Trang

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

4573. Bài 2, Đạo Sử Q 2.

 

2/ PHỔ ÐỘ LỤC TỈNH

 

Khai Ðạo xong rồi, việc phổ độ Lục Tỉnh, kể từ tháng 9 năm Bính Dần chia ra như vầy:


1.     Mấy ông Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Ðạo Quang, lo phổ độ trong mấy tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Ðốc, Hà Tiên, Rạch Giá. Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan.

2.     Mấy ông Lê Văn Lịch, Nguyễn Ngọc Tương, Yết Ma Luật lo phổ độ trong mấy hạt: Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre. Ông Nguyễn Trung Hậu và ông Trương Hữu Ðức phò loan.

3.     Mấy ông Lê Bá Trang, Vương Quan Kỳ, Yết Ma Nhung lo phổ độ trong mấy hạt: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Ðịnh, Biên Hòa, Bà Rịa, Sa Ðéc. Ông Cao Quỳnh Diêu và ông Cao Hoài Sang phò loan.

·         Ông Nguyễn Văn Tương và ông Nguyễn Văn Kinh là người rõ thông đạo lý, lại đi khắp nơi giảng Ðạo để độ rỗi người quen.

Kết quả cuộc phổ thông nầy rất nên long trọng, chỉ có một tháng mấy mà kể ra có mấy vạn người nhập môn cầu Ðạo.

Mùng 10 tháng 10 là ngày tạm ngưng việc phổ độ, để lo sắp đặt lễ Khánh Thành Thánh Thất ở Từ Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh).

 

Sự tích cảnh Chùa Từ Lâm Gò Kén

Cảnh chùa nầy vốn của Hòa Thượng Như Nhãn, ở chùa Giác Hải (Chợ Gạo) quyên tiền trong Bổn Ðạo của ông mà lập ra.

Tháng 7 năm Bính Dần (Aout 1926), ông tình nguyện dâng chùa ấy cho Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ để làm Thánh Thất. Khi ấy chùa cất mới vừa xong, nhưng chưa sơn phết, chưa tráng xi măng và chung quanh chùa vẫn còn bụi cây sầm uất.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ phải ra tiền lo việc ấy cho hoàn tất, lại còn dựng cốt Phật Thích Ca và khai thác các việc khác như là: Ðốn cây, trồng kiển, đắp đường cho xe hơi vô tận chùa và cất Tịnh Thất...

 

Ngày khai Thánh Thất

Ðêm 14 rạng mặt Rằm tháng 10 năm Bính Dần (18 Novembre 1926) là đêm làm Lễ Khánh Thành Thánh Thất Từ Lâm Tự.

Ông Lê Văn Trung thay mặt cho Bổn Ðạo mời đủ các Chức Sắc, Viên quan Lang Sa và An Nam đến dự lễ ấy. Chư Bổn Ðạo và Chư Thiện Nam Tín Nữ hiện diện kể đến hằng muôn. Hội Thánh tiếp đãi khách một cách ân cần trọng hậu. Ngoài cúng phẩm ra thì không thâu tiền bạc gì cả.

 

Dời Thánh Thất về làng Long Thành Tây Ninh

Vì cuộc biến nọ, vì trường công kích kia mà Hòa Thượng Như Nhãn ngã lòng và Bổn Ðạo của ông đã cúng tiền cất Từ Lâm Tự cũng vì đó mà buộc ông đòi Chùa lại.

Hội Thánh buộc phải giao Chùa lại cho ông Như Nhãn đoạn mới mua một sở rừng 140 mẫu giá 25 ngàn tọa lạc ở làng Long Thành. Khai phá được chừng 10 mẫu rồi mới cất Tòa Thánh tạm mà an bài nơi đó kể từ tháng 2 năm Ðinh Mão.

Lúc bấy giờ, Ðạo phải trải qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Ðạo, nhứt là ông Cao Quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (đời Pháp thuộc).

Ðến đây, tôi xin ngừng bút, tưởng bấy nhiêu đó cũng đủ cho quý độc giả rõ biết sơ lược về gốc tích Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Ðầu Sư THƯỢNG TRUNG NHỰT

Sài Gòn, Dimanche 24 Octobre 1926.
(Ngày 18-09-Bính Dần)