ đồng hồ đi từ Bắc Kinh đến, ít hơn nữa nếu ông dùng trực thăng, mới đến thăm sự tàn phá hôm Chủ Nhật. Ông khẳng định là các viên chức nhà nước, vốn có “tinh thần trách nhiệm cao” đối với đời sống dân chúng và phải hành động “mà không giữ kín thông tin.” Những lời tuyên bố rất hùng hồn nhưng đối với dân chúng Trung Cộng, nghe rất mỉa mai. Đứng cạnh thủ tướng là ông Dương Đống Lượng, tổng cục trưởng tổng cục an toàn lao động, một cơ quan quốc gia. Ông Dương đã được cử ra đứng đầu ủy ban điều tra về vụ Thiên Tân. Nhưng ông cũng là người đã từng trải qua 16 năm làm việc cho chính quyền Thiên Tân trước khi được thăng chức. Và đến ngày 18 tháng 8, ông đã bị thất sủng và bị điều tra bởi ủy ban chống tham nhũng. Thật là một sự mà bất cứ một chính quyền nào khác cũng phải đỏ mặt.
Suốt sáu ngày sau vụ nổ, chính quyền thành phố Thiên Tân tổ chức một loạt các cuộc họp báo cũng là một sự việc đáng đỏ mặt. Họ chẳng cung cấp bao nhiêu thông tin về bản chất và số lượng của các loại hóa chất độc hại được chứa ở khu nhà kho đã bùng nổ này. Viên chức phụ trách về an toàn kỹ nghệ và phòng cháy mãi đến ngày thứ năm mới thấy xuất hiện. Có người đùa bảo “Hẳn là ông còn lo chữa cháy.” Phải đến Thứ Tư, 19 tháng 8 mới thấy lần đầu tiên các viên chức cao cấp nhất của thành phố xuất hiện ở một cuộc họp báo và chỉ lập lại lời nói là sẽ chịu trách nhiệm cho vụ nổ. Và cũng phải đến hôm đó thì phó thị trưởng thành phố mới cho biết là số hóa chất lên đến 2,500 tấn gồm 40 loại hóa chất khác nhau, trong đó có loại dễ gây cháy và loại rất độc hại.
Trước đó, các viên chức dưới quyền ông đã lúng túng hay là không biết gì để trả lời báo chí. Sự việc tệ quá đến nỗi các chương trình chiếu trực tuyến các cuộc họp báo trên đài truyền hình quốc gia CCTV đã bị cắt ngắn ngay khi đến lúc nhà báo bắt đầu đặt câu hỏi. Đến Nhân Dân Nhật Báo cũng còn phải than là những hành vi như vậy “chỉ làm cho dân chúng thêm mất niềm tin.”
Ngược lại, các nguồn tin “lề trái” tràn ngập. Hầu hết những hình ảnh đang lan tràn khắp thế giới đến từ các địa chỉ liên lạc xã hội. Chat rooms là nơi đã đặt câu hỏi về vấn đề an toàn đã lộ diện sau vụ nổ. Dân chúng địa phương không biết là có hóa chất độc hại trong nhà kho đó. Nhà kho được xây dựng chỉ có 600 mét cách khu chung cư gần nhất, trong khi trên nguyên tắc luật đòi hỏi là phải có một khoảng cách một cây số. Khi được hỏi về khoảng cách pháp định đòi hỏi ở cuộc họp báo, các viên chức địa phương ú ớ không biết câu trả lời.
Chính những người sử dụng tin tức online đã chỉ ra là số lượng sodium cyanide chứa ở nhà kho cao hơn gấp nhiều lần số mà công ty được phép chứa, hay là được ghi nhận theo giấy tờ chính thức. Cũng các “nhà báo” độc lập trên Internet đã chỉ ra là ngay sau vụ nổ, trong bốn ngày, địa chỉ của thành phố cung cấp những dữ kiện kinh doanh, trong đó phải có chi tiết về những cổ đông và ban chỉ huy của Công Ty Thụy Hải đã không sao tiếp cận được. Và khi nó được mở ra thì thấy tên tuổi một số người đã không còn trong danh sách nữa. Cũng các địa chỉ này đặt câu hỏi là làm sao công ty đã vượt được cuộc kiểm tra an toàn môi trường hồi tháng 9 năm 2014. Chỉ sau đó người ta mới biết là công ty chỉ có giấy phép chứa hóa chất độc hại hai tháng trước vụ nổ.
Chính Internet đã là nơi cho cư dân đòi chính quyền phải mua lại các chung cư đã bị thiệt hại và cho những ai lo ngại về số phận của nhiều chục nhân viên cứu hỏa đã thiệt mạng trong vụ nổ. Và chính những tin tức này đã dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp của dân chúng.
Lúc đầu, báo chí nhà nước chỉ nói đến các “công an phòng cháy chữa cháy” vốn là thực sự là một ngành của Bộ Nội Vụ. Nhưng rất nhiều những người thiệt mạng là những người được gọi là “lính cứu hỏa hợp đồng.” Họ là những thanh niên, có người là cựu quân nhân mới giải ngũ, không có kinh nghiệm và không được huấn luyện, được hải cảng chứ không phải là chính quyền thuê. Internet đã cho thấy đa số những người chết đến trước vụ nổ là các nhân viên hợp đồng. Và họ đòi là tất cả mọi nhân viên cứu hỏa phải được tôn trọng và cảm tạ chứ không phải chỉ có các công an phòng cháy chữa cháy mới được chính quyền biết đến.
Và cuối cùng, chính các địa chỉ liên lạc xã hội và một tờ báo độc lập đã đặt câu hỏi về hai chủ nhân của Thụy Hải. Một trong hai ông này, ông Shu Zheng đã tuyên bố là ông giữ cổ phần cho một nhân vật thứ ba. Theo Tài Kinh, tờ tạp chí kinh tế mà thỉnh thoảng đã làm nhà nước nổi giận, thì có thể chủ nhân là con trai của người trước kia là trưởng công an của cảng Thiên Tân. Tuy chưa xác nhận, nhưng nó lại là một thí dụ nữa cho liên hệ giữa cái gọi là kinh doanh với chính quyền, vốn như một blog trên Weibo viết “tuy hai mà một.”

Chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh đã đổ nhiều triệu đô la để tạo dựng một hệ thống kiểm soát và ảnh hưởng Internet và các thông tin online. Vụ nổ ở Thiên Tân đã cho thấy hệ thống đó cũng không thể nào đối phó nổi với số lượng những nguồn tin tự do. Và chính vì vậy mà cố gắng của nhà nước để chế ngự tin tức và buộc dân chúng chấp nhận tin tức theo ý họ đã thất bại đau đớn.