Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

4558. Bài 55, Đạo Sử Q 1.

 (1) Ông Ngô Minh Chiêu đáng lẽ phải đắc phong Giáo Tông chánh vị, nhưng tiếc thay ngày lập Ðàn Thiên Phong ông Chiêu đến thấy đông người ông sợ bỏ ra về, vì vậy mà ông không được phong Giáo Tông, và về sau mất hẳn phẩm. 

BBT lưu ý: Hội Thánh kiểm duyêt và chịu trách nhiệm


@@@

55/ Tiểu Sử Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu.

 

Tôi ký tên dưới đây là Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu.

Ngày tháng nhẹ nhàng trôi qua thắm thoát, tuổi Ðạo ba mươi mấy năm rồi mà tôi mảng lo phục vụ cho nhơn sanh từ buổi trung niên cho đến nay đầu bạc, chưa có thì giờ nhàn rỗi để soạn lại những gì tôi đã làm "Tôi" Trời Phật và Hội Thánh Tây Ninh.

Hôm nay tôi nghĩ rằng "Quang âm như thạch hỏa xá thế vô bá tuế nhơn". Vì thế mà tôi viết quyển sách nầy để nhắc lại kể từ ngày được may duyên sớm gặp nền Ðại Ðạo cho đến ngày nay tôi bảy mươi ba tuổi, đặng hầu lưu lại trong lúc tôi qui vị cho khỏi mất công quý vị tìm kiếm công quả những ngày tôi hành Ðạo tại thế.

Tôi là con của ông Nguyễn Văn Niệm và bà Trần Thị Huệ. Cha mẹ tôi đã khuất hết rồi.

Ngày sanh tôi: Năm Ðinh Hợi, Date de naissance 1886 (Lieu de Naissance: Rue Paulbert Dakao Saigon).

Khi tôi mới khai sanh, Bà Nội tôi muốn tỏ dấu một nhà đạo đức, nên cha tôi là Nguyễn Văn Niệm, thì Bà Nội tôi đặt tên tôi là Nguyễn Thị Hương, còn Bà Ngoại tôi thì đặt cho tôi là Nguyễn Thị Hiếu.

Cha tôi muốn vừa lòng cả nội ngoại đôi bên, nên khi ở bên nội thì gọi tôi tên Hương mà khi về bên ngoại thì gọi tôi tên Hiếu.

Thân sinh quê quán tại tỉnh Cần Thơ. Thân mẫu ở miền Gia Ðịnh.

Thuở tôi vừa nên 7 tuổi, thân mẫu tôi cho tôi vào học trường Bà Phước (Nhà Trắng) Sàigòn, đến 17 tuổi cho học nữ công, qua năm 21 tuổi sánh duyên cùng ông Cao Quỳnh Cư ở làng Hiệp Ninh (Tây Ninh), năm 23 tuổi tôi sanh được một trai tên là Cao Quỳnh An.

Ðến năm 38 tuổi, gặp thời kỳ Chí Tôn đến khai nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Một sự ngẫu nhiên của cơ huyền bí mà trước kia ba ông Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh có tính cách Xây Bàn cầu vong để làm thi tiêu khiển, đâu có ngờ là thời kỳ Ðức Chí Tôn khai cơ mở Ðạo (Xin xem qua Ðạo Mạch Truy Nguyên *1). Ðức Chí Tôn giáng cơ tại nhà tôi trước, đầu tiên ở đường Bourdais số nhà 134 Sàigòn.

Năm 1925 khai Ðạo chưa có Thánh Thất, nên các Ðấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu tiên là năm 1925. Ðến năm 1926, mới mở Ðạo lần tới Tân Kiệm, Tân Ðịnh, Lộc Giang, Thủ Ðức.

Trong buổi chưa có Ngọc Cơ còn xây bàn, các Ðấng giáng dạy Ðạo cho Ðức Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng Phẩm và Ðức Thượng Sanh thì bàn gõ từ chữ, Ðức Thượng Phẩm hô chữ nào thì tôi chép chữ nấy rồi mới ghép lại cho thành văn.

Vì thế mà lúc còn xây bàn, các Ðấng giáng cho một bài thi Bát cú hay Tứ cú hoặc dạy việc gì, khi chép xong rồi mới ráp lại một bài thật là lâu lắm, mà mỗi đêm mỗi cầu, buổi ấy tôi làm Biên Tập Viên (Thơ Ký) cho các Ðấng.

Thi văn của các Ðấng dạy Ðạo, có nhiều câu văn rất cao kỳ và mầu nhiệm (xin xem đoạn trước, Tiểu Sử Xây Bàn, thì sẽ rõ).

Vì thế mà ba ông mê thi văn của các Ðấng nên đêm nào cũng thức để cầu cơ học hỏi cho đến khuya trong bảy tháng trường như vậy ai cũng ốm gầy xanh xao hết mà không đêm nào buồn chán (sơ lược khoản nầy để xem tiểu sử Ðức Cao Thượng Phẩm thì rõ).

Bổn phận tôi ban đêm làm Thơ Ký chép Thánh giáo học hỏi, còn ban ngày thì lo yến tiệc tiếp đãi quí khách thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, thiên hạ rộn rịp tới lui tìm Ðạo, ngày nào chẳng nhiều thì ít, khách gần khách xa lui tới liền liền trong năm 1925.

Trong hai năm 1925, 1926 chưa có người để chép Thánh giáo, nên tôi được vừa làm Thơ Ký cho các Ðấng và tiếp đón nhơn sanh, từ tháng 6 năm Ất Sửu (1925) đến năm Bính Dần (1926); lúc sau dời về chùa Gò Kén mới có người chép phụ với tôi (mà cũng là phần ít).

Hồi chưa có Tòa Thánh, còn trong buổi phôi thai, mỗi khi khai đàn thượng tượng (thờ Thầy), riêng về phần tôi theo chép Thánh giáo đem về cho Ðức Cao Thượng Phẩm chấm câu, còn chủ nhà chép riêng theo phần của chủ nhà (khai Ðạo tại Sàigòn). Xin quí vị xem kỹ lại, có Thánh giáo Thầy kêu tôi: "Hiếu, viết rõ con" (Quý ông Hiệp Thiên Ðài đều biết rõ hết).

Lúc nầy nhà tôi còn ở Sàigòn, Ðức Chí Tôn mở Ðạo trước tại Sàigòn bảo Ðức Thượng Phẩm vẽ Thiên Nhãn (Thánh Tượng nhỏ còn đó), còn tôi thì lo mua khuôn kiếng đặng lộng Thiên Nhãn cho chư vị mới nhập môn, tôi cho thỉnh không khỏi trả tiền và tôi còn phải dạy thờ cúng và dạy đọc kinh. Tôi giảng giải sơ lược chớ còn nhiều chi tiết khác.

Trải bao thỏ lặn ác tà, những hàng trí thức cùng người mộ Ðạo tìm đến nhập môn khá đông thì tôi lại phải để hết lòng lo tiếp đãi và chỉ dẫn trong lẽ Ðạo, thời gian ấy tôi quên cả gia đình và sản nghiệp, chỉ vui say theo đường Ðạo mà các Ðấng thường giáng đến dạy dỗ khuyên lơn.

Ðến tháng 3 năm Bính Dần (1926) Chí Tôn giáng cơ dạy tôi may Thiên phục cho ông Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt trước hết, kế may Thiên phục cho Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài. Thông qui kể ra sau đây:

Thiên phục CTÐ:

 

 

Ông Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt:

1 áo Ðại Phục xanh và 1 cái khăn chín lớp.

 

Ông Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt:

1 áo Ðại Phục đỏ, 1 khăn chín lớp đỏ.

 

Ông Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh:

1 áo Ðại Phục vàng và 1 khăn chín lớp vàng.

 

Ông Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh:

1 áo Ðại Phục xanh và 1 khăn xanh chín lớp.

 

Ông Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh:

1 áo Ðại Phục đỏ và 1 khăn đỏ chín lớp.

 

Ông Phủ Ngô Minh Chiêu: (1)

1 áo Giáo Tông có thêu chữ bùa Bát Quái và 1 cái mão Giáo Tông.

 

Ông Phủ Vương Quang Kỳ Giáo Sư:

1 áo Ðại Phục xanh và 1 cái khăn bảy lớp.

Thiên phục HTÐ:

 

 

Ðức Cao Thượng Phẩm:

1 áo Ðại Phục trắng, 1 cái áo lá xanh.

 

Ðức Thượng Sanh:

1 áo Ðại Phục trắng, 1 cái áo lá xanh.

 

Quí vị Thập Nhị Thời Quân:

12 cái áo Ðại Phục trắng, 12 cái mão Nhựt Nguyệt Mạo.

 

(1) Ông Ngô Minh Chiêu đáng lẽ phải đắc phong Giáo Tông chánh vị, nhưng tiếc thay ngày lập Ðàn Thiên Phong ông Chiêu đến thấy đông người ông sợ bỏ ra về, vì vậy mà ông không được phong Giáo Tông, và về sau mất hẳn phẩm.


@@@

Thầy phong 4 vị Lễ Sanh: Anh Chín Giảng, anh Phán Giỏi, anh Ðốc Bản, anh Ký Tường.

Bốn anh trên đây sau thăng Giáo Hữu, tôi may bốn bộ sắc phục Lễ Sanh, bốn bộ sắc phục Giáo Hữu (áo mão).

Tôi may ba bộ Thiên phục hồng y cho ba ông Vân, Mùi, Ðạt.

Tôi may Thiên phục áo mão kể trên đây là hồi tôi và cả Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng Ðài còn ở Sàigòn.

Trong lúc tôi đang may, tôi lại nhớ như ai nhắc tôi, nhớ lời Thầy giáng cơ gọi tôi: "Hiếu con lo may Thiên phục cho mấy anh con cho kịp ngày Ðại Hội". Ðại Hội là ngày Khai Ðạo tại chùa Gò Kén.

Ðang lúc may dường như có Thiêng Liêng khiến cho tôi nhớ lại chùa Gò Kén là chùa Phật lạ lùng, mà thuở giờ mình chưa quen biết với những Ni cô ở chùa mà cậy mượn sắp đặt việc trù phòng để lo việc nấu ăn, nấu uống cho Chức Sắc và Thiện tín 20 tỉnh tựu đến hầu Ðàn, nếu không lo trước chừng đó biết cậy mượn ai, vừa may vừa đang lo tính thì Chí Tôn bố trí cho tôi sáng suốt lật đật viết thơ về Tây Ninh, cậy mượn bà con tôi như chị Ðại Hương Cả Trịnh Thị Thị, chị Trịnh Thị Cung, chị Trịnh Thị Dung. Tôi cho em dâu tôi là vợ Huyện Thiệt thay mặt dùm tôi mang bức thơ về Tây Ninh cho 3 chị của tôi. Trong thơ tôi sở cậy ba chị tôi sắp đặt việc trù phòng, nào đắp lò, nào đào giếng, đương nia, sịa, rổ, tràng, chuốt đũa...v.v... và dặn em dâu tôi ở luôn trên ấy để chung lo với ba chị tôi.

Thiết tưởng ngày khai nền Chơn Ðạo là ngày hạnh phúc cho tất cả Vạn linh nên cử sát sanh để cầu phước, vì vậy ba chị tôi ra chùa Gò Kén truyền cho ai nấy cất quán lều mua bán thì ròng đồ chay, chớ không nên bán mặn, nhờ tôi tính như vậy mà được kết quả. Ðến ngày Khai Ðạo 14 tháng 10 Bính Dần, Chức Sắc và Tín Ðồ trong 20 tỉnh về hầu Ðàn và ngoài đời thiên hạ đi coi tấp nập đều dùng đồ chay tất cả, vì từ chùa Gò Kén ra chợ Tây Ninh xa 7 cây số ngàn, thì thế nào còn muốn ăn mặn được. (Các khoản nầy là nhắc lại buổi ban sơ trong sổ nhựt ký của tôi, còn dài dòng không thể tả hết ra đây cho được, sau sẽ tiếp theo với Thánh giáo buổi sơ khai cho trọn tích).

Ngày khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại Tây Ninh kể dưới đây:

Ngày 14 tháng 10 Bính Dần (18-11-1926), cả thảy Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài đều về chùa Gò Kén thì tôi cũng theo về một lượt để làm công quả. Phần tôi dầu ở Sài Gòn hay về chùa Gò Kén thì luôn luôn có bổn phận lo tiếp đãi Chức Sắc và Quan khách ngoài đời, vì lúc sơ khai không có công quả trù phòng nên tôi phải lo đi chợ nấu ăn và cô Sáu Vàng (Giáo Hữu) chung lo việc bếp núc với tôi.

Việc tiếp đãi trong Ðạo, ngoài đời trong thời buổi ấy không phải giờ khắc, nấu đãi liền liền, khách đến giờ nào đãi giờ nấy, vì kẻ xa người gần, hết tốp nầy đến tốp khác, buổi Khai Ðạo tại chùa Gò Kén thật là một kỳ Ðại Hội. Ban đêm hễ cúng thời Tý rồi thì cầu cơ nhập môn kéo dài đến hai ba giờ sáng thì phải lo nấu đãi một chập giải lao nữa. Như vậy trong ba tháng trường ngày lẫn đêm, tôi phải thường trực lo nấu ăn đi chợ và tiếp đãi không sót ngày nào. Hơn nữa, lối 5 giờ chiều tôi lo viết sớ cho Nữ phái nhập môn, lại dạy cách lấy dấu và quì lạy đặng lo cho họ thành thuộc đến giờ Tý thì tôi tiến dẫn vào nhập môn và hầu Ðức Lý Giáo Tông. Buổi Khai Ðạo chưa có Ðồng Nhi, nên tôi phải làm Ðồng Nhi đọc kinh cúng Tứ Thời và đọc kinh cầu cơ đêm nào như đêm nấy suốt cả ba tháng trường.

Thời buổi ấy đâu cũng gom về chùa Gò Kén để nhập môn. Phái Nữ thì tôi tiến dẫn, đêm thì 90 vị, đêm thì 150 vị, thật là con cái Chí Tôn qui về tấp nập. Bởi phận sự tôi công việc bộn bàng, khi thì đi chợ, khi viết sớ, khi may Thiên phục cho mấy ông mới thọ phong.

Thông qui may Thiên phục kỳ nhì kể sau đây:

1.                 Giáo Sư Thượng Liên Thanh (Cả Liên, Tây Ninh).

2.                 Giáo Hữu Ðó.

3.                 Giáo Hữu Gồng (Thổ, cựu Mẹ Sóc)

4.                 Giáo Hữu Tàu.

5.                 GH. Trịnh Văn Kỳ.

6.                 GH. Trí.  

7.                 GH. Ðại.

8.                 GH. Mai. 9/- GH. Ðức.

10/- GH. Áo.  11/- GH. Thái Phước Thanh (tự là Bửu Phước).

Áo Ðàn Thổ và áo Bàn Trị Sự.

Ðây là tôi may Thiên phục cho Chức Sắc Thiên Phong tại chùa Gò Kén.

Qua đến ngày 14 tháng 01 Ðinh Mão (15-02-1927), tôi thọ Thiên Ân Giáo Sư Nữ phái do cơ Phong Thánh kỳ nhứt, Ðức Hộ Pháp và Ðức Thượng Phẩm phò loan. Hồ sơ nầy hiện giờ còn tại Lại Viện Nữ Phái.

Ðến ngày 20-02 Ðinh Mão (23-03-1927), Hội Thánh trả chùa Gò Kén lại cho ông Hòa Thượng Giác Hải, thỉnh cốt chư Phật và cốt Ðức Phật Thích Ca cỡi ngựa về đất mới mua là nơi Ðền Thờ và dinh thự đồ sộ, nguy nga nơi vùng Tòa Thánh ngày nay mà thiên hạ ngoài đời thời buổi ấy gọi là Chùa Mới là vậy đó.

Sau đây xin lược giải về vụ thỉnh cốt Phật về chỗ đất mới mua để cho Thiện nam Tín nữ được rõ mối Ðạo Trời trong buổi sơ khai là dường nào.

Từ 6 giờ chiều ngày 13-02 Ðinh Mão (nhằm 16-03-1927) khởi hành thỉnh cốt Phật cho đến 2 giờ khuya mới tới chỗ đất mới mua, vì thỉnh ban ngày sợ nắng gắt e đi không nổi, cho nên phải đợi mặt ông sắp lặn, đi cho mát mẻ.

Khi thỉnh Phật, cả Chức Sắc và công quả buổi ấy, phần nhiều là người Miên đều mệt đuối vì phần đường xa, cốt Phật thì lớn nên rất nặng nề, phần đói và khát nước. Ði dọc đường nhờ có đạo hữu gánh nước theo từ chặng đường, nhưng uống cũng không đủ, nên khi rán sức di tượng Phật về đến nơi rồi thì ai nấy đều nhào vô đám lá cây khô trong rừng nằm thở dốc.

Còn phần Ðức Cao Thượng Phẩm thì phải chăm nom, lúc thỉnh cốt Phật Như Lai, vì Ðức Lý Giáo Tông có giáng cơ dặn rằng khi thỉnh cốt Phật Tổ cỡi ngựa thì phải cẩn thận đừng cho gãy sứt để cầu Ðức Lý đưa Thần ra một đổi. Lúc thỉnh cốt Phật Tổ, vì quá nặng, nên phải nối hai chiếc xe mới chở nổi. Ðức Thượng Phẩm phải đứng trên xe coi chừng, nếu nghiêng bên nào thì hô lớn lên cho họ biết mà làm cẩn thận. Như vậy từ 6 giờ chiều đến 2 giờ khuya thì Ðức Cao Thượng Phẩm cũng mệt người nên khi đến nơi thì cũng nhào xuống đống lá cây khô nằm nghỉ (trước cửa Hòa Viện).

Chỗ đất mới mua đây là đất của ông Kiểm Lâm người Pháp. Hội Thánh mua lại, trước kia là một khu rừng rậm, cây cối um tùm, chưa có nhà ai cho lắm, chỉ có một hai cái nhà ở rải rác ngoài bìa rừng, mà ngày nay thành vùng Thánh Ðịa Tòa Thánh nguy nga, dinh thự lộng lẫy, nhà cửa kinh dinh thịnh vượng. Cái công trình kiến thiết buổi ban sơ không phải là dễ.

Nói về vấn đề phá rừng (thành Thánh Ðịa), buổi ban sơ dọn về đất mới, Ðức Hộ Pháp và Ðức Cao Thượng Phẩm tính phá rừng mà không có nhà ở, nên phải tạm sửa cái nhà bò của chủ bán đất còn để lại, rửa cho sạch sẽ, phân làm ba ngăn, nghĩa là ngăn ra cho có thứ tự, chỗ thì để cho công quả ở nghỉ (công quả người Miên), chỗ làm kho chứa đồ dụng cụ để phá rừng như là: máy đánh gốc, nào cuốc, nào xuổng, xà cốc, lòi tói... Còn một chỗ thì làm kho trữ gạo và thực phẩm, một bên thì hai ông ở tạm, rồi hai ông mượn công quả đi đốn cây nạn (YYY) đặng làm cái chõng để nằm, đi đốn cây săn con làm vạc, trên thì lót bố tời đặng nằm cho êm lưng đỡ vậy thôi. Ngày nào hai ông cũng dẫn dắt công quả (Thổ) đi chặt chỗ nầy đốn chỗ kia để phá cho trống đặng cất Tòa Thánh tạm, lần lần phá đến đâu thì cất đến đó đặng an vị chư Phật và có chỗ nơi cho nhơn sanh sùng bái.

Nhớ lại cách hơn 30 năm về trước, vùng Thánh Ðịa là một chốn rừng thiêng nước độc, là nơi sào huyệt của lũ ác thú. Theo con đường quốc lộ, hành khách ít ai qua lại, bóng ác chưa khuất non đoài thì loài hổ báo đã thị oai gầm thét. Chẳng bao lâu mà ngày nay, một Tòa Thánh Tổ Ðình sừng sựng chọc trời, nguy nga đồ sộ nơi miền Ðông Nam Á. Có phải chăng, nếu chẳng có giọt hồng ân của Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng chan rưới hộ trì, và hai ông Ðức Hộ Pháp, Ðức Thượng Phẩm vì sứ mạng Thiêng Liêng tận tâm phục vụ thì chưa biết ngày nào mà được một cảnh Cực Lạc như ngày hôm nay.

Phần của tôi trong lúc tạo tác, thì phải lo lắng nấu ăn cho công quả phá rừng có cả ba trăm người Thổ. Mọi việc khởi đầu nan, hễ thiếu tới đâu thì tôi lo tới đó. Vì chưa lập Cửu Viện để sắp đặt việc ăn uống cho công quả hằng ngày, buổi đó chưa có Trai Ðường, nên hễ phá rừng đến đâu thì tới bữa cơm dọn ăn phải gánh đồ theo đấy, lựa chỗ nào có bóng cây thì trải đệm dọn cơm. Ăn xong thì dọn chén bát đem về trù phòng là nơi nhà bò mà rửa ráy, buổi mơi, buổi chiều luôn luôn như vậy.

Thưa quý ông, quý bà thứ lỗi, đoạn đầu tôi nói về tiểu sử của tôi, sau đây sao lại nói qua những đoạn nầy chẳng là trái hẳn với thiên tiểu sử, xin quý ông, quý bà cảm phiền, bởi vì Ðức Chí Tôn lập Ðạo kỳ ba là vĩnh viễn trường tồn, nên tôi phải ghi rõ lại, chẳng những công quả của tôi, mà cũng ghi lại sự nghiệp to tát của Chức Sắc và công quả của người Thổ lẫn người Việt buổi đầu tiên thật là gay go khổ hạnh, để cho đoàn hậu tấn noi chí hướng đàn anh mà nối bước, hầu thọ khổ mới mong giải khổ của kiếp con người tại thế gian nầy.

Xin nói tiếp về cái nhà bò, sau khi hư dỡ ra, kế nhơn sanh về lập chợ kêu là chợ Từ Bi, lần hồi thay đổi, hiện giờ là quán xá, tiệm chạp phô, tiệm thuốc bắc, khít bên hông nhà Ðức Quyền Giáo Tông, nay là phủ thờ của nhà họ Lê.

Khi cất Tòa Thánh tạm xong rồi, Chức Sắc tựu về đông đảo, kế tiếp cất Hậu Ðiện, Ðông Lang, Tây Lang, Phòng Trù và nhà Tiếp Khách Nam Nữ, lại cất Học Ðường và nhà Dưỡng Lão. Thời buổi ấy người Thổ họ đồn với nhau rằng: Tại Tòa Thánh có thờ ông Phật của họ (tức là Phật Tổ) nên họ kéo đến nhập môn mỗi ngày lu bù. Khi họ đến ban ngày thì dọn ăn ban ngày, đến ban đêm thì dọn ăn ban đêm, tôi và công quả phải thức lo thiết đãi (ấy là bổn phận của Chưởng Quản Trù phòng).

Sau tôi biết ý họ xuống không chừng đổi, vì họ ở vùng Sway Riêng hoặc ở Khét Sà Tiệp, nơi nầy chỗ kia miệt trên Nam Vang kéo xuống, nên bữa nào chiều tối, tôi cũng dự phòng hai chảo cơm và đồ ăn, nghĩ vì họ ở xa xuôi đi tìm Ðạo, đường xa ngàn dặm đi suốt cả ngày họ chịu đói khát, cho nên dầu tôi cực khổ thế nào cũng phải thức để lo tiếp đãi họ, cho họ được vui lòng.

Nhưng sự thật, nhờ các Ðấng vận chuyển cho công việc chóng thành, nên nhờ công quả Thổ buổi đầu họ xuống phá rừng. Thổ nam thì đốn cây đánh gốc; Thổ nữ thì chặt nhánh kéo chà gom lại đốt cho trống mà cất Tòa Thánh tạm. Ðức Thượng Phẩm dắt công quả đốn cây, hễ hạ cây nào ngã xuống thì người cầm thước đo liền, cây thì làm cột, cây thì làm xiêng, trính, kèo... cho thợ mộc đem về, tốp cưa, tốp đẻo đặng lo tạo tác mấy gian nhà nói trên.

Còn tôi thì lo chỉ dẫn cho công quả trù phòng và lo đi chợ mua thực phẩm. Tôi nhớ lại mỗi buổi sáng tôi đi chợ Tây Ninh với chiếc xe ngựa đặng mua đồ ăn. Ðường sá vắng bóng người, hai vệ đường cây che rậm rạp, heo rừng và nai lững thững đi kiếm ăn, thấy xe ngựa chạy ngang chúng tuông vào đám rừng chồi sột sạt làm tôi cũng giựt mình. Một hôm tôi đi đến Trảng Tròn thấy thây một con ngựa bị cọp ăn mất nửa con, còn lại nửa con nằm kế mé lộ đá làm cho tôi cũng phải rùng mình. May phước quá! Nếu cọp đón bắt con ngựa xe của tôi thì còn đâu mà đi chợ hằng ngày để mua đồ ăn cho công quả. Bữa sau tôi nghe người ta nói lại, chiều bữa ấy có người lập kế trèo lên cây rình cọp, chờ khi nó ra ăn nửa con ngựa còn lại họ rình bắn được cọp rồi. Nhưng đâu phải trong rừng chỉ có một con cọp mà thôi sao. Biết đâu cả bầy hổ báo làm sao mà không sợ, nhưng vì quá lo cho Ðạo mà bớt sợ sự hiểm nghèo, nên mỗi buổi sáng đều đi xe ngựa ra chợ Tây Ninh.

Còn Ðức Thượng Phẩm, lớp thì hòa tâm với Chức Sắc lo tạo tác Tòa Thánh, lớp thì bị nhà cầm quyền Pháp để ý nghi ngờ, vì nhơn sanh càng ngày càng tựu hội về tấp nập (đông đảo quá), nên ông Chánh Tham Biện (người Pháp) nay đòi Ðức Cao Thượng Phẩm ra hỏi, mai đòi tra vấn điều nầy lẽ nọ đủ điều, nhưng Ðức Cao Thượng Phẩm trả lời xuôi hết, thành thử họ phải để êm.

Khi tạo tác vừa xong, bỗng đâu bão tố bất ngờ, năm Mậu Thìn (1928), Ðức Cao Thượng Phẩm bị nhơn sanh bạc đãi, xô đuổi chúng tôi trở về Thảo Xá Hiền Cung. Trò đời gẫm lại buồn cười, nhưng xét lại xưa nay bực chí Thánh cũng không khỏi tuồng đời khinh bạc. Ðến năm Kỷ Tỵ (1929), Ðức Cao Thượng Phẩm qui vị vào lúc 10 giờ 30 ban mai ngày mồng 1 tháng 3 Kỷ Tỵ (1929). Tôi lo tuần tự cho Người xong xuôi rồi tôi cũng trở về Tòa Thánh tiếp tục làm công quả nữa.

Năm Canh Ngũ (1930), tôi vâng lịnh Ðức Lý Giáo Tông bắt thăm đi hành Ðạo, giữa Bửu Ðiện, tôi bắt nhằm thăm tỉnh Sa Ðéc, sau tôi được lịnh Hội Thánh cho tôi kiêm luôn tỉnh Thủ Dầu Một. Hành Ðạo hai tỉnh được 4 năm, từ năm 1930 đến năm 1933, qua năm 1934, tôi được dạy Giáo Nhi 1 năm.

Ðến năm Ất Hợi (1935), tôi được thăng phẩm Phối Sư khỏi đi hành Ðạo địa phương, chỉ hành Ðạo tại Tòa Thánh và chung lo với Chức Sắc Nữ phái đủ phương diện, nào là yến tiệc, tiếp tân, nào là dạy may Thiên phục cho Chức Sắc Nam Nữ tại Linh Ðức. Công quả đến năm 1941, nền Ðạo chinh nghiêng bị nhà cầm quyền Pháp bắt Chức Sắc Thiên Phong đày ra hải ngoại, chiếm lấy Tòa Thánh đóng binh, nên lúc ấy phần nhiều Chức Sắc tản lạc hết còn tôi thì về Thảo Xá Hiền Cung năm 1942, sau kế xuống Sài Gòn hiệp tác với hảng Tàu để chung lo với Chức Sắc Nam Nữ về mặt Ðạo.

Năm 1946 nền Ðạo phục hưng, Chức Sắc Nam Nữ tựu về Tòa Thánh. Hội Thánh phân cắt Cửu Viện cho ba Chánh Phối Sư Nam, phần tôi được sắc huấn như dưới đây:

Sắc Huấn ngày 21 tháng 09 năm Bính Tuất (15-10-1946) - Lãnh Chưởng Quản 3 Viện: Lại Viện, Lễ Viện, Hòa Viện Nữ phái (còn phẩm Phối Sư).

Ðến ngày 16 tháng 11 Canh Dần (22-12-1950), Thánh Lịnh thăng phẩm Chánh Phối Sư, cũng còn trách nhiệm ba viện kể trên đến ngày nay.

Tôi viết thiên tiểu sử nầy, một là bước đường hành Ðạo trọn đời tôi, hơn nữa để lưu lại cho đoàn em Nữ phái thấy rõ công trình của người tiền bối trong buổi sơ khai nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ nhiều nỗi gian lao mà chư Chức Sắc Thiên Phong và người công quả buổi đầu vẫn không sờn tâm chí vì nền Chơn Giáo của Chí Tôn và Phật Mẫu hầu lưu lại cho đoàn hậu tấn làm gương để dọn mình tiến bước trên con đường hành Ðạo.

Thi

Tu hành gắng chí lập dày công,
Ðến buổi chung qui hưởng phước hồng.
Cửa Ðạo gay go trường khổ hạnh,
Ðường Tiên nhàn rỗi bước thong dong.
Lợi danh ví muốn cho đầy đủ,
Tội lỗi càng thêm nỗi chất chồng.
Cuộc thế chẳng qua trò ảo mộng,
Ngày về nhắm mắt nắm tay không.

Nữ Chánh Phối Sư
(Ấn ký)
HƯƠNG HIẾU

 

Phụ ghi: (*1) Ðạo Mạch Truy Nguyên hay Ðại Ðạo Truy Nguyên của ông Huệ Chương.