Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

4531. Bài 35, Đạo Sử Q 1.

 

35/- GIAI ÐOẠN DI CỐT PHẬT TỔ

Cốt Phật Tổ vì nặng quá, bởi con ngựa Kiền Trắc của Ðức Phật Tổ cỡi lớn và dài nên Ðức Thượng Phẩm phải kết hai chiếc xe bò lại để thỉnh cốt Phật lên.


Trong lúc sửa soạn thỉnh cốt Phật thì ông Chánh Tham Biện người Pháp cho một toán lính mặc đồ thâm núp dưới đường mương ngoài chong súng lên đặng bắn Ðức Thượng Phẩm. Tới chừng thấy rõ là thỉnh cốt Phật mới rút lui. Hội Thánh từ từ di cốt Phật về đất mới mua.

Ðức Thượng Phẩm đứng trên xe bò vịn Ðức Phật Tổ, thấy nghiêng bên nào thì hô lên để sửa lại ngay; đi từ 6 giờ chiều tới 2 giờ khuya mới đến Thánh Ðịa (ngay cửa Hòa Viện bây giờ). Trước cửa Hòa Viện có cây vên vên, đến đây di cốt Phật Tổ vào không được vì bị một cái đường mương lớn quá; Ðức Thượng Phẩm phải lập kế kiếm ván đặng lót xe vô mới được. Khi xe qua đường mương rồi thì tạm để cốt Phật Tổ nơi đây, vì Ðức Thượng Phẩm mệt đuối, nhào xuống đống lá khô trong rừng nằm nghỉ; tất cả Chức Sắc cũng nằm xuống đó nghỉ theo.

Xin nhắc lại khi mua đất nầy thì chưa tạo được cái nhà nào hết, chỉ có cái nhà bò của ông Aspar bán đất để lại (dãy nhà chỗ chợ Từ Bi, gần nhà Ðức Quyền Giáo Tông bây giờ) nhờ đó mà tạm dùng nhà bò nầy để làm trù phòng cho công quả ăn phá rừng, nên khi Ðức Cao Thượng Phẩm thỉnh cốt Phật về tới đây mệt lả thì Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã chuẩn bị nấu cháo sẵn rồi. Nữ phái khiêng cháo và nước qua cụm rừng để ăn cho đỡ dạ.

Nền Phật Tổ đã được Ðức Thượng Phẩm an vị giữa hai cụm rừng gần cây ba nhánh.

Lúc bấy giờ, Ðạo phải trải qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Ðạo nhứt là ông Cao Quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (thời Pháp thuộc).

Ðức Cao Thượng Phẩm vâng lịnh Ðức Chí Tôn phá rừng xong, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu Ðiện, Ðông Lang, Tây Lang, Trường Học, Trù Phòng (đều bằng tranh) và đào giếng (mà hiện giờ còn di tích mấy cái giếng gần Tòa Nội Chánh đó).

Thảm thay!

Trời đương thanh,
Biển đương lặng,
Gió đương êm.

Bỗng đâu đất bằng sóng dậy, nước lã khuấy nên hồ đem đến gieo ác cảm cho Ðức Cao Thượng Phẩm, làm cho Ðức Ngài phải về Thảo Xá Hiền Cung. Ðức Ngài quá buồn, vì vâng lịnh Ðức Chí Tôn về Tây Ninh mở Ðạo, Ngài phải bỏ sở làm chưa hưu trí, con còn đang du học tại Paris.

Nhớ lại lúc bỏ sở làm thì anh em bạn nói rằng: Thầy Tư, sao Thầy quá tin dị đoan; con còn đang học bên Pháp mà Thầy đi như vậy thì việc học của con phải dở dang sao?

Nhưng Ngài nhứt quyết nghe lời Ðức Chí Tôn dạy mà thôi, nên Ngài thu xếp gia đình, bỏ sở làm về Tây Ninh lo Ðạo, chịu biết bao nhiêu cảnh gian nguy vì xưa đến đây đầy những bụi cây, thú dữ phải ăn vác nằm sương mới tạo thành Tòa Thánh tạm và xây cất đủ mọi nơi thành khoảnh thì lại bị thiên hạ đuổi đi!!!

Ðức Ngài về Thảo Xá, vì buồn rầu, vì xấu hổ với anh em bạn, mặt mũi nào trở về sở làm được nữa, thế nên Ngài thất chí ước nguyện của Ngài không thành.

Vì khi ra đi Ngài quyết chí đem thân này làm con tế vật cho Ðức Chí Tôn sai khiến, nhưng cơ đời rất nên cay nghiệt, xảy đến nhiều nỗi tang thương cho gia đình Ngài. Ðức Ngài quá đau khổ có làm một bài thi tự thán như vầy:

Thi

Công trình gầy dựng Thất Tây Ninh,
Bằng địa sóng xao khiến rập rình.
Tà mị phàm rung rinh chất Thánh,
Mùa màng sâu phá hoại hồn kinh.
Xưa Tòa Thánh dập dìu lai vãng,
Nay Bửu Ðình hiu quạnh lụy nhìn.
Thương Ðạo mến Thầy xin sớm liệu,
Cộng tâm chung trí chớ làm thinh.

THẤT NƯƠNG

(cho Ðức Thượng Phẩm một bài thi như dưới đây)

Nghĩ giận mà ra bắt nực cười,
Nhờ ai an vị lại an nơi.
Trăm năm chưa giữ bền thân sống,
Một kiếp đã gây lắm tội đời.
Phẩm Phật ngôi Tiên ai dẫn nẻo,
Ngai Thần vị Thánh kẻ toan dời.
Nhắn lời nói với phường đen bạc,
Ðến cửa Thiêng liêng ngó mặt Trời.