Trang

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

4582. Bài 12, Đạo Sử Q 2.

 12/ Ngày 23-11-1926 (âl. 19-10-Bính Dần): Ðức Chí Tôn thâu Môn Ðệ và dạy đạo.

 

2 giờ sáng, Mardi 23 Novembre 1926 (18 rạng 19 Bính Dần)

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ
VIẾT CAO ÐÀI GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG

Hỉ Chư Thiện Nam, Chư Tín Nữ,

Cười .....


Ta sẽ cho những kẻ thờ ta với miệng lưỡi, chớ chẳng phải thờ ta với lòng dạ, biết oai quyền ta thể nào. Ta nói thiệt tốt hơn kẻ ấy đừng sanh ra ở thế nầy hơn là có sống mà đã chết. Quản chi một lũ ma hồn quỉ xác mà phải nhọc nhằn cho ta dường này.

Chúng nó dám mượn màu dối thế mà bêu dạng trước mắt Ta. Khổ cho những kẻ ấy! Khốn cho những kẻ ấy! Chư Thiện Nam cầu Ðạo thượng sớ.

Lê Chí Thuần:

Ðã thừa may rủi cuộc vinh hư,
Làm lắm công phu thử đến chừ.
Hiệp khách nên trang non nước sửa,
Càng qua lần lựa cửa anh thư.

Thâu

Bùi Chánh Trực:

Thơ trang đưa rước khách tài ba,
Nên nghiệp bởi con biết chữ hòa.
Âm chất chưa hao nhà chứa trước,
Phương châm gìn rõ chánh cùng tà.

Thâu

Mắc, con nghe: (Nguyễn Văn Mắc)

Chánh tà con đủ thấy con đường,
Biết ý rằng Thầy để dạ thương.
Làm lụng công trình ra sức trẻ,
Giữ gìn cho vẹn đạo tào khương.

Thầy biết lòng con, con hiểu dạ Thầy, gắng công hành Ðạo nghe.

Ðỗ Quan Ngự:

Khương Hi bất phục Hớn trào vong,
Thiên tải hưng suy nhử kiến đồng.
Thạch đảo lãng xâm phong khí hoại,
Từ tâm đức vượng thạnh kỳ phòng.

Thâu

Nguyễn Thanh Vân:

Phòng cơn biển nọ hóa vườn dâu,
Chưa hết quan viên há hết chầu.
Cái bả vinh huê đời rối rắm,
Nguồn đào thong thả đã là đâu.

Thâu

Nguyễn Học Dần:

Ðâu vui nước trí với non nhân,
Lòn lõi công danh khổ phận thân.
Nực nội trong lòng lo lúng túng,
Ðài mây để bước khá nơi chân.

Thâu

Ngô Văn Ðiều:

Noi chân theo dõi Thánh Hiền xưa,
Từng tuổi đời qua cũng đã vừa.
Khôn khéo khá lo âm chất để,
Phẩm Tiên nẽo tục chẳng thừa ưa.

Thâu

Mai Văn Thạch:

Thừa ưa đến buổi đặng chơi Tiên,
Chẳng mất công phu chẳng tốn tiền.
Ái ngại lòng trông mong đến thử,
Coi nền Ðạo mới thiệt linh thiêng.

 

Ngô Văn Quới:

Linh thiêng cùng chẳng tại lòng mình,
Thương trẻ có công gắng đến xin.
Thầy dặn chừng mô nghe tiếng hạc,
Thì đưa tay vói níu khuôn linh.

Thâu

Nguyễn Văn Quờn:

Khuôn linh chẳng phụ kẻ lòng thành,
Nhưng cám chút tình đến trước kinh.
Thành bại lẽ thường lo cũng uổng,
Ðể công dạy kẻ biết nguồn lành.

Thâu

Nguyễn Văn Nhuộm:

Nguồn lành là chốn rất an nhàn,
Trước mắt đâu xa hỏi nẻo sang.
Trần tục là nơi lo lấy của,
Cảnh Tiên là chốn hưởng vinh sang.

Thâu

Trang Văn Ðó: (Tổng Giai Hóa)

Sang như Tần Thỉ lúc đương hưng,
Chừng quá ba đời hết các lân.
Lấp biển còn chờ ngày biển sụp,
Thành Tiên, thành Phật khó trăm lần.

Thâu

Phan Văn Phường:

Trăm lần nặng nhẹ cuộc đời xây,
Chứa hết sức con lại đến Thầy.
Tranh cạnh mượn người lo tính trước,
Ðẹp lòng nhân sự đặng lòng đây.

Thâu

Phan Văn Muôn:

Lòng đây nào có khác chi phàm,
Biết đặng Ðạo rồi mới biết ham.
Ðưa đẩy ít ai dè có Lão,
Nếu đời thấy đặng chẳng người tham.

Thâu

Hà Văn Như:

Tham chi thế sự lắm đua tranh,
Cái miếng đỉnh chung xúm giựt giành.
Bỏ hết trong cơn mê một giấc,
Trăm năm ngắn ngủi nhớ làm lành.

Thâu

Ngô Văn Hoài:

Làm lành cho trọn Phật Trời thương,
Hai chữ hơn thua chớ liệu lường.
Mầng thiệt là khi nương cảnh tịnh,
Khen khen giận ghét kẻ đời thường.

Thâu

Ðoàn Văn Bổn:

Ðời thường chẳng rõ lẽ nên hư,
Chưa biết mà chê mới lạ chừ.
Thiệt thiệt hư hư con chớ ngại,
Gắng công theo dõi biết khôn hư.

Thâu

Lê Văn Hợi:

Bư như Ðạo chích thế khen khôn,
Khôn giống ông Nhan gọi chẳng hồn.
Lời lẽ đố con phân thiệt giả,
Khôn khôn, dại dại cũng đồng phồn.

Thâu

Phụ ghi: Bư như Ðạo chích... chúng tôi nghĩ là: như Ðạo chích... vì liên vận với bài thi trước đó: Gắng công theo dõi biết khôn hư.

V. Phên:

Ðồng phồn đưa rước viếng Diêm Cung,
Ai đã trước đi hỏi nhắn cùng.
Trời với Diêm Ðình đôi ngõ trở,
Muốn toan thoát tục liệu mà dùng.

Thâu

Tắc phải về, Chư Ái Nữ cầu Ðạo.

Thầy thâu hết.

Ca thị, con lấy tên hết rồi mai Thầy cho thơ.