Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

4557. Bài 54, Đạo Sử Q 1.

 54/ Bài Thuyết Ðạo của ông Hiến Pháp, ngày Mùng 1 tháng 3 Quý Mão (1963): Lễ kỷ niệm Ðức Cao Thượng Phẩm.

 

BÀI THUYẾT ÐẠO CỦA ÔNG HIẾN PHÁP

Nhơn ngày Vía Ðức Cao Thượng Phẩm Mùng 1 tháng 3 Quý Mão (1963)

 

Kính thưa Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Lưỡng Phái.

Nhơn ngày Vía Ðức Cao Thượng Phẩm, tôi xin lược thuật lịch sử của Người như sau nầy:

Toàn thể Ðạo Cao Ðài đều rõ biết mối Ðạo nầy do nơi nào mà xuất hiện.


Nguyên buổi ban sơ vào năm Ất Sửu (1925) ông Cao Quỳnh Cư (tức Thượng Phẩm) đang làm một công chức của Chánh Phủ Pháp thường tới lui chơi với ông Cao Hoài Sang (tức là Thượng Sanh) và ông Phạm Công Tắc (tức là Hộ Pháp) hai ông sau nầy cũng là công chức. Trong năm ấy tại thủ đô Sài Gòn, việc xây bàn là sai ma rất thạnh hành.

Ông Cao Quỳnh Cư cũng vì sự háo kỳ, đề nghị cùng hai ông bạn kia xây bàn mời các vong linh về hỏi việc và làm thi chơi. Ban đầu các vong linh về làm thi họa vận, làm cho mấy ông thích chí, vì có nhiều bài thi xuất sắc và cảm kích lạ thường. Lần lần mấy ông được tiếp xúc với mấy vị cao nhân, rồi đến lượt Ðức Chí Tôn giáng dưới danh hiệu A.Ă. cố ý dìu độ mấy ông, nhứt là ông Cao Quỳnh Cư, vì cuộc xây bàn tổ chức tại nhà ông nầy.

Nhơn dịp lễ Giáng Sinh Ðức Chúa Giê Su (đêm 24 rạng 25-12-1925), Ðức Chí Tôn đến xưng chánh danh "Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài Tiên ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo Nam Phương" và cho bài thi sau nầy:

"Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên".

Ngài dạy luôn rằng: "Ðêm nay phải vui mừng vì là ngày Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).

Theo lời Ðức Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng Phẩm là chơn linh Hớn Chung Ly, một vị Ðại Tiên trong Bát Tiên, lãnh sứ mạng của Chí Tôn đến tạo dựng nền Tôn Giáo tại thế nầy. Người cùng Ðức Hộ Pháp hợp thành cặp cơ Phong Thánh lập Pháp Chánh Truyền và Tân Luật để làm Hiến Chương cho nền Quốc Ðạo.

Chúng ta phải nhìn nhận đầu công khai Ðạo của Ðức Cao Thượng Phẩm vì nếu thiếu bàn tay xây dựng của Người để chấp cơ cùng Ðức Hộ Pháp thì:

·                     Ðâu có Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

·                     Ðâu có Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ.

·                     Ðâu có Hội Thánh và các Cơ Quan trong Ðạo.

·                     Ðâu có Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.

·                     Ðâu có Ðại nghiệp hiện giờ cho Nhơn sanh thừa hưởng.

Ðức Cao Thượng Phẩm có tánh cao thượng và cương quyết, nên khi nhận chơn được mối Ðạo Trời thì Người nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng, phế đời hành Ðạo liền, mặc dù lúc đó ông đang là một vị công chức.

Tuy Ðạo khai ngày 14 tháng 10 Bính Dần (1926) mà thực sự Ðức Cao Thượng Phẩm đã ngộ Ðạo từ năm Ất Sửu (1925) vì các Ðấng đã mượn bàn tay Người mà mở Ðạo bằng cách xây bàn từ năm ấy.

Ðức Cao Thượng Phẩm về hành Ðạo tại chùa Gò Kén hơn ba tháng, từ 14-10 Bính Dần (1926) đến 20-2 Ðinh Mão (23-3-1927) thì dời chùa về đất mới mua tại Tòa Thánh hiện thời.

Lúc mới dời về đây, Chức Sắc chưa có mấy người thì việc phá rừng dọn đất, tạo tác và kiến trúc Ðền Thánh tạm cùng các cơ sở khác đều do một tay Ðức Cao Thượng Phẩm chỉ huy xây dựng.

Sau 4 năm tận tụy với Ðạo, Người bị một cơn khảo đảo rất lớn, làm cho hết sức buồn tủi, nếu không vì Thầy vì Ðạo, thì có thể trở ra mặt thế mà chớ.

Ðối với người hiểu Ðạo, thì việc khảo đảo thử thách là việc thường không chi lạ; các vì Giáo Chủ xưa kia cũng không tránh khỏi sự thử thách. Hễ bị khảo nhiều thì công đức càng cao, nên ngày nay Ðức Cao Thượng Phẩm được toàn Ðạo kính mến xưng tụng công đức và được hưởng ân huệ Ðức Chí Tôn rước về Thiêng Liêng vị để đem các chơn hồn vào cửa Thiên như lời Thánh giáo của Ðức Chí Tôn ngày 7-3 năm Kỷ Tỵ (1929) dạy rằng:

"Các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt cho Thầy nơi thế nầy về phần đời, còn phần Ðạo nơi cõi Thiêng Liêng cũng phải có đôi đứa con mới đặng cho".

Ðó là bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy rằng: Nếu chúng ta hết lòng vì Ðạo, thì phần thưởng Thiêng Liêng không mất, ấy là công bình Thiên Ðạo vậy.

HIẾN PHÁP

@@@