Trang

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

4501. TỰA 2: Đạo Sử Quyển 1.

Tựa 2. Đạo Sử Q 1 

LỜI PHI LỘ

 

Cây có cội, nước có nguồn, Ðại Ðạo khai sáng có nguyên lý, số là dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thế kỷ làm nô lệ cho Ngoại bang như: Tàu, Pháp, nhưng việc gì cũng có giới hạn nên từ năm 1954 sau khi dân tộc Việt đứng dậy chống Pháp, làm cho quân Pháp rút ra khỏi xứ, trả đất lại cho ta làm chủ, trả quyền tự do ăn ở, đi lại, cho ta phục hưng trong đó có tự do tín ngưỡng là trọng hệ.


ÐẠI ÐAO TAM KỲ PHỔ ÐỘ khai sáng tại Việt Nam từ năm1926, người bổn Ðạo lúc ấy còn bị quyền Ðời bó buộc. Mãi tới năm 1956 Hội Thánh ký thỏa ước với Chánh Phủ Cộng Hòa ước hẹn không làm chính trị và được trọn quyền truyền bá mối Ðạo khắp xứ Việt Nam.

Sự lý Ðức Chí Tôn không giao cho tay phàm chấp chưởng quyền bỉnh là vì tay phàm hay để thất kỳ truyền và hiện nay chính Ðức Chí Tôn làm Giáo Chủ dùng huyền diệu Cơ Bút phổ truyền Chánh pháp và Luật lệ. Buổi sơ khởi, Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu chịu nhiều nhọc nhằn và dụng nhiều phương pháp thâu nhận những người hữu căn ra công giúp Ðạo. Trong dịp nầy Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu được đại hạnh hầu nhiều Ðàn Cơ, thọ nhiều Thánh giáo, biết nhiều tế nhuyển nên Bà chịu khó viết bổn Ðạo Sử để lưu truyền ư hậu thế. Xem quyển Ðạo Sử của Bà, đọc giả dường như trải qua một giấc huỳnh lương mộng, tưởng mình như có mặt tại chỗ hồi mở Ðạo bắt nguồn từ Sài Gòn lên Gò Kén rồi tới trung tâm điểm Tây Ninh, không sót một chi tiết nào để giúp ích cho người khảo cứu làm tài liệu.

Công phu của Bà Chánh Phối Sư rất nhiều, thế hệ đương kim chỉ có công đọc mà hiểu biết phần nào mầu nhiệm của Ðạo, nếu không đọc thật uổng.

Nay lời,

Tòa Thánh, ngày 29 tháng 11 năm Ðinh Mùi (30-12-1967)

Bảo Thế Hiệp Thiên Ðài
(Ấn ký)
LÊ THIỆN PHƯỚC.