Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

4556. Bài 53, Đạo Sử Q 1.

 53/ Bài Giảng Ðạo của ông Tiếp Pháp, đêm 30 rạng mùng 1 tháng 3 năm Nhâm Dần (1962): Lễ kỷ niệm Ðức Cao Thượng Phẩm.

BÀI GIẢNG ÐẠO CỦA ÔNG TIẾP PHÁP

Thuyết tại Ðền Thánh đêm 30 rạng mùng 1 tháng 3 năm Nhâm Dần (1962) trong dịp Vía Ðức Cao Thượng Phẩm.

 Kính thưa Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Lưỡng Phái.

Hôm nay là ngày Vía của Ðức Cao Thượng Phẩm, chúng tôi xin nhắc tiểu sử của Ngài, âu cũng là dịp xưng tụng công đức của người quá cố và cũng ôn lại cái đại chí của người tu hành để làm gương cho đoàn hậu tấn.


Hồi tưởng lại, kể từ ngày mùng 6 tháng 6 Ất Sửu, nhằm ngày 26-7-1925 tại tư gia của Ngài ở Sài Gòn, thường có năm ba người bạn nhóm họp xây bàn, thông công với các vong linh để xướng họa thi phú. Vì ham mộ văn chương mà những vị ấy tiếp tục xây bàn, kế đến phò cơ chấp bút và sau rốt lập thành một nền Tôn Giáo Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Ðức Thượng Phẩm là người có đức tin hơn hết.

Lịch trình tiến triển sự phò cơ kể đại lược như vầy:

Nguyên đêm 10 tháng 7 năm Ất Sửu (1925), tại tư gia của Ðức Cao Thượng Phẩm, các anh em cũng xây bàn như thường lệ, thoạt nhiên có Ðức Chí Tôn đến, nhưng không xưng tên thiệt mà lại mượn chữ A.Ă. làm danh hiệu để xưng hô, có lẽ Ðức Chí Tôn mượn tên ấy để cho ba người dạn dĩ lân la học hỏi. Ðến ngày 1 tháng 11 Ất Sửu nhằm 16-12-1925 Ðức Chí Tôn dạy phải lập Ðàn Cầu Ðạo, Ðức Thượng Phẩm lập bàn Vọng Thiên tại tư gia của Người ở đường Bourdais Sài Gòn (nay là đường Bác sĩ Calmette).

Cầu Ðạo rồi Ðức Chí Tôn dạy phải dùng Ngọc Cơ để tiếp xúc với Ðức Chí Tôn, thì cái giai đoạn xây bàn đến đây là cáo chung.

Từ đó, những vị đã theo xây bàn trước kia, lại dùng lối phò cơ để học hỏi, mãi đến đêm 24-12-1925 dương lịch lễ Chúa Giáng Sinh, thì Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy như vầy:

Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo Nam Phương

"Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên."

Ðêm nay 25-12 phải vui mừng, vì đó là ngày của Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy Ðệ Tử kính mến Ta như vầy. Nhà nầy sẽ đầy ân đức Ta.

Nhà nầy mà Ðức Chí Tôn nói là tư gia của Ðức Cao Thượng Phẩm, khi Ðức Chí Tôn thăng rồi, người người nhìn nhau với một vẻ ngạc nhiên vừa mừng vừa sợ.

Thì té ra sự xây bàn phò cơ từ trước đến nay không phải là việc của người phàm tiêu khiển ngày giờ mà thật là việc của Trời khai Ðạo. Sự phổ độ khởi đầu từ đó, người nhập môn càng ngày càng thêm đông.

Ðến ngày 14 tháng 10 Bính Dần, nhằm ngày 18-11-1926, Ðức Chí Tôn dạy thiết Ðại Lễ Khai Ðạo chánh thức tại Từ Lâm Tự tỉnh Tây Ninh, đồng thời Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền phong vị cho Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng Ðài, và Ðức Chí Tôn dạy nhóm Hội Thánh lập Luật, vậy sau ba tháng Ðại Hội, Ðạo đã có Pháp, có Luật thì nghiểm nhiên Ðạo thành một nền Tôn Giáo danh gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Từ đó Ðức Cao Thượng Phẩm xin nghỉ làm việc đời để có rộng ngày giờ hành Ðạo, thành thử khi Tòa Thánh dời vô làng Long Thành là Thánh Ðịa bây giờ, trong hàng Chức Sắc H.T.Ð duy có Ðức Cao Thượng Phẩm phế đời trước hết, Ngài thay mặt cho tất cả anh em Ðài Hiệp Thiên cộng tác với Cửu Trùng Ðài phá rừng cất Tòa Thánh tạm.

Trong trường công quả, Ðức Thượng Phẩm rất tận tâm, Ngài quyết chí góp công vào sự kiến tạo một nền Ðại Ðạo tại xứ Việt Nam, nhưng trong thời gian phục vụ, Ðức Ngài phải chịu nhiều phen thử thách, lắm khi Ngài muốn ngã lòng, nhưng nhờ tinh thần vững chắc rồi cũng vượt qua, thật đúng lời cổ nhơn nói:

"Ðạo cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng,
Ðạo cao nhứt trượng, ma thượng đầu nhơn".

Nghĩa là Ðạo cao một thước, thì ma cao một trượng, Ðạo cao một trượng, thì ma cao khỏi đầu người.

Nhưng than ôi! Thiên số nan đào, rồi Ngài lâm bịnh mãi đến ngày mùng 1 tháng 3 Kỷ Tỵ (1929) thì Ngài qui Tiên, năm ấy Ngài được 42 tuổi.

Nói tóm lại, đời của Ðức Cao Thượng Phẩm lúc tuổi xuân là một vị công chức của Chánh Phủ Pháp, khi vào Ðạo là một vị Ðại Thiên Phong nơi Ðài Hiệp Thiên, ngày công viên quả mãn đắc vị "Kim Tiên" thật công trình cần lao khó nhọc không uổng.

Nay Ðức Thượng Phẩm thuộc về người Thiêng Liêng thì Ngài lại có nhiệm vụ "cứu rỗi phần hồn của chúng sanh". Trong tay Ngài sẵn có hai món Cổ Pháp là "Long Tu Phiến" và "Phất Chủ". Thiết tưởng chúng ta nên bàn qua cái sở dụng của hai món Cổ Pháp ấy cho rõ.

Long Tu Phiến: - Về Pháp thể thì dùng 36 lông cò trắng kết thành một cây quạt; còn về Pháp linh thì Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy như vầy:

"Long Tu Phiến là cây quạt do điển khí của Tam Thập Lục Thiên kết thành, quạt ấy tiết ra một điển lực có ảnh hưởng đến cuộc tấn hóa của quần linh. Chơn thần nào trong sạch thì nương theo đó mà siêu nhập Cực Lạc Thế Giới.

Trái lại, chơn thần nào luyến ái tà mị thì lánh xa mà đi lần đến U Minh cảnh giới. Cả cơ "thu" và "đẩy" của Long Tu Phiến với chơn thần đều do luật "đồng khí tương cầu" mà thành tựu. Nghĩa là chơn thần đạo đức thì Long Tu Phiến hấp dẫn đến gần và đưa vào Cực Lạc Thế Giới; còn chơn thần trọng trược thì Long Tu Phiến đẩy ra xa và lần hồi đi đến cảnh U Minh đen tối."

Phất Chủ: - Phất Chủ là điển khí của Thất Bửu Diêu Trì kết hợp dùng để trau rửa chơn thần trở nên thanh khiết.

Ðó là tiểu sử của Ðức Cao Thượng Phẩm, chúng ta là đoàn em cũng nên noi gương của người anh mà lần bước trên đường hành Ðạo.

TIẾP PHÁP