Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

4553. ĐƯỜNG VỀ CHƠN PHÁP: Đi từ hữu hình đến vô vi.

BẢO ĐẠO HỮU HÌNH.

Trong các lý luận để phủ nhận Đạo Lịnh 01 có mấy điểm căn bản như: Ngài Thượng Trong Thanh mất trước khi ban hành Đạo Lịnh 01/1979 mà Hội Thánh lấy tên Ngài ký vào cho đủ pháp lý. Ngài Hồ Bảo Đạo chỉ là Thời Quân Hữu Hình không đủ quyền ký Đạo Lịnh 01.... Do vậy BBT tóm lược Tiểu Sử Ngài Hồ Bảo Đạo và tiến trình Ngài được ban quyền Bảo Đạo Hữu Hình. 

Nguyên lý của đạo là đi từ hữu hình đến vô vi, nên Ngài có đủ quyền để hành đạo. Nay kính.



SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGÀI HỒ BẢO ĐẠO

A.     Phần đời:

Ngài Hồ Tấn Khoa sanh vào tháng 11 năm Kỷ Hợi (1899) tại làng Lạc Bình, tổng An Vinh Hạ, tỉnh Tân An nay là Long An.

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội năm 1924, lập gia đình và giữ chức Đốc Phủ Sứ được thuyên bổ làm việc ở Bạc Liêu, Cần Thơ, Hồng Ngự… và cuối cùng lãnh chức Tỉnh Trưởng Tỉnh Châu Đốc, năm 1945 thì mãn nghiệp quan trường để chuyển lần qua nghiệp Đạo.

B.     Phần đạo:

Ngài về Tòa Thánh ngày mùng 1 tháng chạp Bính Tuất, nghiền ngẫm nghiên cứu Thánh Ngôn, Tân Luật Pháp Chánh Truyền, kinh sách Đạo và hầu đàn mấy kỳ đủ đức tin rồi đến mùng 8 tháng 4 Đinh Hợi mới xin nhập môn do Đức Hộ Pháp chủ lễ.

Thọ phong Bảo Đạo do Thánh Lịnh ngày 13 tháng giêng Giáp Ngũ (DL 15-2-1954). Đến 18-4-DL 1954 Ngài được tuyển cùng Sĩ Tải Bùi Quang Cao, Giáo Sư Thượng Tuy Thanh theo Đức Hộ Pháp (Cố vấn tối cao cho Quốc Trưởng Bảo Đại) sang Pháp để theo dõi mọi biến chuyển của Hội Nghị Quốc Tế ở Genever (Thụy Sĩ) để định vận mạng của đất nước Việt Nam từ ngày 18-5-1954 đến 20-7-1954.

Theo Đức Hộ Pháp lưu vong sang Campuchia vào đêm ngày 4 rạng 5 tháng 1 Bính Thân (05-02-1956), cùng đi trong chuyến đi nầy gồm có: Ông Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại, Hồ Thái Bạch, Ngài Bảo Đạo, Đức Hộ Pháp, cô Hai Đạm, cậu Ba Hiệu và Giáo Hữu Thái Của Thanh là người lái xe. Đến Nam Vang vào 11 giờ trưa ngày 5 tháng 1 Bính Thân (ngày 06-02-1956).

Đức Hộ Pháp triều thiên tại Cao Miên vào khoảng 12 giờ trưa ngày chủ nhật lễ Assomption nhằm 17 tháng 5- 1959 (mùng 10 tháng 4 Kỷ Hợi). Ngài cùng với các vị Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu lưu vong bên Cao Miên chung lo đám tang cho Đức Ngài.

Cũng trong khoảng thời gian nầy Ngài lo chạy cho Đạo khỏi bị chánh quyền Cao Miên ra quyết định phá chùa Cao Đài. Chùa nầy trong lúc lưu vong đã được Đức Hộ Pháp cùng chư vị Chức Sắc, Đạo Hữu chung tay xây dựng lên nơi xứ Cao Miên.

Ngài được Đức Lý Đại Tiên giáng cơ bảo Ngài phải lo cứu những người Việt ở Cao Miên về nước trong lúc tình hình ở Cao Miên đang lộn xộn, Việt Kiều bị tàn sát và bị cướp tài sản không ai binh vực. Ngài trở về Việt Nam vào lối tháng 5 năm 1970 cùng với Hồ Thái Bạch, Sĩ Tải Bùi Quang Cao cùng với gia đình và Bùi Công Hòa là cháu ngoại Đức Hộ Pháp.

Nhờ ngoại giao khéo léo Ngài đã thành công trong việc thuyết phục chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa cứu sống mấy vạn Việt kiều ở Cao Miên về nước. Ngài được hài lòng là đã làm tròn sứ mạng của Đức Lý Đại Tiên Trưởng giao phó.

Năm 1971 Ngài được Hội Thánh giao trách nhiệm giảng giáo lý Đạo ở Hạnh Đường và ở Đại Học Cao Đài, đồng thời có phận sự giao tiếp với các chi phái Đạo.

Sau ngày 30/4/1975 Ngài Hiến Pháp đăng tiên. Hội Thánh Hiệp Thiên Đài cử Ngài Khai Đạo thay thế, một tháng sau Ngài Khai Đạo đăng tiên. Hội Thánh Hiệp Thiên Đài họp lại dự định mời Ngài Hiến Đạo Phạm Văn Tươi thay thế cho Ngài Khai Đạo nhưng Ngài Hiến Đạo đã từ chối không nhận trách nhiệm nầy.

Không có vị Thời Quân nào khác thuộc đợt nhứt, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài đề cử Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa thay thế Ngài Khai Đạo dâng lên Đức Hộ Pháp chấp nhận phê chuẩn theo Thánh Giáo ngày 1-3 Bính Thìn (dl 31-03-1976) và Ngài lập minh thệ nhận lãnh trách vụ tại Đền Thánh ngày 14-04-1976.

Ngày 11-11-1977 Hội Đồng Chánh Phủ Việt Nam ra bản Nghị Quyết số 297 về chánh sách đối với tôn giáo, có qui định nơi khoảng 3 phần B như sau: “Việc phong chức bổ nhiệm những người hoạt động tôn giáo (kể cả những người do tín đồ bầu cử) phải được chánh quyền chấp nhận trước tùy theo phạm vi hoạt động tôn giáo của những người nầy trong một xã, huyện, tỉnh hoặc thành phố chấp thuận phạm vi hoạt động tôn giáo bao gồm nhiều tỉnh thì phải do Thủ Tướng quyết định”.

Theo luật đạo Cầu Phong, Cầu Thăng cho Chức Sắc phải do cơ bút quyền Thiêng Liêng quyết định mà nay lại phải do chánh quyền chấp thuận trước thì Đạo Cao Đài mất hết ý nghĩa Thiêng Liêng của nó mà trở thành một tổ chức của phàm trần. Nghị quyết số 297 của Hội Đồng Chánh Phủ là một sợi dây xích hằng trói buộc Đạo Cao Đài một cách chặc chẽ, không phương cựa quậy.

Do vậy trong bản phúc sự chung niên 23/12 Mậu Ngọ (31/1/1978), Ngài và Ngọc Đầu Sư Cửu Trùng Đài dâng sớ xin ngưng các cuộc Cầu Phong, Cầu Thăng để giữ giá trị Thiêng Liêng cao quí phẩm tước của Chức Sắc và không chịu đặt Tôn Giáo Cao Đài quí trọng do Thượng Đế  lập thành dưới quyền của phàm tục.

Năm Mậu Ngũ (20/7/1978) chánh quyền Cộng Sản Tây Ninh phát động chiến dịch để lên án Đức Hộ Pháp và các vị lãnh Đạo tối cao của Đạo Cao Đài.

Ngày 13/12/1978 nhà nước ra Quyết Nghị giải tán hành chánh tôn giáo từ Trung Ương đến địa phương.

Ngày 4/2/Kỷ Mùi (1/3/1979) Hội Thánh ban hành Đạo Lịnh 01, Điều 1: giải tán hành chánh 05 và Điều 2: tái lập hành chánh 02 cấp.

Ngày 4-6-1980 Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết Định số 124/QĐ quản lý toàn bộ các cơ sở vật chất của Đạo, chỉ còn chừa lại Đền Thánh với Đông Lang và Tây Lang, Báo Ân Từ và Tây Lang Hộ Pháp Đường, Giáo Tông Đường, Trai đường…

Ngày 1-7-1980 của UBND Tỉnh Tây Ninh ra QĐ và số 191 giao thêm Nam Đầu Sư Đường và Nữ Đầu Sư Đường, Khách Đình và Nhà Thuyền… chánh quyền qui định hạn chế số người còn được ở trong Nội Ô Tòa Thánh còn lối 70 người mà thôi và về sau thâu hẹp còn lối 40 người.

Qua năm 1981, Ngài đau ruột thừa phải giải phẩu, phải nghỉ dưỡng bịnh một thời gian. Đến năm 1982 thì Ngài lâm bịnh đường tiểu không thông phải đi Sài Gòn trị bệnh nên việc Đạo trong khoản thời gian nầy Ngài cũng ít tham gia.

Năm 1983 Ngài bị chánh quyền quản chế 3 năm ở tư gia hằng tháng phải trình diện với quyền kiểm soát của chánh quyền xã ấp. UBND Tỉnh Tây Ninh mở phiên họp công khai hóa vụ án của Ngài bị kết tội chỉ Đạo và lãnh Đạo hai tổ chức chống chính quyền.

Đến ngày thứ Bảy 17/1/1987 (18 tháng 12 năm Bính Dần) Ngài đăng tiên.

 

 

  

Tóm lược tiến trình Ngài Ca Bảo Ðạo giao quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ngài Hồ Tấn Khoa. BBT tóm lược như sau.

Thứ nhứt.

Ngày 7-Giêng-Canh Dần (dl 23-2-1950), Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tại Báo Ân Từ. 

"Bần đạo đến cốt yếu đặng cậy Hộ Pháp, rằm tới đây làm ơn phò loan cho Ca Bảo Ðạo đến nói về vụ Ông Khoa.

Theo ý của Ca Bảo Ðạo thì Người nói rằng: Tốt hơn để cho Khoa tu luyện ít nữa mười năm thì mới đủ đạo đức tài tình mà chống cự cùng Cơ Khảo thí. Nếu đức tin chưa vững, e phải thối tâm thì rất nên oan uổng." 

Thứ hai.

Ngày 15-Giêng-Canh Dần (dl 3-3-1950), Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ.

"Bạn KHOA nghe:

Trước đã có lời hẹn với nhau,

Thì ơn tri ngộ đã dường nào.

Cửa Thiên đưa bạn vào chơn vị,

Cầm vững đạo mầu mới gặp nhau."

"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp, Bần đệ xin Ngài dìu dắt dạy dỗ dùm KHOA cho đến ngày đệ đến giao quyền Bảo Ðạo cho KHOA. Thầy đã chấp thuận và có Thiên thơ tiền định. Cái thiệt phận của KHOA, Người đã hiểu biết. Vậy, ngày nào Người chịu khảo duợt chẳng nổi thì Ngài nhắc nhở rằng: Cửa chứa chơn tinh phải cho xứng giá mới được." 

Thứ ba.

Ngày 13-8-Quí Tỵ (dl 20-9-1953), Ngài Ca Bảo Ðạo giáng cơ báo cho biết là ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ngài sẽ đến ban quyền Bảo Ðạo hữu hình cho Ông Hồ Tấn Khoa.

Khi Ông Khoa được Ðức Phạm Hộ Pháp cho biết tin nầy thì ngay đêm hôm sau là 14-8-Quí Tỵ (dl 21-9-1953), Ông làm một Bức Khải đốt dâng lên Ngài Ca Bảo Ðạo và Ðức Cao Thượng Phẩm.

Nguyên văn Bức Khải của ông Hồ Tấn Khoa:

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ  

(Nhị thập bát niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH  

                                                      

Thành kính bạch Ðức Ca Bảo Ðạo,

Ðệ tử là Hồ Tấn Khoa đặng nghe Ðức Phạm Hộ Pháp và quí vị Trần Khai Pháp với Lê Bảo Thế cho hay rằng, ngày rằm tháng 8 năm Quí Tỵ tới đây, Ðức Ngài sẽ đến để ban quyền Bảo Ðạo cho đệ tử.

Trước nhiệm vụ lớn lao ấy, đệ tử hết sức sợ sệt và lo lắng, vì đệ tử xét mình nặng mang phàm thể, phải bị lục dục thất tình trì níu, mà đệ tử chẳng đủ chí, đủ tài, đủ đức để chống chỏi cho nổi, nên với sức phàm nầy, đệ tử không sao gánh nổi nhiệm vụ giao phó.

Ðã vậy, từ ngày đệ tử đặng dịp về ở Tòa Thánh và hiểu biết mối Ðại Ðạo Cao Ðài thì đệ tử vẫn luôn luôn thắc mắc và khổ tâm khổ trí về chỗ Ðức Chí Tôn đã nói, mối Ðại Ðạo của Thầy chỉ có MỘT. Nhưng trái lại, sự thật hiển hiện trước mắt, đệ tử thấy nền Ðại Ðạo Cao Ðài hiện giờ chia ra đến 12 phái, mỗi phái đều lập qui mô sự nghiệp riêng, không sao hiệp nhứt đặng. Vì lẽ ấy nên khi nhập môn cầu Ðạo, đệ tử có lập đại nguyện xin với Ðức Chí Tôn ban bố huyền diệu giúp sức cho đệ tử đóng góp một phần công quả vào CƠ QUI NHỨT và cho đệ tử đặng thấy kết quả trong kiếp sanh nầy.

Bởi cớ nên đệ tử đã hết tâm gây dựng cho Phái Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh để lấy đó làm một cây cầu cho các Phái khác sớm hiệp về một mối.

Ðệ tử đã lao tâm khổ nhọc trong mấy năm trường, vừa hả dạ thấy Ðức Lý Giáo Tông chấp thuận chuẩn y phẩm vị (nhưng giáng nhứt cấp) cho các Chức sắc Tiên Thiên hiệp về Tòa Thánh, thì thình lình đất bằng sóng dậy, một cuộc khảo đảo quá sức nặng nề làm cho cây cầu Tiên Thiên phải tan rã theo bọt nước, và từ ấy CƠ QUI NHỨT phải bị bế tắc.

Ngày nay, Ðức Ngài định giao quyền Bảo Ðạo cho đệ tử thì đệ tử khép nép dưng bức Khải nầy, cúi xin Ðức Ngài mở lượng khoan hồng giúp xin hai điều sau đây, nếu đặng thì đệ tử mới dám nhận:

1/. Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Chí Tôn về hứa chắc với đệ tử rằng: Ðức Ðại Từ Phụ sẽ ban bố đầy đủ hồng ân, giúp cả về huyền diệu thiêng liêng và phương tiện hữu hình cho đệ tử thật hành trong kiếp sanh nầy đặng CƠ QUI NHỨT 12 phái Ðạo Cao Ðài hiệp về một mối, anh lớn em nhỏ thật tâm hòa hiệp, thương yêu vui vầy với nhau, chớ không còn chia rẽ nữa.

2/. Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm cố gắng thế nào cầu xin cho đặng Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp long trọng hứa sẽ thủ tiêu Ðạo Nghị Ðịnh số 8 để cho các Chi Phái dễ bề qui hiệp.

Ðó là đại nguyện của đệ tử, và đệ tử tin chắc rằng Ðức Ngài và Ðức Cao Thượng Phẩm, cùng luôn cả Ðức Lý Giáo Tông với Ðức Ðại Từ Phụ, Ðức Ðại Từ Mẫu đã soi tâm biết rằng đệ tử xin hai điều kể trên để thật hành đại nguyện của đệ tử là vì Thầy, vì Ðạo, vì chúng sanh, chớ đệ tử chẳng có mảy may nào tư kỷ.

Ngoài đại nguyện nầy, nếu Ðức Ngài còn cần giao phận sự chi khác cho đệ tử thì đệ tử xin nguyện hứa để hết tâm lo lắng, còn việc thành bại xin do nơi quyền thiêng liêng của Ðức Ngài xây chuyển, chớ sức phàm của đệ tử thì chẳng làm chi nên việc.

Ðệ tử thành tâm khấn nguyện Ơn Trên thương tình ban phước cho đệ tử đặng đắc thành sở nguyện thì đệ tử mới dám nhận chức BẢO ÐẠO, bằng không thì đệ tử xin cáo thối trước để làm một vị tín đồ mà thôi.

Ðệ tử đê đầu cúi tạ ơn Ðức Ngài.

Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 14 tháng 8 năm Quí Tỵ. 

(ký tên Hồ Tấn Khoa)

 

Thứ tư:

Ngày 15 tháng 8 năm Quí Tỵ, Ðức Cao Thượng Phẩm giáng cơ:

"Hồ Hiền đệ,

Bạn nên biết rằng, Chí Tôn dành cho mỗi đứa ta mỗi phận sự, mà phận sự chẳng hề đồng đều. Bạn biết rằng, có Trời mới có mình. Ai đã ngồi chờ Thiên mạng mà đặng nên, bạn đã tự hiểu, sứ mạng thiêng liêng của mình thì tự mình định liệu, bằng chẳng vậy, ngôi vị tạo thành mới xứng đáng vào đâu? 

Ca Bảo Ðạo đã cầu xin cho Hiền hữu nơi Ngọc Hư Cung định vị thì Hiền hữu cứ tuân lời, chẳng nên khước từ mà phạm Thiên điều.

Ông Hồ Tấn Khoa bạch: - Xin thâu hồi Ðạo Nghị Ðịnh thứ 8 để thống nhứt nền Ðạo.

Ðức Cao Thượng Phẩm: - Phải biết Thiên cơ không luật phàm nào sửa cải được. Ta mong muốn như thế nhưng nghịch Thiên điều thì oai quyền như Cổ Phật cũng không sửa cải được. Hiền hữu nên biết điều ấy. Chi chi cũng do Chí Tôn định liệu."

Do bức Khải nầy mà việc ban quyền Bảo Ðạo cho Ông Hồ Tấn Khoa bị Ngài Ca Bảo Ðạo đình lại một thời gian.

Thứ năm.

Ðến đêm mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (dl 11-21954), tại Cung Ðạo Tòa Thánh, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương giáng cơ xin với Ðức Phạm Hộ Pháp trao quyền Bảo Ðạo hữu hình cho Ông Hồ Tấn Khoa để HTÐ có đủ chư vị Thời Quân làm việc. 

 Bài giáng cơ như sau:

CA MINH CHƯƠNG

Chào Hộ Pháp Thiên Tôn, cùng chư vị Thời Quân HTÐ.

Cùng các bạn,

Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,

Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh lịnh.

Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ.

Hồ Hiền hữu! Bổn Quân lấy làm hữu hạnh đặng hiểu Hiền hữu kế nghiệp thì chỉ mong một điều trọng hệ hơn hết là trách vụ khó khăn cực nhọc ấy, Hiền hữu cán đáng kham tất.

Vậy Hiền hữu nên nhớ rằng, nghiệp thiêng liêng hằng tồn tại mãi, còn quán tục là thừa.

Hiền hữu nên nhớ mãi lời ký thác của Bổn Quân hầu ngày sau vui gặp nhau nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống. 

Bổn Quân xin nhượng cơ cho Cao Thượng Phẩm. 

THĂNG.

 

Tiếp điển:

CAO THƯỢNG PHẨM

Chào Hộ Pháp và các bạn.

Hộ Pháp làm ơn trấn thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ. Còn Khai Pháp lập Minh Thệ cho Người, có Bần tăng chứng giám.

THĂNG.

Thứ sáu.

Sau đàn cơ tại Cung Ðạo trên đây, Ðức Phạm Hộ Pháp lập Thánh Lịnh ban quyền Bảo Ðạo tại thế cho Ông Hồ Tấn Khoa.

 

 

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ  

(Nhị thập cửu niên)

TÒA THÁNH TÂY NINH  

                                                      

THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP

Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài

Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền ban quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp;

Chiếu y Ðạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (152-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Ðạo cho Hộ Pháp đến ngày có Ðầu Sư chánh vị;

Chiếu y Thánh Ngôn của Bảo Ðạo Ca Minh Chương đêm 9 tháng Giêng Giáp Ngọ (11-2-1954):

"Thưa Ðại huynh Hộ Pháp Thiên Tôn,

Ðệ xin giao nơi tay Ngài uy quyền Bảo Ðạo đặng Ngài ban lại cho bạn Hồ Tấn Khoa và lập Thánh Lịnh.

Bổn Quân Bảo Ðạo Ca Minh Chương tuân y mệnh lệnh của Chí Tôn và quyền Ngọc Hư phê chuẩn, giao chức tước quyền hành nơi thế về hữu vi nhi trị, còn phần thiêng liêng về phần Bổn Quân nắm giữ."

Chiếu y Thánh Ngôn của Ðức Cao Thượng Phẩm nói rằng: "Hộ Pháp làm ơn trấn Thần Thiên phục và ban Phép Giải Thể cho Hồ Hiền đệ, còn Khai Pháp lập Minh Thệ, có Bần tăng chứng giám." Nên:

THÁNH LỊNH:

Ðiều thứ nhứt: Kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh nầy, chức tước và phận sự Bảo Ðạo về mặt hữu vi, giao trọn cho Hồ Tấn Khoa đảm nhận.

Ðiều thứ nhì: Các cơ quan Chánh Trị Ðạo các tư kỳ phận thi hành Thánh Lịnh nầy.

Tòa Thánh, ngày 13 tháng 1 Giáp Ngọ. 

(15-2-1954)

HỘ PHÁP 

(ấn ký)