43/- Ngày
mùng 1 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1929).
Ðại Ðạo - Năm thứ
tư
BIA
KỶ NIỆM
ÐỨC
CAO SĨ THƯỢNG PHẨM (Cao Quỳnh Cư)
Cao Quân người Nam Kỳ, xuất thân tại tỉnh Tây Ninh,
nối dòng trâm anh, vốn nhà thi lễ, phẩm hạnh mực thước, tánh chất siêng năng,
học hỏi thông minh, thành danh khi tuổi trẻ.
Lúc ở thế xử tròn Nhơn Ðạo, mãng ra vào trong bể hoạn
rừng danh, hơn mười năm dư đã an phận sự.
Vừa may gặp hội Long Huê hoằng khai Ðại Ðạo khiến cho
Cao Quân hiệp cùng lương hữu tập phò cơ chấp bút cầu Tiên Phật giáng đàn hầu
ngâm thi vịnh phú.
May thay! Nhờ lượng từ bi xuống tay tế độ, dùng chơn
thần thanh bạch, cầm bút chấp cơ, dạy chúng sanh qui chánh cải tà, khuyên tu
niệm thoát vòng mạt kiếp.
Bởi Ðấng Chí Tôn giáng thế xưng danh hiệu Ngọc Hoàng
Thượng Ðế Viết Cao Ðài Tiên ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo
Vậy nên Cao Quân hiệp cùng chư Ðạo Hữu phụng thừa
Thiên mạng khắp miền Hậu Giang phổ độ chúng sanh, nền Ðại Ðạo mới gây nên từ
đó.
Ngày Rằm tháng 3 năm Bính Dần Ðức Chí Tôn phong Cao
Quân là Tá Cơ Tiên Hạc Ðạo Sĩ.
Ðến Rằm tháng 10 năm ấy, Ðức Chí Tôn lại gia phong Cao
Quân chức Thượng Phẩm trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Khôn xiết kể công lao của Cao Quân đã lo dìu dắt chúng
sanh còn phải vun trồng nền Ðạo giữ tròn phận sự, mưa nắng chẳng nài, lo Ðạo
không nhàm, tuyết sương chẳng quản.
Ô hô! Thiên cơ tiền định người dễ thấu đâu, những ngỡ
tay rường cột sum vầy cùng bạn tác, chung lo đắp nền Ðạo giữa trời Nam, nào hay
đâu số mạng bốn tuần dư dâng Thánh chỉ trở về Kinh Bạch Ngọc.
Thương thay! Tiếc thay!
Song nghĩ lại, tuy thể phách tách rời trần thế mà tinh
thần còn lai láng như xưa, muôn năm theo độ rỗi chúng sanh, ngàn thuở vẫn mặc
phò Ðại Ðạo.
Ôi! Nhớ tiếng thốt giọng cười khôn vùi mạch thảm nghĩ
công lao sự khổ khó lấp cơn sầu.
Sanh chúng ghi tạc dạ ơn sâu, đồng một dạ khắc mấy câu
kỷ niệm.
Ngày 1 tháng 3 năm Kỷ
Tỵ (1929)
Hội Thánh Hiệp
Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài