Trang

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

4503. Tựa 4. Đạo Sử Quyển 1

 LỜI XÁC NHẬN

 

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

 

Ðạo Sử Xây Bàn

LỜI XÁC NHẬN

 

Ðạo Cao Ðài ra đời hơn 42 năm nay, phần đông Chức Sắc đều biết rõ là lúc ban sơ Ðức Chí Tôn dùng huyền diệu Cơ Bút thâu phục các Chức Sắc thượng cấp Hiệp Thiên Ðài dùng những vị này trong việc phò loan để lập thành Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.


Trước thời kỳ Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài được lịnh dùng Ðại Ngọc Cơ trong việc truyền giáo thì chỉ là một giai đoạn chơi giải trí của ba vị, cùng nhau kết bạn đồng tâm để vui thú cầm thi trong khi nhàn rỗi.

Cuộc chơi giải trí đó là việc "Xây Bàn" và ba vị nói trên chính là: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, và Cao Hoài Sang (sau được đắc phong là Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh).

Vốn là nhà Thi sĩ và chất chứa nơi tâm nỗi căm hờn vì nước nhà bị đô hộ, ba vị nầy mượn thú Xây Bàn, mời vong linh những người quá vãng để cầu hỏi về vận mạng tương lai của tổ quốc hoặc làm thi, xướng họa chơi cho tiêu khiển.

Lúc sơ khởi thì cũng gặp nhiều khó khăn, vì trong đêm đầu, ba vị đốt nhang khấn vái, ngồi để tay trên bàn từ 9 giờ tối đến 2 giờ khuya mà không có kết quả chi hết. Cố tâm nhẫn nại ba vị ngồi thêm đêm thứ nhì (nhằm ngày 26.7.1925) thì đúng 12 giờ khuya có một vong linh nhập bàn, gõ chữ ráp thành bài thi Ðường luật 8 câu.

Ðó là bài thi Tự Thuật của cụ CAO QUỲNH TUÂN thân sinh ông CAO QUỲNH CƯ.

Sự cảm động và ngạc nhiên của ba vị đến thế nào quyển Ðạo Sử nầy đã nói rõ.

Cách mấy đêm sau, vong linh cô ÐOÀN NGỌC QUẾ nhập bàn cho bài thi Tự Thán; thiệt là lời châu ngọc; điệu thi văn nghe qua ngậm ngùi xúc cảm. (ÐOÀN NGỌC QUẾ là giả danh của cô VƯƠNG THỊ LỄ, tức là Tiên Cô Thất Nương DIÊU TRÌ CUNG).

Thấy sự hiển linh và huyền diệu trong sự tiếp xúc với người cõi vô hình, ba ông tích cực say mê việc Xây Bàn, đêm nào cũng họp nhau, ngồi cho tới ba hoặc bốn giờ sáng mới nghỉ.

Từ đó đến sau thì các vị Tiên, Thánh thường nhập bàn, khi thì cho Thi phú hoặc giải nghĩa Thi văn, khi thì xác luận về vận mạng nước nhà, đánh trúng chỗ yếu điểm của tâm hồn ba ông khiến cho ba ông đều ngây ngất trong niềm vui sướng.

Tiếp được bài thi nào hay thì khi dứt cuộc xây bàn, ba ông nán lại: hai ông rao đờn, một ông ngâm thi rồi cùng nhau mượn chung rượu đầy vơi trong lúc tàn canh để gợi hứng niềm hoài cảm.

Cái đêm mà ba ông ngậm ngùi và xúc động hơn hết là đêm 10-11-1925, Ðức Tả Quân LÊ VĂN DUYỆT nhập bàn cho bài thi như sau:

Ðã ghe phen phấn khởi can qua,
Thuộc địa trách ai nhượng nghiệp nhà.
Trăm họ than van nòi bộc lại,
Ba kỳ uất ức phép tây tà.
Xa thơ biến gảy rời vương thất,
Nam đảnh hầu thay sáng quốc gia.
Ách nước nạn dân gần muốn mãn,
Hết hồi áp chế tới khi hòa.

Cách mấy hôm sau, Ðức Tả Quân LÊ CÔNG cũng nhập bàn cho tiếp bài thi thứ nhì:

Khi hòa tùy có chí đồng thinh,
Vận nước nên hư cũng bởi mình.
Tôi giặc lắm người xô võ trụ,
Lòng trung mấy kẻ xót sanh linh.
Ðường dài chớ nệ ngàn công gắng,
Bước nhọc đừng nao một dạ thình.
Ðồ sộ giang san xưa phủi sạch,
Trông vào tua vẹn nỗi đinh ninh.

Ông Cao Hoài Sang bạch với Ðức Ngài: "Trong tình thế hiện tại, các nhóm Cần Vương đất Việt có nên họp nhau đứng dậy làm cách mạng để thoát ách nô lệ chăng?"

Ðức Ngài trả lời bằng bài thi:

Mạnh yếu đôi đàng đã hiển nhiên,
Ðôi mươi năm nữa nước nhà yên.
Dằn lòng ẩn nhẫn xem thời thế,
Ðừng vội gây nên cuộc đảo huyền.

(Ba bài thi nầy không có biên trong cuốn "Ðạo Sử Xây Bàn" nên tôi soạn chép ra đây).

Nhờ chơi Xây Bàn mà ba ông Cư, Tắc, Sang học hỏi Ðạo Lý, trau giồi trí thức cho tới ngày Ðức A.Á. chính là Ðức Chí Tôn dạy ba ông vọng Thiên Bàn ngoài sân, quì giữa Trời mà cầu Ðạo (nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất Sửu, dl. 16.12.1925).

Ðó là ba vị Ðệ Tử mà Ðức Chí Tôn thâu nhập môn trước nhứt trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (Tây Ninh).

Sau đó Ðức Chí Tôn thâu phục chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài, vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và các vị Ðại Thiên Phong Cửu Trùng Ðài.

Do lịnh Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh hiệp với chư vị Bảo Văn Pháp Quân, Bảo Pháp, Hiến Pháp, Khai Pháp, Tiếp Pháp chia nhau đi khắp các Tỉnh Nam phần để phò loan, thâu người cầu Ðạo nhập môn.

Cuốn "Ðạo Sử Xây Bàn" do Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu dày công biên soạn, rất đầy đủ và đúng sự thật, từ lúc ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh khởi sự Xây Bàn cho đến khi được lịnh dùng Cơ Bút cho Ðức Chí Tôn lập thành nền Ðại Ðạo.

Ðó là một kho tài liệu quí báu vô giá, phô bày rõ ràng nguồn cội khai sáng Ðạo Trời tại nước Việt Nam mà mỗi Chức Sắc và Tín Hữu cần nên đọc qua để nhận xét.

Tòa Thánh, ngày 22 tháng 12 Ðinh Mùi (Dl. 21.01.1968)

Thượng Sanh
(Ấn ký)
CAO HOÀI SANG.