Tiểu sử xây bàn
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ |
(Ðệ Tứ Niên) |
TÒA THÁNH TÂY NINH |
|
TIỂU SỬ
Thượng
tuần tháng 6 năm Ất Sửu (1925) ông CAO QUỲNH CƯ đến nhà ông CAO HOÀI SANG thăm
chơi, để cùng ông Cao Hoài Sang và ông PHẠM CÔNG TẮC hàn huyên tình đời thế sự,
vì ông Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Cao Hoài Sang bên cạnh chợ Thái Bình
dãy phố hàng Dừa Sài Gòn.
Hết
hồi đàm đạo với chén trà câu thơ, giờ càng khuya, ông Cao Quỳnh Cư dường như có
Thần linh thúc giục hay vì linh tánh kích động mới nghĩ ra việc xây bàn tiếp
xúc với các vong linh khuất mặt, thì hai ông Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang
cũng đồng tình hưởng ứng.
Ba
ông mới đem ra trước hiên một cái bàn vuông bốn chân (1) rồi cả ba đồng để tay
lên bàn; chưa mấy phút thì cái bàn rung chuyển liền một cách nhẹ nhàng và nhanh
chóng, dường như hăm hở lắm vậy.
Tiếp
đó bàn bắt đầu nhịp chơn gõ chữ. bàn gõ một tiếng các ông đọc A, hai tiếng đọc
B, cứ như vậy đến khi bàn ngưng lại tại chữ gì thì lấy chữ đó, và cứ như vậy
ráp vần thành ra chữ và thành câu có ý nghĩa.
Ðêm
ấy có nhiều vong linh nhập bàn viết tiếng Anh, Pháp và Hoa, cũng có vong linh
học sinh Hà Nội viết tiếng Việt
Buổi
xây bàn đêm ấy là lần đầu tiên, có lẽ là có chư vong muốn nhập và tranh nhau
nói chuyện nên làm xáo trộn, cái bàn gõ khi chững chàng, khi lựng khựng, làm
cho ba ông càng ngạc nhiên lại thêm chán nản nhứt là ông Cao Quỳnh Cư nghi rằng
có hồn ma hay ngạ quỉ vô phá phách, liền đó ông đề nghị không tiếp nhận các
vong linh đó và đồng cùng hai ông ngưng việc xây bàn.
Qua
đêm sau, nhằm ngày 6 tháng 6 Ất Sửu (26-07-1925) ba ông lại tiếp tục xây bàn
nữa, vì tánh ba ông cũng hiếu kỳ muốn hiểu rõ hiện tượng kỳ lạ này coi tại sao
cái bàn linh động nhanh nhẹ và viết thành chữ nhiều thứ tiếng, và có ý nghĩa
nữa.
Ðêm
nay ba ông không gặp trở ngại nào mà lại tiếp đặng một bài thi bát cú, tự
thuật:
Thi
Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách, (2)
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.
Ký tên: Cao Quỳnh Tuân (Thiên Ðình)
Cao
Quỳnh Tuân chính là phụ thân của ông Cao Quỳnh Cư, ly trần hơn 25 năm về trước.
Ðọc
tới câu thứ bảy ông Cao Quỳnh Cư quá mủi lòng cảm động, lúc nầy hai ông Phạm
Công Tắc và Cao Hoài Sang cũng bùi ngùi; ông Cao Quỳnh Cư vội thốt: Thưa
Thầy(3), ngày mai con nấu một mâm cơm cúng, con kính thỉnh Thầy về chứng lòng
thảo của con. Vong linh nhập bàn, liền chuyển cái bàn, ngỏ ý khứng lời mời của
con và kế đó vong xuất.
Sau
khi tiếp đặng bài thơ Ðường luật, vừa cao sâu vừa thâm thúy vì quá hiển hích
đúng với lời của một từ phụ nhắn nhủ lại cùng con, tinh thần trí não của ba ông
càng thêm bấn loạn, vừa ngạc nhiên, vừa cảm phục văn chương và ý nghĩa bài thơ.
Qua
đêm mùng 10 tháng 06 Ất Sửu (30-07-1925), nghĩa là bốn đêm sau, ba ông cũng họp
lại tại nhà ông Cao Hoài Sang mở cuộc xây bàn nữa, kỳ này cái bàn lay chuyển
một cách khoan thai, dịu dàng đoán chừng như bóng dáng của một vị Tiên Nga hạ
trần, thì ra lời đoán không sai vì đó là vong linh một Nữ linh giáng Ðàn cho
thi.
Thi
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Ký tên: Ðoàn Ngọc Quế
Cũng
trong đêm nầy chúng tôi hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế đau bệnh chi mà thác, cô cho hai
bài thi tiếp theo:
Trời già đành đoạn nợ ba sinh,
Bèo nước xẻ hai một gánh tình.
Mấy bữa nhăn mày lâm chước quỉ,
Khiến ôm mối thảm lại Diêm Ðình.
***
Người thời Ngọc mã với Kim đàng,
Quên kẻ dạ đài mối thảm mang.
Mình dặn lấy mình, mình lại biết,
Mặc ai chung hưởng phận cao sang.
Ba
ông họa bài thi bát cú của Ðoàn Ngọc Quế dưới đây:
Họa
vận
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
Tình thâm một gánh còn dương thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
Ðể thảm xuân đường như ác xế,
Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.
Phạm Công Tắc
***
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
Mộ người quốc sắc đấng thiên tài.
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu tuyền hồn Quế linh xin chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.
Cao Quỳnh Cư
***
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai,
Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích,
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng tâm bao thuở nối,
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai.
Cao Hoài Sang
Ông
Cư hỏi: Ðoàn Ngọc Quế hồi còn tại thế xứ ở đâu?
Ðáp:
... ... Ở Chợ Lớn.
Hỏi:
... ... Cô học ở đâu?
Ðáp:
... ... Học ở trường Ðầm.
Bữa
sau ông mời ông Phạm Công Tắc và ông Cao Hoài Sang ra nhà ông xây bàn (xây ghế)
đặng mời Ðoàn Ngọc Quế về dạy làm thi. Ba ông cứ hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế những
việc Thượng giới thì cô cũng khứng giải cho hiểu việc Thiên cơ chút ít, nhờ cô
Ðoàn dùng huyền diệu độ ba ông và bố trí cho ba ông ham việc Thiên cơ hơn trần
thế.
Ban
ngày làm việc, ba ông trông mau tối để thỉnh bàn ra trước hàng ba, tắt đèn điện
phía trước đặng cầu hỏi Cô Ðoàn những việc cõi trên, và mỗi đêm mỗi cầu cô về
giải nghĩa mấy bài thi. Khi thì cô giáng, có bữa các Ðấng giáng. (Xin xem
tới mấy trang sau, có bài thi của quí cô và các Ðấng cho, mà có giải nghĩa và
dạy nhiều điển tích rất cao siêu nhiệm mầu).
Ðoàn
Ngọc Quế gọi ông Cư là Anh Cả, ông Phạm Công Tắc là Nhị Ca, ông Cao Hoài Sang
là Tam Ca, cô để cô là em thứ tư (Tứ Muội).
Ý tứ
bài thơ của cô Ðoàn Ngọc Quế lạ thường hay lắm thật là tuyệt bút.
Nhớ
lại hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925), ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi
in như say Ðạo) tính xây bàn cầu cô Ðoàn về dạy văn thi, ba ông để tay thì
dở bàn lên bổng có một ông giáng, tôi hỏi tên gì, thật rất lạ ... ... xưng là
A.Ă. gõ làm một bài thi dưới đây:
Thi
(Chí Tôn đến xưng là A.A.Â)
Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.
Ông
Phạm Công Tắc nghe dứt câu liền nói với ông Cư rằng: - Thôi anh, ai đâu mà nói
tiếng gì khó nghe quá, sao lại không có tên xưng là A.Ă.Â.
Ông
Cư nói với ông Phạm Công Tắc: - Ậy, em ngồi lại cho qua hỏi, vị nầy không phải
tầm thường đâu em.
Ông
Cư hỏi: - Ông A.Ă. mấy chục tuổi?
Ông
A.Ă. gõ bàn, đếm hoài không ngưng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi.
Liền đó ông Cư ngưng lại không dám hỏi nữa, và kiếm hiểu ông nầy ở trển chắc
lớn lắm.
Từ
đó về sau có vị nào giáng cho thi thì ông cầu ông A.Ă. xin giải nghĩa.
Lối
cuối tháng 7 năm Ất Sửu (1925) ba ông hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế rằng: Em còn có chị
em nào nữa biết làm thi em mời giùm, nói ba anh em qua có lòng ngưỡng mộ học
làm thi, xin cầu khẩn quý cô đến dạy ba anh em qua làm thi. Cô Ðoàn Ngọc Quế
trả lời: Có chị Hớn Liên Bạch, Lục Nương, với Nhứt Nương làm thi hay lắm.
Ba
ông rất mừng, nên tính mời quý cô ngày Rằm Trung Thu, vì là ngày tiết trăng
thanh gió mát, ngày ai cũng thích đi ngoạn cảnh ngắm trăng (chưng cộ đèn).
(1)
Cái bàn này hiện nay vẫn còn giữ kỷ niệm tại Thảo Xá Hiền Cung, hiện giờ là
Thánh Thất tại Tỉnh lỵ Tây Ninh.
(2)
Trong quyển Ðại Ðạo Truy Nguyên của cụ Huệ Chương ghi là:
"Bên màn đòi lúc trêu hồn phách".
(3)
Ông Cao Quỳnh Cư vốn quen gọi cha bằng Thầy.